EBOOK ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z - MAX BROOKS
TÊN EBOOK: ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z
Tên gốc: Worl War ZTác giả: Max Brooks
Thể loại: Best seller, Giả tưởng, Tiểu thuyết, Zombie, Văn học phương Tây
Nguồn: BookismVietNam
Đọc online tại: e-thuvienonline.blogspot.com
Ebook Đại Chiến Thế Giới Z - Max Brooks |
CẢNH BÁO
TRÙNG KHÁNH THƯỢNG, NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG TRUNG QUỐC
[Vào thời hoàng kim trong giai đoạn trước chiến tranh, khu vực này có tổng số dân hơn 35 triệu người. Giờ nó có chưa đến năm mươi nghìn. Ở cái vùng này, kinh phí tái xây dựng được chuyển đến khá chậm bởi chính phủ quyết định tập trung vào những vùng dân số đông đúc hơn. Dọc bờ sông Yangtze không có hệ thống điện trung tâm, không có nước máy. Nhưng đường phố đã không còn gạch đá vụn và "hội đồng an ninh" đã ngăn không cho bất kì một vụ bùng phát nào xảy ra sau chiến tranh nữa. Chủ tịch hội đồng đó là Kwang Jingshu, một bác sĩ dù tuổi đã cao và mang một số thương tật trong chiến tranh vẫn đến khám tận nhà cho bệnh nhân được.]
Trận bùng phát đầu tiên tôi chứng kiến xảy ra ở một ngôi làng vô danh hẻo lánh. Dân sống ở đó gọi nó là “Đại Xưởng Mới”, nhưng đó chủ yếu là do họ hoài niệm. Ngôi làng cũ của họ, “Đại Xưởng Cũ”, đã có từ thời Tam Quốc với nhiều đồng ruộng, nhà cửa và thậm chí là cả cây cối tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Khi Đập Tam Sơn được xây xong và nước trong hồ chứa bắt đầu dâng lên, phần lớn Đại Xưởng phải phá đi và xây lại ở vùng đất cao hơn. Tuy nhiên, cái khu Đại Xưởng mới không còn là một ngôi làng nữa mà là một "bảo tàng lịch sử quốc gia". Mấy người nông dân tội nghiệp đó thấy làng mình được cứu nhưng rồi lại chỉ được làm khách về thăm chắc phả đau lòng lắm. Đúng là trớ trêu. Có lẽ đó là lí do vài người trong số họ quyết định đặt tên khu xóm mới xây là “Đại Xưởng Mới”: để giữ lại chút gắn kết với di sản của mình dù chỉ là thông qua cái tên gọi. Tôi thì không biết có cái khu Đại Xưởng Mới này, vậy nên chắc anh cũng có thể tưởng tượng được tôi cảm thấy khó hiểu cỡ nào khi nhận được cuộc gọi ấy.
Cả khu bệnh viện lặng như tờ; đêm đó không đến mức nặng việc lắm, mặc dù số lượng tai nạn do lái xe khi say xỉn ngày càng tăng. Thời đó xe máy ngày càng có mốt. Bọn tôi hay đùa rằng mấy tay ở Harley-Davidson của các anh giết nhiều thanh niên Trung Quốc hơn cả đám GI thời chiến tranh Triều Tiên. Vậy nên tôi rất khoái ca trực yên tĩnh hôm đó. Tôi mệt rã rời, lưng với chân thì nhức nhối. Tôi đang ra ngoài hút điếu thuốc và ngắm hoàng hôn thì nghe thấy tên mình được gọi. Cô lễ tân hôm ấy mới vào làm và tôi không nghe được cái giọng địa phương của cô ta. Vừa có một tai nạn hay căn bệnh gì đó xảy ra. Ít nhất tôi cũng nghe được rằng đây là trường hợp khẩn và hãy làm ơn gửi cứu trợ tới ngay.
Biết nói gì đây? Đám bác sĩ trẻ tuổi - mấy đứa nhãi ranh với cái tư tưởng chữa bệnh chỉ là cách vỗ béo tài khoản ngân hàng, chắc chắn sẽ không chịu giúp mấy tay “hai lúa” để làm ơn làm phước. Chắc tôi trong thâm tâm vẫn hơi lí tưởng hoá. “Trách nhiệm của chúng ta là phải có nghĩa vụ với nhân dân.”1 Đối với tôi mấy chữ đó vẫn còn chút trọng lượng…tôi tự tâm niệm lại điều đó trong khi con xe Deer2 của mình nảy tưng tưng trên con đường đất chính phủ đã hứa sẽ sửa nhưng mãi chưa bắt tay vào làm.
Lần ra được cái chỗ quái quỉ đó khó gần chết. Nó không tồn tại chính thức nên chả có tên trên cái bản đồ nào hết. Tôi lạc mất vài lần và phải hỏi đường dân địa phương. Họ lại cứ nghĩ tôi muốn đến cái làng bảo tàng. Khi đến được chỗ mấy cái nhà trên đồi, tôi bắt đầu hơi mất kiên nhẫn. Lúc đó tôi nghĩ, Mẹ kiếp, đây mà không phải việc quan trọng thì... Vừa nhìn thấy mặt họ, tôi hối hận liền.
Có bảy người tất cả, ai nấy cũng nửa tỉnh nửa mê nằm trên chiếu. Dân làng đã cho họ vào phòng hội đồng. Từ tường đến trần đều làm bằng xi măng. Không khí thì lạnh lẽo, ẩm ướt. Tất nhiên là họ bị ốm rồi, Tôi nghĩ. Tôi hỏi dân làng ai đã chăm sóc mấy người này. họ bảo là chẳng ai cả vì không “an toàn.” Tôi thấy cửa bị khoá trái từ bên ngoài. Đám dân làng trông sợ ra mặt. Họ co rúm lại, thì thầm; vài người đứng giữ khoảng cách và cầu nguyện. Hành vi của họ khiến tôi thấy bực mình. Tôi không bực với cá nhân họ, anh hiểu chứ, mà là về cái bộ mặt quốc gia mà họ đại diện. Sau hàng mấy thế kỉ bị nước ngoài đô hộ, lợi dụng và lăng nhục, chúng tôi cuối cùng cũng lấy lại được vị trí chính đáng của mình. Chúng tôi là cường quốc giàu nhất và năng động nhất, dẫn đầu trên mọi mặt từ không gian vũ trụ cho đến không gian ảo. Cuối cùng cũng đến kỉ nguyên mà cả thế giới phải thừa nhận là "Thời Đại Của Trung Quốc” vậy mà trong số chúng tôi vẫn tồn tại những kẻ như những người nông dân ngu dốt này, mê tín và mê muội như lũ người man thời Ngưỡng Thiều.
Tôi vẫn đang mải chìm đắm trong dòng suy tư chỉ trích văn hoá mang tính vĩ mô của mình khi quì xuống khám cho bệnh nhân đầu tiên. Bà ta bị sốt cao, bốn mươi độ C và đang run lẩy bẩy. khi tôi thử nhấc các chi của bà lên, bà ta thì thầm mấy tiếng rất khó hiểu. Cẳng tay phải của bà ta có một vết thương, một vết cắn. Khi khám nghiệm kĩ hơn, tôi nhận thấy đây không phải do động vật gây ra. Khẩu độ vết cắn cũng như vệt răng này là của một con người nhỏ bé hoặc rất trẻ. Dù tôi chẩn đoán đây là nguồn gây nhiễm trùng, cái vết thương lại sạch một cách đáng ngạc nhiên. Tôi lại hỏi dân làng ai đã chăm sóc cho những người này. Họ lại một lần nữa nói rằng không ai cả. Tôi biết rõ ràng không thể có chuyện như vậy. Miệng người chứa nhiều vi khuẩn hơn cả những con chó bẩn thỉu nhất. Nếu chưa ai rửa sạch vết thương cho người đàn bà này thì sao nó chưa sưng vù lên vì nhiễm trùng?
Tôi khám cho sáu bệnh nhân còn lại. Tất cả đều có triệu chứng giống nhau, ai cũng mang các vết thương tương tự ở nhiều chỗ khác nhau trên người. Tôi hỏi người trông có vẻ tỉnh táo nhất ai hay con gì đã gây ra những thương tật này. Anh ta nói với tôi rằng họ bị như vậy khi đang cố tìm cách khống chế “thằng bé”.
“Ai?” Tôi hỏi.
Tôi được diện kiến “Người Khởi Bệnh” đằng sau cánh cửa khóa chặt của một ngôi nhà bỏ hoang cuối làng. Thằng bé mới mười hai tuổi. Tay chân nó bị người ta lấy dây nhựa gói hàng trói chặt lại. Phần da quanh chỗ bị trói của nó đã bị cọ xước hếtnhưng lại không có chút máu me nào. Ngay trên mấy vết thương khác như mấy vệt cào cấu trên tay và chân hay cái chỗ trống to đùng khô cứng mà đáng ra là ngón cái chân phải của nó cũng không có giọt máu nào. Thằng bé quằn quại như một con thú hoang; mấy tiếng gào của nó bị cái miếng bịt mồm bóp nghẹt.
Ban đầu người dân ngăn tôi lại. Họ cảnh báo tôi đừng đụng vào thằng bé, nói rằng nó bị “nguyền rủa.” Tôi bỏ hết ngoài tai và lôi khẩu trang, găng tay ra. Da đứa bé lạnh buốt và xám xịt như cái sàn xi măng nó đang nằm trên. Tôi không thể nào nghe được nhịp tim hay dò thấy mạch nó đâu hết. Mắt nó trông hoang dại, trừng to và lún sâu vào trong hốc mắt. Chúng nhìn tôi chằm chằm như ánh mắt thú ăn thịt vậy. Trong khi tôi khám xét thằng bé có thái độ thù địch rất khó hiểu. Mấy cái tay bị trói của nó cứ cố tóm lấy tôi còn mồm nó thì cứ đớp đớp tôi dưới lớp bịt.
Thằng bé lồng lộn mạnh bạo đến mức tôi phải nhờ hai anh dân làng to con nhất giúp tôi ghì nó xuống. Mới đầu họ không dám nhúc nhích, cứ nấp phía sau cửa như một lũ thỏ con. Tôi giải thích rằng nếu họ đeo găng và mang khẩu trang thì sẽ không sợ nhiễm trùng. Khi thấy họ lắc đầu, tôi nói đó là lệnh, mặc dù tôi chả có tí quyền chức gì để sai bảo họ.
Nói vậy là đủ. Hai gã trâu mộng quì xuống bên tôi. Một người giữ chân thằng bé trong khi người kia tóm tay. Tôi thử lấy mẫu máu của nó nhưng lại chỉ lấy được một cái mớ chất nâu nhầy nhầy. Trong khi đang rút mũi tiêm ra, thằng bé lại bắt đầu vùng lên dữ dội.
Một tên trong số đám “lính” của tôi, người đang giữ tay thằng bé, không dám tóm nữa và nghĩ rằng lấy gối đè tay nó xuống sàn chắc sẽ an toàn hơn. Nhưng thằng bé lại giật và tôi nghe tiếng tay trái nó gãy lìa. Hai cái đầu lởm chởm của cả xương quay lẫn xương trụ đâm xuyên qua mớ thịt xám ngoét của nó. Dù thằng bé không hề kêu khóc, thậm chí dường như còn không thèm để ý, cả hai trợ lí của tôi đều bật lùi lại và chạy ra khỏi phòng.
Tôi cũng lùi lại vài bước theo bản năng. Nói điều này ra kể cũng hơi xấu hổ nhưng tôi làm ngành y gần như cả đời rồi. Tôi được huấn luyện và…có thể nói là được “nuôi nấng” bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân. Tôi đã từng chữa chạy cho hàng chục thương tật chiến tranh, đối diện với tử thần không chỉ một lần, vậy mà giờ đây tôi lại đang thực sự khiếp đảm đứa bé yếu ớt này.
Thằng bé bắt đầu vặn vẹo người về phía tôi, tay nó đứt lìa. từng thớ thịt với cơ cứ lần lượt bị rứt ra cho đến khi chỉ còn có mỗi một mẩu thịt. Giải phóng được tay phải, nó bắt đầu lết mình băng qua sàn. Cái tay trái bị đứt lìa vẫn còn buộc bên tay mặt.
Tôi chạy thục mạng ra ngoài, khóa trái cửa lại. Tôi cố gắng trấn tĩnh lại, tìm cách kiểm soát nỗi khiếp đảm và xấu hổ. Tôi hỏi mấy người dân làng bằng giọng vẫn còn hơi run rằng thằng bé bị nhiễm bệnh kiểu gì. Không ai trả lời. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng cửa nện thình thình. Thằng bé đang yếu ớt đập cái cửa gỗ mỏng. Tôi suýt chút nữa thì nhảy dựng lên. Tôi thầm vái trời không ai nhận thấy mặt tôi đang ngày càng tái nhợt. Nửa vì sợ và nửa vì cáu, tôi gào lên rằng tôi cần phải biết chuyện gì đã xảy ra với đứa trẻ này.
Một người phụ nữ trẻ bước lên phía trước, chắc là mẹ thằng bé. Nhìn là biết chị ta đã khóc suốt mất ngày rồi; mắt chị ta khô và đỏ cạch. Chị thú nhận rằng chuyện ấy xảy ra khi thằng bé cùng cha đi “câu trăng,” – thuật ngữ chỉ việc đi lặn tìm kho báu trong cái đống đổ nát đã bị nhấn chìm ở khu Hồ Chứa Tam Sơn. Do ở đó có đến hơn 110 ngôi làng, thị trấn và thậm chí là thành phố bị bỏ hoang, người taluôn có khả năng sẽ lượm lặt được món đồ nào đó có giá trị. Hồi đó chuyện này diễn ra như cơm bữa nhưng đồng thời cũng khá là phi pháp. Chị ta thanh minh rằng họ không phải trộm cắp gì hết, rằng Đại Xưởng Cũ là làng của họ và họ chỉ cố gắng thu hồi lại mấy thứ bảo vật gia truyền từ những ngôi nhà chưa được dời đi. Chị ta tua đi tua lại luận điệu đó, và tôi buộc phải cắt ngang lời mà hứa rằng sẽ không báo với cảnh sát. Cuối cùng thì chị ta cũng giải thích rằng thằng bé gào khóc chạy về nhà với một vết cắn trên chân. Nó không biết chuyện gì vừa xảy ra, nước chỗ đó quá tối và đục. Không ai thấy tăm hơi cha thằng bé đâu cả.
Tôi rút điện thoại ra gọi cho bác sĩ Gu Wen Kuei, một chiến hữu thời quân ngũ giờ đang làm ở Viện Bệnh Truyền Nhiễm ở Đại học Trùng Khánh.3 Chúng tôi chào nhau qua loa, hỏi thăm sức khỏe, tình hình con cháu; tất cả chỉ là phép xã giao. Sau đó tôi kể cho lão ta nghe về căn bệnh đang bùng phát và nghe hắn cợt nhả chút xíu về thói quen vệ sinh cá nhân của hội nông dân chân đất. Tôi cố nặn ra cười nhưng tiếp tục nói rằng tôi nghĩ vụ việc này có vẻ nghiêm trọng. Lão ta hỏi lại tôi về các triệu chứng với cái giọng nghe hơi miễn cưỡng. Tôi kể cho lão nghe tất cả: mấy vết cắn, cơn sốt, thằng bé, cái cánh tay…mặt lão ấy đột nhiên cứng đơ lại. Nụ cười của lão héo dần.
Lão bảo tôi cho lão nhìn thấy người bệnh. Tôi quay trở lại vào phòng hội đồng và lia máy quay điện thoại qua từng bệnh nhân. Lão bảo tôi dịch cái máy quay vào gầnmột số vết thương. Sau khi cho lão xem xong tôi nhấc điện thoại về phía mặt mình.Lão không còn gọi hình nữa.
“Ông ở im đấy,” lão nói. Giờ lão chỉ còn là một cái giọng xa xăm, cách biệt. “Lấy tên tất cả những ai đã tiếp xúc với người bệnh. Những ai đã nhiễm bệnh rồi thì phải nhốt chặt. Nếu có ai đã bị hôn mê thì sơ tán cả phòng và tìm lối thoát hiểm.” giọng lão ấy nghe lạnh lùng, máy móc, như thể lão đã luyện nhẵn cái bài nói này hoặc là đang ngồi đọc từ đâu đó. Lão hỏi tôi, “Ông có vũ khí gì không?” “Có để làm gì?” Tôi hỏi lại. Giọng lão lại bắt đầu sự vụ sự việc, bảo rằng sẽ gọi lại sau. Lão nói lão cần phải gọi cho vài người và rằng tầm vài tiếng nữa tôi sẽ có "hỗ trợ".
Chưa được một tiếng họ đã đến rồi. Năm chục người trong trực thăng quân sự Z-8A; ai nấy đều mặc đồ bảo hộ sinh học. Họ nói họ là người của Bộ Y Tế. Tôi chả hiểu họ định lừa ai. Nhìn điệu bộ hung hăng với cái thái độ ngạo mạn đáng sợ ấy, đến ngay mấy tay nông dân chân đất mắt toét này cũng nhận ra đây là bọn Guoanbu.4
Mục tiêu đầu tiên của họ là phòng hội đồng. Bệnh nhân được khiêng ra trên cáng, tay chân bị cùm, mồm thì bị bịt. Sau đó họ đi kiếm đứa bé. Nó được đưa ra trong túi đựng xác. Mẹ thằng bé kêu khóc thảm thiết trong khi chị ta cùng dân làng bị quây lại để “khám nghiệm.” Họ bị lấy tên, lấy mẫu máu. Từng người một phải lột đồ ra để chụp ảnh lại. Người cuối cùng phải khám xét là một bà lão già nua. Người bà gầy gò, lưng đã còng, mặt nhăn nheo, chân thì bé tí chắc do hồi nhỏ bó chân. Bà dứ dứ nắm đấm xương xẩu về phía lũ “bác sĩ.” “Đây là hình phạt của các ngươi!” bà gào lên. “Đây là quả báo cho Phong Đô!”
Bà ta đang nhắc tới Thành phố Ma, nơi có nhiều đền đài, miếu mạo thờ cúng cõi âm. Cũng như Đại Xưởng Cũ, thành phố đó không may mắn lại là một trong những chướng ngại đối với cuộc Đại Nhảy Vọt của Trung Quốc. Thành phố được di dời, sau đó phá huỷ rồi bị nhấn chìm gần như là toàn bộ. Tôi vốn không phải người mê tín và tôi không bao giờ dám để mình nghiện cái thứ thuốc phiện của dân ấy. Tôi là một bác sĩ, một nhà khoa học. Tôi chỉ tin cái gì tôi nhìn tận mắt, sờ tận tay. Đối với tôi Phong Đô chỉ là cái chỗ hút khách du lịch rẻ tiền, vô vị. Tất nhiên lời lẽ mụ khọm già này không ảnh hưởng gì đến tôi hết, nhưng sắc giọng, cái sự giận dữ của bà ta… bà ta đã chứng kiến đủ tai ương trong đời: lũ địa chủ, bọn Nhật, cơn ác mộng mang tên Cuộc Cách mạng Văn hóa…bà biết lại sắp có biến xảy ra cho dù bà không đủ học vấn để hiểu được nó.
Lão Kuei đồng nghiệp tôi hiểu quá rõ điều này. Lão thậm chí còn liều mạng cảnh báo tôi, cho tôi đủ thời gian để gọi và cảnh báo vài người trước khi “Bộ Y Tế” đến. Nó thể hiện qua lời lẽ của lão… lão nói một câu mà lâu lắm chưa dùng, kể từ cái thời vẫn còn mấy cuộc xung đột “nho nhỏ” dọc biên giới Liên Xô. Năm đó là năm 1969. Chúng tôi đang ở bên bờ sông Ussuri, trong một cái boong-ke ngầm ở phần đất quân tôi nắm giữ cách cửa sông Chen Bao chưa đầy một cây. Phía bọn Nga đang chuẩn bị tái chiếm hòn đảo. Trọng pháo của chúng dồn dập nã sang bên chúng tôi.
Gu cùng tôi đang cố lấy mấy mảnh găm trên bụng một anh lính không trẻ hơn chúng tôi là mấy. Ruột cậu ta đã bị xé toạc, máu với chất thải xú uế thấm đẫm áo choàng. Cứ bảy giây là lại có một quả đạn pháo rơi xuống bên cạnh và chúng tôi phải cúi gập người xuống che cho vết thương của cậu ta khỏi bị đất cát bay vào. Và mỗi lần làm vậy chúng tôi lại ở đủ gần để nghe cậu ta thì thào gọi mẹ. Chúng tôi cũng nghe thấy nhiều giọng nói khác đến từ trong đêm tối bên kia cánh cửa dẫn vào boong-ke của chúng tôi. Những giọng nói tuyệt vọng, giận dữ mà đáng ra phải ở bên kia sông. Canh cửa boong-ke có hai người lính. Một trong số họ la lên “Spetsnaz!” và bắt đầu nã đãn vào trong bóng tối. Giờ chúng tôi cũng bắt đầu nghe được nhiều tiếng súng khác, của ta hay của địch, chúng tôi đều không hay.
Thêm một phát pháo nữa giáng xuống và chúng tôi chúi người che cho chàng trai đang hấp hối. Mặt Gu cách tôi chỉ có vài phân. Trán lão ròng ròng mồ hôi. Ngay cả trong cái ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, tôi vẫn thấy lão đang run cầm cập, mặt cắt không một giọt máu. Lão nhìn bệnh nhân, rồi nhìn về phía cửa, rồi nhìn lại về phía tôi, rồi đột nhiên lão nói, “Đừng lo, mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.” Cái tay này vốn cả đời chưa bao giờ nói một câu gì nghe lạc quan. Gu là người hay lo lắng thái quá. Nếu lão bị đau đầu, đó là do khối u não; nếu trời sắp mưa, mùa vụ năm nay coi như đi đứt. Đây là cách lão kiểm soát tình huống. Giờ đây, khi thực tại còn thảm khốc hơn bất kì dự đoán quái gở nào của lão, lão chỉ còn cách quay đầu đi theo hướng ngược lại. “Đừng lo, mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.” Lần đầu tiên mọi thứ diễn ra đúng như lão dự đoán. Quân Nga không vượt qua được sông và chúng tôi thậm chí còn cứu sống được bệnh nhân.
Suốt mấy năm sau đó tôi toàn trêu lão rằng phải tốn công thế nào mới cậy được chút lời lẽ tích cực ra khỏi mồm hắn, và lão luôn trả lời rằng chuyện phải kinh khủng hơn nữa hắn mới nói lại câu đó. Giờ chúng tôi đã cao tuổi rồi, và một thứ còn tệ hại hơn đang sắp đến. Nó xảy ra ngay sau khi lão hỏi tôi có vũ khí không. “Không,” tôi đáp, “có để làm gì?” lão im lặng một lúc. Tôi chắc chắn có người khác đang lắng nghe. “Đừng lo,” lão nói, “mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.” Đó chính là lúc tôi nhận ra đây không phải là một trận bùng phát dịch đơn lẻ. Tôi ngắt máy và ngay lập tức gọi cho con gái tôi ở Quảng Châu.
Chồng con bé làm ở Telecom Trung Quốc và tháng nào cũng có một tuần phải ra nước ngoài. Tôi bảo nó tốt nhất lần sau chồng nó bay thì hãy đi cùng và nhớ mang đứa cháu tôi theo và ở lại bên đó càng lâu càng tốt. Tôi không có thời gian giải thích; tín hiệu của tôi bị nghẽn ngay khi chiếc trực thăng đầu tiên xuất hiện. Điều cuối cùng tôi có thể nói với con bé là “Đừng lo, mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.”
[Kwang Jingshu bị MSS bắt giữ và tống giam không qua xét xử. Khi ông trốn ra được, dịch bệnh đã bùng phát ra ngoài biên giới Trung Quốc.]
LHASA, NƯỚC CỘNG HÒA NHN DN TIBET
[Thành phố đông dân nhất thế giới này vẫn chưa kịp hoàn hồn sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được công bố tuần trước. Đảng dân chủ xã hội đã hạ gục và giành chiến thắng vang dội trước Đảng Llamist và đường phố vẫn rộn ràng tiếng reo vui. Tôi hẹn gặp Nury Televaldi ở một quán cà phê đông khách trên vệ đường. Chúng tôi phải hét lên để át tiếng huyên náo.]
Trước khi bệnh dịch bùng phát, buôn lậu bằng đường bộ không được chuộng lắm. Dàn xếp hộ chiếu, kiếm xe đi tua giả, vận động các mối liên hệ và kiếm bảo kê ở bên kia biên giới tốn cả đống tiền. Hồi đó, hai con đường buôn lậu béo bở nhất là vào Thái Lan hoặc Miến Điện. Ở Kashi, quê cũ của tôi, chỉ có đường duy nhất là đi vào mấy nước Cộng hòa Liên Xô Cũ. Chả ai muốn vào đó cả, thế nên lúc đầu tôi không phải là shetou.5 tôi là người nhập khẩu: thuốc phiện thô, kim cương thô, gái, trai, bất cứ thứ gì đáng giá của mấy cái đất nước hủ lậu ấy. Trận đại dịch thay đổi tất cả. Đột nhiên chúng tôi trở nên rất đắt hàng, và không phải tất cả đề nghị đều đến từ phía bọn liudong renkou6 mà còn có cả đám chóp bu, theo cách nói dân dã. Khách tôi có chuyên gia đô thị, chủ trang trại tư nhân, thậm chí cả quan chức nhà nước cấp thấp. Họ đều có rất nhiều thứ để mất. Họ không quan tâm mình đang đi đâu, họ chỉ muốn thoát ra khỏi đây.
Anh có biết họ đang chạy trốn thứ gì không?
Tôi có nghe tin đồn. Thậm chí còn có cả một trận bùng phát dịch ở Kashi. Chính phủ đã ém nhẹm mọi thứ khá chóng vánh. Nhưng chúng tôi vẫn đoán, vẫn biết được có gì đó không ổn.
Chính quyền có tìm cách ngăn chặn các anh không?
Chính thức thì họ có làm. Buôn lậu bị phạt nặng hơn; các điểm chốt biên giới được canh phòng nghiêm ngặt. Họ thậm chí còn công khai xử tử vài shetou để làm gương. Nếu anh không biết câu chuyện thật, nếu anh không nhìn nó từ góc nhìn của tôi, anh hẳn sẽ nghĩ cuộc ngăn chặn diễn ra khá hiệu quả.
Anh nói nó không hiệu quả sao?
Tôi nói nó khiến túi nhiều người rủng rỉnh: lính biên phòng, quan chức nhà nước, cảnh sát, thậm chí cả thị trưởng. Đó là thời hoàng kim của Trung Quốc, và cách tốt nhất để vinh danh Mao Chủ Tịch là nhìn thấy mặt của ngài trên càng nhiều tờ một trăm nhân dân tệ càng tốt.
Anh phất lên đến vậy cơ ?
Kashi là một thành phố mới phát triển. Tôi nghĩ đến 90 phần trăm hoặc hơn tổng số vụ buôn lậu đường bộ từ hướng Tây đều trót lọt và vẫn còn lại một chút cho đường hàng không.
Đường hàng không?
Chỉ một chút thôi. Tôi có tham gia chuyên chở renshe (người vượt biên) bằng đường không, thi thoảng làm vài chuyến sang Kazakhstan hoặc Nga. Mấy việc lẻ tẻ ấy mà. Nó không được như phía Đông. Mấy thành phố như Quảng Đông hoặc Giang Tô tuần nào cũng tuồn được hàng ngàn người ra.
Anh có thể giải thích rõ hơn không?
Buôn lậu đường không trở nên rất béo bở ở các tỉnh miền Đông. Bọn khách hàng giàu sụ, toàn những người có thể chi tiền cho các gói du lịch đặt trước và visa du lịch hạng nhất. Họ xuống máy bay ở London hoặc Rome, hay thậm chí ở San Francisco, vào khách sạn, ra ngoài thăm quan một ngày và rồi cứ thế mà biến mất không một dấu vết. Cả một khoản lợi nhuận kếch xù. Tôi rất muốn chuyển sang làm vận chuyển hàng không.
Thế còn căn bệnh thì sao? Chẳng phải có nguy cơ bị phát hiện sao?
Cái đó về sau mới có, sau vụ Phi cơ 575. Mới đầu không nhiều người mang bệnh đi mấy chuyến bay này. Nếu có thì họ đều ở trong giai đoạn đầu. Shetou vận chuyển lậu hàng không rất thận trọng. Nếu anh có triệu chứng bệnh phát triển nặng, họ sẽ không dám lại gần anh. Họ phải đảm bảo cho công việc kinh doanh của mình. Muốn lừa được nhân viên nhập cư trước tiên phải lừa được shetou của mình. Đó là nguyên tắc vàng. Mọi cử chỉ hành động cũng như bộ dạng của anh phải trông hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngay cả khi ấy, anh vẫn phải chạy đua với thời gian. Tước vụ Phi cơ 575, tôi có nghe kể về một đôi vợ chồng, một doanh nhân thành đạt và vợ mình. Tay doanh nhân bị cắn. Vết thương không nghiêm trọng mà là kiểu “ngấm chậm”, các mạch máu lớn đều không bị thương tổn, anh hiểu chứ? Chắc họ nghĩ phương Tây có thuốc. Rất nhiều người mắc bệnh nghĩ vậy. Hình như họ vừa đến được phòng khách sạn của mình ở Paris thì ông chồng bắt đầu quị. Vợ hắn định gọi bác sĩ nhưng hắn không cho. Hắn sợ cả hai sẽ bị trục xuất về nước. Thay vào đó hắn ra lệnh cho vợ bỏ hắn ở lại và trốn ngay trước khi hắn bắt đầu hôn mê. Tôi nghe người ta bảo rằng vợ hắn làm thế thật, và sau hai ngày nghe toàn tiếng rên rỉ và đập phá, đám nhân viên khách sạn quyết định mặc kệ cái biển KHÔNG ĐƯỢC QUẤY RẦY và xông vào phòng. Tôi không rõ liệu có phải dịch bệnh ở Paris bùng phát là vì thế hay không nhưng nghe cũng có lí.
Anh nói họ không gọi bác sĩ, rằng họ sợ bị trục xuất về nước, nhưng nếu thế thì họ sang phương Tây kiếm thuốc làm gì?
Anh đúng là không hiểu tâm lí dân tị nạn gì cả. Họ đang tuyệt vọng. Họ bị chết tắc giữa hai lựa chọn: bị kết liễu bởi căn bệnh mang trong người hay bị chính quyền quây lại và “chữa trị”. Nếu anh có người thân, một thành viên trong gia đình, một đứa con bị nhiễm bệnh, và anh nghĩ ở nước nào đó vẫn còn le lói chút hi vọng, chẳng phải anh cũng sẽ sẵn sàng làm tất cả để vượt sang bên đấy? Chẳng phải chính anh cũng sẽ muốn tin rằng vẫn còn hi vọng sao?
Anh có nói rằng vợ doanh nhân kia cùng các renshe khác biến mất không một dấu vết.
Lúc nào nó chả thế, thậm chí còn trước khi bùng phát dịch bệnh. Một số ở với người thân, một số khác ở với bạn. Hầu hết đám dân nghèo phải làm thuê để trả nợ cho đám mafia Trung Quốc. Phần lớn bọn họ cứ thế mà biến mất hút vào phần bụng dưới của đất nước đó.
Khu thu nhập thấp ấy à?
Nếu anh muốn gọi nó như thế. Còn chỗ trốn nào lí tưởng hơn cái nơi mà cả xã hội không ai muốn thừa nhận là có tồn tại. Chứ không thì làm sao ở mấy khu ổ chuột của các nước phát triển lại có nhiều trận dịch lại bùng phát ra như thế?
Người ta đồn rằng một số shetou có loan truyền tin về sự tồn tại của một phương thuốc nhiệm màu ở các nước khác.
Vài người làm thế thật.
Anh thì sao?
[Im lặng.]
Không.
[Lại im lặng.]
Vụ Phi cơ 575 thay đổi buôn lậu bằng đường không như thế nào?
Luật lệ được siết chặt, nhưng chỉ ở một số nước. Shetou hàng không vốn thận trọng nhưng cũng lại rất biết xoay xở. Họ có câu ngạn ngữ này, “nhà của bất cứ đại gia nào cũng đều có lối vào cho người hầu.”
Nói vậy nghĩa là sao?
Nếu Tây u thắt chặt an ninh, đi qua đường Đông u. Nếu Mỹ không cho nhập cảnh, đi vào từ phía Mexico. Nó giúp mấy nước của bọn da trắng giàu có đó cảm thấy an toàn hơn mặc dù dịch bệnh đã bắt đầu bùng phát trong ranh giới quốc gia của họ rồi. Hãy nhớ đây không phải lãnh vực chuyên môn của tôi. Tôi chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ và các quốc gia mục tiêu của tôi là trung tâm Châu Á.
Mấy quốc gia đó có dễ vào hơn không?
Họ gần như lạy chúng tôi buôn lậu sang đó. Mấy nước này kinh tế suy thoái và quan chức bảo thủ, tham nhũng đến mức họ thậm chí còn giúp chúng tôi giải quyết giấy tờ để lấy hoa hồng. Thậm chí còn có mấy shetou hay cái gì đó tương tự trong ngôn ngữ của lũ man di này giúp chúng tôi đưa renshe vượt biên các nước Cộng hòa Liên Xô cũ sang các nước như Ấn Độ hay Nga hoặc thậm chí là Iran, dù tôi chả bao giờ dỏi hay muốn biết đám renshe của mình đi đâu. Nhiệm vụ của tôi kết thúc ở biên giới. Tôi chỉ phải lấy dấu giấy tờ, gắn biển vào xe, hối lộ lính biên phòng và lĩnh thù lao.
Anh có thấy nhiều con bệnh không?
Mới đầu thì không. Bệnh diễn tiến quá nhanh. Đây khác với đi đường không. Muốn đến Kashi có khi phải mất vài tuần, và theo như tôi nghe nói thì ngay cả vết thương ngấm chậm nhất cũng không thể trụ được quá vài ngày. Các khách mang bệnh thường sống lại đâu đó dọc đường, bị cảnh sát địa phương nhận diện tóm hết. Về sau, khi số người mang bệnh gia tăng khiến cảnh sát bị áp đảo, tôi bắt đầu thấy nhiều con bệnh trên đường.
Chúng có nguy hiểm không?
Hiếm khi lắm. Thường thì chúng bị gia đình trói và bịt mồm lại hết rồi. Lắm lúc tôi thấy cái gì đó chuyển động ở sau một chiếc xe, hơi cựa quậy dưới các lớp quần áo hay chăn dày. Còn cả tiếng đập tay phát ra từ ngăn hành lí hay về sau là từ mấy cái lỗ thông khí trên mấy cái thùng để đằng sau xe. Lỗ thông khí… họ đúng là không biết chuyện gì đang xảy ra với người thân của mình.
Anh có biết không?
Đến lúc đó thì rồi, nhưng tôi thừa hiểu giải thích cho họ chỉ phí nước bọt. Tôi chỉ việc nhận tiền và đưa họ đi. Số tôi còn may. Tôi chả bao giờ phải giải quyết mấy cái vấn đề của bọn buôn lậu đường thủy.
Đường đó khó hơn à?
Và cả nguy hiểm nữa. Người quen của tôi ở mấy tỉnh ven biển luôn bị mối nguy treo lơ lửng trên đầu đó là có con bệnh thoát ra được và lây hết cho cả tàu.
Họ đối phó như thế nào?
Tôi có nghe kể về khá nhiều “giải pháp.” Đôi lúc tàu được neo ở mấy dải đất đảo hoang — đất ở đâu cũng được, không nhất thiết phải là quốc gia đang định đến — và “tháo dỡ” những renshe đã bị nhiễm bệnh. Nghe đồn có một số thuyền trưởng còn lái ra giữa đại dương và cứ thế quăng cả đám mè nheo kia ra khỏi mạn tàu. Đó có thể là lí do xảy ra mấy vụ người đi bơi và thợ lặn biến mất tăm, hoặc là lí do tại sao trên khắp thế giới người ta cứ nói đã nhìn thấy chúng bước ra từ con sóng. Ít nhất tôi không phải giải quyết mấy vụ đó.
Tôi cũng có gặp một vụ tương tự. Vụ đó cho tôi thấy đến lúc phải thôi rồi. Hôm đó tôi gặp một cái xe tải cà tàng cũ kĩ. Tôi có thể nghe thấy tiếng rền rĩ từ phía thùng xe. Từng nắm đấm cứ thế nện thình thình vào bức thành nhôm. Cả cái xe lắc lư liên tục. Trong buồng lái là một tay đầu cơ ngân hàng giàu có đến từTây An. Hắn kiếm được cả gia tài nhờ mua bán nợ thẻ tín dụng Mỹ. Hắn đủ tiền để chu cấp cho cả cái đại gia đình nhà hắn. Bộ vét Armani của hắn nhàu nhĩ, rách nát. Ngang mặt hắn có mấy vệt cào còn mắt thì ánh lên vẻ sợ hãi đến rồ dại mà càng ngày tôi càng bắt gặp nhiều. Tay tài xế có ánh mắt khác, cũng tương tự ánh mắt của tôi, ánh mắt của một kẻ đang suy tư rằng có lẽ tiền chẳng bao lâu nữa sẽ chả còn tí nghĩa lí gì. Tôi biếu hắn thêm năm chục và chúc hắn may mắn. Tôi chỉ làm được đến có thế.
Cái xe ấy đi về đâu?
Kyrgyzstan.
METEORA, HI LẠP
[Các tu viện được xây dựng trên những triền đá dốc, không tiếp cận được. Một số tòa nhà tọa lạc trên những bức vách cao gần như thẳng đứng. Nơi đây trước vốn là nơi lẩn tránh quân Ottoman Thổ Nhĩ Kì. Sau này, nó cũng là nơi ẩn náu khá lí tưởng đối với đám thây ma. Những cái cầu thang thời hậu chiến, chủ yếu làm từ kim loại hoặc gỗ và có thể dễ dàng rút ra rút vào, giúp đáp ứng nhu cầu của dòng thác những người hành hương và khách du lịch. Trong vòng vài năm trở lại đây, Meteora đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với cả hai nhóm người trên. Một số người đến để ban tri thức cũng như được giác ngộ, một số khác chỉ đến tìm chút bình yên. Stanley MacDonald rơi vào hạng mục hai. Là một cựu binh của gần như mọi chiến dịch quân sự trên khắp mọi nẻo miền đất quê hương Canada, ông lần đầu tiên chạm trán với thây ma trong một cuộc chiến khác khi Tiểu đoàn Ba trực thuộc đơn vị bộ binh PPCLI (Princess Patricia’s Canadian Light Infantry) đang tiến hành các chiến dịch ngăn chặn buôn thuốc phiện ở Kyrgyzstan.]
Làm ơn đừng nhầm chúng tôi với “Biệt đội Alpha” bên Mỹ.Chuyện này xảy ra từ trước khi họ được ra quân, trước “Cuộc Đại Loạn,” trước khi Israeli tự cách ly kiểm dịch…Thậm chí còn trước cả trận bùng phát công khai nghiêm trọng đầu tiên ở thị trấn Cape. Đây là lúc bệnh dịch mới bắt đầu lây lan, trước khi bất kì ai ý thức được điều gì đang xảy đến. Nhiệm vụ của chúng tôi vẫn chả khác gì lệ thường: thuốc phiện và cần sa, hai loại cây trồng xuất khẩu chủ yếu của bọn khủng bố trên toàn thế giới. Đó là tất cả những gì chúng tôi phải đương đầu nơi mảnh đất khô cằn sỏi đá này từ trước đến nay. Lái buôn, trộm cướp và lính đánh thuê. Chúng tôi chỉ lường được đến mức đó. Chúng tôi chỉ sẵn sang cho những thứ đó.
Lối vào hang tìm khá dễ. Chúng tôi lần ra nó nhờ vệt máu dẫn ra từ xe bộ hành. Liếc qua thôi chúng tôi biết ngay có gì đó không ổn. Không có xác. Các bộ lạc đối nghịch luôn phanh thây nạn nhân và quẳng ra đó để cảnh cáo nhau. Máu thì có, chảy lênh láng khắp nơi. Máu và mấy mẩu thịt nâu thối rữa. Nhưng mấy cái xác chúng tôi tìm được chỉ độc có la thồ. Chúng dường như bị thú hoang giết chết chứ không phải bị bắn hạ. Ruột gan chúng bị xé ra và trên người đầy những vết cắn lớn. Chúng tôi đồ là do chó hoang. Mấy cái đồ chết tiệt ấy to và dữ dằn ngang sói Bắc Cực, cứ kéo bầy lang thang khắp các thung lung.
Điều khó hiểu nhất là đống hàng hóa vẫn nằm nguyên trong bao yên hoặc văng tứ tung quanh mấy cái xác. Kể cả nếu đây không phải thành quả của bọn khủng bố, kể cả nếu đây chỉ là một cuộc giết chóc trả đũa giữa các bộ tộc hay đạo phái, không ai lại đi bỏ nguyên năm chục cân tiên nâu7 thô chất lượng tốt, hay mấy khẩu súng trường chưa sứt mẻ gì, hay chiến lợi phẩm cá nhân nhưđồng hồ, máy nghe đĩa, thiết bị định vị GPS.
Vệt máu dẫn từ khu tàn sát ven sông ấy lên núi. Rất nhiều máu. Người nào mất từng ấy máu khi đã quị chắc sẽ không còn gượng dậy nổi nữa. Ấy vậy mà tay này làm được. Hắn không được ai chữa trị. Không có bất cứ một dấu vết gì khác. Theo như những gì chúng tôi quan sát được, gã này chạy, chảy máu, ngã sấp mặt — chúng tôi vẫn thấy cái vết mặt máu me của hắn in hằn trên cát. Chả hiểu sao hắn nằm im đó được một lúc mà không chết ngạt, không chết vì mất máu.Rồi hắn lại đứng lên và bắt đầu lê bước. Dấu chân mới khác hẳn so với dấu cũ. Chúng chậm hơn, gần nhau hơn. Chân phải hắn bị kéo lê. Rõ ràng đây là lí do hắn làm rơi giày: một chiếc Nike cũ kĩ, mòn vẹt. Trong các vệt châncó lấm chấm mấy giọt dịch gì đó. Không phải máu, hoặc không phải của người, mà là mấy giọt chất gì đen đen, khô cứng, đóng cặn mà chả ai trong số chúng tôi nhận ra là cái quái gì. Chúng tôi lần theo mấy cái giọt ấy và vết chân đến tận cửa hang.
Không ai nổ súng, không có “tiếp đãi” gì hết. Lối vào hầm không một bóng lính canh và mở toang hoác. Đập ngay vào mắt là thây người. Toàn những người bị chính bẫy gài của mình giết. Dường như họ đã cố hết sức…cố phi thục mạng…để trốn ra ngoài.
Sâu bên trong, ở căn buồng thứ nhất, chúng tôi bắt gặp những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc đấu súng đơn phương. Nói là đơn phương vì chỉ một bên phía vách hàng lỗ chỗ vết đạn súng lục. Phía tường đối diện là các tay súng. Tất cả đều bị xé xác. Chân cẳng, xương xẩu bị rứt ra và gặm nham nhở… vài người tay còn cầm nguyên vũ khí, trong số đó có một bàn tay đứt lìa vẫn đang tóm chặt khẩu Makarov. Bàn tay ấy cụt mất một ngón. Tôi tìm thấy nó ở bên kia phòng cùng với xác một người không có vũ khí đã ăn gần trăm phát súng. Đầu hắn bị vài viên đạn bắn văng đi. Cái ngón tay vẫn còn kẹt trong răng hắn.
Buồng nào cũng có diễn tiến tương tự. Chúng tôi gặp các chướng ngại nhỏ, vũ khí bị vứt chỏng chơ. Chúng tôi thấy thêm nhiều xác, hoặc là các mảnh xác. Chỉ những các xác nào còn nguyên vẹn mới chết do đạn bắn vào đầu. Lòi ra từ cổ và dạ dày chúng là những miếng thịt nhai nát và đang tiêu hóa dở. Dựa vào mấy vệt máu, dấu chân, vỏ đạn và vết đạn ghăm, có thể suy ra rằng toàn bộ trận chiến bắt đầu từ khu bệnh xá.
Chúng tôi tìm thấy mấy cái giường, tất cả đều đẫm máu. Cuối phòng là một cái xác không đầu…tôi đoán là của một bác sĩ…nằm trên sàn đất cạnh một cái giường đầy chăn ga và quần áo bẩn và một chiếc Nike bên chân trái cũ kĩ, mòn vẹt.
Đường hầm cuối cùng chúng tôi rà soát đã bị bẫy kíp mìn nổ đánh sập. Có một cánh tay tòi ra từ dưới lớp đã vôi. Nó vẫn còn động đậy. Theo bản năng, tôi nghiêng về phía trước tóm lấy cái tay ấy. Ngay tức khắc tôi cảm thấy cái nắm của nó. Cứng như thép, tí nữa thì bóp nát ngón tay tôi. Tôi rụt lại, cố gỡ tay ra. Nó không chịu buông. Tôi giật mạnh hơn, dồn sức cả chân trụ lại. Đầu tiên cái tay thoát ra, rồi đến cái đầu, cái mặt rách nát, đôi mắt mở trừng trừng và cặp môi xám xịt, rồi đến cái tay kia vươn ra tóm lấy cổ tay tôi và siết lại, sau đó đến cái vai. Tôi ngã ra sau, nửa thân trên của cái thứ quái dị ấy cũng lao về phía tôi. Từ eo trở xuống vẫn bị kẹt dưới đống đá, chỉ còn gắn với phần thân trên bởi một phần lòng. Nó vẫn còn cử động, vẫn tóm lấy tôi, cố đút tay tôi vào mồm nó. Tôi với lấy vũ khí.
Phát bắn hướng lên trên, đâm xuyên cằm và bắn não nó tung tóe khắp phần trần phía trên. Tôi là người duy nhất ở trong hầm khi chuyện xảy ra. Tôi là nhân chứng duy nhất…
[Ông dừng lại.]
“Bị phơi nhiễm hóa chất lạ.” Họ bảo tôi vậy khi về Edmonton. Hoặc là thế hoặc là do phản ứng phụ của thuốc phòng bệnh của bọn tôi. Họ còn chêm thêm cả một mớ về PTSD8 cho đủ bộ. Tôi chỉ cần được nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi và “thẩm tra” dài hạn…
“Thẩm tra”… khi do người của ta thì nó là như vậy. Nó chỉ là “hỏi cung” khi được áp dụng với địch. Họ dạy chúng tôi cách kháng cự kẻ địch, cách phòng ngự trí óc và tinh thần. Họ không dạy chúng tôi cách kháng cự đồng minh, nhất là những đồng minh anh tưởng là đang cố “giúp” anh nhận ra “sự thật.” Họ không đánh gục tôi, Tôi đánh gục chính mình. Tôi muốn tin họ và tôi muốn họ giúp tôi. Tôi là một người lính tốt, được huấn luyện kĩ càng, già dặn kinh nghiệm; tôi biết những gì mình có thể làm cho đồng loại và họ có thể làm đối với tôi. Tôi tưởng mình đã sẵn sàng đối phó với mọi thứ. [Ông nhìn về phía thung lũng, mắt trông xa xăm.] Có ai tỉnh táo mà lại sẵn sàng được cho chuyện này?
RỪNG MƯA NHIỆT ĐỚI, BRAZIL
[Tôi bị bịt mắt đưa tới để không làm lộ địa điểm của “chủ nhà” của mình. Họ được gọi là Yanomami, “Những Người Tàn Bạo.” Không biết rằng liệu có phải nhờ bản chất chinh chiến hay việc ngôi làng của họ được treo trên những thân cây cao nhất đã giúp họ vượt qua đại dịch này suôn sẻ tương đương nếu không muốn nói là hơn cả những quốc gia công nghiệp hóa nhất. Không thể đoán được liệu Fernando Oliveira, người đàn ông da trắng “từ bên rìa thế giới” hốc hác, nghiện ngập này là khách, linh vật hay tù nhân của họ.]
Tôi luôn tự nhủ mình vẫn là một bác sĩ. Vâng, đúng là tôi cũng có của ăn của để và ngày càng phất lên, nhưng ít nhất thành công của tôi có được là nhờ thực hiện các ca chữa trị cần thiết. Tôi không chỉ cắt xẻ mũi cho lũ thanh niên hay đính “cái ấy” của bọn Xu-đăng lên người lũ ca sĩ nhạc pop dở ông dở thằng.9 Tôi vẫn là một bác sĩ, tôi vẫn cứu nhân độ thế.Và nếu mấy tay giả nhân giả nghĩa ở phía Bắc thấy nó quá “vô đạo đức”, tại sao đám dân bên đấy cứ lũ lượt kéo đến?
Kiện hàng từ sân bay được chuyển đến khoảng một tiếng trước khi bệnh nhân nhập viện. Nó được bảo quản trong một thùng làm lạnh bằng nhựa, loại hay để mang đi dã ngoại. Tim cực kì hiếm. Nó không như gan hay mô da và nhất là thận. Kể từ sau khi điều luật “suy đoán đồng ý” được ban hành, mấy thứ đó anh có thể kiếm được ở bất cứ bệnh viện hay nhà xác nào trong nước.
Nó có được xét nghiệm không?
Xét nghiệm cái gì? Muốn xét nghiệm bất cứ thứ gì, anh phải biết anh đang tìm cái gì. Hồi đó chúng tôi chưa biết về Đại Dịch Biết Đi. Chúng tôi chỉ quan tâm đến những bệnh tật thông thường như viêm gan hay HIV/AIDS. Ngay cả mấy bệnh đó chúng tôi cũng không đủ thời gian để xét nghiệm.
Tại sao vậy?
Vì chuyến bay đã kéo dài quá lâu rồi. Cơ quan nội tạng không thể để đông lạnh mãi được. Chúng tôi đã hơi phó mặc cho may rủi với ca này rồi.
Nó đến từ đâu vậy?
Chắc là Trung Quốc. Gã môi giới của tôi hoạt động ở Ma Cao. Bọn tôi tin cậy hắn. Hồ sơ của hắn khá ổn. Khi hắn đảm bảo với chúng tôi đây là hàng “sạch”,tôi tin lời hắn; tôi đành phải vậy. Hắn hiểu rõ những rủi ro liên quan, tôi cũng vậy, và bệnh nhân cũng thế. Herr Muller bên cạnh chứng bệnh tim thông thường còn bị mắc một biến dị genrất hiếm đó là tật tim sang phải (dextrocardia) thuộc nhóm nội tạng lật (situs inversus). Cơ quan nội tạng của ông ta nằm ở vị trí đối nghịch; gan ở bên trái, lối vào tim ở bên phải, vân vân... Anh phải hiểu cái tình huống hi hữu mà chúng tôi đang phải đối phó. Không thể cứ lấy một quả tim bình thường ra lật lại rồi ghép vào. Làm vậy là vô ích. Chúng tôi cần một trái tim còn mới, khỏe mạnh từ một “người hiến tạng” với cùng biến dị đó. Ngoài Trung Quốc thì còn đào ở đâu ra một may mắn như thế?
Đó là do may mắn à?
[Mỉm cười.] Và “thủ đoạn chính trị.” Tôi bảo với tay môi giới thứ mình cần, cho hắn biết chi tiết cụ thể, và thế là ba tuần sau tôi nhận được một e-mail với tiêu đề gọn lỏn mấy chữ: “Đã có kết quả khớp.”
Và ông đã tiến hành phẫu thuật.
Tôi làm trợ lí còn bác sĩ Silva mới là người mổ chính. Hắn là một nhà phẫu thuật tim uy tín chuyên tiến hành các ca hàng đầu ở Bệnh viện Israelita Albert Einstein tại São Paulo. Ngay cả với một bác sĩ tim thì hắn cũng quá tinh tướng. Làm việc cùng với… dưới trướng…cái tay mắc dịch ấy đúng là một sự sỉ nhục. Hắn đối đãi với tôi như một thằng thực tập viên năm nhất. Nhưng biết làm gì đây… Herr Muller cần một trái tim mới còn ngôi nhà nghỉ ven biển của tôi cần một cái máy Jacuzzi mới.
Herr Muller bị gây tê mê mệt. Vài phút sau khi ca phẫu thuật kết thúc, lúc nằm trong phòng hồi sức, các triệu chứng của ông ta bắt đầu xuất hiện. Thân nhiệt, nhịp tim, độ bão hòa oxy của ông ta… Tôi bắt đầu lo, và chắc nó cũng khiến tay “đồng nghiệp già dặn” của tôi chột dạ. Hắn bảo tôi đấy chắc là một phản ứng thông thường đối với thuốc ức chế miễn dịch, hoặc đơn giản là mấy biến chứng đã được tiên lượng trước của một lão già sáu mươi bảy tuổi đời thừa cân, ốm yếu sau khi vừa trải qua một trong những ca mổ khó khăn nhất trong y học hiện đại. Tôi thấy hơi lạ là cái lão khốn ấy còn chưa xoa đầu tôi. Hắn bảo tôi về nhà tắm rửa, ngủ đi một chút hoặc gọi gái và xả láng đi. Hắn sẽ ở đây trông chừng bệnh nhân và nếu có biến cố gì thì sẽ gọi cho tôi.
[Oliveira giận dữ mím môi lại và nhai thêm một mớ lá gì đó bên cạnh mình.]
Và tôi biết nghĩ gì đây? Chắc là do thuốc OKT 3. Hoặc là tôi chỉ đang lo lắng thái quá. Đây là lần đầu tôi thực hiện một ca ghép tim. Tôi thì biết gì? Ấy nhưng… nó khiến tôi nghĩ ngợi nhiều đến mức ngủ không nổi. Vậy nên tôi hành động như bất kì bậc lương y nào khi bệnh nhân đang chịu đau đớn: tôi đi xõa. Tôi nhảy nhót, tôi nốc rượu, tôi làm đủ thứ chuyện đồi bại ba lăng nhăng cùng với ai hay cái gì tôi cũng không biết nữa. Mấy lần đầu tôi còn không biết điện thoại tôi rung. Chắc phải đến một tiếng sau tôi mới nghe máy. Graziela, cô lễ tân của tôi, đang cực kì hoảng loạn. Cô ta báo với tôi rằng Herr Muller vừa bị hôn mê một tiếng trước. Cô ta nói chưa dứt câu tôi đã ngồi trong xe rồi. Lái về phòng khám mất ba mươi phút, và trong suốt quãng thời gian ấy tôi liên tục chửi Silva lẫn cả chính mình. Vậy là tôi đã có lí do để lo lắng! Vậy là tôi đã đúng! Anh có thể nói lúc đó cái tính tự cao của tôi nó trỗi dậy. Cho dù nếu tôi đúng thì ngay chính tôi cũng phải lãnh hậu quả khôn lường, tôi vẫn rất khoái trá khi có cơ hội được làm ô danh đức ngài Silva bất khả chiến bại.
Khi đến nơi, tôi thấy Graziela đang cố trấn an Rosi, một trong số các y tá của tôi, giờ đang lên cơn cuồng loạn. Con bé tội nghiệp ấy gần như không bình tĩnh lại được. Tôi tát cho nó một phát đau điếng ngang má — có thế con bé mới nguôi lại — và hỏi nó chuyện gì đang diễn ra. Tại sao trên đồng phục của nó lại lốm đốm máu thế kia? Bác sĩ Silva đâu? Tại sao một số bệnh nhân lại ra khỏi phòng, và cái tiếng đập rầm rầm kia là cái quái quỉ gì thế? Con bé nói tim Herr Muller đột nhiên ngừng đập. Nó giải thích rằng khi đang tìm cách làm ông ta hồi tỉnh lại thì Herr Muller mở mắt ra và cắn lấy tay bác sĩ Silva. Hai người bọn họ vật lộn với nhau. Rosi định giúp nhưng tí nữa thì chính con bé cũng bị cắn. Nó bỏ Silva ở đấy, chạy ra khỏi phòng và khóa trái cửa lại.
Tôi tí thì phì cười. Thật quá lố bịch. Chắc siêu nhân chỉ có chút sai sót và chẩn đoán nhầm cho bệnh nhân. Chắc người bệnh chỉ gượng dậy khỏi giường và do còn đang choáng váng tóm lấy bác sĩ Silva để lấy thăng bằng. Chắc chắn phải có một lời giải thích hợp lí… ấy nhưng tôi cũng không thể chối cãi được là đồng phục con bé đang dính máu và từ trong phòng của Herr Muller vẫn còn vọng ra mấy tiếng lục đục. Tôi quay lại xe lấy súng, chủ yếu để trấn an Graziela với Rosi chứ không phải để tự vệ
Ông có mang súng sao?
Tôi sống ở Rio. Chứ anh nghĩ tôi mang theo cái gì? “Cái ấy” à? tôi quay lại phòng Herr Muller, gõ cửa mấy phát. Lặng thinh. Tôi thì thào gọi ông ta và Silva. Không ai đáp. Dưới khe cửa máu đang rỉ ra. Vào phòng tôi thấy máu lênh láng trên sàn. Silva nằm sõng soài trong góc phòng, Muller ngồi lom khom bên cạnh, cái lưng phì nộn, trắng bệch và lông lá của lão quay lại phía tôi. Tôi chả nhớ tôi gọi tên lão, chửi thề, đứng chết trân ở đấy hay làm gì khiến lão để ý thấy tôi. Muller quay sang tôi, mồm há rộng, để rơi rớt ra mấy mẩu thịt dính máu. Vết mổ được khâu lại bằng chỉ thép của lão đã bị cậy bục gần hết. Từ chỗ vết rạch chảy ra một thứ dịch gì đó sền sệt, lầy nhầy, đen đặc. Lão loạng choạng đứng dậy rồi chầm chậm tiến về phía tôi.
Tôi giương cao súng nhắm thẳng vào trái tim mới của lão. Đó là khẩu “Desert Eagle” của Israel. Tôi dùng khẩu này bởi cái nó trông khá to và phô trương. Thật phải cảm ơn trời phật là trước giờ tôi chưa bắn thử phát nào cả. Tôi quên không tính đến lực giật. Phát đạn đi trệch mục tiêu, gần như bắn toác cả cái đầu của lão. May thế cơ chứ. Cái thằng cha may mắn này tay cầm nguyên khẩu súng còn bốc khói cứ đứng đực ra đó, một dòng nước tiểu âm ấm chảy xuống dọc chân. Giờ đến lượt tôi bị Graziela cho ăn vài phát tát. Chỉ khi ấy tôi mới hoàn hồn và gọi cho cảnh sát.
Ông có bị bắt không?
Anh điên à? Họ là cộng sự của tôi. Chứ anh nghĩ làm sao tôi kiếm được mớ nội tạng cây nhà lá vườn đó. Anh nghĩ tôi giải quyết cái mớ hầm bà lằng này kiểu gì? Mấy tay kia rất giỏi ba cái việc như thế này. Họ giúp tôi giải thích với mấy bệnh nhân khác rằng một tay sát nhân cuồng loạn đã đột nhập vào phòng khám và giết cả Herr Muller lẫn bác sĩ Silva. Họ cũng đảm bảo rằng đám nhân viên không ai nói gì mâu thuẫn với câu chuyện đó hết.
Thế mấy cái xác xử lí kiểu gì?
Họ cho Silva vào danh sách nạn nhân “bị trộm xe”.Tôi chả biết họ quăng xác hắn ở đâu; chắc là một con phố ổ chuột nào đó ở Cidade de Deus, dàn cảnh một vụ mua bán ma túy không thành để dễ lấp liếm hơn. Tôi hi vọng họ cho hắn một mồi lửa hoặc đem chôn hắn đi… càng sâu càng tốt.
Ông có cho rằng ông ta…
Tôi chịu. Não hắn lúc chết vẫn chưa sứt sẹo gì. Nếu hắn không nằm trong túi xác… nếu đất đủ mềm... Mất bao lâu hắn sẽ tự đào ra được?
[Oliveira nhai thêm một cái lá và mời tôi ăn cùng. Tôi từ chối.]
Còn ông Muller?
Không một lời giải thích với bất kì ai, kể cả vợ lão lẫn đại sứ Áo. Đơn giản chỉ là một du khách bất cẩn khi đi thăm thú một thành phố nguy hiểm. Tôi chả hiểu bà Frau Muller có tin câu chuyện ấy hay điều tra gì thêm không. Chắc mụ ta chẳng nhận ra số mình may đến cỡ nào.
Tại sao lại may?
Anh đùa à? Nếu lão kia không sống lại trong phòng khám của tôi thì sao? Nếu lão mò được về đến tận nhà thì sao?
Có thể có chuyện ấy sao?
Tất nhiên rồi! Nghĩ thử xem. Do tim lão bị nhiễm bệnh, virút có đường xâm nhập thẳng vào hệ tuần hoàn nên chắc sau khi ghép được vài giây, virút đã lên đến não lão rồi. Nếu anh ghép một cơ quan khác như gan hay thận hay có thể là một miếng da ghép thì sẽ mất lâu hơn nhiều, nhất là nếu lượng virút không lớn lắm.
Nhưng người hiến tạng…
…chưa chắc đã sống lại hẳn. Nếu người ấy chỉ mới bị phơi nhiễm thì sao? Cơ quan nội tạng chưa bị bão hòa virút. Có thể chỉ có một lượng cực nhỏ. Anh ghép cái cơ quan ấy cho người khác thì có khi phải mất đến vài ngày, thậm chí vài tuần, virút mới thâm nhập được vào mạch máu. Lúc đó chắc người bệnh đã gần bình phục và quay lại với đời sống thường nhật.
Nhưng người lấy nội tạng…
…chắc gì đã biết mình đang phải đương đầu với cái gì. Tôi có biết đâu. Đây mới là mấy giai đoạn đầu, chả ai biết gì hết. Ngay cả nếu anh biết như một số tay trong quân đội Trung Quốc… anh muốn nói về vô đạo đức đúng không… Họ kiếm được cả triệu bạc nhờ cơ quan nội tạng của lũ tù chính trị bị xử tử suốt mấy năm trước khi dịch bùng phát. Anh nghĩ chỉ vì mấy con virút bọ mà họ lại thôi không đào cái mỏ vàng ấy à?
Nhưng làm thế nào…
Anh lấy tim khi nạn nhân vừa mất… hoặc là ngay khi còn đang sống… hồi trước họ hay làm trò đó: phẫu thuật lấy nội tạng sống để đảm bảo nó còn tươi… đem ướp đá, quăng lên máy bay chuyển đến Rio… Trung Quốc trước vốn là nước xuất khẩu nội tạng người lớn nhất trên thị trường thế giới. Có trời mới biết họ tống ra thị trường quốc tế bao nhiêu giác mạc, bao nhiêu tuyến yên và… lạy Chúa tôi, bao nhiêu quả thận nhiễm virút. Và đấy mới chỉ là nội tạng thôi! Anh cần tôi phải nói về trứng “được hiến tặng” từ tù chính trị, tinh trùng hay máu? Anh tưởng nhập cư trái phép là lí do duy nhất đại dịch này lan ra toàn cầu à? Đâu phải mấy trận bùng phát khởi đầu là do dân Trung Quốc. Liệu anh có giải thích nổi chuyện cả đống người đột nhiên lăn đùng ra chết rồi sống lại cho dù chưa bị cắn phát nào? Sao lại có thể có một đống trận dịch bùng phát từ bệnh viện? Lũ Tàu nhập cư trái phép không nhập viện. Anh có biết có bao nhiêu ngàn người được ghép nội tạng chui trong những năm tiền Cuộc Đại Loạn? Chỉ cần 10% trong số họ bị phơi nhiễm, thậm chí chỉ cần 1%…
Ông có bằng chứng nào hỗ trợ giả thiết này không?
Không… nhưng thế không có nghĩa là nó không xảy ra! Để tôi nhớ lại tất cả các cuộc cấy ghép tôi đã thực hiện, toàn bộ số bệnh nhân từ Châu u, các nước Ả Rập, thậm chí cả đám đạo đức giả người Mỹ. Đám Yankee các anh chả mấy ai hỏi quả thận hay tuyến tụy mới của mình từ đâu chui ra, bất kể là nó được lấy từ một đứa trẻ sông nơi ổ chuột ở Cidade de Deus hay thằng học sinh vô phúc nào đó trong nhà thù chính trị Trung Quốc. Mấy người không biết, mấy người cũng không thèm quan tâm. Mấy người kí séc, nằm xuống dưới mũi dao rồi phi về Miami hay New York hay chỗ khỉ khô nào đó.
Ông có thử truy tìm lại những bệnh nhân này để cảnh báo họ không?
Không. Tôi còn đang bận hồi phục sau vụ bê bối, xây dựng lại tên tuổi, các mối khách hàng, tài khoản ngân hàng nữa. Tôi muốn quên tiệt đi, không thèm điều tra thêm gì nữa. Đến khi tôi nhận ra mối họa thì nó đã bắt đầu đứng ngoài cào cửa nhà tôi rồi.
CẢNG BRIDGETOWN, BARBADOS, LIÊN BANG TY ẤN
[Người ta bảo tôi đó là một chiếc “thuyền buồm,” mặc dù “buồm” của tàu IS Imfingo lại là bốn tuốc bin gió dựng thẳng đứng trên cái thân tàu ba thân bóng loáng. Cùng với hàng đống PEM10, pin nhiên liệu, công nghệ chuyển hóa nước biển thành điện năng, có thể thấy rõ lí do “IS” là viết tắt của từ “Infinity Ship” – “Tàu Vô Hạn”. Dù được xem như tương lai của ngành hàng hải, ít khi ta nhìn thấy một chiếc không giương cờ chính phủ. Tàu Imfingo là tài sản tư và do cá nhân điều khiển. Jacob Nyathi chính là thuyền trưởng của nó.]
Tôi sinh ra gần như là ngay thời hậu A-pác-thai ở Nam Phi. Hồi đó, chính quyền mới không những hứa sẽ đem lại nền dân chủ với khẩu hiệu “mỗi người một phiếu bầu” mà còn mang lại cả việc làm và nhà ở cho toàn bộ đất nước. Cha tôi tưởng cái đó tức khắc có luôn. Ông không hiểu rằng đây là mục tiêu dài hạn phải sau hàng chục năm, hàng bao thế hệ lao động cật lực mới có thể đạt được. Ông tưởng nếu chúng tôi rời bỏ mảnh đất quê hương bộ lạc tôi lên thành phố sống là sẽ có ngay một ngôi nhà mới tinh và một công việc thù lao cao đợi sẵn đó. Cha tôi là một người chất phác, một công nhân. Tôi không thể trách ông vì thiếu học cũng như không thể trách giấc mơ gia đình được hưởng cuộc sống tốt hơn của ông được. Và thế là chúng tôi đến sống ở Khayelitsha, một trong bốn thành phố cảng chính ngoài thị trấn Cape. Cuộc sống cứ thế trôi ngày qua ngày trong tuyệt vọng, hèn kém và đói nghèo. Đó là tuổi thơ của tôi.
Hôm chuyện ấy xảy ra tôi đang từ bến xe buýt đi bộ về. Khi ấy tầm năm giờ sáng và tôi vừa hết ca chạy bàn ở T.G.I. Friday’s tại Victoria Wharf. Đêm đó khá tuyệt vời. Tôi được lĩnh tiền bo khá hậu, còn tin báo nhận được từ bên Tri Nations đủ để khiến bất cứ người Nam Phi nào phổng hết cả mũi. Đội Springboks lại một lần nữa đè bẹp đội All Blacks!
[Ông vừa nhớ lại vừa mỉm cười.]
Chắc chính mấy dòng suy tư ấy làm tôi mất cảnh giác, hoặc có thể chỉ đơn giản là tôi mệt đừ người ra rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy người mình phản xạ theo bản năng trước cả khi tôi kịp nhận ra tiếng súng. Mấy vụ đấu súng hồi đó xảy ra như cơm bữa, nhất là ở chỗ tôi sống. “Mỗi người một khẩu súng”, đó là châm ngôn của tôi ở Khayelitsha. Ở đây anh như mấy tay cựu binh vậy, kĩ năng sinh tồn tự nó ngấm vào máu. Bản năng của tôi sắc bén như dao lam. Tôi cúi thụp xuống, xác định vị trí âm thanh đồng thời tìm thứ có bề mặt cứng nhất để núp sau đó. Hầu hết nhà cửa quanh đây toàn lều lán tạm bợ, làm từ gỗ vụn, tôn thiếc hay chỉ là mấy tấm nhựa đóng lên mấy cái cột vẹo vọ sắp đổ. Năm nào cái khu này cũng bị hỏa hoạn ít nhất một lần và đạn có thể bắn xuyên qua chúng dễ như chơi.
Tôi bỏ chạy và nấp sau một tiệm cắt tóc làm từ cái công-ten-nơ to ngang chiếc xe. Không được hoàn hảo nhưng ít nhất nó cũng chống chịu được vài giây, đủ lâu để ngồi chờ đạn vãn. Chỉ có điều là nó không chịu ngưng. Súng lục, súng săn và cái tiếng lách cách không ai quên nổi, âm thanh của khẩu Kalashnikov. Mấy vụ thanh toán băng đảng không thể kéo dài như thế này được. Giờ có thêm cả tiếng la, tiếng hét. Bắt đầu có mùi khói. Tôi nghe thấy tiếng la ó của đám đông. Tôi hé mắt nhìn ra. Hàng chục người đang gào lên “Chạy đi! Trốn ngay! Chúng đang đến!”. Đa số họ vẫn còn mặc đồ ngủ.Khắp mấy cái nhà xung quanh tôi đèn đuốc bật hết lên, có mấy người thò mặt ra khỏi lều. “Chuyện gì thế?” họ hỏi. “Ai đang đến?” Đây toàn mấy tay trẻ trẻ. Những người lớn tuổi hơn cứ thế chạy ngay. Họ có bản năng sinh tồn kiểu khác. Bản năng ấy được rèn giũa trong giai đoạn họ là nô lệ trên chính đất nước mình. Ngày ấy, ai cũng biết “chúng” là ai, và nếu “chúng” đang đến, anh chỉ còn nước chạy trốn và cầu nguyện.
Ông có chạy không?
Sao mà được. Gia đình tôi, mẹ và hai cô em bé bỏng của tôi, họ sống cách Đài phát thanh Zibonele có mấy “cánh cửa”, đúng cái nơi đám người này đang chạy ra. Tôi không kịp nghĩ gì hết. Tôi ngu thật. Đáng ra tôi phải quay đầu lại, tìm một cái ngõ vắng hay con phố yên tĩnh nào đó.
Tôi cố đâm xuyên qua đám đông, lao thẳng về hướng ngược chiều. Tôi cứ nghĩ mình bám sát mấy bức vách lều là được. Tôi bị huých vào một bên tường nhựa. Nó cuốn lấy người tôi trong khi cả ngôi nhà đổ sụp xuống. Tôi bị kẹt, tôi không thở nổi. Có ai đó đạp lên tôi, nện đầu tôi xuống đất. Tôi cựa quậy thoát ra, luồn lách và lăn vào giữa phố. Trong khi còn đang nằm sấp đó, tôi thấy chúng: tầm mười hay mười lăm bóng người được soi rọi bởi những túp lều đang cháy dở. Tôi không thấy mặt chúng nhưng tôi có thể nghe thấy chúng rên rỉ. Chúng đang nặng nề lê bước về phía tôi với đôi tay giương cao.
Tôi đứng dậy, đầu quay mòng mòng, toàn thân đau ê ẩm. Tôi lùi lại theo bản năng, lùi vào trong “cửa” cái lều gần nhất. Có cái gì đó túm lấy tôi từ phía sau, kéo rách cả cổ áo tôi. Tôi quay lại, cúi đầu và đạp thật mạnh. Hắn khá to lớn, to và nặng hơn tôi vài cân. Chất dịch đen chảy ròng ròng xuống cái áo trắng của hắn. trên ngực hắn tòi ra một con dao đâm xuyên qua xương sườn, ngập đến tận cán. Hàm dưới của hắn mở rộng, nhả ra cái mảnh cổ áo vừa rách của tôi đang kẹp chặt trong răng. Hắn gầm gừ, lao thẳng đến. Tôi cố né. Hắn tóm cổ tay tôi. Tôi cảm thấy có cái gì vừa gãy và cơn đau chạy dọc cơ thể tôi. Tôi khuỵu gối, cố lăn đi và ngáng chân hắn. Tay tôi chạm vào một cái nồi to. Tôi tóm lấy nó và đập xuống thật mạnh. Nó đập thẳng vào mặt hắn. Tôi liên tục nện vào sọ hắn cho đến khi xương nứt toác ra và não bắn tung tóe dưới chân tôi. Hắn đổ sụp xuống. Tôi vừa thoát ra thì thêm một tên nữa xuất hiện ở phía cửa. Lần này cái sự mỏng manh của tòa nhà đã tạo cho tôi lợi thế. Tôi đạp tung bức tường sau lưng, lách ra ngoài và đồng thời làm sập cả túp lều.
Tôi co giò chạy mà chả hiểu mình đi đâu. Mọi thứ như một cơn ác mộng. Lều và lửa và những cái tay với ra nắm cứ thế mà lướt qua tôi. Tôi chạy xuyên qua một cái chòi có người một phụ nữ đang trốn trong góc. Hai đứa con của bà ta đang kêu khóc và rúc vào người mẹ mình. “Đi theo tôi!” Tôi nói. “Làm ơn đi, chúng ta phải chạy ngay!” Tôi chìa tay ra và tiến lại gần bà ta. Bà kéo mấy đứa con lại gần, vung loạn xạ một cái tua vít nhọn hoắt. Mắt bà ta mở to đầy sợ hãi. Tôi có thể nghe thấy âm thanh vọng tới từ phía sau… tiếng chúng đập phá, xô đẩy lều chõng để tiến đến. Tôi chuyển từ tiếng Xhosa sang nói tiếng Anh. “Làm ơn mà,” tôi van lạy, “mấy người phải trốn ngay!” tôi rướn về phía bà ấy nhưng bà ta đâm vào tay tôi. Tôi phải bỏ bà ta lại. Tôi chả biết làm gì nữa. Hình ảnh bà ấy vẫn còn in hằn trong tâm trí tôi mỗi khi tôi đi ngủ hay chỉ đơn thuần là nhắm mắt lại. Đôi khi bà ấy là mẹ tôi, còn những đứa trẻ mếu máo là em tôi.
Tôi nhìn thấy phía trước mặt có ánh đèn sáng rực, chiếu xuyên qua những cái khe nứt trên các ngôi nhà tạm bợ. Tôi chạy thục mạng. Tôi tìm cách gọi họ. Tôi thở không ra hơi nữa. Tôi đâm xuyên qua tường một ngôi nhà và đột nhiên tôi lọt ra chỗ đường trống. Ánh đèn pha làm tôi lóa cả mắt. Tôi cảm thấy có cái gì đâm sầm vào vai. Chắc trước khi kịp ngã xuống tôi đã bất tỉnh rồi.
Tôi tỉnh dậy trên giường bệnh ở bệnh viện Groote Schuur. Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy cảnh trí bên trong của một khu hồi sức như thế này. Mọi thứ đều sạch sẽ và trắng tinh. Tôi tưởng mình đã nghoẻo rồi. Mớ thuốc men càng làm tôi cảm thấy thế. Trước giờ tôi chưa từng dùng chất kích thích, thậm chí còn không đụng đến một giọt rượu. Tôi không muốn bị như hàng xóm của tôi, bị như cha tôi. Cả đời tôi cố giữ mình trong sạch, ấy vậy mà giờ đây…
Cái mớ morphine hay gì gì đó họ truyền vào mạch tôi thật là sảng khoái. Tôi chả còn quan tâm trời đất gì nữa. Tôi chả quan tâm khi họ bảo cảnh sát đã bắn vào vai tôi. Tôi thấy người đàn ông nằm bên cạnh tôi được vội vã cáng ra ngoài ngay sau khi vừa ngừng thở. Tôi thậm chí còn chẳng quan tâm khi tôi nghe người ta bàn tán về chuyện bùng phát dịch “dại.”
Ai bàn về chuyện đó vậy?
Tôi không biết. Tôi bảo anh rồi, lúc đó tôi đang phê lòi ra. Tôi chỉ hơi nhớ có nghe thấy mấy giọng giận dữ lớn tiếng cãi vã nhau ở hành lang ngoài khu bệnh xá của tôi. “Đó không phải bệnh dại!” Một người quát. “Bệnh dại không biến con người ta thành ra như thế được!” Rồi thì… có cái gì đó… và sau đấy là “Được rồi, thế anh có ý kiến gì không, ngay dưới tầng thôi đã có đến mười lăm ca rồi! Bố ai biết ngoài đường còn bao nhiêu người nữa!” Buồn cười thật. Lúc nào tôi cũng nghĩ về cuộc trò chuyện đó, nghĩ xem đáng ra khi ấy mình nên nghĩ gì, cảm thấy như thế nào và làm gì. Mãi một lúc lâu sau tôi mới tỉnh táo lại và đối mặt với cơn ác mộng.
TEL AVIV, ISRAEL
[Jurgen Warmbrunn rất chuộng đồ ăn Ethiopia. Đó là lí do chúng tôi gặp nhau ở một nhà hàng Falasha. Nhìn nước da sáng hồng, và cặp lông mày trắng rậm rạp hợp tông với bộ tóc “Einstein” của ông, người ta dễ lầm tưởng ông là một nhà khoa học lập dị hay một giảng viên đại học. Cả hai đều không phải. Dù không bao giờ nêu đích danh tổ chức tình báo Israeli nào ông đã từng hoặc vẫn phục vụ, Jurgen Warmbrunn công khai thừa nhận rằng đã có thời ông có thể được coi là “một mật thám viên”.]
Hầu hết mọi người không tin điều gì đó có thể xảy ra cho đến khi chuyện đã rồi. Đấy không phải do ngu dốt hay một yếu điểm mà chỉ là bản tính con người. Tôi không trách ai chuyện không tin. Tôi không tự cho mình thông minh hay tốt đẹp gì hơn họ. Tất cả chỉ là do số kiếp con người sinh ra là vậy. Tôi vô tình được sinh ra giữa một đám người lúc nào cũng sợ bị diệt chủng. Nó là một phần bản sắc, một phần tư tưởng của chúng tôi, và qua biết bao thăng trầm nó đã dạy cho chúng phải luôn đề cao cảnh giác.
Lời cảnh báo đầu tiên về trận đại dịch tôi nhận được là từ mấy anh bạn kiêm khách hàng bên Đài Loan. Họ phàn nàn về phần mềm giải mã mới của chúng tôi. Có vẻ nó không giải mã nổi mấy bức thư từ bên PRC11, hoặc là làm ăn vớ vẩn quá khiến bức thư dịch ra chả ai hiểu gì. Tôi đồ rằng vấn đề không phải ở chỗ phần mềm mà nằm ở chính cái bức thông điệp được dịch. Đám Cộng sản bên Trung Quốc đại lục… chắc giờ họ cũng không hẳn là Cộng sản nữa nhưng mà… anh muốn gì ở một lão già như tôi? Dân Cộng sản có cái tật dùng một mớ hổ lốn máy tính thuộc quá nhiều thế hệ và đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Trước khi tôi trình giả thuyết này sang bên Taipei, tôi cho rằng mình cũng nên xem lại mấy mẩu thông điệp khó hiểu kia. Tôi giật mình bởi các chữ cái, kí tự đều được giải mã rất ngon lành. Nhưng về nội dung thì… nó đề cập đến sự bùng phát của một loại bệnh truyền nhiễm mới. Căn bệnh ấy đầu tiên khiến người nhiễm tử vong, sau đó xác người bệnh hồi sinh lại và trở thành một kẻ cuồng sát. Tất nhiên tôi không tin đó là thật, nhất là vì vài tuần sau cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan nổ ra và mấy bức thư từ liên quan đến vụ xác chết làm loạn ngưng bặt. Tôi nghi nó vẫn còn một lớp lang mã hóa nữa, một bức mật thư ẩn trong mật thư. Từ thuở hồng hoang khi loài người biết liên lạc chuyện ấy đã xảy ra quá thường xuyên rồi. Tất nhiên bên Cộng sản không ám chỉ xác chết thật.Đó chắc phải là một hệ thống vũ khí mới hoặc một sách lược chiến tranh tuyệt mật. Tôi để kệ nó đó, cố quên đi. Thế nhưng theo như lời một người hùng dân tộc đất nước các anh đã nói thì: “Giác quan nhện của tôi đang ngứa ran.”
Không lâu sau đó, khi đang ở bàn tiếp tân đám cưới con gái mình tôi có nói chuyện với một giáo sư của con rể tôi. Ông ta giảng dạy ở đại học Hebrew và là một tay nhiều chuyện, đã thế hôm ấy lại còn nốc hơi quá đà. Hắn cứ lải nhải về việc ông anh họ đang công tác bên Nam Phi của hắn có kể cho hắn nghe mấy giai thoại về lũ golem. Anh biết về golem chứ, cái truyền thuyết về lão pháp sư làm cho mấy bức tượng vô tri sống dậy ấy? Mary Shelley viết Frankenstein dựa trên ý tưởng đó. Lúc đầu tôi không nói gì, chỉ ngồi im nghe. Lão kia tiếp tục chuyển sang ba hoa về chuyện con golem này không phải làm từ đất hay hiền lành, dễ bảo gì hết. Ngay khi hắn vừa nhắc đến xác người sống lại, tôi hỏi xin số ông anh họ hắn ngay. Hóa ra tay này đã từng đến thị trấn Cape tham dự cái “Adrenaline Tour”. Hình như cái đó là đi cho cá mập ăn.
[Ông đảo mắt.]
Có vẻ đám cá mập đã cho hắn một phát ngay vào cái bộ ngồi. Vậy nên khi những nạn nhân đầu tiên từ thành phố cảng Khayelitsha được đưa vào bệnh viện Groote Schuur hắn cũng đang nằm dưỡng thương ở đó. Hắn không được tận mắt chứng kiến ca bệnh nào nhưng đám nhân viên có kể cho hắn nghe cả đống chuyện, đủ đểlưu chật kín cái máy ghi âm cũ của tôi. Tôi liền trình câu chuyện của gã kia cùng với đống e-mail đã được giải mã của phía Trung Quốc lên cho cấp trên của mình.
Đây chính là lúc tôi được lợi từ tình trạng an ninh bấp bênh đặc biệt của người dân mình. Thàng mười năm 1973, khi Ả Rập đánh lén và tí nữa thì dồn hết chúng tôi ra Đại Trung Hải, chúng tôi đã có đầy đủ các thông tin tình báo, đủ các dấu hiệu cảnh tỉnh chình ình ngay trước mặt, vậy mà chúng tôi cứ “thây kệ nó”. Chúng tôi chưa bao giờ tính tới khả năng xảy ra một cuộc tống tiến công có phối hợp từ nhiều nước liên minh, nhát là không thể nào lại rơi vào một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của chúng tôi. Sự đình đốn, tính cứng nhắc, tâm lí đám đông không thể tha thứ được, anh muốn gọi đó là gì thì tùy. Hãy tưởng tượng một đám người đang nhìn vào mấy dòng chữ viết trên tường, ai nấy cũng đều đang chúc mừng nhau vì đã đọc đúng. Nhưng đằng sau đám người đó là một cái gương chỉ ra thông điệp thật của dòng chữ kia. Không ai nhìn vào cái gương ấy. Không ai nghĩ điều ấy lại là cần thiết. Và thế là sau khi tí nữa để bọn Ả Rập hoàn tất công việc Hitler khởi xướng, chúng tôi nhận ra rằng cái ảnh phản chiếu trong gương ấy không chỉ cần thiết mà nó còn phải trở thành một chính sách quốc gia. Kể từ năm 1973 trở đi, nếu chín phân tích viên tình báo có chung một kết luận, nhiệm vụ của người thứ mười là phải bất đồng quan điểm. Cho dù khả năng ấy có không tưởng hay nghe cường điệu đến mức nào đi nữa, luôn phải có người đào bới sâu hơn. Nếu nhà máy hạt nhân của quốc gia láng giềng có thể được dùng để sản xuất plutonium cho vũ khí, anh phải đào; nếu có tin đồn một tay độc tài nào đó đang thiết kể một khẩu trọng pháo đủ lớn để bắn đạn mang mầm bệnh than xuyên quốc gia, anh phải đào; và nếu có dù chỉ một chút xíu khả năng xác chết đang sống lại và trở thành những cỗ máy giết chóc đói khát, anh phải đào và đào cho tới khi anh tìm ra sự thật.
Và tôi đã làm như vậy. Tôi đào bới. Ban đầu không dễ dàng gì. Sau khi Trung Quốc đã bị loại khỏi cuộc chơi… cuộc khủng hoảng ở Đài Loan đã khiến mọi hoạt động thu thập tin tình báo bị cắt đứt… tôi còn rất ít nguồn tin. Mấy thứ tôi lượm lặt được toàn mấy tin ba lăng nhăng, nhất là ở trên mạng; thây ma đến từ vũ trụ và Vùng 51… mà sao đất nước các anh cứ bị ám ảnh về Vùng 51 vậy? Về sau tôi bắt đầu kiếm được những thông tin hữu ích hơn: những ca “bệnh dại” tương tự như ở thị trấn Cape… sau này nó mới được gọi là bệnh dại Châu Phi. Tôi phát hiện ra vài bản đánh giá tâm lí của một số binh sĩ Canada hoạt động trên núi vừa trở về từ Kyrgyzstan. Tôi bắt gặp một bài blog của một y tá người Tây Ban Nha thuật lại cho bạn bè nghe vụ án mạng của một bác sĩ phẫu thuật tim.
Thông tin của tôi chủ yếu đến từ Tổ chức Y tế Thế giới. Liên Hợp Quốc quả là một bộ máy quan liêu kiệt tác. Vô số thông tin có giá trị bị chôn vùi dưới hàng núi báo cáo chưa ai thèm đụng đến. Tôi phát hiện ra cả đống trường hợp tương tự trên toàn cầu, tất cả đều bị gạt sang một bên với lời giải thích là “có khả năng”. Những trường hợp này giúp tôi hoàn tất bức tranh ghép liền mạch về mối hiểm họa mới này. Đối tượng điều tra đúng là đã chết, chúng rất thù địch, và không thể chối cãi rằng chúng đang lây lan. Tôi cũng đã có một phát kiến rất đáng tự hào: làm sao để tiêu diệt chúng.
Cứ nhắm vào não.
[Ông cười.]Ngày nay chúng ta nói về nó như thể đó là một phép màu, tương tự như nước thánh hay đạn bằng bạc, nhưng chẳng phải tiễu trừ lũ sinh vật này bằng cách tiêu hủy não chúng là điều quá hiển nhiên sao? Chẳng phải đó cũng là cách duy nhất để tiêu diệt chúng ta?
Ý ông là con người?
[Ông gật đầu.] Chẳng phải chúng ta chỉ đơn giản có vậy thôi sao? Chỉ là một bộ não sống sót nhờ một cỗ máy tinh vi và dễ tổn thương gọi là cơ thể? Bộ não không thể sống sót nếu chỉ một phần cỗ máy ấy bị phá hoại hay không được cung cấp những thứ thiết yếu như thức ăn hoặc oxy. Đó là điểm khác biệt đáng kể duy nhất giữa chúng ta và “Những Kẻ Đội Mồ.” Não chúng không cần hệ thống hỗ trợ nào cũng sống được nên ta cần trực tiếp tấn công cái cơ quan ấy. [Tay phải ông làm thành hình khẩu súng và chạm vào thái dương.] Giải pháp quá đơn giản, nhưng đó là nếu như chúng ta nhận ra vấn đề! Căn cứ vào tốc độ lây lăn nhanh chóng của căn bệnh, tôi nghĩ là tốt hơn hết nên kiểm tra lại với các đồng nghiệp tình báo viên nước ngoài.
Paul Knight là bạn tôi từ rất lâu rồi, tận từ hồi chiến dịch Entebbe. Chính hắn đã nghĩ ra cái trò lấy cái xe Mercedes đen khác giả làm xe của Amin. Paul ngưng làm nhà nước ngay trước khi cơ quan hắn “cải tổ” và chuyển sang làm cho một công ti tư vấn tư nhân ở Bethesda, Maryland. Khi tôi đến thăm nhà hắn, tôi hết sức bất ngờ khi thấy không những hắn dành thời gian rảnh của mình nghiên cứu cùng một đề tài mà tập hồ sơ của hắn cũng dày ngang tôi. Cả đêm chúng tôi thức đọc xem người kia đã khám phá ra những gì. Chẳng ai nói năng gì hết. Tôi nghĩ ngoài những câu chữ trước mắt chúng tôi chẳng còn để ý trời đất gì nữa, thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của nhau. Chúng tôi đọc xong gần như cùng lúc, vừa khi hừng đông bắt đầu lóe rạng.
Paul lật trang cuối rồi quay qua tôi và nói với giọng rất thản nhiên “Tình hình khá tệ hả?” Tôi gật, hắn cũng gật, rồi sau đó nói tiếp “Vậy ta xử lí kiểu gì giờ?”
Và bản báo cáo “Warmbrunn-Knight” đã ra đời như vậy.
Ước gì mọi người ngưng gọi nó bằng cái tên đó. Trên bản báo cáo đó còn tận mười lăm cái tên nữa: các nhà virút học, tình báo viên, phân tích viên quân sự, nhà báo, thậm chí cả một quan sát viên Liên Hiệp Quốc vốn đang giám sát các cuộc bầu cử ở Jakarta khi trận bùng phát đầu tiên nổ ra ở Indonesia. Tất cả đều là chuyên gia trong ngành và thậm chí ai cũng đã rút ra được kết luận tương tự trước khi chúng tôi liên lạc với họ. Bản báo cáo của chúng tôi dài chưa đến một trăm trang. Nó rất ngắn gọn, rất đầy đủ và, theo ý kiến của bọn tôi, là tất cả những gì chúng ta cần để ngăn căn bệnh này trở thành đại dịch. Tôi biết người ta chủ yếu ca ngợi sách lược chiến tranh Nam Phi. Nó cũng đáng được như vậy. Nhưng nếu có thêm nhiều người chịu khó đọc báo cáo của chúng tôi và tìm cách áp dụng những đề xuất trong đó vào thực tiễn, sách lược kia chưa chắc đã cần phải có.
Nhưng cũng có một số người đọc và làm theo báo cáo của các ông. Chính phủ các ông…
Có mấy ai đâu? Và hậu quả sao anh thấy rồi đó.
BETHLEHEM, PALESTINE
[Với vẻ ngoài vạm vỡ và nét quyến rũ đầy tao nhã, Saladin Kader có thể trở thành một ngôi sao màn bạc. Anh thân thiện nhưng không khúm núm,tự tin nhưng không ngạo mạn. Anh là giáo sư về quy hoạch đô thị ở Đại học Khalil Gibran và tất nhiên là được học sinh nữ rất cảm mến. Chúng tôi ngồi dưới bức tượng mang tên trường. Cũng như tất cả mọi thứ trong thành phố thịnh vượng nhất Trung Đông này, cái chất đồng bóng loáng của nó sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời.]
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Kuwait. Tôi thuộc là một trong số những gia đình “may mắn” không bị trục xuất sau khi Arafat trở thành đồng minh của Saddam năm 1991 và cùng nhau chống lại thế giới. Chúng tôi không dư dật nhưng cũng không túng thiếu. Tôi sống khá thoải mái, thậm chí còn được bao bọc khá kĩ. Lối sống ấy bộc lộ rõ qua từng cử chỉ hành vi của tôi thời ấy.
Tan học, ngày nào tôi cũng đi làm thêm ở Starbucks. Tôi có xem một bản tin của Al Jazeera từ sau quầy thanh toán. Lúc đó đang buổi chiều, đúng giờ cao điểm, cả quán chật ních. Anh phải ở đó nghe tiếng hò hét, tiếng reo mừng, tiếng huýt gió mới thấy chất. Độ ồn ở đây chắc cũng ngang ngửa nơi diễn ra Đại Hội.
Tất nhiên chúng tôi đều cho đó toàn là những lời bịp bợm của bọn phục quốc Do Thái. Ai chẳng nghĩ thế? Tôi biết nghĩ gì sau khi nghe đại sứ Israel công bố trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng đất nước ông ta đang thực thi chính sách “tự nguyện cách li”? Chả nhẽ tôi lại đi tin cái câu chuyện điên rồ của lão rằng bệnh dại Châu Phi thực chất là một đại dịch mới có khả năng biến xác chết thành những kẻ ăn thịt khát máu à? Tin làm sao được cái thứ vớ vấn đó, nhất là khi được nghe từ miệng kẻ tử thù của mình?
Tôi chả buồn nghe phần hai bài nói của lão béo ấy. Lão đề cập đến việc cho phép bất cứ người Do Thái sinh ra ở nước ngoài nào, bất cứ người ngoại quốc nào có bố mẹ là người Israel, bất cứ người Palestine nào hiện đang sống trong vùng bị chiếm đóng trước kia hoặc có gia đình đã từng sống trong lãnh thổ Israel được phép tị nạn mà không cần tra hỏi gì hết. Gia đình tôi rơi vào nhóm cuối, vốn là dân chạy nạn trong cuộc chiến của bọn phục quốc Do Thái năm 1967. Nghe theo sự chỉ đạo của PLO12, chúng tôi trốn khỏi làng, lòng tin tưởng rằng mình sẽ có thể hồi hương ngay khi những người anh em từ bên Ai Cập và Syria đẩy lùi bọn Do Thái ra biển. Tôi chưa bao giờ đến Israel, hay cái phần đất sắp sửa bị sát nhập thành một tiểu bang của đất nước Palestine Thống Nhất.
Theo ông mục đích thực của chiêu bài bên Israel đang sử dụng là gì?
Tôi nghĩ thế này: Đám phục quốc do thái vừa bị tống ra khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Cũng như ở Lebanon và mới gần đây là Dải Gaza, chúng nói chúng tự nguyện rời đi, nhưng thực chất thì cũng như hồi trước, chúng tôi biết chính mình đã đánh đuổi chúng đi. Chúng thừa hiểu đòn đánh tiếp theo sẽ là cú đánh chí tử, tiêu diệt toàn bộ cái quốc gia hung tàn ấy. Và để chuẩn bị cho phát giáng cuối cùng ấy, chúng đang tìm cách tuyển mộ người Do Thái ở nước ngoài làm bia đỡ đạn và… và — hồi đấy tôi rất khâm phục sự thông minh của mình sau khi nghĩ ra cái này — bắt cóc càng nhiều người Palestine càng tốt để làm lá chắn người! Tôi đã biết hết các câu trả lời. Tuổi mười bảy đứa nào chả thế?
Cha tôi không tin lắm cái nhìn thiên tài về địa chính trị của tôi. Ông làm lao công ở bệnh viện Amiri. Ông trực hôm trận dịch dại Châu Phi cỡ lớn đầu tiên bùng nổ. Ông không được tận mắt chứng kiến cảnh xác chết sống lại hay vụ thảm sát của các bệnh nhân hoảng loạn và nhân viên an ninh, nhưng ông đã chứng kiến hậu quả của nó đã đủ để khiến ông tin rằng ở lại Kuwait chẳng khác nào tự sát. Ông quyết định rời đi ngay hôm Israel đưa ra tuyên bố ấy.
Chắc ông hơi khó chấp nhận chuyện đó.
Thật đáng sỉ nhục! Tôi cố giúp ông nhìn ra sự thật, cố gắng thuyết phục ông bằng mớ lôgic non trẻ của mình. Tôi đưa ông xem những bức hình lấy từ Al Jazeera, những bức hình chụp ở bang Bờ Tây mới của Palestine; cảnh ăn mừng, cảnh biểu tình. Ai có mắt cũng đều có thể thấy rõ ngày độc lập hoàn toàn đã sắp đến. Quân Israel đã rút khỏi các khu vực chiếm đóng và đang chuẩn bị sơ tán Al Quds, nơi chúng gọi là Jerusalem! Tôi chắc nịch tất cả các cuộc chiến tranh phe phái, các cuộc bạo động giữa các nhóm phiến quân sẽ ngớt đi một khi chúng ta đoàn kết lại giáng đòn kết liễu bọn Do Thái. Sao cha tôi không thấy được điều đó? Chẳng lẽ ông lại không hiểu là chỉ vài năm, vài tháng nữa thôi, chúng tôi sẽ trở về quê nhà với tư cách là những giải phóng quân, không phải những con dân chạy nạn.
Cuộc tranh cãi ấy được giải quyết ra sao?
“Giải quyết”, cách nói hay đấy. Nó được “giải quyết” ngay sau trận bùng phát thứ hai với qui mô lớn hơn ở Al Jahrah. Cha tôi ngay lập tức thôi việc, rút hết mấy hào lẻ trong cái tài khoản gần như trống rỗng… hành lí được chuẩn bị… vé đã được đặt trên mạng. Tiếng tivi nổi lên ồn ã, chiếu cảnh cảnh sát chống bạo động đạp cửa xông vào một ngôi nhà. Chả thấy họ đang bắn cái gì ở trong đó. Thông báo chính thức đổ hết lỗi lên đầu “những kẻ cực đoan ủng hộ phương Tây.” Như lệ thường, tôi và cha mình đang cãi nhau. Ông cố thuyết phục tôi về những gì ông đã thấy ở bệnh viện, cố nói rằng đến khi giới cầm quyền thừa nhận nguy hiểm thì đã quá muộn rồi.
Tất nhiên tôi nhạo báng sự ngu dốt hèn mọn của ông, nhạo báng việc ông sẵn sàng từ bỏ “Cuộc Kháng Cự”. Tôi còn có thể trông chờ gì vào một người cả đời cọ toa lét ở cái đất nước mà nhân dân được đối xử chỉ hơn lũ Philippines xuất khẩu lao động có tí xíu? Ông đã đánh mất chính kiến, đánh mất lòng tự trọng. Đám phục quốc Do Thái đang chìa ra mấy lời hứa trống rỗng về một cuộc sống tốt đẹp hơn và ông đang vồ lấy nó như chó thấy thịt thừa.
Kiên nhẫn hết mức có thể, cha tôi cố làm cho tôi hiểu rằng ông chẳng tha thiết gì đám người Israel hơn mấy tên cảm tử ở Al Aqsa, nhưng họ là quốc gia duy nhất có vẻ đang chuẩn bị đương đầu với tai ương sắp đến, và rõ ràng là nơi duy nhất sẵn sàng bảo vệ và cho gia đình chúng tôi chốn nương thân.
Tôi cười thẳng vào mặt ông. Sau đó tôi ném cái tin trời đánh: tôi bảo với ông rằng tôi đã tìm thấy trang web Hậu duệ của Yassin13 và đang đợi e-mail từ một người tuyển quân đang hoạt động ở thành phố Kuwait. Tôi bảo cha tôi cứ đi làm trâu ngựa cho lũ yehud nếu ông muốn, nhưng lần tới cha con hội ngộ sẽ là khi tôi giải cứu ông khỏi trại tập trung. Tôi rất tự hào khi phun ra những lời đó, nghe đậm chất anh hùng. Tôi nhìn trừng trừng vào cha tôi, lúc đó đang đứng ở đầu kia cái bàn, và đưa ra phán quyết cuối cùng: “Trong mắt thánh Allah, những kẻ không có đức tin đều là lũ súc vật đê tiện nhất!”14
Cái bàn ăn đột nhiên chết lặng. Mẹ tôi cúi mặt xuống, mấy đứa em gái tôi thì nhìn nhau. Giờ chỉ còn nghe thấy mỗi tiếng cái tivi, nghe thấy mỗi cô phóng viên hiện trường hoảng hốt kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. Cha tôi không phải tạng người to lớn gì cho cam. Hồi đó, tôi nghĩ tôi còn đô con hơn ông. Ông cũng không phải người hay cáu gắt; tôi gần như chưa bao giờ thấy ông cao giọng. Tôi thấy trong mắt ông lóe lên cái gì đó mà tôi không nhận ra, và đột nhiên ông tóm lấy tôi, nhanh như một cơn lốc. Ông lẳng tôi vào tường, tát tôi đau đến mức ù cả tai đi. “Mày PHẢI đi!” ông vừa gầm lên vừa tóm lấy vai tôi, liên tục đập tôi vào bức tường giẻ rách. “Tao là cha mày! Mày PHẢI NGHE LỜI TAO!” Cú tát tiếp theo làm mắt tôi nổ đom đóm. “MÀY SẼ ĐI VỚI GIA ĐÌNH NÀY HOẶC LÀ MÀY SẼ KHÔNG SỐNG SÓT MÀ RA KHỎI CĂN PHÒNG NÀY!” Ông lại tiếp tục tóm, xô đẩy gào thét và tát bôm bốp. Tôi chả hiểu cái người đàn ông này, cái con sư tử đã thế chỗ người cha hiền lành, nhu nhược của tôi từ đâu mọc ra. Con sư tử ấy đang bảo vệ lũ con của mình. Ông biết vũ khí duy nhất ông còn có thể dùng để cứu mạng tôi là sự sợ hãi và nếu căn bệnh không làm tôi sợ thì, mẹ kiếp, tôi sẽ phải sợ ông!
Nó có tác dụng không?
[Cười.] Như tôi thì cảm tử quân cái nỗi gì. Hình như tôi khóc suốt dọc đường đi đến Cairo.
Cairo?
Không có chuyến nào bay trực tiếp từ Kuwait đến Israel. Và sau khi Liên Đoàn Ả Rập thi hành chính sách hạn chế di chuyển thì ngay cả bay từ Ai Cập cũng không được. Chúng tôi phải bay từ Kuwait sang Cairo rồi bắt xe buýt băng qua sa mạc Sinai để đến chỗ chuyển giao ở Taba.
Khi đến gần biên giới, tôi được diện kiến Bức Tường lần đầu tiên trong đời. Bấy giờ nó vẫn chưa được xậy xong, trên nền xi măng vẫn còn mấy thanh thép trần tòi ra. Tôi có nghe về cái “hàng rào an ninh” khét tiếng — điều người dân ở các nước Ả Rập không biết — nhưng tôi cứ tưởng nó chỉ bao quanh Bờ Tây và Dải Gaza. Nhìn thấy nó ở nơi sa mạc hoang vu này, tôi càng tin tưởng vào giả thuyết rằng bên Israel đang trông chờ một cuộc tấn công dọc toàn bộ biên giới. Tốt, tôi thầm nghĩ. Cuối cùng bọn Ai Cập cũng đã tìm lại được chút dũng khí.
Ở Taba, chúng tôi bị bắt xuống xe và được ra lệnh xếp hàng dọc đi băng qua chuồng của mấy con chó to lớn trông rất dữ dằn. Chúng tôi từng người một đi vào. Một anh lính biên phòng người gốc Phi đen đúa gầy gò — Trước giờ tôi không hề biết Do Thái có người da đen15 — chìa tay ra. “Chờ đó!” Anh ta nói với cái giọng Ả Rập rất khó nghe.
Rồi sau đó, “đến anh, đi đi!” Đứng trước tôi là một ông già. Ông để râu dài bạc trắng và đi chống gậy. Ông vừa đi qua lũ chó, chúng ngay lập tức nổi điên lên, tru tréo, gầm gừ, cắn đớp loạn xạ và cứ lao vào thành chuồng. Ngay lập tức hai tay đô vật mặc thường phục tiến tới cạnh ông già, thì thầm gì đó vào tai ông ta và đưa ông ấy đi. Tôi có thể thấy ông ấy đang bị thương. Tấm áo dishdasha rách ngang hông của ông ố nâu màu máu. Nhưng mấy gã này chắc chắn không phải bác sĩ, và cái xe đen không biển số họ đưa ông lên cũng dứt khoát không phải xe cứu thương. Bọn khốn, tôi nghĩ thầm trong khi người nhà ông già kia đứng nhìn ông mà kêu khóc. Loại bỏ những người quá ốm yếu hay già cả mà chúng không muốn sử dụng. Sau đó đến lượt chúng tôi đi qua lũ chó. Chúng không sủa tôi hay bất cứ ai trong gia đình tôi cả. Hình như có con còn vẫy đuôi khi em tôi chìa tay ra. Nhưng đến người đàn ông đi sau chúng tôi thì… tiếng sủa, tiếng gầm gừ lại nổi lên, và mấy gã mặc thường phục bí ẩn kia lại đến. Tôi quay lại và ngạc nhiên khi thấy anh ta là người da trắng, chắc là người Mỹ hoặc Canada… không, chắc là người Mỹ đấy. Anh ta nói tiếng Anh cứ gào tướng lên. “Ê này, tôi là người khỏe mạnh mà!” Anh ta gào lên và kháng cự lại. “Thôi nào, mẹ kiếp, làm cái gì thế?” Anh ta ăn mặc rất lịch thiệp, diện bộ vét kèm cà vạt. Đống hành lí hợp tông màu bị quẳng sang một bên khi anh ấy bắt đầu chống đối lại mấy người Israel. “Này, thôi đi, cút xa tôi ra! Tôi cũng như mấy người thôi mà! Đùa gì thế!” Mấy cái khuy áo của anh ta bục tung, làm lộ một miếng băng thấm đẫm máu buộc quanh bụng. Khi bị lôi xềnh xệch vào trong xe, anh ta vẫn cứ đấm đá và gào thét loạn xạ. Tôi hiểu không nổi. Tại sao lại là họ? Rõ ràng là người Ả Rập hay không không quan trọng, hay thậm chí là có bị thương hay không cũng vậy. Tôi thấy có vài người tị nạn mang thương tích trầm trọng đi qua mà không hề bị lính canh làm gì. Họ được đưa lên chỗ mấy chiếc xe cứu thương đang đợi sẵn. Lần này là xe cứu thương thật chứ không phải mấy chiếc xe đen. Tôi đồ rằng lũ chó chắc đóng vai trò gì đó. Hay chúng được dùng để dò bệnh dại? Mỗi cái đó là nghe hợp lí nhất, và suốt dọc đường đến trại tị nạn ở ngoại ô Yeroham tôi cứ đinh ninh như thế.
Đó có phải là khu tái định cư?
Tái định cư kiêm khu cách li. Hồi đó đối với tôi nó chả khác gì nhà ngục. Những gì xảy đến với chúng tôi đúng y chang dự kiến của tôi: lều chõng đủ kiểu, người người chen lấn chật chội, lính canh nhan nhản, dây thép gai chăng tứ phương, lại còn cả cái ánh nắng như đổ lửa của mặt trời sa mạc Negev nữa. Chúng tôi thấy mình như tù nhân.Thực chất chúng tôi đúng là tù nhân, và dù gan tôi không đủ lớn để bảo với cha tôi rằng “nói rồi không nghe”,nhìn gương mặt cay đắng của tôi chắc ông cũng đủ hiểu.
Tôi chỉ không lường trước được vụ khám sức khỏe. Ngày nào cũng có cả một đội quân nhân viên y tế hùng hậu khám nghiệm chúng tôi. Máu, da, tóc, nước bọt, thậm chí cả nước tiểu và phân16… thật là quá sức mệt mỏi, quá phỉ báng. Điều duy nhất khiến mọi thứ dễ chịu hơn một chút và thậm chí còn có thể là giúp ngăn không cho một cuộc bạo động giữa đám người Hồi giáo xảy ra đó là phần lớn bác sĩ và y tá lãnh nhiệm vụ khám sức khỏe là người Palestine. Bác sĩ khám mẹ và các em gái tôi là một phụ nữ Mỹ đến từ thành phố Jersey. Ông bác sĩ khám nghiệm chúng tôi đến từ Jabaliya ở Gaza và chính ông mới chỉ mấy tháng trước còn là tù nhân ở đây. Ông liên tục trấn an chúng tôi rằng, “Đến đây là một quyết định đúng đắn. Mấy người sẽ thấy. Tôi hiểu là rất khổ, nhưng rồi mọi người sẽ thấy đây là cách duy nhất.” Ông bảo với chúng tôi rằng mọi thứ phía Israel nói đều là sự thật. Tôi vẫn không thể tin ông ta được, mặc dù càng ngày càng có một phần trong tôi thực sự muốn.
Chúng tôi ở lại Yeroham đến ba tuần, mãi cho đến khi giấy tờ được xử lí và khám xét xong xuôi. Anh biết không, trong suốt quãng thời gian đó họ gần như không đoái hoài gì đến hộ chiếu của chúng tôi hết. Cha tôi đã làm hết sức để đảm bảo rằng giấy tờ chúng tôi đều hợp lệ hết. Có khi họ còn chẳng thèm quan tâm. Trừ khi bị Lực lượng Phòng vệ Israel hay cớm truy bắt vì các hành vi trái với giáo huấn thì anh chỉ cần có cái giấy chứng nhận sức khỏe tốt.
Bộ Công tác Xã hội cấp cho chúng tôi chứng từ trợ cấp nhà cửa, giáo dục miễn phí, và cấp cho cha tôi một công việc với mức lương đủ để nuôi sống cả nhà. Mọi thứ thật quá hoàn hảo, tôi vừa lên xe buýt đi Tel Aviv vừa nghĩ. Chắc lại sắp có biến rồi đây.
Vào đến thành phố Beer Sheeba thì có biến thật. Lúc đó tôi đang ngủ, tôi không nghe thấy tiếng súng hay nhìn thấy cảnh kính khoang lái vỡ nát ra. Chiếc xe tròng trành mất kiểm soát khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Chúng tôi đâm vào một tòa nhà. Có tiếng người la hét, khắp nơi vung vãi đầy máu và mảnh kính vụn. Cả nhà tôi ngồi gần chỗ cửa thoát hiểm. Cha tôi đạp tung cửa và kéo chúng tôi ra ngoài đường.
Đang có một vụ đọ súng. Đạn nã ra từ phía cửa sổ, cửa ra vào. Tôi thấy đây là cuộc chiến giữa binh lính và dân thường mang súng hoặc bom tự chế. Đây rồi! Tôi reo thầm. Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực! Cuộc giải phóng đã bắt đầu! Trước khi tôi kịp chạy ra gia nhập hàng ngũ các chiến hữu của mình, ai đó túm lấy áo tôi và kéo tôi vào một quán Starbucks.
Tôi bị ném lên trên sàn cạnh gia đình mình. Mấy đứa em gái tôi đang khóc thét lên còn mẹ tôi đang cố lấy thân mình che cho chúng. Cha tôi có một vết đạn bắn ở trên vai. Một tên lính IDF đẩy tôi ngã dúi xuống đất, ngăn không cho tôi nhìn ra phía cửa sổ. Tôi sôi máu lên; tôi ngó nghiêng xung quanh tìm thứ gì đó làm vũ khí, chẳng hạn như một mảnh kính vỡ để đâm xuyên cổ cái tên yehud này.
Đột nhiên cửa hậu quán Starbucks bật mở. Gã lính quay về phía đó và khai hỏa. Một cái xác đẫm máu rơi xuống sàn nghe cái thịch ngay bên cạnh chúng tôi, một quả lựu đạn lăn ra khỏi cái tay còn giật giật. Tên lính tóm lấy quả bom, định ném nó ra ngoài phố. Bay được nửa chùng thì nó phát nổ. Người tên lính ấy chắn chúng tôi khỏi vụ nổ. Hắn đổ sụp lên xác người anh em Ả Rập vừa bị sát hại của tôi. Mỗi tội đó không phải người Ả Rập. Khi vừa ráo nước mắt tôi nhận thấy hắn ăn vận một chiếc payess, một chiếc yarmulke và còn có cả một chiếc khăn tzitzit đầy máu rơi ra từ trong cái quần ẩm ướt, rách nát. Đây là một tên Do Thái, đám phiến quân vũ trang ngoài đường phố là người Do Thái! Trận chiến ác liệt đang nổ ra xung quanh chúng tôi không phải là một cuộc nổi dậy của các phần tử Palestine li khai mà là phát súng đầu tiên khai màn cuộc Nội Chiến Israel.
Theo ông nguyên nhân của cuộc chiến ấy là gì?
Tôi nghĩ do nhiều nguyên nhân. Tôi biết việc hồi hương của người Palestine cũng như việc rút khỏi Bờ Tây không được người dân đồng tình lắm. Chắc Chương trình Tái định cư Chiến lược Hamlet đã khiến khá nhiều người bức xúc. Rất nhiều người dân Israel đã phải đứng nhìn nhà cửa mình bị san phẳng để nhường chỗ cho những khu dân cư tự cấp tự túc được gia cố. Theo tôi thì Al Quds là giọt nước cuối cùng. Liên minh Chính phủ quyết định rằng nơi ấy là một yếu điểm rất lớn, quá to không thể kiểm soát được, một lỗ hổng dẫn ngay vào trung tâm Israel. Họ không chỉ sơ tán thành phố mà còn cả dọc từ Nablus đến hành lang Hebron. Họ tin rằng xây một bức tường ngắn hơn dọc mốc biên giới 1967 là cách duy nhất để đảm bảo an ninh, cho dù quyết định ấy có thể gây phản ứng dữ dội từ phe cánh phải của mình. Mãi sau này tôi mới biết điều đó, anh hiểu chứ, cũng như việc lí do duy nhất phía IDF cuối cùng cũng thắng được đó là bởi phần lớn lực lượng phiến quân thuộc phe chính thống cực đoan nên chưa từng phục vụ trong quân ngũ. Anh biết điều đó không? Tôi thì không. Tôi nhận ra mình chẳng hiểu gì về những người mình đã căm ghét suốt cả cuộc đời. Hôm đó mọi thứ tôi nghĩ là sự thật đều tan thành mây khói và được thay thể bởi bộ mặt của kẻ thù đích thực.
Tôi cùng gia đình chạy vào khoang sau của một chiếc xe tăng Israeli17. Đúng lúc ấy một cái xe không biển số hiện ra ở chỗ khúc quanh. Một quả tên lửa cầm tay phóng thẳng vào động cơ của nó.
Cả cái xe bắn ngược lên không trung, rơi sấp xuống và phát nổ, biến thành một quả cầu lửa khổng lồ. Còn vài bước nữa tôi mới chạm cửa xe tăng. Từng đó thời gian là đủ để thấy câu chuyện phơi bày ra trước mắt. Có mấy bóng người trèo ra khỏi xác xe đang cháy. Trông chúng như những ngọn đuốc chậm chạp, áo quần, da thịt dính đầy xăng và bốc cháy phừng phừng. Những người lính xung quanh chúng tôi bắt đầu khai hỏa vào đám người đang đi tới đó. Tôi có thể thấy rõ mấy lỗ hổng trên ngực chúng, nơi đạn bắn xuyên qua mà không gây tổn hại gì. Ông đội trưởng đứng cạnh tôi gào lên “B’rosh! Yoreh B’rosh!” và mấy người lính chỉnh lại tầm ngắm. Đầu những người… những con kia vỡ toác. Xác chúng vừa chạm đất thì lửa trên người chúng cũng lụi, để lại đằng sau những cái xác không đầu cháy đen thui. Đột nhiên tôi hiểu ra điều mà cha tôi đã cố cảnh báo tôi, điều mà người Israel đã cố cảnh báo thế giới! Điều duy nhất tôi không hiểu nổi là tại làm sao cả thế giới không một ai chịu lắng nghe.
Mục Lục
0 nhận xét:
Đăng nhận xét