“Chỉ với tay không, đôi chân và những động tác kỳ ảo, Lý Tiểu Long đã biến con người nhỏ bé của anh trở nên vĩ đại” (Tạp chí Time).
Sang Mỹ lập nghiệp từ năm 15 tuổi, Lý Tiểu Long sớm nổi tiếng với tư cách là một bậc thầy về võ thuật. Anh được mời đóng vai Kato trong loạt phim truyền hình Mỹ The Green Hornet (Thanh Phong Hiệp). Song danh tiếng nhỏ nhoi ấy vẫn chưa đủ mang lại ấm no cho anh, Lý Tiểu Long và gia đình vẫn luôn phải sống trong chật vật thiếu thốn.
Ở Hollywood, một diễn viên gốc Hoa như Lý Tiểu Long không thể nổi tiếng và có thể mãi mãi sẽ là như vậy, cho đến một ngày đầu năm 1971, ông Trâu Văn Hoài - tổng giám đốc của hãng phim Gia Hòa (Golden Harvest) ở Hong Kong - cử đại diện sang Mỹ mời Lý Tiểu Long về để đảm nhận vai chính trong một phim của hãng. Lý do mời anh là loạt phim The Green Hornet rất được yêu thích ở Hongkong.
1. Đường Sơn Đại Huynh (The Big Boss) - 1971
Bộ phim này do đạo diễn nổi tiếng La Duy (Lo Wei) thực hiện tại Thái Lan chỉ với kinh phí ít ỏi là 400 ngàn đô la Hong Kong, trong đó thù lao của Lý Tiểu Long là 15 ngàn USD. Trong phim này anh thủ vai Trương Triều Anh, một chàng trai Hong Kong giỏi võ, sang Thái Lan để tìm việc làm. Tại một xưởng sản xuất nước đá. Anh và các công nhân đã phát hiện ông chủ buôn lậu và vận chuyển ma túy.
Hong Kong lúc ấy đã là một cường quốc về phim võ thuật, nhưng chính họ cũng kinh ngạc trước những gì được thấy trong Đường Sơn đại huynh. Những cảnh đấm đá thật sự bằng hàng loạt những động tác liên hoàn mạnh mẽ dứt khoát, kèm theo những tiếng thét áp đảo đối thủ của một thần tượng võ thuật mới. Đặc biệt lần đầu tiên khán giả được chứng kiến thật sự trên màn ảnh những cú “tam cước” trứ danh của Lý Tiểu Long, mà trước nay chỉ được nói đến trên sách báo. Cũng từ Đường Sơn đại huynh, các fan yêu mến đã đặt cho anh biệt hiệu Lý Tam Cước!
Đường Sơn đại huynh đã phá kỷ lục doanh thu tại Hong Kong với 3,2 triệu đô la Hongkong, thổi bùng một “cơn bão vé” trên khắp châu Á. Chỉ sau một đêm, Lý Tiểu Long trở thành cái tên có giá trị nhất, đẩy các ngôi sao võ thuật hàng đầu của điện ảnh Hong Kong lúc ấy như Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Quang Thái… xuống hàng thứ hai!
2. Tinh Võ Môn (Fist Of Fury) - 1972
Thành công quá sức tưởng tượng của Đường Sơn đại huynh với ngôi sao mới Lý Tiểu Long, năm 1972, ông Trâu Văn Hoài thực hiện cấp tốc một bộ phim nữa với anh đóng vai chính, có tựa đề Tinh võ môn, cũng do đạo diễn La Duy thực hiện.
Theo ý kiến của đa số những người hâm mộ Lý Tiểu Long thì Tinh Võ Môn là bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của anh.
Theo ý kiến của đa số những người hâm mộ Lý Tiểu Long thì Tinh Võ Môn là bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của anh. .
Tinh Võ Môn dựa theo câu chuyện có thật về một võ đường tại Trung Quốc, trong thời kỳ bị Nhật chiếm đóng. Lý Tiểu Long thủ vai Trần Chân, đệ tử ưu tú nhất của võ đường, quyết định tự mình đột nhập vào sào huyệt của các võ sư Nhật, để rửa thù cho sư phụ và rửa nhục cho Tinh võ môn.
Cuối phim người xem được chứng kiến một bữa tiệc võ thuật đã mắt, mà đỉnh cao là trận tử chiến giữa Trần Chân với Petrov - một võ sư nước ngoài do người Nhật thuê. Thủ vai này là võ sư Robert Baker - ngoài đời là đệ tử của Lý Tiểu Long.
Theo ý kiến của nhiều fan hâm mộ thì Tinh võ môn là bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của Lý Tiểu Long. Đây cũng là bộ phim thúc đẩy lòng tự hào dân tộc của Hoa kiều trên thế giới, qua lời thoại bất hủ của Trần Chân: “Người Trung Quốc chúng tao không hề yếu đuối!” (Người Nhật trong phim này gọi người Trung Quốc là Đông Á bệnh phu). Với Tinh võ môn, Lý Tiểu Long đã được tôn vinh là “Người hùng Trung Hoa”.
Tinh võ môn đã đẩy sự hưng phấn của khán giả lên đến cực điểm, với món vũ khí lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh: Chiếc côn nhị khúc. Có thể nói Lý Tiểu Long là người đã thổi hồn và đưa thứ vũ khí rất khó sử dụng này lên ngôi. Cho đến bây giờ, dù đã xuất hiện đủ loại vũ khí lạ mắt trên màn ảnh, nhưng chiếc côn nhị khúc trong tay Lý Tiểu Long vẫn là ấn tượng hấp dẫn và đẹp mắt nhất. Sau phim này, các hãng đồ chơi vớ bở khi mặt hàng bán chạy nhất lúc đó là những chiếc côn nhị khúc… bằng nhựa!
Tuy không được tuyên truyền quảng cáo rầm rộ, nhưng chỉ với cái tên Lý Tiểu Long, doanh thu của bộ phim vẫn lên tới 4,4 triệu đô la Hong Kong, được khán giả và giới phê bình khen ngợi hết lời. Tinh võ môn đã đoạt giải Kim Mã năm đó, và mới đây đã được bình chọn vào danh sách “10 tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hong Kong”.
3. Mãnh Long Quá Giang (The Way Of The Dragon ) - 1972
Thành công của Tinh Võ Môn đã giúp Lý Tiểu Long thực hiện một quyết định quan trọng: Bỏ vốn cùng với nhà sản xuất Trâu Văn Hoài để thành lập hãng phim Hiệp Hòa. Và bộ phim trình làng của hãng mang tên Mãnh Long Quá Giang.
Ngoài việc thủ vai chính, lần đầu tiên Lý Tiểu Long thử sức trong vai trò đạo diễn với kịch bản do chính anh viết. Với mong muốn tiến vào thị trường Hollywood, anh mời 2 võ sư tên tuổi của Mỹ là Chuck Norris và Robert Wall cùng tham gia trong phim. Không chỉ có thế, để tạo sức hấp dẫn và mới lạ, Lý Tiểu Long đã không ngại tốn kém, kéo cả đoàn phim sang Roma để quay ngoại cảnh.
Trong phim anh đóng vai Trung Long, đến tận nước Ý xa xôi để giúp đỡ một người bạn đang mở quán ăn. Tại đây anh đã chặn đứng âm mưu muốn thôn tính tất cả các quán ăn của một ông trùm. Cảnh quyết đấu cuối cùng giữa 2 cao thủ Lý Tiểu Long với Chuck Norris - 7 lần vô địch Karate thế giới, lần đầu tiên đóng phim - tại đấu trường La Mã cổ đại Colosseum gây ấn tượng nhất đối với người xem. Khán giả chưa bao giờ được xem một cặp đấu võ thuật đỉnh cao như vậy trước đây. Cảnh này giờ đã trở thành một khoảnh khắc kinh điển trong lịch sử phim hành động võ thuật.
Với kinh phí 1,3 triệu đô-la Hong Kong, Mãnh Long Quá Giang đại thắng ở quê nhà với hơn 5,3 triệu đô la Hong Kong, doanh thu toàn cầu là 85 triệu USD, khiến cả thế giới biết tên anh. Kinh đô điện ảnh Hollywood rúng động, ngay lập tức hãng Warner Bros đã tìm đến và mời Lý Tiểu Long cộng tác. Anh rất phấn khích trước lời mời này nên đã tạm gác lại bộ phim đang thực hiện là Tử vong du hí để bay sang Mỹ bàn bạc kế hoạch.
4. Long Tranh Hổ Đấu (Enter The Dragon) - 1973
Đầu năm 1973, Lý Tiểu Long thực hiện được mơ ước của mình là đảm nhận vai chính trong một bộ phim kinh phí lớn của Hollywood. Long tranh hổ đấu là sự hợp tác giữa Mỹ và Hong Kong, lấy bối cảnh ở châu Á, do Robert Clouse đạo diễn. Trong phim Lý là một gián điệp Anh quốc nhận nhiệm vụ sang Trung Quốc tham dự cuộc thi võ thuật quốc tế thường niên, để truy tìm Hàn - một tên trùm tội phạm khát máu.
Đây là bộ phim pha trộn võ thuật và những tình tiết hấp dẫn kiểu phim hành động 007. Bộ phim được đầu tư 800.000 USD với sự tham gia của rất nhiều ngôi sao võ thuật quốc tế. Đặc biệt trong phim này, Lý Tiểu Long đảm nhiệm thêm phần chỉ đạo võ thuật. Với khả năng làm việc không mệt mỏi trong nhiều vai trò, có thể nói Long tranh hổ đấu chính là bộ phim anh đã bộc lộ trọn vẹn tài năng của mình.
Ấn tượng nhất trong phim này là cảnh tử chiến một chọi một giữa Lý và Hàn trong căn phòng treo đầy gương. Lý không vũ khí, trong khi Hàn có một bàn tay thép đầy móng vuốt sắc bén. Cảnh này cũng được xem là kinh điển trong lịch sử phim võ thuật.
Trong lúc khán giả hâm mộ trên khắp thế giới đang háo hức chờ xem cuộc “hôn nhân” đầu tiên của Lý Tiểu Long với Hollywood như thế nào, thì 3 tuần trước khi bộ phim chiếu ra mắt – ngày 20/07/1973, cả thế giới bàng hoàng trước hung tin: Lý Tiểu Long đột ngột qua đời!
Khi Long tranh hổ đấu công chiếu, sự thương tiếc của khán giả với ngôi sao yểu mệnh đã khiến bộ phim ăn khách cực kỳ trên thế giới. Với 3,3 triệu đô-la Hong Kong ở Hong Kong, 25 triệu ở Mỹ, và tổng cộng 90 triệu USD trên toàn thế giới, Long tranh hổ đấu trở thành bộ phim “hot” nhất trong các bộ phim của Lý Tiểu Long.
5. Tử Vong Du Hí (Game Of Death) - 1978
Sau khi Lý Tiểu Long đột ngột qua đời, anh để lại bộ phim dang dở Tử vong du hí chỉ mới quay được 40 phút. Năm 1978, trước cơn sốt Lý Tiểu Long vẫn chưa hạ nhiệt trên khắp châu Á và thế giới, các nhà sản xuất quyết định quay tiếp bộ phim này.
Họ kết hợp những cảnh Lý Tiểu Long đã quay, rồi chọn cao thủ taekwondo Hàn Quốc Kim Tai Chung, tên tiếng Hoa là Đường Long - có nhân dạng khá giống Lý Tiểu Long - để đóng thế anh trong những cảnh còn lại. Với chiêu bài quảng cáo “Bộ phim cuối cùng của Lý Tiểu Long”, khán giả ào ào mua vé vào xem những hình ảnh cuối cùng của thần tượng!
Tuy chỉ góp mặt có 40 phút trong Tử vong du hí, nhưng Lý Tiểu Long đã kịp để lại cho đời trọn vẹn một trường đoạn bất hủ. Đó là cuộc tỷ thí giữa Lý Tiểu Long với Kareem Abdul-Jabbar - một ngôi sao bóng rổ cao trên 2m - lừng lững như một ngọn tháp (ngoài đời Kareem chính là học trò của anh).
Lý Tiểu Long là một trong số ít ngôi sao hiếm hoi có sự nghiệp rất ngắn ngủi nhưng để lại ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của điện ảnh. Chỉ đóng 4 phim “rưỡi” trong vòng 3 năm trước khi đột ngột qua đời, tên tuổi của Lý Tiểu Long đã kịp sánh ngang với những huyền thoại bạc mệnh vĩ đại nhất của điện ảnh thế giới như James Dean và Marilyn Monroe.
Theo Bá Vũ
Thể thao Văn hóa