Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

THƯƠNG HAY YÊU.....

0 nhận xét
Không hiểu sao mà tôi thích chữ "thương" hơn chữ "yêu".

Nếu chữ "yêu" nghe nồng nàn, da diết thì chữ "thương" nghe khép nép hơn, nhưng lại có gì đó nhẫn nại, có gì đó dõi theo, có gì đó âm thầm mà bền bỉ.

Cớ sao mà cùng một nghĩa, là "thương" mà không phải "yêu" lại luôn được đặt cạnh "nhớ" tạo thành “nhớ thương”. Phải chăng vì trong một chữ "thương" thôi đã bao hàm muôn nỗi nhớ. Chữ "thương" chân chất không phân chia. Người vẫn than "yêu đơn phương" ít nghe ai trách "thương đơn phương".

Thương là thương thôi...

Chữ "thương" nghe quảng giao và rộng rãi.

Thương mẹ, thương cha, thương cô thầy, bè bạn, anh chị em. Là thân thương.

Ta dùng từ "thương" cho cả người xa lạ, không quen. Nói chung là thương người.

Thương cho cả "người thương" mong nhớ.

Chữ "thương" nói ra nghe nhẹ nhàng, trong veo mà muôn vàn ý nghĩa.

Tình thương phải chăng vì thế vẫn bền chặt hơn tình yêu.

Tôi thương một người.



Có một người kỳ lạ lắm. Dắt tôi đi qua hết từ cung bậc tình cảm này đến cung bậc tình cảm khác, lúc khiến tôi thương, lúc lại khiến tôi bực. Lúc khiến tôi bình yên, khi lại bắt tôi thấy khó chịu. Kỳ lạ! Có người vừa khiến mình thương hại, vừa khiến mình ngưỡng mộ, vừa khiến tôi lo lắng, vừa khiến tôi tin tưởng. Tôi đã đi qua hết những ngày tháng thương nhớ và cả những tháng ngày chán ghét, đã chứng kiến cả những lúc yếu đuối và xấu xa của người đó. Rồi tôi nhận ra tôi thương cả cái phần chẳng đáng để yêu trong một người.

Tôi thương một người, sẵn lòng bỏ hết tất cả chỉ để chạy đi gặp họ. Đôi khi, ta khao khát một người đến kỳ lạ. Khao khát chỉ những thứ nhỏ nhặt như bắt gặp ánh mắt người tình cờ chạm phải dáng hình của ta từ bên kia căn phòng và người mỉm cười. Khao khát có gì nhiều! Chỉ cần nhìn người qua lớp kính cửa, thấy ai đó đang say sưa với công việc của mình, thậm chí chẳng thèm chú ý đến ta. Nhưng ta thương người, cứ mãi đứng đó ngóng trông.

Tôi thương một người, thương cả cái nói, cái cười, từng cách ngắt câu nhả chữ khi nói chuyện. Câu chuyện đôi khi cứ xoay vần, lặp đi lặp lại chỉ chừng đó. Thương một người, ta chưa bao giờ chán nghe nhau bằng tất cả giác quan và trái tim mình.

Thương một người, thương càng thêm thương khi sau giọng nói vui tươi kia, tôi nhìn ra trong ánh mắt sự mệt mỏi nhuốm màu. Tương lai rồi sẽ đi đến đâu, người rồi thì sẽ ra sao, tôi sẽ ra sao, chúng ta sẽ ra sao? Vì đời luôn biến động và thỉnh thoảng xám ngoét, vì tương lai thật khó nói, ta lại càng thương nhau.

Thương một người không phải người mình yêu...

Tôi thương một người. Thương nhiều đến mức, bạn bè vẫn hỏi: “Coi chừng bị yêu!”. Tôi vẫn cười và bảo: “Không yêu được. Thương, thương lắm, thương trên cả yêu”. Như thế, tôi chỉ thương thôi, không phải yêu. Thương đến tận cùng một người mình không chọn để yêu đương. Tôi thương một người theo kiểu không thương để mưu cầu tình yêu lứa đôi, không thương để người thương mình lại, không thương để người ta thuộc về mình.

Nó vừa lặng lẽ, vừa trông theo, vừa khắc khoải, vừa khao khát, vừa đợi mong. Nhưng nó bình yên hơn tình yêu, bởi chúng tôi chẳng bao giờ thuộc về riêng nhau, không chiếm hữu, không đòi hỏi, không thêm nữa… Chỉ cần ngồi cạnh nhau, chỉ cần tôi bước vào căn phòng và bắt gặp dáng lưng người, chỉ cần nhìn vào mắt nhau và người nói: “Mọi thứ vẫn ổn!”. Tôi thương một người chỉ cần có vậy, nên người luôn cho tôi một cảm giác đủ đầy an yên.

Vẫn là thương một người…

Tôi đã biết trong đời có thứ tình cảm gần như là yêu, nhiều hơn cả yêu mà không phải là yêu. Nó trong lành và yên bình, thanh khiết và chân thành như một vạt nắng sớm chiếu qua giọt sương. Tôi chưa biết định nghĩa nó thế nào, cũng chẳng biết bao nhiêu người dành cho nhau thứ tình cảm lạ kỳ như thế nên chỉ có một chữ “thương” muôn nghĩa mới đủ sức gói gọn tất cả.

Chưa biết được là còn đủ sức thương một người được thêm bao lâu. Chữ “thương” dắt tôi đi qua những ngỡ ngàng, những thất vọng, những trách móc rồi chấp nhận. Tôi thương một người, thương cả cái xấu xa, yếu đuối. Chẳng có gì là vĩnh cửu, và rồi sẽ có lúc phải lụi tàn. Nhưng thêm một ngày thôi, cũng đáng để “thương nhau”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét