Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014
Hiệp hội các chuyên gia phá án VIDOCQ
Chuyện Cấm Cười - Theo Tuần Báo Mới
Được thành lập năm 1989, Hiệp hội Vidocq tập trung các nhà tội phạm học khắp nơi trên thế giới để giúp cảnh sát khám phá những vụ án chưa xác định được những kẻ gây án, nhưng vì không tìm ra manh mối nên đã được xếp vào hồ sơ lưu trữ.
Cứ vào đầu tháng 5 hàng năm, tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pensylvannia, Mỹ, lại diễn ra một hội nghị đặc biệt mà khách mời đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đều là những cảnh sát chuyên nghiệp, thám tử tư, nhà tâm lý học, luật sư, thẩm phán, chuyên viên pháp y, nhà tội phạm học....
Họ tập trung về đây để báo cáo thành tích, trao đổi kinh nghiệm qua việc phá những vụ án mà mình và các cộng sự đã và đang thực hiện - những vụ án cảnh sát đã bó tay - rồi sau đó được tuyển chọn để nhận những giải thưởng do Hiệp hội Vidocq trao tặng.
Ba vị sáng lập viên
Hiệp hội Vidocq được thành lập theo sáng kiến của Frank Bender, Bill Fleisher và Richard Walter. Lúc đó, Frank Bender đã là một nhà tội phạm học tên tuổi ở Mỹ, chuyên tái tạo khuôn mặt bị biến dạng hay từ hộp sọ của những nạn nhân và cả thủ phạm trong các vụ án chưa tìm ra manh mối.
Chính nhờ tài năng này mà Frank Bender đã tái tạo lại khuôn mặt của một nữ nạn nhân vô danh, giúp cho cảnh dát Philadelphia phát hiện ra đó chính là Anna Duval, nữ nhân viên Tòa thị chính, bị mất tích vào năm 1976. Sau đó, cảnh sát đã truy bắt được thủ phạm chính là người chồng đã ra tay sát hại, hủy hoại khuôn mặt trước khi vứt xác vợ mình trong một khu rừng.
Còn Bill Fleisher lại là cựu nhân viên cảnh sát trước khi trở thành thanh tra Cục Điều tra liên bang (FBI) chuyên điều tra về tội phạm có tổ chức và các vụ giết hại nhân chứng trong các vụ án. Năm 1987, Bill Fleisher chuyển ngành sang làm thanh tra hải quan.
Thành tích của Bill Fleisher đã giúp cho cảnh sát liên bang phá được hàng chục vụ án khó khăn, trong đó có vụ mà cả nạn nhân lẫn thủ phạm đều không bị phát hiện ra tung tích.
Trong khi đó, Richard Walter lại là một chuyên viên về phác thảo chân dung tâm lý thủ phạm của FBI, đã xin nghỉ việc để điều hành một công ty thám tử tư. Lúc đầu, cả ba người làm quen với nhau qua sự giới thiệu của chuyên gia Pháp y Halbert Fillinger, người được trao tặng giải thưởng đặc biệt về sự cống hiến hiệu quả qua việc làm sáng tỏ chứng cứ pháp y quan trọng trong nhiều vụ án.
Tháng 8-1989, theo gợi ý của Bill Fleisher, cả ba người quyết định thành lập một Hiệp hội nhằm tập trung các nhà tội phạm học từ khắp nơi trên thế giới lại với nhau để giúp cảnh sát làm sáng tỏ những vụ án không thể lý giải được nguyên nhân và đã được xếp vào hồ sơ lưu trữ.
Các sáng lập viên quyết định lấy tên của Eugène Francois Vidocq đặt tên cho hiệp hội của mình. Eugène Francois Vidocq là chỉ huy đầu tiên của lực lượng hình cảnh Pháp trong thế kỷ 19 và nổi tiếng với những biện pháp nghiệp vụ điều tra tài tình khi phá những vụ án quan trọng vào thời kỳ đó.
Phá án thành công hơn 40 vụ trọng án
Ngay khi vừa thành lập, Hiệp hội Vidocq đã giúp cho cảnh sát tiểu bang New Jersey, Mỹ, phá được vụ án đã xếp vào hồ sơ lưu trữ 18 năm về trước vì không tìm ra được thủ phạm. Đó là vụ án nổi tiếng tàn bạo của tên John Kilgore, đã bỏ trốn biệt tăm sau khi sát hại mẹ, vợ và ba con của mình, bị FBI phát lệnh truy nã đặc biệt.
Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án này, việc đầu tiên là Frank Bender cho tái tạo lại khuôn mặt của John Kilgore bằng thạch cao qua bức ảnh hắn chụp vào năm 1970, với tay nghề điêu luyện, ông đã làm cho khuôn mặt già thêm 19 tuổi vì lúc này John Kilgore đã 58 tuổi.
Còn Richard Walter để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, cách sống của tên tội phạm qua lời kể của những người hàng xóm từng quen biết hắn cùng gia đình, hiện đang còn sinh sống tại đây. Từ những chi tiết thu thập được, Richard Walter với 20 năm kinh nghiệm, đã thử phác thảo ra tính cách và thái độ mà tên John Kilgore có thể khoác thành vỏ bọc bên ngoài hiện nay nhằm lẫn tránh sự truy lùng của pháp luật.
Đến tháng 2-1990, Hiệp hôi Vidocq đã chuyển những kết quả này cho FBI để phát trên chương trình "Truy tìm những tên tội phạm nguy hiểm" của các đài truyền hình Mỹ.
Kết quả là vào ngày 18-13-1990, John Kilgore bị phát hiện khi đang lẫn trốn tại thành phố Atlanta dưới một cái tên mới và đã bị bắt giữ. Từ thành công này, tên tuổi của Hiệp hội Vidocq không những được biết đến ở Mỹ mà còn cả trên toàn thế giới.
Cho đến nay, Hiệp hội Vidocq đã quy tụ được 220 hội viên của 36 quốc gia, trong đó số hội viên nòng cốt và chính thức chỉ giữ ở mức cố định là 82 người - tương đương tuổi thọ của Eugène Francois Vidocq (1775-1857).
Hiệp hội Vidocq cũng phát hành hàng tháng một tạp chí có tên Veritas Vertatum. Chỉ trong vòng hơn một thập niên từ sau ngày thành lập, Hiệp hội Vidocq đã tiếp cận được trên 100 vụ án nghiêm trọng chưa tìm ra được nguyên nhân hay thủ phạm và đã phá được hơn 40 vụ án với hàng chục tên tội phạm bị bắt giữ.
Từ năm 2003 đến nay, Hiệp hội Vidocq đang dốc sức để phá vụ án được cho là thương tâm nhất tiểu bang Tennessie xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ.
Đó là vụ án một em bé vô danh mới 4 tuổi bị sát hại rồi lột trần truồng trước khi bị bỏ vào thùng giấy vứt trong một hố nhỏ ở ngoại ô thành phố Memphis vào ngày 26-2-1958. Vụ giết người dã man này đã làm dư luận bất bình đến nỗi Tổng thống Eisenhower phải ra lệnh cho FBI bằng mọi giá phải tìm cho được hung thủ. Vào tháng 3-2003, Sam Weinstein, một cựu nhân viên cảnh sát thành phố Memphis, người có mặt tại hiện trường vụ án, nay là hội viên của Hiệp hội Vidocq, quyết định đưa vụ án này ra trước ánh sáng công lý sau gần nửa thế kỷ bị lãng quên.
Ý định này liền được các ngành bảo vệ pháp luật của Tennessie ủng hộ nhiệt liệt.
Tháng 7-2003 ngôi mộ của em bé vô danh được khai quật để các nhà tội phạm học của Hiệp hội Vidocq thu giữ những phần còn lại của thi thể như xương, tóc để phân tích DNA nhằm truy gốc tích của nạn nhân rồi sau đó được cải táng lại tại nghĩa trang Ivy Hill.
Từ ảnh của nạn nhân chụp được tại hiện trường vào năm 1958, chuyên gia Frank Bender tiến hành tái tạo gương mặt của nạn nhân. Riêng các chuyên gia phân tích chân dung tâm lý đã khái quát lại một số nét về thân nhân nạn nhân qua hình ảnh của hai cha con được tái tạo.
Đến tháng 5-2004, những tài liệu này đã được phổ biến công khai trên chương trình "Truy tầm những tên tội phạm nguy hiểm" nhằm đề nghị nhân chứng có biết vụ án này đến trình báo với cảnh sát hoặc Hiệp hội Vidocq.
Hiện nay, những thành công trong việc phá những vụ án khó khăn của Hiệp hội Vidocq cũng thu hút sự quan tâm của điện ảnh Mỹ với nhiều đề nghị được các hãng phim đưa ra nhằm mua lại bản quyền hồ sơ các vụ án để dựng thành phim trinh thám hình sự. (Theo Crime Magazine)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét