Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Bức thư thức tỉnh người cha tỷ phú

0 nhận xét
Giám đốc điều hành tập đoàn Pimco, ông Mohamed Al-Erian đã xin từ chức vì bức thư của cô con gái 10 tuổi. Rất nhiều người kinh ngạc khi một tỷ phú và là chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới lại có thể từ bỏ sự nghiệp vào lúc đang phong độ thế này.


Ông Mohamed Al-Erian đã từ chức vì cô con gái yêu của mình.


Quyết định từ chức Giám đốc điều hành Pimco (tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại California, Mỹ) vào tháng 5/2013 làm cả thế giới tài chính đều bất ngờ.

Trước những cuộc tranh luận tìm lý do ông đột nhiên từ bỏ sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao, giám đốc Mohamed Al-Erian đã tiết lộ lý do cho quyết định này: “Khoảng 1 về năm trước, tôi nhắc nhiều lần con gái tôi làm một việc gì đó, hình như là đánh răng thì phải, nhưng không được. Tôi nhắc nhở nó phải trả lời tôi ngay lập tức, đừng để tôi nhắc thêm lần nào nữa. Qua giọng điệu của tôi, con bé biết rằng lúc đó tôi rất nghiêm túc”.

Ông El-Erian nhớ lại: “Con gái bảo tôi chờ một lúc, nó đi vào phòng và bước ra với một mảnh giấy. Con bé đã viết một danh sách những sự kiện quan trọng của mình mà tôi đã bỏ lỡ vì bận công việc. Danh sách có 22 mục, từ ngày đầu tiên con bé đến trường, trận bóng đá đầu tiên, buổi họp phụ huynh đến lễ hội Hallowen,… Tôi cảm thấy thật khủng khiếp và bối rối. Với mỗi sự kiện của con gái, tôi đều có lý do để bỏ lỡ như đi công tác, có cuộc họp quan trọng, những cuộc điện thoại khẩn cấp, những công việc đột ngột. Nhưng tôi nhận ra rằng, mình đã bỏ lỡ một điều vô cùng quan trọng… Tôi đã làm tổn thương tình cảm cha con với con gái. Tôi đã không có đủ thời gian cho con”.

Lý do của ông khiến công chúng tán đồng, ông quả là một người cha tuyệt vời.

Kể từ khi từ chức, ông El-Erian có nhiều thời gian chăm sóc cô con gái nhỏ của mình hơn. Ông cũng có một công việc bán thời gian. Hiện ông là trưởng cố vấn kinh tế của tập đoàn Allianz.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Chuyện tình yêu của bốn mùa

0 nhận xét
Theo đuổi ước mơ không có gì sai. Điều quan trọng là chúng ta biết cách nhìn vào thực tế.

Một câu chuyện cổ tích của Nga kể rằng:

Khi Mùa Xuân chuẩn bị ra đi thì Mùa Hè đến. Mùa Hè mang đến cho Mùa Xuân một bó hoa hồng rất đẹp và nói :

- Mùa Xuân ơi, hãy tin tôi, tôi yêu em. Hãy ở lại với tôi. Chúng ta sẽ cùng đi chơi, đến tất cả những nơi mà em muốn.

Nhưng Mùa Xuân không yêu Mùa Hè. Và cô ra đi. Mùa Hè buồn lắm. Mùa Hè ốm, nhiệt độ lên cao. Mọi thứ xung quanh trở nên rất nóng.


Sau một thời gian, Mùa Thu đến, mang theo rất nhiều trái cây ngon. Mùa Thu rất yêu Mùa Hè. Cô không muốn Mùa Hè phải buồn.

- Mùa Hè ơi, đừng buồn nữa. Hãy ở lại với em. Em sẽ mang lại hạnh phúc cho anh.

Nhưng với Mùa Hè, Mùa Xuân là tất cả. Và anh ra đi. Mùa Thu khóc, khóc nhiều lắm. Mọi thứ xung quanh trở nên ướt át.

Một thời gian sau, Mùa Đông đến, mang theo cậu con trai Băng Giá. Những giọt nước mắt của Mùa Thu làm Băng Giá cảm thấy xao xuyến.

- Mùa Thu ơi, hãy ở bên tôi. Tôi sẽ xây cho em những lâu đài, những con đường bằng băng. Tôi sẽ hát cho em nghe những bài hát hay nhất. Hãy ở bên tôi.

- Không, Băng Giá ạ. Ở bên anh, tôi sẽ luôn cảm thấy lạnh lẽo thôi.

Và Mùa Thu ra đi. Băng Giá buồn lắm. Gió thổi mạnh. Chỉ trong một đêm thôi, mọi thứ trở nên trắng xóa bởi tuyết. Mùa Đông thấy con như vậy thì buồn lắm. Bà nói:

- Tại sao con không yêu Mùa Xuân ? Cô ấy đã đến và hứa sẽ mang lại cho con hạnh phúc.

- Không mẹ ơi, con không thích. Chúng ta hãy rời khỏi đây đi. Và họ ra đi.


Chỉ còn lại một mình Mùa Xuân. Cô khóc. Nhưng rôì, bất chợt Mùa Xuân nhìn ra xung quanh: “Ôi tại sao mình phải khóc chứ? Mình còn rất trẻ, và xinh đẹp nữa. Thời gian dành cho mình không nhiều. Tại sao mình không làm những việc có ý nghĩa hơn?”.

Và mọi thứ như sống lại: cây cối tươi xanh, ra hoa, đâm chồi, nảy lộc…

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Chuyện Trương Lương nhặt giày đắc đạo

0 nhận xét
Trương Lương, tự là Tử Phòng, danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Điển cố Trương Lương nhờ cúi mình nhặt giày mà đắc đạo thành danh trở thành câu chuyện kinh điển nhắc nhở con người về chữ Nhẫn.


Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là “Hán triều Tam kiệt”, đóng vai trò quan trọng giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán – Sở.

Trương Lương thuộc dòng dõi sĩ tộc nước Hàn thời Chiến Quốc, tổ tiên nhiều đời làm khanh sĩ. Ông nội Trương Lương là Trương Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu hầu, Hàn Tuyên Huệ Vương, Hàn Tương Ai Vương; cha ông là Trương Bình làm tướng quốc dưới trướng Hàn Li Vương, Hàn Điệu Huệ vương.

Lúc Tần diệt Hàn, Trương Lương cùng thích khách liều mạng ám sát Tần Thủy Hoàng tại Bác Lãng Sa. Nhưng quả chùy nặng 120 cân của ông đánh nhầm xe tùy tùng nên không giết được vua Tần. Tần Thủy Hoàng nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh truy nã thích khách trên toàn quốc. Trương Lương phải cải họ đổi tên, ẩn trốn tại Hạ Bì (một huyện thuộc Giang Tô ngày nay).

Có lần, Trương Lương nhàn rỗi tản bộ trên một cây cầu ở Hạ Bì thì xuất hiện một ông lão từ xa đi tới. Ông lão cố ý tháo một chiếc giày ra, ném xuống dưới cầu, rồi quay lại nói với Trương Lương: “Tiểu tử, xuống nhặt lên hộ ta!” Trương Lương ngạc nhiên bởi giọng điệu khó nghe của ông lão, định gây sự lại, nhưng thấy ông lão đã lớn tuổi nên chàng cố nhẫn nhịn, lội xuống sông nhặt chiếc giày lên. Ông lão lại giơ chân lên bảo: “Mang vào!” Trương Lương thầm nghĩ: “Dù gì thì mình cũng đã nhặt lên rồi, mang vào cho ông ấy cũng được thôi”, bèn quỳ gối xuống xỏ chiếc giày vào chân cho ông lão. Đợi Trương Lương mang giày cho mình xong, ông lão liền cười lớn rồi bỏ đi. Trương Lương nhìn theo bóng ông lão khuất xa mà trong lòng không khỏi cảm thấy lạ kỳ.

Đi được một đoạn, ông lão quay lại nói với Trương Lương: “Tên tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Năm ngày sau vào lúc sáng sớm, ngươi hãy quay lại đây gặp ta”. Trương Lương thấy thâm ý của ông lão khó dò, chỉ biết quỳ xuống “xin vâng” một tiếng.

Năm ngày sau, trời vừa tờ mờ sáng, Trương Lương đã đến nơi hẹn, không ngờ ông già đã có mặt ở đấy từ lúc nào, trông thấy Trương Lương, ông nổi giận nói: “Có hẹn với người lớn tuổi mà mi lại đến trễ, như vậy có được không? Sáng sớm năm ngày sau hãy đến”. Nói xong liền quay lưng đi mất. Qua năm ngày, lúc gà vừa gáy sáng, Trương Lương đã đến bên đầu cầu, oái ăm thay ông lão cũng đã có mặt ở đó, ông lão lại trách Trương Lương vì sao đến trễ, bèn đuổi Trương Lương về và nói năm ngày sau nữa hãy tới. Lần sau thì Trương Lương không dám trễ nữa, nửa đêm canh ba đã lò dò đến bên cầu đứng đợi. Một lúc sau ông già xuất hiện, nhìn thấy Trương Lương, ông bảo: “Phải vậy chứ!”.

Sau đó, ông lão lấy ra một cuộn sách tre và nói: “Đọc cuốn sách này có thể làm thầy cho bậc vương giả, sau 10 năm thì có thể nổi danh. Mười ba năm sau con có thể gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng tức là ta đó.” Nói rồi ông lão bỏ đi mất, từ đó Trương Lương không còn gặp lại ông nữa. Trương Lương mang cuộn sách về nhà, đốt đèn lên xem, hóa ra đó là bộ “Thái công binh pháp” đã thất truyền. Trương Lương như đắc được bảo vật, ngày đêm nghiền ngẫm đọc sách. Mười ba năm sau, Trương Lương cùng Lưu Bang đi qua Tế Bắc, quả nhiên nhìn thấy dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng, Trương Lương liền mang về. Lúc mất, con cháu của Trương Lương đem thi thể ông an táng cùng tảng đá. Vì vị cao nhân truyền bộ binh pháp ấy cho Trương Lương không để lại danh tính nên hậu nhân gọi ông là Hoàng Thạch Công.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Gió thổi cát bay đi, thời gian lưu dấu đá

0 nhận xét
Cảm xúc chỉ là điều chúng ta lựa chọn, sao cứ phải để chúng dẫn đường cho lý trí và tình cảm chân thật.

Có một đôi bạn thân cùng dạo bước trên sa mạc, họ đang nói chuyện rất vui vẻ thì xảy ra một mâu thuẫn nhỏ, dần dần càng trở nên gay gắt. Trong lúc không giữ được bình tĩnh, một người đã quay sang tát người bạn của mình. Cái tát rất đau, cảm thấy thực sự bị tổn thương, nhưng người kia đã không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi”.

Họ tiếp tục cuộc hành trình cho tới khi tìm thấy một nguồn nước trong mát. Quá vui mừng, họ quyết định sẽ nghỉ chân và tắm ở nơi này. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng bị lún sâu. Trong lúc tưởng chừng như đã gần với cái chết, thì người bạn đồng hành đã kịp thời cứu được anh.
Gió thổi cát bay đi, thời gian lưu dấu đá.


Ngay sau khi vừa thoát khỏi bàn tay của tử thần, người bạn suýt bị chết kia đã khắc lên một phiến đá dòng chữ: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”. Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?”

Người bạn mỉm cười đáp lại: “Khi có ai đó làm ta đau, ta nên viết nó lên cát – nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan mọi trách hờn…và khi nhận được những niềm vui hay hạnh phúc từ người khác, ta phải ghi khắc thứ ấy lên đá – nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi”.

Hãy học cách viết nỗi đau lên cát và khắc tạc những niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời lên đá để thời gian lưu giữ mãi.

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

[Suy ngẫm] Khi chúng ta… ghét một ai đó!

0 nhận xét
Viết trong một đêm ý tưởng bay biến đâu mất và chẳng biết phải làm gì, chợt nhớ về những điều ngẫm nghĩ được, những điều trải nghiệm được.


Bỗng nhiên bật cười một cách nhạt nhẽo… có khi nào mình đang là những kẻ như thế… và biết đâu sẽ đến lúc là nạn nhân!? Thành kiến – lỗi lầm và sự tha thứ… suy nghĩ thế nào khi chúng ta ghét một ai đó. Chúng ta đang trở nên như thế nào?



Có một câu chuyện vui mà hồi nhỏ tôi thường được nghe các ông bác lớn tuổi kể, đó là chuyện về một gã bị mất một món đồ nhưng lại không biết ai là thủ phạm. Thế là gã nghi ngờ người hàng xóm đã lấy cắp nó, vì hai nhà chỉ cách nhau có cái hàng rào mỏng manh. Và thế là mọi hành động gì của ông hàng xóm trong mắt gã đều thật là đáng ngờ… và đáng ghét – đại loại như: Cái tướng hắn đứng trước sân thật đúng là cái dáng của kẻ cắp. Cặp mắt này đích thị là của quân đầu trộm đuôi cướp không lẫn vào đâu được. Đấy… nó lại nhìn sang nhà mình… chắc là tính trộm vặt thứ gì tiếp theo đây mà… Thứ gì rảnh rỗi gớm…cứ chiều là vác bàn cờ ra đầu ngỏ… định làm kẻ học thức, tính che mắt thiên hạ cái tính bẩn thỉu của mình đây mà. Đấy… lại tổ chức tiệc tùng… chắc toàn là tiền trộm cắp được mà có chứ gì. Lại đi quanh quẩn trong sân rồi… định chờ xem nhà mình hớ hênh thứ gì rồi lại tiện tay vác về đây mà… Đấy, đấy lại nuôi chó… đúng kẻ tiểu nhân – nghĩ ai cũng trộm cắp như hắn hay sao mà phải đề phòng. Cả con chó cũng giống chủ, sủa lên là nghe phát bực…

Gã phán xét bất cứ thói quen, hành động, lời nói nào hay mọi sinh hoạt từ nhà của ông hàng xóm và đều quy cho nó vào cái lốt đang giả tạo nhằm che dấu ý đồ bất chính, nhà hàng xóm là thứ đáng ghét cần đề phòng. Rồi đến một ngày, gã tìm thấy lại món đồ của mình mắc kẹt ở một xó xỉnh nào đó. Gã chợt thấy người hàng xóm trở nên bình thường hơn bao giờ hết. Cũng từ lúc đó gã lại nghĩ: Ờ… nhà hắn thì hắn đi quanh quẩn ở đó thì cũng đúng… cũng chẳng có liên quan gì đến mình nhỉ! Ờ… hắn có tiền… có nhiều bạn bè thì hắn tổ chức tiệc… thì cũng bình thường thật! Hắn có nuôi chó thì… cũng đâu có sao.

Cái sự ghét một ai đó vì có thành kiến từ trước nó như vậy đấy.

Tiếp theo, hãy nói về lỗi lầm và sự tha thứ.

Tôi phải thú nhận rằng trước đây… nếu không có những phút nhìn lại chính mình chắc tôi sẽ vẫn còn đi quá xa và cay nghiệt, đay nghiến khi một ai đó gây nên lỗi lầm động chạm đến mình cho đến tận bây giờ.

Chắc là do tôi may mắn đọc được một truyện ngắn. Câu chuyện nói về hai vợ chồng nhà nọ và người đàn ông phạm một sai lầm làm tổn thương cho người vợ. Anh chồng sau một thời gian ăn năn và đối đãi với chị tốt hơn ban đầu bội phần để bù đắp cho lỗi lầm đó. Chị vợ nói rằng sẽ tha thứ nhưng kỳ thật lại gim nó trong lòng, không cần khi có chuyện cơm không lành canh không ngọt thì chị mới bơi móc quá khứ ra mà bất kể lúc nào được dịp than thở là chị cứ tuôn ra bài than vãn… sở dĩ ông ấy tốt là vì trước đây như thế… như thế chứ có phải thật lòng gì. Lâu dần nó thành thói quen, nó biến người vợ cứ mở miệng ra là chỉ có chì chiết mắng nhiếc nói lời cay độc. Và rồi người ta chỉ thấy một cô vợ chua ngoa đanh đá không coi trọng chồng chứ không hề thấy một anh chồng tệ bạc chẳng ra gì như lời chị nói.

Vậy đấy, đôi khi tôi nghĩ cái gì cũng có giới hạn của nó nhỉ? Không ai cấm chúng ta giận dữ hay phải kìm nén cảm xúc và gò từng lời nói thành hoa mỹ khi bị xúc phạm.



Nhưng cũng như trong âm nhạc vậy, ca khúc nào càng tinh tế, ca từ có thẩm mỹ, càng hàn lâm cao cấp thì càng khó tiếp cận được tầng lớp thưởng thức bình dân. Cũng giống như người càng trí thức họ càng ít chửi thề.


Việc giữ quá lâu trong mình những suy nghĩ tiêu cực cũng giống như việc bạn đang mang thuốc độc để diệt người khác mà quên rằng thứ độc đó cũng đang ngấm vào chính bản thân mình. Chẳng ai là hoàn mỹ để không mắc sai lầm, mà dù có là thánh vẫn mắc những sai lầm thôi. Bởi có sai lầm mới có dịp nhìn lại và biết mình đã đi đúng hướng hay chưa. Đừng tin vào những ai chỉ khoe mình hoàn hảo, đừng làm ăn với những kẻ nói rằng chưa bao giờ thất bại. Và cũng nên nghi ngờ trước những ai mà luôn tốt với bạn một cách không vụ lợi.

Tôi rất tâm đắc khi đọc được trên Facebook của một người bạn một Status – có lẽ là được lan truyền rất nhiều trên mạng xã hội và nhiều người cũng biết rồi. Nó khá ý nghĩa:

Chê ai đó xấu – không làm bạn đẹp hơn.
Mắng ai đó ngu ngốc – không giúp bạn thông minh thêm.
Nhục mạ ai đó – không làm tăng giá trị của bạn.
Gây ra nỗi đau và bất hạnh cho người khác – không có nghĩa sẽ làm bạn hạnh phúc.




Tôi tặng cho chính mình Entry này, để nhắc nhở bản thân hãy luôn cố gắng tỉnh thức và sáng suốt. Trong từng suy nghĩ – hành động và lời nói. Bởi không biết một lúc nào đó mình sẽ gây tổn thương cho người khác vì những vô tình, những phút giận quá mất khôn hay vì mù quáng và sự tha thứ chỉ trên lời nói.

Nếu được hãy luôn nhớ đến hình ảnh của Gió – sự tồn tại chỉ là vô thường – buông bỏ được thì buông bỏ. Thế giới này vận động và tồn tại trong sự cân bằng. Khi ghét một ai đó chúng ta có thể trở nên hồ đồ và đánh mất chính mình và… khi chúng ta YÊU một ai đó cũng nên nhìn từ góc độ này.

Một lần nữa, hãy luôn thận trọng, sáng suốt và cân bằng.

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Cha kể tôi nghe câu chuyện về ‘Thiện Ác báo ứng’

0 nhận xét
Cha tôi từng kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện, nhưng có hai câu chuyện mà tôi vẫn luôn nhớ như in trong đầu.



Câu chuyện kiến báo ân

Cổ đại có một người lên Kinh thành ứng thí, trên đường bỗng cảm thấy khát nước, bèn đi tới bờ sông uống nước, thì nhìn thấy trên mặt nước có một con kiến đang vùng vẫy, anh ta nhanh chóng dùng tay vớt chú kiến lên trên mặt đất.

Sau khi được cứu sống, chú kiến âm thầm bò vào túi đồ của anh ta.

Người này sau đó tới Kinh thành nộp bài thi. Quan khảo đang xem bài thi thì phát hiện có một con kiến nằm bất động trên đó, ông bèn dùng tay chuyển nó qua một bên, nhưng con kiến lại bò trở lại chỗ ban đầu, quan khảo lại nhấc nó qua một bên, nhưng con kiến vẫn bò trở lại chỗ cũ, liên tiếp 3 lần như thế.

Sau khi định thần lại, Quan khảo bỗng nhiên minh bạch: Thì ra chỗ mà con kiến nằm chính là vị trí mà người làm bài thi viết thiếu một dấu chấm, quan khảo bèn nói với chú kiến: ngươi đi đi, ta sẽ tuyển chọn anh ta là được chứ gì.

Câu chuyện sát sinh chịu báo ứng

Câu chuyện này xảy ra tại quê nhà của cha tôi. Có một người đem một ổ mèo con vào lò lửa thiêu chết. Qua một thời gian không lâu, một ngày anh ta đột nhiên trèo lên cây kêu với âm thanh của mèo.

Dân làng trong thôn liền tới gọi anh ta xuống, nhưng anh ta không nghe, vẫn cứ tiếp tục kêu, một người dắt một con chó vàng to tới gốc cây sủa oang oang, lúc này mới dọa được anh ta, anh này liền không kêu nữa.

Sau này mọi người mới hỏi anh ta sự tình rốt cuộc là sao, anh ta mới kể lại câu chuyện trên.

Thật đúng là Thiện Ác tất sẽ có báo ứng!

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Hoàn cảnh không quyết định tất cả

0 nhận xét
Trong cuộc sống, ko có trở ngại nào lớn bằng việc tự cho bản thân mình cái quyền được vấp ngã.

Hai đứa trẻ nọ có một người cha suốt ngày say xỉn. Tuổi thơ của chúng trôi qua với hình ảnh một người cha rất đáng sợ mỗi khi nhậu say về. Năm tháng qua đi, hai cậu đã lớn và mỗi người có một cuộc sống riêng.

Một nhà tâm lý học đi tìm thực tế cho bài nghiên cứu “Tác động của sự say xỉn” đã tìm đến hai người. Một người giờ đây đã trở thành phiên bản mới của cha cậu ngày xưa: một tay bợm nhậu suốt ngày chìm trong bia rượu. Còn người kia lại là một trong những người đi đầu trong việc phòng chống bia rượu.

Nhà tâm lý học hỏi người đầu tiên:

- Tại sao anh trở thành bợm nhậu?

Và hỏi người thứ hai:

- Tại sao anh lại tham gia phong trào bài trừ rượu bia?

Các bạn biết không, thật là bất ngờ, cả hai cùng đưa ra một câu trả lời:

- Có một người cha như vậy đương nhiên là tôi phải trở thành người như thế này rồi.

Có một câu danh ngôn:

“Cảnh khổ là một nấc thang cho bậc anh tài, một kho tàng cho kẻ khôn khéo, một vực thẳm cho kẻ yếu đuối.”

Quả thật, trong cuộc sống ko có trở ngại nào lớn bằng việc tự cho bản thân mình cái quyền được vấp ngã.

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Hạnh phúc trong chính tâm hồn mỗi người

0 nhận xét
Kể từ đó, con người cứ mải miết tìm kiếm hạnh phúc ở khắp nơi, mà không biết rằng hạnh phúc bị giấu ngay trong chính tâm hồn mình.


Ngày xưa, có một bầy yêu tinh tập hợp lại với nhau để lên kế hoạch làm hại con người. Một con yêu tinh lên tiếng: “Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?”

Một con yêu tinh khác lên tiếng: “Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người. Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được.”

Một con yêu tinh cho ý kiến: “Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao nhất thế giới.”

Con yêu tinh khác phản đối: “Con người rất khỏe mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi đối với họ không có gì khó khăn.”

“Vậy thì chúng ta sẽ đem hạnh phúc ném xuống đáy biển sâu.”

“Không được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống tận đáy biển. Rồi tất cả mọi người sẽ biết.”

Một con yêu tinh trẻ có ý kiến: “Hay là chúng ta đem giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác.”

Con yêu tinh già phản đối: “Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi.”

Suy nghĩ hồi lâu, có một con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng: “Tôi biết phải giấu hạnh phúc ở đâu rồi. Hãy giấu nó ở chính bên trong con người. Đa số con người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi và bao giờ họ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình. Giấu nó ở đó thì con người không bao giờ tìm thấy!!!”

Tất cả các con yêu tinh đều đồng ý. Và kể từ đó, rất nhiều người mãi miết kiếm tìm hạnh phúc mà không biết rằng nó được giấu ngay trong tâm hồn của chính mình.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Con không còn bé đâu, mẹ ơi!

0 nhận xét
“Vì mẹ luôn cần có con bên cạnh, nên con phải giả bộ làm em bé thêm một thời gian nữa.”
Họ là một gia đình hạnh phúc có bốn cô con gái cùng học chung một trường. Các cô bé đều học giỏi và thân thiện. Nhưng cô con gái út Janice, học sinh của lớp tôi, thì dường như lúc nào cũng bám váy mẹ. Ba cô chị thường đến trường bằng xe buýt mỗi ngày, còn Janice thì lúc nào cũng được mẹ chở đi học và chỉ vào lớp vừa kịp lúc chuông reo. Mẹ nó phải quanh quẩn ở đó cho đến khi con bé có vẻ chấp nhận và tham gia vào một trò chơi nào đó, rồi bà ấy mới rón rén ra về.

Một hôm, mẹ Janice gọi điện thoại xin một cuộc hẹn với tôi để trao đổi một việc. Bà ấy bước vào trông có vẻ mệt mỏi, hình như đang có chuyện phải lo nghĩ. Bà ấy nói bằng một giọng nói nhỏ xíu: “Chồng tôi sẽ đi công tác ở Châu Âu khoảng hai tuần, và anh ấy muốn tôi đi cùng. Tôi đã cố giải thích rằng Janice rất cần có tôi bên cạnh, nhưng anh ấy cương quyết nói rằng con bé sẽ tự lo được nên tôi không còn cách nào khác; tôi phải đi cùng anh ấy. Tôi đã bảo với cô trông trẻ là mỗi sáng cô ấy phải chở con bé đến trường rồi trông chừng cho đến khi nó hòa nhập với các bạn. Để con bé không lo lắng, tôi muốn cô ấy đến đón nó sớm hơn thường lệ. Xin cô giúp đỡ cháu và quan tâm đến cháu hơn trong khoảng thời gian này, được không ạ? Kể từ lúc con bé ra đời cho đến nay, tôi chưa từng rời xa nó ngày nào. Nó còn bé quá, lại yếu đuối nữa, tôi muốn đảm bảo rằng mọi việc đều tốt đẹp cho nó khi tôi đi vắng”.


Rồi bà ấy dừng lại lo lắng, nhưng tôi đã lên tiếng cam đoan với bà ấy rằng chúng tôi sẽ cố hết sức để giúp đỡ cho Janice và quan tâm đến sức khỏe cũng như trạng thái của nó khi không có mẹ bên cạnh. Tôi còn hứa là sẽ đón con bé ngay ở ngoài xe để nó an tâm hơn. Mẹ Janice cảm ơn tôi vì đã thông cảm cho bà ấy.

Sáng thứ Hai, đoán trước thế nào con bé cũng khóc lóc đòi mẹ nên tôi đã lên kế hoạch tổ chức những trò chơi vui nhộn. Đầu giờ, tôi đứng bên ngoài chờ đón Janice. Chiếc xe buýt trờ tới, nhưng lần này không phải là ba mà là cả bốn chị em cùng bước xuống xe. Chào tạm biệt các chị, Janice nhảy chân sáo cùng hai đứa bạn chạy vào lớp.

Tôi chầm chậm bước vào sau, gọi Janice và hỏi xem nó đi xe buýt cảm thấy thế nào. Con bé vội vàng bảo với tôi ngay: “Lúc nào con cũng muốn đi xe buýt cùng các bạn, nhưng tại vì mẹ luôn cần có con bên cạnh. Chẳng còn ai nhỏ hơn, nên con phải giả bộ làm em bé thêm một thời gian nữa. Còn bây giờ khi mẹ đi vắng rồi, mỗi ngày con sẽ đi học bằng xe buýt, con đã Năm tuổi rồi chứ bộ”.

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Chuyện ở đời…đừng vội phán xét ai

0 nhận xét
Chuyện ở đời muôn hình vạn trạng, đừng vội nhìn, đừng vội phán xét vì đơn giản rằng chúng ta là … người ngoài cuộc.


Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ.

Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…………..

Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”

Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi.”

Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!”

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”

Học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.”

Thầy giáo xúc động: “Trả lời rất đúng.”

Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã giành lấy cơ hội sống duy nhất về mình. Trong nhật ký viết rằng : “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”

Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.

Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.

Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa của trách nhiệm.

Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu được sự trân quý của người bên cạnh mình.

Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn.

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Hạnh phúc bình dị

0 nhận xét
Một ngày cúp điện cuối tuần giúp chúng ta nhận ra còn biết bao hạnh phúc bình dị đang ở quanh mình.


Ngày chủ nhật, cả khu phố bị mất điện.

Không khí chung quanh có vẻ khá ngột ngạt: Ông bố tiếc rẻ vì bỏ lỡ mất chương trình “Ở nhà chủ nhật” trên tivi; cậu con trai thì buồn thiu vì trò chơi “Rockman” của cậu đang đến hồi quyết liệt; cô con gái càu nhàu vì không nghe được “Nhịp sống sôi động” trên radio; còn mẹ thì bận bịu dưới bếp với mớ than củi lem nhem cho buổi liên hoan món nướng của cả nhà, và đành tự nhủ “thịt nướng tự nhiên chắc ngon hơn nướng bằng lò viba thông thường!”. Mọi hoạt động dường như ngừng trệ.

May thay trời có chút gió. Nhà nào cũng mở toang cửa để đón gió mát. Trẻ con hàng xóm suốt ngày bị cha mẹ đóng cửa bắt ở nhà, bây giờ có dịp tìm thấy nhau, ríu rít bày đủ trò chơi làm rộn cả xóm.

Người lớn cũng bắc ghế ra sân hóng gió, nhìn nhau cười gật đầu rồi rôm rả trò chuyện thân tình.

Con gái xuống bếp phụ mẹ quạt than hồng, mùi thịt thơm quyện với gió, mắt mẹ nhìn long lanh. Con trai lui cui giúp bố sửa chiếc xích đu ngoài vườn, vừa làm vừa tâm sự tỉ tê, thấy cha con gần nhau hơn…

Một ngày cúp điện cuối tuần để nhận ra còn biết bao hạnh phúc bình dị đang ở quanh mình. Cần lắm chứ!

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Thành ngữ điển cố: Võng khai nhất diện

0 nhận xét
Thương Thang nói với người đàn ông rằng cách làm của ông ta quá tàn nhẫn vì ông không tha cho con chim nào thoát được dưới tấm lưới của mình, và rằng ông nên để lại ít nhất một mặt lưới mở. 



Khoảng năm 1766 TCN, người cai trị cuối cùng của triều đại nhà Hạ cực kỳ bạo ngược và phóng đãng. Điều này tạo ra sự căm phẫn, bất bình trong dân chúng.

Để giúp dân thoát khỏi cảnh lầm than này, Thương Thang đã đứng lên lật đổ bạo chúa, sau đó lập nên triều đại nhà Thương (1600-1066 TCN).

Từ khi Thương Thang còn là người đứng đầu bộ tộc Thương, ông được người dân rất mực tôn kính bởi sự từ bi và tình thương đối với tất cả chúng sinh.

Một ngày nọ, trong khi Thương Thang đang bách bộ nơi thôn dã, ông bắt gặp một người bắt chim giăng một tấm lưới lớn trải rộng ra như một cái chuồng và lầm bầm: “Lũ chim chóc các ngươi mau tới đây đi, mau bay vào lưới của ta đi. Bất kể có bay thấp bay cao, bay Đông bay Tây gì thì cũng bay hết vào lưới ta đi!”

Thương Thang dừng lại và nói với ông ta rằng cách làm của ông quá tàn nhẫn vì ông không tha cho con chim nào thoát được dưới tấm lưới của mình, và rằng ông nên để lại ít nhất một mặt lưới mở.

Thương Thang cắt ba mặt của tấm lưới và sau đó thì thầm: “Chim ơi, thích bay bên phải thì cứ bay bên phải, thích bay bên trái thì cứ nhắm bên trái; còn nếu thật sự mệt mỏi với cuộc đời này thì hãy sà vào lưới ta!” Tất cả mọi người, kể cả người đàn ông đã giăng lưới, đều cảm động vì tấm lòng của Thương Thang đối với loài chim. Họ nhận ra ông là một người có nhân cách tuyệt vời.

Tin lành đồn xa, người đứng đầu các bộ tộc khác sau khi được nghe kể về câu chuyện này, đều quyết lòng dốc sức, nguyện trung thành với Thương Thang cùng sự tin tưởng tuyệt đối rằng, ông sẽ là một vị vua tốt.

Thương Thang nhận được sự ủng hộ của hơn 40 bộ tộc, tạo lập nền tảng thuận lợi giúp ông chấm dứt sự thống trị độc đoán của triều đại nhà Hạ; qua đó, ông trở thành người sáng lập triều đại nhà Thương.

Câu thành ngữ Võng khai nhất diện (網開一面) cũng từ đó mà thành. Nó có nghĩa là ‘lưới mở một mặt’. Ban đầu, thành ngữ này đọc là Võng khai tam diện (網開 三 面) nghĩa là ‘lưới mở ba mặt’.

Ngày nay thành ngữ này được dùng để chỉ tấm lòng nhân hậu, khoan dung, độ lượng của một người, thông qua việc cho người có lỗi một lối thoát hoặc cho phép họ có một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình.

Câu chuyện về Thương Thang được trích từ tập III của cuốn sách Sử ký của Tư Mã Thiên.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Sự tích Mặt trăng và bánhTrung thu

0 nhận xét
Mặt Trăng được kết tinh từ tấm lòng của một người mẹ. Và cứ đến ngày ấy 15, 16 tháng 8 hàng năm, ba người con đều làm một mẻ bánh nướng để dâng hương cúng mẹ, đến nay người ta gọi là bánh Trung Thu.

Ngày xửa ngày xưa, suốt hàng thế kỷ mọi vật bị bao trùm bởi ánh sáng rực rỡ ban ngày. Con người không biết bóng đêm là gì? Thần Mặt Trời ngạo nghễ cho rằng không có mình soi sáng thì mọi vật không thể sống. Nhưng ở trên cao ông có biết đâu, mọi sinh linh cũng đang kiệt quệ vì mất nước và thiếu sức sống khi không có giấc ngủ ngon.

Vào những ngày hè oi bức, cái nắng nóng lừng lững phủ trùm trong không khí. Nước bốc hơi, lá xanh khắp nơi đổi màu vàng úa, con người đói khát vì hạn hán kéo dài. Trong ngôi nhà nọ, có một bà mẹ cùng 3 đứa con nhỏ của mình cũng đang héo hon, gầy mòn. Bà mẹ nhìn các con mà xót xa trong lòng. Một ngày kia, bà quyết định đi tìm Thần Mặt Trời. Trước khi đi, bà dặn dò con trai cả rằng:

– Mẹ phải đi tìm thần mặt trời để xin ông ấy tắt bớt nắng và xin Thần ban ít bóng đêm. Vì thế, mọi việc trong nhà mẹ trông chờ vào con. Con hãy chăm sóc các em thật chu đáo nhé!

Anh cả cúi đầu vâng dạ. Bà thu xếp một khạp cám gạo và một lu nước đầy cho các con có thể dùng đến ngày 15 trong tháng. Xong mọi việc bà hôn lên má từng đứa con và vác túi lên đường. Các con đứng tại ngưỡng cửa vẫy tay chào tạm biệt mẹ mà nước mắt lưng tròng. Bà mẹ cũng ngậm ngùi chia tay các con và hứa sẽ trở về nhanh chóng.


Bà đi mãi đi mãi mà vẫn chưa đến được trời. Đến một ngọn núi, bà kiệt sức ngã quỵ bên đường. Tình cờ có một chú thỏ trắng chạy ngang qua, thấy bà gặp nạn, chú thỏ trắng tìm nước đưa cho bà uống. Bà tỉnh lại tâm sự cho thỏ trắng biết mọi việc. Thỏ trắng nghe bà kể cũng mủi lòng, thỏ liền dẫn lối cho bà. Bà đi theo Thỏ khoảng 2 dặm đường là tới trời. Vừa gặp bà, Thần đã quắt mắt lên và quát rằng:

– Ai đây? Ngươi không biết nơi đây là cấm địa của nhà trời à?

– Dạ, xin Thần, vì tôi không thể nhìn các con tôi chết mòn trong đói khát, nên tôi mạo muội lên đây xin Thần ban mưa xuống, tắt bớt cái nắng mỗi ngày vài giờ để cho mọi người có giấc ngủ ngon.

– Cả gan thay người trần mắt thịt. Chẳng phải suốt hàng ngàn năm nay các người dùng nắng, dùng ánh sáng để mưu sinh hay sao? Giờ lại nói thế?

– Dạ, bẩm Thần. Đúng là chúng tôi rất cần ánh sáng cho công việc, nhưng có những giờ phút nghỉ ngơi, ánh sáng làm chúng tôi không tài nào ngủ được. Dần dà chúng tôi bị mất sức, chẳng con người, con vật nào còn khả năng làm lụng nữa ạ! Mong thần suy xét lại!

Thần vén mây nhìn xuống trần gian, kinh ngạc khi nhìn thấy toàn một màu úa tàn. Cây cối chết khô, gia súc nằm lóp ngóp, con người vật vả, trẻ con than khóc,… cảnh vật tiêu điều, không còn sức sống. Ông buồn rầu bảo với bà rằng:

– Ta không thể tắt nắng để bóng đêm tràn ngập trên thế gian, vì cái nắng của ta góp phần xua đuổi tà ma dưới trần. Bóng đêm ngự trị thì bọn yêu ma sẽ lộng hành, con người lại gánh thêm bể khổ. Còn một cách là trong bóng đêm phải có ánh sáng để dẫn lối soi đường cho con người tránh được quỷ dữ. Nhưng ai sẽ hy sinh thân mình cho người khác để hóa thân thành thứ ánh sáng nhỏ nhoi đó?

Không ngần ngại bà nhận lời hy sinh ngay, nhưng bà xin Thần cho bà thời hạn một ngày để về gặp các con lần cuối. Chia tay Thần, bà về nhà trong lòng nặng trĩu vì sắp xa các con mãi mãi. Bà cố nhoẻn miệng cười khi các con chạy lại ôm chầm lấy bà mừng rỡ. Cuộc hội ngộ đoàn viên bên bữa cơm đầm ấm, đầy ấp tiếng cười. Bà dẫn người con cả ra đồng, chỉ dẫn các con cách gieo mạ, bón phân và cấy lúa. Rồi bà chỉ dẫn người con gái thứ cách may vá, thêu thùa từng đường kim mũi chỉ. Còn người con út bé nhỏ thơ ngây, bà ôm con vào lòng khuyên con phải biết vâng lời anh chị và học hành thật chăm ngoan. Trong một ngày bà đã chỉ dẫn cho các con cách tự tìm cái ăn, cái mặc. Bà dặn dò các con:

– Dù mẹ có đi đến phương trời nào, mẹ vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của các con. Hãy ghi nhớ lời mẹ con nhé!

Hôm ấy là rằm tháng 8, theo lời chỉ dẫn của Thần bà đứng trước nhà, hướng mặt nhìn trời và thả lỏng tinh thần. Bỗng chốc bà thấy cơ thể mình nhẹ tênh và bay bổng lên không trung. Đến nơi, bà nhìn xuống, thấy màn đêm phủ trùm và một ánh sáng dịu nhạt soi bóng xuống trần gian. Bà nhìn về phía ngôi nhà cũ và thấy các con đang hô hoán, khóc than. Bà cũng không cầm được nước mắt.

Cho đến ngày nay, thứ ánh sáng lung linh đó người ta gọi là Ánh trăng và vầng sáng tròn vằng vặc trên cao ấy người ta gọi là Mặt Trăng. Mặt Trăng được kết tinh từ tấm lòng của một người mẹ, luôn sáng soi dẫn lối cho các con thân yêu của mình. Ánh trăng sáng tỏ nhất vào những đêm 15, 16 âm lịch vì đó là ngày hẹn hội ngộ của bốn mẹ con họ. Tương truyền rằng sau đêm hôm ấy, cứ đến ngày ấy trong năm, 3 người con đều làm 1 mẻ bánh nướng để dâng hương cúng mẹ, đến nay người ta gọi là bánh Trung Thu.

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Cuộc sống và tách cà phê..

0 nhận xét
Đôi khi chỉ vì mải mê đeo đuổi những thứ vật chất trong không gian hữu hình này mà chúng ta bỏ quên những giá trị đích thực của cuộc sống..
Ngụ ý của câu chuyện dưới đây chính là việc lựa chọn cho mình một thái độ sống và hiểu nó một cách đúng đắn. Theo tôi để tồn tại là không đơn giản. Nhưng chúng ta không chỉ cần phải tồn tại mà còn phải sống. Sống theo bản năng là cách của loài vật. Chúng ta không thể sống theo bản năng như loài vật vì chúng ta là con người. Do đó sống cũng cần phải biết cách – và đó gọi là Nghệ Thuật Sống.



Một nhóm sinh viên, sau khi tốt nghiệp ra trường đều có những công việc tốt và thăng tiến trong sự nghiệp. Một hôm, họ hẹn nhau quay lại thăm thầy giáo ở trường đại học cũ.

Cuộc nói chuyện với thầy giáo cũ chẳng bao lâu đã chuyển thành những lời than phiền về stress trong công việc và cuộc sống. Để ngắt mạch than phiền của nhóm sinh viên cũ, vị giáo sư bèn đi vào bếp một lúc rồi quay trở lại với một bình cà phê lớn.

Trên khay cà phê là rất nhiều cốc đủ loại khác nhau: cốc sứ, cốc nhựa, cốc thuỷ tinh, cốc pha lê… Một số trông đơn giản, một số đắt tiền, một số thì trông rất tinh tế và đặc sắc. Vị giáo sư bảo các sinh viên hãy tự rót cà phê cho mình.

Khi mỗi người đã có 1 cốc cà phê trong tay, vị giáo sư mới nói:

- Nếu để ý, các em sẽ thấy tất cả những chiếc cốc trông có vẻ đắt tiền đều đã được lấy hết. Nhưng chiếc cốc các em để lại chính là những chiếc cốc giản dị, trông thô sơ hoặc khá rẻ tiền.

- Việc mỗi người chỉ muốn những điều tốt nhất cho mình là chuyện bình thường, nhưng thực ra, đó chính là nguồn gốc những vấn đề stress của chúng ta.

“Bởi vì điều các em thật sự cần là cà phê chứ ko phải cái cốc. Nhưng em nào cũng vội vàng chọn ngay chiếc cốc đắt tiền, rồi lại ngó sang cả cốc người khác.

“Bây giờ các em hãy thử nghĩ thế này:

Cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc. Chúng chỉ là công cụ để giữ và chứa đựng cuộc sống. Chúng ko thể làm thay đổi chất lượng thực sự của cuộc sống.

Đôi khi, chỉ vì quá tập trung vào cái cốc mà chúng ta ko thể thưởng thước được hương vị cà phê mà cuộc sống đã dành cho chúng ta.

“Vì vậy, đừng để những chiếc cốc ảnh hưởng quá nhiều đến tâm thức của các em. Hãy tập trung tận hưởng món cà phê trong đó”.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Ý nghĩa thực của câu: Ngựa quen đường cũ

0 nhận xét
Chuyện bắt nguồn từ việc Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc thời nhà Chu bên Trung Quốc.

Lúc cất quân đi là mùa xuân, khi trở về thì tiết trời đã sang đông, băng tuyết phủ đầy mặt đất nên quân lính của Tề Công lạc đường. Quản Trọng bèn tâu:

- Thưa bệ hạ, trí nhớ của ngựa già rất tốt nên hãy để chúng đi trước dẫn đường.

Quả nhiên, ngựa đã tìm được đường về. Do đặc tính ghi nhớ mùi vị rất tốt, nên ngựa thường rất nhớ những con đường chúng đi qua.

Câu thành ngữ này vốn ca ngợi những người có kinh nghiệm thường rất thành thuộc sự việc.

Tuy nhiên, trải qua nhiều tam sao thất bản, câu thành ngữ đã bị đổi nghĩa hoàn toàn. Ngày nay, người ta dùng câu thành ngữ này để ám chỉ những người có thói hư tật xấu cố hữu không thể bỏ được. Hoặc chỉ về một người vừa làm một chuyện xấu đã bị lên án xong vẫn tái phạm.

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Hai vị tổng thống ‘Kính Thiên hành đạo’ vĩ đại nhất nước Mỹ

0 nhận xét
Washington và Lincoln là hai vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ, một người được tôn làm người Cha sáng lập Mỹ quốc, một người được xưng là vị cứu tinh của Hoa Kỳ. Washington đưa Mỹ từ một nước thuộc địa trở thành quốc gia độc lập, còn Lincoln bãi bỏ chế độ nô lệ, bảo vệ sự thống nhất nước Mỹ.


Thực ra, những điều mà Washington và Lincoln làm có ý nghĩa vượt xa khỏi tầm nhận thức của các nhà sử học. Chỉ từ những đoạn trích ngắn trong lời của Washington và Lincoln, chúng ta có thể thấy sự xuất thế của họ là an bài của lịch sử.

Phẩm cách đạo đức của Washington được người người ca tụng, thế nhưng ông lại không hề nhận công trạng của mình, mà coi thành tựu thiết lập nước cộng hòa liên bang là sự ban ơn của Thần.


Bức ảnh nổi tiếng chụp Tổng thống Washington đang cầu nguyện

Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống lần đầu tiên, ông nói: “Dưới sự ban ơn của thần thánh, con đường phía trước của chúng ta đã rõ ràng; sự chỉ đạo và phán đoán của trí tuệ là chỗ dựa cho sự thành công của Chính phủ này.”

Khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Washington đặt tay lên quyển Thánh Kinh để thể hiện sự cung kính đối với Thần. Sau đó, Washington lại tuyên cáo trong Lễ Tạ Ơn đầu tiên của nước Mỹ độc lập (năm 1789) như sau: “Cũng như mọi quốc gia đều có trách nhiệm thừa nhận ý chỉ của Đấng Toàn Năng, để vâng mệnh Ngài, cảm tạ sự ban ơn của Ngài, và khiêm tốn thỉnh cầu sự che chở và ân sủng của Ngài; nhân danh lưỡng viện và ủy ban thừa hành, tôi ‘kiến nghị tới nhân dân Mỹ một ngày tạ ơn và cầu nguyện của công chúng, được cử hành với sự biết ơn Đấng Toàn Năng đã ban cho chúng ta cơ hội hòa bình để thiết lập một hình thức chính phủ đảm bảo an toàn và hạnh phúc của mình’”.

Khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Washington viết trong thư từ nhiệm gửi quốc dân như sau: “Hai cột trụ lớn nhất cho sự hưng thịnh của quốc gia là tín ngưỡng và đạo đức”.


Tổng thống Lincoln chụp ảnh bên túp lều của quân đội

Khác với xuất thân giàu có của tổng thống Washington, Lincoln có xuất thân bần hàn, gần như chỉ trải qua 18 tháng giáo dục phi chính quy, nhưng với tính siêng năng tự học, ông đã bước trên con đường của một vĩ nhân. Để hoàn thành sứ mệnh lớn, ông đã vượt qua cái khổ về thể xác cũng như cái nhọc về tinh thần. Xuất thân nghèo khó của Lincoln giúp ông hiểu được sự thống khổ của tầng lớp nhân dân dưới bị nô dịch, từ đó phản đối chế độ nô lệ. Ông cho rằng xét về mặt đạo đức, chế độ nô lệ là tàn ác, là mâu thuẫn với nguyên tắc “mọi người sinh ra đều bình đẳng” trong «Tuyên ngôn độc lập». Cuối cùng, Lincoln phế bỏ chế độ nô lệ, chặn đứng được tình trạng chia rẽ Nam-Bắc, cứu vãn nước Mỹ.

Khi các nô lệ được tự do đưa tặng cho Lincoln một bản Thánh Kinh, ông đáp: “Về cuốn sách vĩ đại này, tôi chỉ có thể nói, đây là lễ vật của Thượng Đế ban cho nhân loại. Tất cả những gì tốt đẹp Chúa Cứu Thế ban cho thế giới này đều được truyền đạt tới chúng ta thông qua cuốn sách này. Nếu không có nó, chúng ta sẽ không cách nào phân biệt thiện ác. Tất cả những phúc lợi thiết thực nhất với nhân loại, bất kể hiện tại hay tương lai, đều có thể tìm thấy qua cuốn sách này”.


“Tất cả những gì tốt đẹp Chúa Cứu Thế ban cho thế giới này đều được truyền đạt tới chúng ta thông qua cuốn sách này” – Tổng thống Lincoln

Phẩm cách đạo đức cao thượng của Lincoln được mọi người ca ngợi. Trong đoạn kết bài diễn văn nhậm chức tổng thống lần thứ hai, ông nói: “Đừng làm hại ai, hãy nhân từ với tất cả mọi người; với sự kiên định chính nghĩa, Thượng Đế sẽ cho chúng ta thấy chính nghĩa, để chúng ta tiếp tục hoàn thành những gì mình đang làm. Hàn gắn vết thương của đất nước, chăm sóc những quả phụ, cô nhi gây ra bởi chiến tranh – làm tất cả để chúng ta đạt được và trân quý công lý cũng như hòa bình lâu bền giữa chúng ta, và với tất cả các quốc gia”.

Marquis George N. Curzon (1859-1925), hiệu trưởng trường Đại học Oxford bình luận về lời kết này như sau: “được liệt vào sự vẻ vang và quý báu của loài người… tinh hoa tối thuần khiết trong ngôn từ của nhân loại; không, dường như nó thuộc về ngôn từ của Thần Thánh”.

Tất nhiên, Washington cũng từng nói qua: “Nước Mỹ quyết sẽ không kiến lập dựa trên các giáo điều của Cơ Đốc giáo”. Lincoln cũng từng biểu đạt rằng: “Kinh Thánh không phải cuốn sách của tôi, Cơ Đốc giáo không phải tín ngưỡng của tôi”.

Hai vị tổng thống đều ca tụng Thần, nhưng lại biểu thị như vậy về Cơ Đốc giáo. Chúng ta đều nhận thấy, Tổng thống Washington và Lincoln đều không phủ định ai, nhưng nói lai lịch của họ là không giới hạn tại đó. Có phải việc họ làm đã được an bài từ xa xưa? Washington và Lincoln là hai vị vĩ nhân xuất thế giúp cho nước Mỹ độc lập và lớn mạnh dựa trên các giá trị phổ quát về quyền con người cũng như tự do tín ngưỡng.

Ngày nay, ở nước Mỹ xuất sinh Đoàn Nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun Performing Arts), đã lưu diễn nhiều quốc gia, khiến thế giới chấn động với những màn biểu diễn vũ múa tuyệt hảo. Với sứ mệnh phục hưng nền văn hóa Thần truyền của cả Đông và Tây Phương, mỗi lần biểu diễn, đoàn nghệ thuật như khai mở ký ức bị bụi phủ đã lâu và đánh thức lương tri của con người thế gian.