Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Đại Chiến Thế Giới Z Chương 2

0 nhận xét

EBOOK ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z - MAX BROOKS

TÊN EBOOK: ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z

Tên gốc: Worl War Z
Tác giả: Max Brooks
Thể loại: Best seller, Giả tưởng, Tiểu thuyết, Zombie, Văn học phương Tây
Nguồn: BookismVietNam
Đọc online tại: e-thuvienonline.blogspot.com

ebook dai chien the gioi z full prc pdf epub

Ebook Đại Chiến Thế Giới Z - Max Brooks

ĐỔ LỖI
            LANGLEY, VIRGINIA, MỸ
            [Trông qua những tưởng văn phòng vị gián đốc Cục Tình báo Trung ương này là của một doanh nhân hay bác sĩ hay của một hiệu trưởng trường cấp ba làng nhàng nào đó. Trên giá sách có cả một bộ sưu tập sách tham khảo đồ sộ đáng kinh ngạc, trên tường treo đầy ảnh và bằng cấp còn trên bàn ông là một quả bóng chày được Johnny Bench, người bắt bóng của đội Cincinnati Reds kí tặng. Chủ nhân căn phòng đó, Bob Archer, có thể thấy rõ trên nét mặt tôi rằng tôi đang trông đợi một cái gì đó khác. Tôi đoán rằng đó là lí do ông quyết định cho tôi phỏng vấn ở đây.]
            Mỗi lần nhắc đến CIA chắc thiên hạ lại nghĩ đến hai giai thoại nổi tiếng và lâu đời nhất. Cái đầu tiên đó là nhiệm vụ của chúng tôi là rà soát khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm các mối nguy thấy rõ đối với nước Mỹ, còn cái thứ hai là chúng tôi có đủ nguồn lực để thực hiện cái thứ nhất. Mấy cái giai thoại này là sản phẩm phụ của một tổ chức mà về bản chất là phải bí mật tồn tại và hoạt động. Bí mật là một khoảng không và chẳng có gì lấp đầy khoảng không ấy hơn là mấy tin đồn dễ gây hoang tưởng. “Này, anh nghe kể về vụ ai đó giết ai đó chưa? Tôi nghe đồn CIA tiếp tay đấy. Này, còn vụ đảo chính ở nước Cộng hòa El Củ Chuối thì sao, chắc do bọn CIA rồi. Này, cẩn thận đừng có vào cái trang web ấy, anh biết thừa ai lưu hồ sơ mọi website thiên hạ truy cập mà, CIA!” Đấy là hình tượng của chúng tôi trong mắt bàn dân thiên hạ trước chiến tranh, và chúng tôi cực kì sẵn sàng truyền bá hình tượng đó. Chúng tôi muốn kẻ địch dè chừng chúng tôi, khiếp sợ chúng tôi và phải suy nghĩ thật kĩ trước khi muốn làm hại nhân dân nước chúng tôi. Nhờ cái hình ảnh một con bạch tuộc thông hiểu mọi thứ đó mà chúng tôi mới có được ưu thế này. Nhược điểm duy nhất của nó là ngay cả phe ta cũng tin vào hình tượng đó, vậy nên mỗi khi ở đâu có chuyện gì đột ngột xảy ra, anh nghĩ người ta chỉ tay vào đâu: “Này, sao cái quốc gia điên rồ kia kiếm được đầu đạn hạt nhân? CIA đâu hết rồi? Tại sao cả đống người kia lại bị tên cuồng tín đó giết? CIA đâu hết rồi? Tại sao khi thây ma sống lại, mãi tận khi chúng đập cửa sổ xông vào phòng khách chúng ta mới hay tin? CIA chết đâu hết mẹ nó rồi!?!”
            Thực ra thì, cả Cục Tình báo Trung ương lẫn bất cứ tổ chức tình báo chính thống và không chính thống nào của Mỹ đều không thể trở thành một đấng toàn năng thông suốt mọi sự trên khắp địa cầu được. Lí do đầu tiên, chúng tôi không có kinh phí lớn cỡ đó. Ngay cả cái thời chiến tranh lạnh còn được cấp ngân phiếu trống, có tai mắt trong mọi phòng kín, hang động, ngõ hẻm, nhà chứa, boong-ke, văn phòng, nhà cửa, khoang xe, và ruộng lúa trên khắp hành tinh này là điều không thể. Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi không muốn nói chúng tôi vô dụng, và có lẽ chúng tôi có thể nhận trách nhiệm đối với một số sự kiện mà đám người hâm mộ và nhà chỉ trích của chúng tôi đã nghi ngờ chúng tôi suốt mấy năm nay. Nhưng nếu anh tính gộp tất các thuyết âm mưu lũ thần kinh man mát nghĩ ra kể từ hồi Trân Châu Cảng18 cho đến hồi trước Cuộc Đại Loạn, thì anh sẽ có được một cái tổ chức mạnh hơn cả Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ nói riêng và toàn bộ nhân loại nói chung.
            Chúng tôi không phải một tổ chức siêu nhiên với bí kíp có từ thời cổ đại hay công nghệ của người ngoài hành tinh. Chúng tôi có những hạn chế rất đời thường và nguồn lực cực kì ít ỏi, vậy nên sao chúng tôi phải mất công truy cứu tất cả mọi mối nguy tiềm tàng? Cái này đúng với giai thoại thứ hai về nhiệm vụ thực sự của một tổ chức tình báo. Chúng tôi không thể dàn trải nhân lực đi tìm kiếm và hi vọng sẽ tình cờ bắt gặp những mối họa mới. Thay vào đó, chúng tôi phải nhận diện và tập trung vào những mối họa rõ rành rành ở hiện tại. Nếu mấy tay Xô Viết hàng xóm định châm lửa đốt nhà anh, anh không có thời gian bận tâm về đám Ả Rập cuối phố. Nếu đột nhiên bọn Ả Rập đứng trong sân nhà anh, anh không thể mất công cảnh giác với phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và nếu một ngày kia lũ Hoa Cộng đứng trước cửa nhà anh, một tay cầm giấy trục xuất tay kia lăm lăm chai bom xăng thì không có chuyện anh ngó đằng sau dè chừng lũ xác chết biết đi.
            Nhưng chẳng phải dịch bắt nguồn từ Trung Quốc sao?
            Đúng vậy. Và cả vụ Maskirovkas lớn nhất trong lịch sử mật thám hiện đại cũng thế.
            Gì cơ ạ?
            Một chiêu lừa, một đòn nghi binh. Bên PRC biết họ là mục tiêu giám sát số một của ta. Họ biết họ không thể giấu nhẹm các cuộc càn quét “An toàn Sức khỏe” đang diễn ra trên khắp cả nước. Họ nhận ra cách tốt nhất để che đậy hành động của mình là giấu nó ở nơi lộ liễu nhất. Thay vì nói dối về mấy cuộc càn quét, họ nói dối về mục tiêu của các cuộc càn quét.
            Có phải cuộc đàn áp phản động?
            To hơn, toàn bộ biến cố ở eo biển Đài Loan: thắng lợi của Đảng Quốc gia Độc lập Đài Loan, vụ ám sát bộ trưởng quốc phòng PRC, sự leo thang căng thẳng, mấy lời đe dọa chiến tranh, các cuộc biểu tình và mấy vụ đàn áp, tất cả đều do một tay Bộ An ninh Quốc gia tạo dựng. Tất cả đều nhằm đánh lạc hướng thế giới khỏi cái mối hiểm họa thực sự đang lớn dần ở Trung Quốc. Và nó đã thành công! Mọi tin tình báo về PRC chúng ta có, mấy cuộc mất tích đột ngột, các vụ xử tử hàng loạt, lệnh giới nghiêm, các vụ điều động dự binh — tất cả mọi thứ đều trông như sự chuẩn bị của Hoa Cộng. Chiến lược ấy thành công quá rực rỡ, đến mức chúng tôi thực sự tin rằng Thế Chiến thứ Ba sắp xảy ra ở eo biển Đài Loan và đã điều động mọi nguồn lực tình báo từ các quốc gia khác ngay khi mấy trận đại dịch thây ma bắt đầu xảy ra.
            Phía Trung Quốc giỏi vậy cơ à?
            Và chúng ta cũng tệ đến cỡ đó. Đó không phải một trong những thời khắc huy hoàng nhất của Cục Tình báo. Chúng tôi vẫn còn chưa hoàn hồn sau vụ thanh trừng…
            Ý ông là vụ cải tổ?
            Không, thanh trừng, vì đó là bản chất thật của chúng. Mức độ thiệt hại đối với an ninh quốc gia Joe Stalin gây ra khi lão xử bắn hay bắt giam các nhà lãnh đạo quân đội đắc lực nhất của mình cũng không thể bằng những gì chính quyền gây ra đối với chúng tôi thông qua các cuộc “cải tổ”. Cuộc xung đột biên giới vừa qua là một thảm họa và thử đoán xem ai lãnh trách nhiệm. Chúng tôi được lệnh phải biện minh cho một nghị trình chính trị, và khi nghị trình ấy trở thành cục nợ, những người lúc đầu ra lệnh cho chúng tôi giờ vào hùa với đám đông đổ trách nhiệm cho chúng tôi. “Ai là người đã khuyên chúng ta tiến hành chiến tranh? Ai lôi chúng ta vào cái mớ hỗn độn này? Là CIA!” Tự bào chữa đồng nghĩa với vi phạm an ninh quốc gia. Chúng tôi phải ngồi đó cắn răng chịu. Và kết cục là gì? Chảy máu chất xám. Tại sao lại cứ phải ngồi lại chịu làm nạn nhân cho cuộc săn phù thủy của chính giới nếu có thể chuyển sang làm tư: lương bổng hậu hĩnh hơn, giờ giấc làm việc hợp lí hơn, và có thể, chỉ là có thể thôi, được những người tuyển anh vào tôn trọng tí xíu. Chúng tôi mất đi rất nhiều người giỏi, rất nhiều nhân sự có kinh nghiệm, nhanh nhạy và có đầu óc phân tích lí luận vô giá. Chúng tôi chỉ còn lại một lũ hoạn quan thiển cận, cặn bã, nịnh hót.
            Nhưng không thể tất cả đều như vậy được.
            Tất nhiên là không. Vẫn có những người cố gắng bám trụ vì chúng tôi thực sự tin tưởng vào công việc mình đang làm. Chúng tôi không làm vì tiền hay điều kiện làm việc, hay thậm chí là để thỉnh thoảng được vỗ lưng động viên. Chúng tôi làm vì chúng tôi muốn phục vụ Tổ quốc. Chúng tôi muốn bảo vệ nhân dân. Nhưng ngay cả với lí tưởng như thế cũng sẽ có lúc anh nhận ra tất cả mồ hôi nước mắt và máu của anh đều là công cốc cả.
            Vậy là ông biết điều gì đang diễn ra.
            Không… không… sao biết được. Có gì để xác nhận đâu…
            Nhưng ông đã nghi ngờ.
            Tôi cũng… hơi hoài nghi.
            Ông có thể nói rõ hơn không?
            Rất tiếc, tôi không thể. Nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã có đưa chuyện này ra nói với đồng nghiệp của tôi mấy lần.
            Chuyện gì đã xảy ra?
            Câu trả lời lúc nào cũng như nhau, “Coi chừng cái mồm đấy.”
            Ông có bị sao không?
            [Gật.] Tôi có nói chuyện với… một nhân vật có chức quyền… chỉ gặp nhanh trong năm phút, bày tỏ sự lo lắng. Ông ta cảm ơn tôi đã đến và bảo sẽ nghiên cứu vấn đề ngay. Ngày hôm sau tôi nhận được lệnh thuyên chuyển: Buenos Aires, có hiệu lực ngay lập tức.
            Ông có biết đến bản báo cáo Warmbrunn-Knight không?
            Giờ thì biết, nhưng hồi đó…bản báo cáo ấy được Paul Knight trực tiếp chuyển lên, trên đó có đánh dấu “Chỉ dành cho giám đốc”… Ba năm sau khi Cuộc Đại Loạn xảy ra, người ta tìm thấy nó trong hộc bàn nhân viên một văn phòng FBI ở San Antonio. Cuối cùng thì cũng chẳng để làm gì vì ngay sau khi tôi bị chyển đi, Israel công khai tuyên bố chính sách “Cách li Tự nguyện”. Thế là đột nhiên giai đoạn đưa ra cảnh báo đã chấm dứt. Mọi thứ đều đã được công bố; giờ câu hỏi chỉ là có ai tin không thôi.
            VAALAJARVI, FINLAND
            [Đã đến mùa xuân, “mùa săn bắn”. Khi thời tiết ấm lên và mấy cái xác đóng băng của lũ thây ma lại hoạt động trở lại, một số đơn vị N-For (Northern Force – Lực lượng Bắc phương) của Liên Hợp Quốc lại đến thực hiện cuộc “Lùng tìm và Truy diệt” hàng năm. Cứ qua mỗi năm số lượng thây ma lại suy giảm. Cứ theo xu hướng hiện tại thì khu này trong vòng một thập kỉ tới sẽ trở nên “an toàn”. Travis D’Ambrosia, Lãnh đạo Quân Đồng minh Tối cao ở Châu u, trực tiếp đến giám sát chiến dịch. Giọng vị tướng này có cái gì đó nhẹ nhàng, rầu rầu. Trong suốt cuộc phỏng vấn, ông thường tránh ánh mắt tôi.]
            Tôi không chối bỏ là đã có nhiều sai sót. Tôi không chối bỏ là chúng ta đáng lẽ có thể chuẩn bị kĩ hơn. Tôi sẵn sàng là người đầu tiên đứng ra thú nhận rằng chúng tôi đã làm người dân Mỹ thất vọng. Tôi chỉ muốn họ biết vì sao.
            “Nếu bên Israel nói đúng thì sao?” Đây là những lời đầu tiên của ngài Chủ tịch sáng hôm sau ngày có bài diễn thuyết của Israel trước hội đồng Liên Hợp Quốc. “Tôi không nói là họ đúng,” ông nhấn mạnh chỗ đó, “tôi chỉ giả dụ vậy thôi?” Ông muốn được nghe ý kiến công bình, không phải ý kiến cũ mèm. Ngài Chủ tịch Hội đồng Tham mưu là người như vậy đó. Ông giữ cho câu chuyện chỉ ở mức “giả định”, gây cho người ta cảm giác đây chỉ là một trò chơi trí tuệ. Nếu cả thế giới chưa sẵn sàng tin một điều cường điệu như vậy, thì tại sao các nhân vật trong phòng này phải tin?
            Chúng tôi hùa theo lâu hết cỡ có thể, vừa nói vừa cười hoặc thỉnh thoảng chêm vào câu cợt nhả… Tôi chả rõ mọi người đổi giọng từ bao giờ. Tôi nghĩ chả ai nhận ra vì nó quá kín đáo. Đột nhiên anh có cả một phòng đầy chuyên gia quân sự, ai nấy đều đã có hàng chục năm kinh nghiệm chinh chiến và được học hành cao hơn cả chuyên viên phẫu thuật não dân sự. Tất cả chúng tôi đều nói rất công khai và thẳng thắn về chuyện liệu thảm hoạ thây ma có thể xảy ra không. Cứ như thể…vỡ đập vậy; không còn gì cấm kị nữa và sự thật cứ thế mà tuôn ra như thác. Thật là… không tưởng.
            Vậy là ông cũng đã có những nghi ngờ của mình?
            Có từ vài tháng trước khi Israel đưa ra tuyên bố kia; cả ngài Chủ tịch cũng thế. Ai nấy trong phòng cũng đều đã nghe phong thanh hay nghi ngờ gì đó.
            Trong số các ông dã ai đọc bản báo cáo Warmbrunn-Knight chưa?
            Không, không ai hết. Tôi có nghe nhắc đến nó nhưng chẳng biết nội dung của nó ra sao. Hai năm sau khi Cuộc Đại Loạn xảy ra tôi mới có một bản. Hầu hết các biện pháp quân sự nó đưa ra đều gần như là trùng với của chúng tôi.
            Cái gì của các ông kia?
            Đề nghị mà chúng tôi chuyển lên Nhà Trắng. Chúng tôi vạch ra cả một chương trình mang tính toàn diện để vừa loại bỏ mối nguy trong ranh giới nước Mỹ, vừa ngăn chặn và giảm tải nó trên phạm vi toàn cầu.
            Chuyện gì đã xảy ra?
            Nhà Trắng rất ưng Giai Đoạn Một. Kinh phí thấp, tiến hành nhanh gọn và nếu được thực hiện cẩn thận, kín đáo 100%. Nội dung của Giai Đoạn Một là đưa một số Đội Đặc Nhiệm vào các khu vực thây ma chiếm đóng. Họ được lệnh phải điều tra, cách li và tiễu trừ.
            Tiễu trừ?
            Đến tận gốc.
            Đó là các đội Đặc Nhiệm Alpha?
            Chính xác, và họ hoàn thành nhiệm vụ cực kì xuất sắc. Dù rằng hồ sơ của họ sẽ phải bị niêm phong trong vòng 140 năm tới, tôi vẫn có thể nói rằng đó là một trong những thời khắc đáng tự hào nhất trong lịch sử các chiến binh tinh nhuệ của Hoa Kì.
            Vậy vấn đề ở đâu?
            Giai Đoạn Một chả gặp vấn đề gì cả, nhưng Đặc Nhiệm Alpha đúng ra chỉ là giải pháp tạm thời. Nhiệm vụ của họ không phải ngăn chặn mối đe dọa đó mà chỉ là cầm chân nó đủ lâu để có thời gian thực thi Giai Đoạn Hai.
            Nhưng Giai Đoạn Hai đã không được hoàn tất.
            Nó thậm chí còn không được bắt đầu, và đó chính là lí do quân đội Mỹ không trở kịp tay như vậy. Thật đáng xấu hổ.
            Để tiến hành Giai Đoạn Hai, cả đất nước này sẽ phải gánh vác một công việc vô cùng nặng nề. Nó khổng lồ đến mức ta chưa từng gặp lại kể từ những ngày khốc liệt nhất của Thế Chiến thứ Hai. Sẽ cần phải viện đến một lượng ngân khố quốc gia cũng như hỗ trợ của toàn dân lớn phi thường mà tại thời điểm đó không hề tồn tại. Người dân Mỹ vừa phải trải qua một cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu. Họ quá rệu rã rồi. Họ đã chịu đựng đủ rồi. Như hồi những năm 1970s, con lắc đã dao động từ vị trí sẵn sàng chiến đấu về một vị trí rất nản lòng.
            Ở các chế độ chuyên chế — Cộng sản, Phát xít, tôn giáo chính thống — sự ủng hộ của nhân dân không thành vấn đề. Anh có thể gây chiến, dãn dài chiến tranh, anh có thể bắt bất cứ ai đi lính bao lâu cũng được mà không sợ bất ổn chính trị. Nền dân chủ thì lại trái hoàn toàn. Sự ủng hộ của công chúng là tài nguyên có hạn của quốc gia nên phải được tiện kiệm hết mức có thể. Phải tận dụng thật khôn khéo, tằn tiện và mỗi lần đầu tư phải mang lại lãi suất cao nhất có thể. Nước Mỹ rất nhạy cảm với sự mệt mỏi chiến tranh gây ra, và không gì có thể gây phẫn nộ hơn là khi người dân cho rằng mình sắp thua. Tôi dùng từ “cho rằng” bởi vì xã hội Mỹ thấm đậm tư tưởng được ăn cả ngã về không. Chúng ta muốn có chiến thắng vang dội, cú dứt điểm, đòn nốc ao ngay hiệp một. Chúng ta muốn biết và muốn thiên hạ biết rằng chiến thắng của chúng ta không chỉ là tuyệt đối, nó còn phải làm địch thủ tan tác hoàn toàn. Nếu không được như vậy thì… nói sao nhỉ… cứ nhìn vị thế của chúng ta trước Cuộc Đại Loạn xem. Cuộc xung đột biên giới vừa rồi chúng ta đâu có thua, ngược lại là đằng khác. Chúng ta đã hoàn thành một nhiệm vụ cực kì khó khăn với lượng tài nguyên vô cùng ít ỏi, lại còn trong hoàn cảnh rất bất lợi. Chúng ta có thắng, nhưng công chúng không nghĩ như vậy vì đó không phải phát dứt điểm nhanh gọn chớp nhoáng hợp với tinh thần dân tộc của chúng ta. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian, đốt quá nhiều tiền bạc; quá nhiều người đã hi sinh hoặc bị thương tật vĩnh viễn. Chúng ta không chỉ đã tiêu hết sạch sự ủng hộ của công chúng, chúng ta còn lỗ nặng.
            Hãy cứ chỉ tính riêng lượng tiền đổ vào Giai Đoạn Hai thôi đã. Anh có biết khoác được một bộ quân phục lên người một binh sĩ Mỹ tốn thế nào không? Và đấy là không chỉ riêng thời gian anh ta mặc bộ quân phuc đó: còn cả tập huấn, trang thiết bị, đồ ăn, chỗ ở, phương tiện di chuyển, thuốc thang. Tôi đang nói về giá trị tài chính dài hơi mà đất nước này, những người Mỹ đóng thuế, phải chi ra để trang trải cho anh lính đấy cho đến hết đời. Đây là một gáng nặng kinh hoàng về tài chính, và hồi đó chúng tôi chật vật lắm mới có đủ để duy trì lực lượng hiện có.
            Ngay cả nếu ngân khố không trống rỗng, ngay cả nếu chúng ta có đủ tiền để kiếm đủ người nhét vào mấy bộ quân phục đó và thực thi Giai Đoạn Hai, anh thử nghĩ xem liệu chúng tôi có thể dụ được ai khoác cái đống áo lính đó lên người? Mấu chốt nằm ở sự mỏi mệt với chiến tranh của nước Mỹ. Nỗi kinh hoàng “truyền thống” đã tệ đủ lắm rồi — những người đã hi sinh, những người bị thương tật, những người thương tổn về tâm lí — giờ lại còn có cả một loại khó khăn mới, “những người bị phản bội". Chúng ta là quân đội tình nguyện, và nhìn xem các tình nguyện viên của ta bị làm sao. Anh đã bao nhiêu lần được nghe về một người lính nào đó bị gia hạn thời gian phục vụ, hoặc một cựu dự bị binh sau mười năm sống đời dân sự lại bị kêu gọi nhập ngũ rồi? Bao nhiêu người đã mất việc làm, nhà cửa? Bao nhiêu người quay lại phá hoại đời sống của người khác hoặc thậm chí còn tệ hơn, không thể trở về? Dân tộc Mỹ là những con người ngay thẳng, chúng ta muốn một giao kèo công bằng. Tôi biết nhiều nền văn hoá khác cho rằng chúng tôi thật ngờ nghệch và thậm chí là ngây ngô, nhưng đó là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của chúng tôi. Nhìn thấy Chú Sam nuốt lời, xâm hại đời tư của mọi người, xâm hại quyền tự do của họ thì đúng là…
            Sau chiến tranh Việt Nam, khi tôi còn là một trung đội trưởng trẻ tuổi ở Tây Đức, chúng tôi phải áp dụng cả một chương trình đãi ngộ để ngăn lính không đào ngũ. Sau cuộc chiến vừa qua, không chính sách đãi ngộ nào, không có mức lương thưởng hay giảm tải kì hạn hay công cụ tuyển mộ online núp dưới vỏ bọc trò chơi điện tử19 nào có thể lấp đầy hàng ngũ đã cạn kiệt của ta. Thế hệ này đã chịu quá đủ rồi, và đó là lí do vì sao khi thây ma bắt đầu tàn phá đất nước chúng ta, chúng ta gần như qua yéu ớt và quá bạc nhược để ngăn chặn chúng.
             Tôi không đổ lỗi cho sự lãnh đạo của nhân dân và tôi cũng không muốn nói rằng những người mặc quân phục như chúng ta cần phải biết ơn họ. Đây là hệ thống của chúng ta và nó là hệ thống hàng đầu thế giới. Nhưng nó cần được bảo vệ, cần được ủng hộ và không bao giờ được phép để cho bị lạm dụng như vậy nữa.
            TRẠM VOSTOK: NAM CỰC
             [Trước chiến tranh, tiền đồn này được coi như một trong những nơi hẻo lánh nhất trên Trái đất. Nằm gần địa cực Nam của thế giới, trên lớp băng dày 4 cây số của Hồ Vostok, nhiệt độ nơi đây có lần đã đo được đạt mực kỉ lục âm tám chín độ C và hiếm khi đạt trên âm hai mốt. Cái lạnh khắc nghiệt cùng với việc các phương tiện di chuyển trên bộ phải mất hơn một tháng mới đến được trạm đã giúp Vostok có được sức hấp dẫn đối với Breckinridge “Breck” Scott.
            Chúng tôi gặp nhau trong “Khu Vòm”, một căn nhà kính trắc địa được gia cố. Nó lấy năng lượng từ nhà máy nhiệt điện của trạm. Nó cùng một số sự cải thiện khác được ông Scott thêm thắt vào sau khi thuê trạm đó từ phía chính phủ Nga. Kể từ Cuộc Đại Loạn, ông ta chưa hề đặt chân ra khỏi trạm.]
            Anh có hiểu gi về kinh tế không? Ý tôi là nền kinh tế tư bản khổng lồ, mang tính toàn cầu trước chiến tranh ấy. Anh có biết nó hoạt động như thế nào không? Tôi thì không, và bất cứ ai nói họ hiểu đều là lũ ba xạo. Không có luật lệ, không có sự chính xác khoa học nào hết. Thắng, thua, tất cả chỉ là may rủi. Qui luật duy nhất mà tôi thấy còn có lí tôi lại được học từ một giáo sư lịch sử chứ không phải giáo sư kinh tế ở Wharton. “Nỗi sợ hãi,” ông ta nói, “nỗi sợ hãi là mặt hàng đáng giá nhất trong vũ trụ.” Nghe xong tôi sốc luôn. “Bật TV lên thử xem," ông ấy nói "Các anh chị thấy gì? Thiên hạ tìm cách bán sản phẩm? Không. Thiên hạ tìm cách bán nỗi sợ rằng bạn phải sống mà không có sản phẩm của người ta.” Ôi mẹ kiếp, lão nói quá chuẩn. Nỗi sợ tuổi già, nỗ sợ cô đơn, nỗi sợ cái nghèo, nỗi sợ thất bại. Nỗi sợ là cảm xúc cơ bản nhất ta có. Nỗi sợ là nguyên thuỷ. Sợ bán được hàng. Đó là châm ngôn của tôi. “Sợ bán được hàng.”
            Khi mới nghe về trận dịch, từ cái hồi nó vẫn còn được gọi là bệnh dại Châu Phi, Tôi nhận thấy đây là cơ hội ngàn năm có một. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái bản tin đầu tiên đó, vụ bùng phát dịch ở thị trấn Cape. Chỉ có mười phút là tin tức thật còn lại là cả một tiếng toàn suy đoán xem nếu chủng virút này lan đến Mỹ thì chuyện gì sẽ xảy ra. Lạy Chúa nhân từ, cái tin đấy. Ba mươi giây sau tôi đã vớ điện thoại quay số nóng.
             Tôi họp mặt với một số nhân vật thân cận. Họ đều đã xem cái bản tin đấy. Tôi là người đầu tiên nghĩ ra một chiêu thức nghe khả dĩ: vắc-xin, một loại vắc-xin cho bệnh dại. Ơn Chúa là dại không có thuốc chữa. Người ta chỉ muốn mua thuốc chữa nếu họ nghĩ mình bị nhiễn bệnh. Nhưng còn vắc-xin! Nó là thuốc ngừa! Chừng nào thiên hạ còn sợ căn bệnh kia thì họ còn tiếp tục cần đến nó!
            Chúng tôi có nhiều mối quan hệ trong ngành dược phẩm hoá sinh, với cả còn quen biết kha khá với đám người trên Hill và Penn Ave20. Chưa đến một tháng chúng tôi đã có một nguyên mẫu hiệu quả và sau vài ngày là đã có một bản đề xuất được viết ra chỉnh tề. Đánh đến lỗ gôn thứ mười tám thì xung quanh ai nấy bắt tay nhau hết.
            Thế còn FDA thì sao?
            Trời đất, anh nói nghiêm túc đấy à? Hồi đó FDA là một trong những tổ chức thiếu hụt vốn và được quản lí vớ vẩn nhất nước. Chắc họ vẫn còn đang đập tay ăn mừng sau khi loại được chất nhuộm đỏ số hai21 ra khỏi kẹo M&M. Thêm nữa, chính quyền thời đó thoáng nhất lịch sử Mỹ. J. P. Morgan và John D. Rockefeller mà sống lại chắc cũng thành fan cuồng của cái tay điều hành Nhà Trắng lúc bấy giờ. Nhân viên của hắn thậm chí còn không thèm đọc báo cáo đánh giá chi phí của chúng tôi. Tôi nghĩ chính họ cũng đang cần một viên đạn ma thuật. Trong vòng hai tháng họ tìm cách khiến FDA phải thông qua nó. Anh còn nhớ bài phát biểu trước Quốc hội của tổng thống về việc nó đã được thử nghiệm ở Châu u một thời gian rồi và thứ duy nhất ngăn cản nó là “bộ máy quan liêu vênh váo" của chúng ta không? còn nhớ cái vụ “nhân dân không cần chính quyền vững mạnh, họ cần sự bảo vệ vững mạnh, và họ cần nó khẩn cấp!” Lạy Chúa giáng sinh, tôi nghĩ cả nửa đất nước nghe mà té đái ra quần. Múc độ tín nhiệm của lão hôm đó tăng bao nhiêu nhỉ, 60 phần trăm, 70? Tôi chỉ biết rằng riêng ngày đầu thôi mức IPO của chúng tôi tăng 389 phần trăm! Đỡ đi, Baidu chấm-com!
            Và ông không biết liệu nó có công hiệu hay không à?
            Chúng tôi biết nó có công hiệu với virút dại, và đó là những gì họ đã nói, đúng không? Đây chỉ là một chủng virút dại rừng kì lạ nào đó.
            Ai nói vậy cơ?
            Thì anh biết đấy, “họ,” chẳng hạn như… Liên Hiệp Quốc hay là… ai đó đó. Mọi người cuối cùng đều gọi nó là thế đúng không? "Bệnh dại Châu Phi.”
            Nó đã từng được thử nghiệm trên nạn nhân thật bao giờ chưa?
            Tại sao? Mọi người toàn đi tiêm phòng cúm mặc dù chẳng biết là có đúng chủng hay không nữa. Chuyện này thì khác gì ?
            Nhưng mức thiệt hại…
            Ai biết được nó lại phát triển nghiêm trọng đến thế? Anh biết thừa mấy kiểu hoảng loạn vì bệnh dịch như thế này nhiều đến cỡ nào mà. Lạy Chúa, nghe mà tưởng dịch hạch cứ ba tháng lại bùng phát khắp toàn cầu… sốt rét, SARS, cúm gia cầm. Anh có biết người ta kiếm chác được bao nhiêu nhờ mấy vụ hoảng loạn đấy không? Mẹ kiếp, tôi lần đầu kiếm tiền triệu nhờ mấy viên thuốc chống phóng xạ vô dụng trong đợt mọi người còn đang hãi bom bẩn.
            Nhưng nếu có ai phát hiện ra…
            Phát hiện ra cái gì? Chúng tôi chưa bao giờ nói dối, anh hiểu chứ? Họ bảo chúng tôi đó là virút dại, vậy là chúng tôi chế vắc-xin phòng dại. Chúng tôi nói nó được thử nghiệm ở Châu u và phương thuốc chúng tôi dựa vào đó để bào chế cũng đã được thử nghiệm ở Châu u. Trên lí thuyết, chúng tôi không nói dối. Trên lí thuyết, chúng tôi không làm gì sai trái cả.
            Nhưng nếu có ai phát hiện ra đó không phải bệnh dại…
            Ai sẽ đứng ra hô hoán đây? Giới y sĩ? Chúng tôi đã đảm bảo rằng đây là thuốc kê theo đơn nên dám bác sĩ cũng có nhiều thứ để mất ngang ngửa chúng tôi. Còn ai nữa nào? bọn FDA, bên đã cho phép nó thông hành? Lũ thượng nghị sĩ đã bầu cho nó được thông qua? Các phẫu thuật viên? Nhà Trắng? Đây là tình thế thua không được! Ai cũng trở thành anh hùng, ai cũng kiếm được tiền. Sáu tháng sau khi Phalanx được đưa ra thị trường, anh bắt đầu bắt gặp mấy loại hàng ăn theo rẻ hơn, toàn nhà bán lẻ uy tín với cả mấy thứ đồ phụ kiện khác chẳng hạn như máy lọc không khí.
            Nhưng virút này đâu có lây lan qua không khí.
            Kệ chứ! Vẫn cùng thương hiệu! “Do Nhà sản xuất của…” Tôi chỉ việc nói là “Có thể ngăn chặn phần nào lây nhiễm do virút.” Có thế thôi! Giờ tôi đã hiểu tại sao hồi trước trong mấy nhà hát đông đúc người ta cấm kêu cháy. Người ta sẽ không nói “Này, tôi không thấy có mùi khói, có cháy thật không đấy,” không, họ sẽ nói rằng “Ôi mẹ kiếp, có cháy! CHẠY ĐI!” [Cười.] Tôi kiếm bộn tiền nhờ bán máy lọc trong nhà, máy lọc trong xe; món đắt hàng nhất của tôi là là cái thứ của khỉ nhỏ nhỏ gì đó anh đeo quanh cổ khi lên máy bay! Tôi chả hiểu liệu nó có thể lọc được cỏ phấn hoa không, nhưng nó bán chạy
            Mọi việc tiến triển tốt đến mức tôi bắt đầu lập ra những công ti ma để thực thi kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất dọc đất nước, anh hiểu chứ? Lượng lợi nhuận mấy công ti bù nhìn này kiếm được cũng không kém gì hàng thật. Giờ thậm chí nó không còn là khái niệm về sự an toàn nữa, nó là khái niệm của khái niệm của sự an toàn! Còn nhớ cái hồi Mỹ mới bắt đầu có mấy ca bệnh, có cái tay ở Florida nói hắn bị cắn nhưng nhờ có Phalanx mà sống sót không? HỠI ÔI! [Ông ta đứng lên, làm động tác dị hợm.] Cho dù hắn có là ai thì cũng mong Chúa ban phước cho cái thằng não bã đậu đó.
            Nhưng đó đâu phải do Phalanx. Thuốc của anh có bảo vệ được ai đâu.
            Nó bảo vệ họ khỏi nỗi sợ hãi. Tôi chỉ bán cái đó thôi. Nhờ có Phalanx, ngành thuốc hoá sinh bắt đầu phục hồi, thị trường chứng khoán nhờ đó mà đã khởi động trở lại, rồi từ đấy mà nó tạo ra cảm tưởng là kinh tế đang phục hồi, dẫn đến việc người tuêu dùng bắt đầu tự tin trở lại và kích thích kinh tế phục hồi thật sự! Phalanx đã một tay chấm dứt suy thoái kinh tế. Tôi… chính tôi đã chấm dứt cuộc suy thoái!
            Rồi sau đó thì sao? Khi các trận bùng phát trở nên nghiêm trọng hơn và báo giới cuối cùng cũng đã bắt đầu loan tin rằng chả có phương thuốc nhiệm màu nào hết thì thế nào?
            Mẹ kiếp, quá đúng! Cái con mụ khốn kiếp tên là cái quái gì đó đầu têu đưa tin phải đem đi xử bắn! Nhìn thử xem mụ ấy đã làm gì! Đẩy hết cả lũ vào thế kẹt! Chính mụ ta làm mọi thứ tuầy huầy ra! Chính mụ ta đã gây ra Cuộc Đại Loạn!
            Và ông không chịu bất kì trách nhiệm cá nhân nào?
            Trách nhiệm cho cái gì? Cho việc kiếm tí xu còm à, còn lâu [cười]. Tôi chỉ làm điều mà ai nấy đều làm. Tôi theo đuổi giấc mơ và tôi đã lĩnh phần của mình. Nếu anh muốn trách ai thì hãy trách cái người đầu tiên gọi nó là bệnh dại, hay những người biết nó không phải bệnh dại mà vẫn bật đèn xanh cho chúng tôi. Mẹ kiếp, nếu anh muốn trách ai, sao không bắt đầu với lũ cừu sẵn sàng xì tiền ra mà không chịu điều tra tử tế. Tôi không hề dí súng vào đầu họ. Chính họ tự lựa chọn. Họ mới là kẻ xấu chứ không phải tôi. Tôi chưa bao giờ trực tiếp làm hại ai, và nếu có ai đủ ngu để tự làm mình bị hại thì tội nghiệp quá kia. Tất nhiên…
            Nếu địa ngục có thực… [ông vừa nói vừa cười]… tôi chẳng muốn biết có bao nhiêu tay đần độn như vậy đang chờ tôi dưới đó đâu. Tôi chỉ hi vọng chẳng thằng nào muốn được hoàn tiền.
            AMARILLO, TEXAS, MỸ
            [Grover Carlson làm nghề thu thập nhiên liệu cho cái nhà máy chuyển hoá sinh học thử nghiệm của thị trấn. Nhiên liệu mà ông ta phải thu thập là phân. Tôi theo chân cựu trưởng ban nhân sự Nhà Trắng Trong khi ông đẩy cái e cút kít dọc bãi cỏ đầy phân.]
            Tất nhiên chúng tôi có một bản báo cáo Knight-WarnJews, anh nghĩ chúng tôi là ai, CIA à? Chúng tôi đọc nó ba tháng trước khi Israel bắt đầu công bố. Trước khi Lầu Năm Góc bắt đầu có động thái, nhiệm vụ của tôi là phải trực tiếp tóm tắt tình hình cho tổng thống. Sau đó, ông ta dành cả một cuộc họp thảo luận về ý nghĩa của nó.
            Và đó là?
            Tạm ngưng mọi thứ, tập trung toàn lực, lại ba cái thứ vớ vẩn của lũ gan bé. Mỗi tuần bọn tôi nhận gần chục bản báo cáo như thế, chính phủ nào chẳng gặp cảnh tương tự. Ai cũng nói ông ba bị của mình là “mối hiểm hoạ lớn nhất đối với nhân loại.” Thôi nào! Tưởng tượng xem nước Mỹ sẽ ra cái dạng gì nếu cứ mỗi lần có thằng hoang tưởng nào đó kêu “sói” hay "ấm lên toàn cầu” hay “thây ma” là chính phủ liên bang lại phanh cái kít lại? Làm ơn đi. Điều mà chúng tôi, điều mà tất cả các tổng thống kể từ thời Washington đã làm và đưa ra một phản ứng phù hợp và đã được cân nhắc dựa trên một bản phân tích mối đe doạ thực tiễn.
            Và đó là các đội Đặc nhiệm Alpha.
            Và một số thứ khác nữa. Nhìn kiểu cố vấn an ninh quốc gia coi nhẹ việc này như thế nào thì tôi thấy chúng tôi có thời gian bàn thảo khá tử tế. Chúng tôi có làm một thước phim hướng dẫn về việc phải làm gì trong trường hợp bùng phát xảy ra dành cho lực lượng cảnh sát bang và cảnh sát địa phương. Bộ Y tế có lập một trang trên website của mình để chỉ dẫn cho dân chúng biết nên đối phó với các thành viên bị nhiễm bệnh trong gia đình như thế nào. Và này, còn cả vụ tuồn Phalanx qua phía FDA thì sao?
            Nhưng Phalanx đâu có tác dụng.
            Đúng, và anh có biết mất bao lâu mới phát minh ra được một phương thuốc hiệu nghiệm không? Hãy nhìn xem ta đã đổ biết bao nhiêu tiền bạc và thời gian vào việc nghiên cứu cách điều trị ung thư hay AIDS. Anh có muốn thành kẻ nói với người dân Mỹ rằng anh đang chuyển kinh phí từ một trong hai thứ đó sang cho một thứ bệnh mới mà hầu hết thậm chí còn chưa hề nghe danh? Nhìn thử xem trong và sau chiến tranh ta đã đổ bao nhiêu vào việc nghiên cứu, vậy mà chúng ta vẫn không có được lấy một phương thuốc hay loại vắc-xin. Chúng tôi biết Phalanx chỉ là một thứ để trấn an tinh thần, và chúng tôi cực kì biết ơn điều đó. Nó giúp người dân bình tĩnh lại và để chúng tôi làm việc của mình.
            Sao, chả nhẽ anh muốn chúng tôi nói ra sự thật à? Rằng đây không phải một chủng virút dại mới mà là một loại siêu đại dịch bí ẩn khiến cho xác chết sống lại? Anh có tưởng tượng được mọi thứ sẽ rối loạn như thế nào không? Biểu tình, bạo động, thiệt hại về tài sản lên đến hàng tỉ đô la... Anh có tưởng tượng được mấy tay nghị sĩ chết nhát sẽ khiến bộ máy chính quyền phải ngưng lại để họ có thể ép Quốc hội phải thông qua một cái “Đạo luật Phòng chống Thây ma” nghe rất kêu nhưng thực chất vô dụng như thế nào không? Anh có tưởng tượng được nó sẽ gây tổn hại cho thủ phủ chính trị của bộ máy điều hành đến mức nào không? Chúng ta đang bàn về năm tranh cử và một cuộc chiến cực kì khó khăn. Chúng tôi là “đội lao công,” những thằng cha không may phải dọn dẹp đống phân bộ máy điều hành cũ để lại và tin tôi đi, tám năm qua chúng tụ lại thành cả một núi cao kinh hoàng! Lí do duy nhất chúng tôi còn giành lại được một chút quyền lực là nhờ cái lão khờ mới được công kênh lên liên tục hứa rằng sẽ “thiết lập lại hoà bình và phát triển thịnh vượng.” Dân Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ thứ gì khác. Họ cho rằng mình đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn rồi và nếu nói với họ rằng thời khắc khó khăn nhất còn nằm ở phía trước thì chẳng khác nào đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị.
            Vậy là ông chưa bao giờ thực sự tìm cách giải quyết vấn đề.
            Ôi, thôi nào. anh có bao giờ “giải quyết” được đói nghèo không? Có bao giờ “giải quyết” được tội phạm không? Có bao giờ “giải quyết” được bệnh tật, được tình trạng thất nghiệp, được chiến tranh hay bất cứ thứ xấu xa nào khác của xã hội không? Còn lâu mới được. Anh chỉ có thể hi vọng rằng mình có thể quản lí được chúng đủ để giúp người dân tiếp tục sống. Đó chẳng phải nhạo báng gì hết, đó là sự trưởng thành. Anh không thể ngưng mưa được. Anh chỉ có thể xây một cái mái nhà và hi vọng nó không bị dột, hay ít nhất là không dột lên đầu cử tri của anh.
            Thế là sao?
            Thôi nào…
            Tôi hỏi thật mà. Thế nghĩa là sao?
            Được rồi, gì cũng được thưa “Ông Smith lên chơi Washington,” nó nghĩa là trong chính trị, anh cần tập trung vào nhu cầu của nền tảng quyền lực của anh. Giữ cho họ vui vẻ và họ sẽ giữ anh ở lại trên ghế.
            Đó có phải là lí do một vài trận bùng phát dịch đã bị lờ đi?
            Lạy Chúa, anh nói như thể chúng tôi quên bẵng chúng đi vậy.
            Lực lượng cảnh sát địa phương có yêu cầu được hỗ trợ thêm từ phía chính phủ liên bang không?
            Có khi nào lũ cớm không đòi thêm người, đòi trang thiết bị tốt hơn, đòi thêm thời gian huấn luyện hay “vốn cho chương trình trợ giúp cộng đồng” không? Mấy tay thỏ đế đó tệ gần như đám lính lệ, lúc nào cũng ỉ ôi về việc không có đủ “thứ mình cần,” nhưng cái đám đó có phải đánh cược cả công ăn việc làm chỉ vì nâng thuế không? Họ có phải giải thích với Peter Ngoại Ô tại sao họ lấy tiền của hắn đưa cho Paul Ổ Chuột không?
            Ông không sợ mọi sự bị vạch trần ra à?
            Do ai?
            Giới báo chí, cánh truyền thông.
            Cánh “truyền thông”? Ý anh là ba cái mạng lưới do các tập đoàn lớn nhất thế giới sở hữu ấy hả? Mấy cái tập đoàn mà nếu thị trường trứng khoán có biến động thêm lần nữa là sẽ tuột dốc thảm hại đúng không? Phải anh đang nói đến đám truyền thông đó không?
            Vậy là ông chưa bao giờ tiến hành che đậy?
            Chúng tôi không cần động tay; tự họ che đậy hết lại. Họ có nhiều thứ để mất ngang chúng tôi, thậm chí là hơn. Với cả ngoài ra, họ đã có đưa một số tin trước khi ở Mỹ phát hiện ca bệnh đầu tiên cả năm trời. Sau đó khi mùa đông đến, Phalanx được tung ra thị trường, các ca bệnh bắt đầu giảm. Có lẽ họ đã “khuyên can” vài đồng chí phóng viên trẻ tuổi còn đang cố chiến tiếp. Nhưng thực tế thì sau vài tháng tất cả đều là tin cũ hết rồi. Tình hình đã trở nên “kiểm soát được.” Mọi người đang dần dà học cách sống chung với nó và đã bắt đầu muốn có cái gì đó khác. Truyền thông là một ngành kinh doanh béo bở, và nếu muốn thành công thì phải luôn nóng hổi.
            Nhưng vẫn còn môt số kênh truyền thông khác mà.
            Tất nhiên là thế rồi, và anh biết ai chịu lắng nghe các kênh đó không? Mấy tay công tử bột ngộ chữ, cái gì cái gì cũng biết. Và anh biết ai nghe lời mấy đám đó không? Chẳng ai hết! Ai lại đi quan tâm đến mấy cái cộng đồng thiểu số PBS-NPR ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó không bám được trào lưu? Mấy tay đầu khấc trịch thượng đấy càng kêu gào “Xác chết đang sống lại” thì người dân Mỹ lại càng lờ đi.
            Vậy thì, để tôi nói lại thử xem tôi có hiểu vị trí của ông không nhé?
            Vị trí của nhà cầm quyền.
            Vị trí nhà cầm quyền. Ở cương vị này, ông đã quan tâm đến vấn đề theo đúng mức mà ông cho là cần thiết.
            Đúng.
            Vì lúc nào chính phủ cũng có rất nhiều thứ phải xử lí, nhất là vào lúc này vì người Mỹ kị nhất là công chúng lại hoang mang thêm lần nữa.
            Ừ đấy.
            Thế nên ông cho rằng mối đe doạ này đủ nhỏ để được “kiểm soát” dựa vào các đội Đặc nhiệm Alpha ở nước ngoài và việc huấn luyện thêm cho lực lượng cảnh sát trong nước.
            Anh hiểu vấn đề rồi đấy.
            Mặc dù ông đã nhận được các dấu hiệu cảnh báo cho thấy điều ngược lại, rằng nó không thể trở thành một phần của đời sống nhân dân được và rằng đây là một thảm hoạ toàn cầu đang lớn dần.
             [Ngài Carlson khựng lại, biếu tôi một ánh mắt hình viên đạn, sau đó xúc nguyên một xẻng “nhiên liệu” cho vào trong xe.]
            Lớn lên đi.
            TROY, MONTANA, MỸ
            [Theo như tờ quảng cáo, khu này là “Cộng đồng kiểu Mới” dành cho “Nước Mỹ kiểu Mới.” Được dựa trên mô hình “Masada” của Israel, khu dân cư này nhìn thoáng qua là biết ngay người ta xây nó với chỉ một mục đích. Tất cả các ngôi nhà đều nằm trên cột, đủ cao để mỗi nhà đều có tầm nhìn hoàn hảo ra bên ngoài bức tường bê tông gia cố cao hơn sáu mét. Mỗi ngôi nhà nếu muốn vào đều phải sử dụng một cái thang rút ra rút vào được. Các nhà được nối với nhau bằng lối đi cũng rút được theo cách tương tự. Tất cả các mái nhà gắn pin mặt trời, giếng được bao bọc cẩn thận, vườn tược, tháp canh và cánh cổng thép gia cố dày, trượt ra trượt vào ấy khiến Troy rất được người dân ở đó hoan nghênh. Nó thành công đến mức thiết kế viên của nó tới nay đã nhận được thêm bảy đơn đặt hàng từ khắp dọc nước Mỹ. Vị thiết kế viên của Troy ấy, kiến trúc sư trưởng kiêm thị trưởng đời thứ nhất, tên là Mary Jo Miller.]
            Vâng, tôi cũng có lo. Tôi lo việc trả tiền mua xe và khoản tiền vay của Tim. Tôi lo về cái vết nứt ngày càng to ở bể bơi và về cái bộ lọc không dùng Clo mới vẫn còn để sót lại vệt tảo. Tôi lo cho cái danh mục đầu tư của mình mặc dù tay môi giới qua mạng của tôi đã trấn an tôi tằng đó chỉ là do tật bồn chồn của những người lần đầu đầu tư và rằng hình thức này đem lại nhiều lợi nhuận hơn hình thức 401(k)22 thông thường. Aiden cần một gia sư toán, Jenna cần một đôi giày thể thao Jamie Lynn Spears đúng kiểu để đi trại hè bóng đá. Bố mẹ Tim đang định đến ở cùng với chúng tôi trong mùa Giáng sinh. Anh tôi lại phải vào trại cai nghiện. Finley bị giun sán. Một con cá bị nấm mọc ở mắt trái. Đây chỉ là một vài lo lắng của tôi. Tôi có đủ thứ để lo nghĩ rồi.
            Bà có xem tin tức không?
            Có, tầm năm phút mỗi ngày: mấy tin địa phương, tin thể thao, chuyện phiếm người nổi tiếng. Sao tôi lại phải để cho cái TV làm mình bị xuống tinh thần chứ? Chỉ cần đứng lên bàn cân mỗi dáng là tinh thần tôi đủ liêu xiêu rồi.
            Thế còn những nguồn khác thì sao? Đài chẳng hạn?
             Lúc lái xe vào buổi ấy hả? Đó là khoảnh khắc tĩnh tại của tôi. Sau khi chở lũ trẻ đến trường, tôi chuyển sang nghe [tên được giấu vì nguyên do pháp lí]. Mấy cái trò đùa của hắn giúp tôi đủ sức trụ qua ngày.
            Còn Internet thì sao?
            Nó thì sao? Đối với tôi, nó dùng để mua hàng; đối với Jenna, nó là để làm bài tập; đối với Tim, nó là để… làm mấy thứ mà thằng bé tối ngày thề thốt sẽ không bao giờ rớ đến nữa. Tin tức duy nhất tôi bắt gặp là ở trang đầu của AOL.
            Chắc ở chỗ bà làm người ta phải bàn tán chứ…
            À vâng, mới đầu thì có. Nó kiểu vừa sợ sợ, vừa lạ lạ, “biết gì không? Tôi nghe người ta nói đây không phải bệnh dại đâu” và mấy thứ đại loại như vậy. Nhưng rồi còn nhớ đến mùa đông thì mọi thứ bắt đầu yên ắng hơn không? Và đằng nào thì ngồi tua lại tập Celebrity Fat Camp được chiếu tối trước hay nói xấu bất cứ ai không có trong phòng lúc đó.
            Có cái lần này, tầm tháng ba hay tháng tư gì đó, tôi đến cơ quan và thấy cô Ruiz đang dọn trống bàn làm việc. Tôi tưởng cô ấy bị sa thải hoặc công ti kiếm được nguồn rẻ hơn bên ngoài để làm thay việc của cô ta hay gì đó… anh biết đấy, kiểu mấy mối nguy tôi coi là thật. Cô ta giải thích việc mình rời đi là do “chúng.” Cô ấy lúc nào cũng nói thế. “Chúng” hay nói cách khác là “mọi thứ trên đời.” Cô ấy nói gia đình mình đã bán nhà và đang mua một cái nhà gỗ gần Fort Yukon, Alaska. Đây là điều ngớ ngẩn nhất tôi từng nghe thấy, đặc biệt là lại được nghe từ miệng một người như Inez. Cô ấy là một người Mexico “sạch”, không phải loại thiếu hiểu biết. Rất xin lỗi khi phải dùng từ đó, nhưng đấy là cách nghĩ, là bản chất con người của tôi hồi trước.
            Chồng bà có bao giờ tỏ ra lo lắng gì không?
            Không, nhưng lũ trẻ thì có, chỉ có điều chúng không nói ra hoặc không tự ý thức được là mình đang lo. Jenna bắt đầu gây gổ. Aiden không chịu đi ngủ nếu chúng tôi không để đèn sáng. Mấy thứ nhỏ nhỏ kiểu đó. Tôi không nghĩ là chúng biết gì nhiều hơn Tim hay tôi, nhưng có lẽ chúng không có những mối lo của người lớn để giúp chúng quên đi.
            Bà và chồng bà đã phản ứng như thế nào?
            Lấy Zoloft và Ritalin SR cho Aiden, còn Adderall XR thì cho Jenna. Mấy thuốc đấy cũng có có tác dụng trong một thời gian. Tôi chỉ điên mỗi cái là bảo hiểm không chi trả cho chúng vì bọn trẻ đang dùng Phalanx.
            Chúng dùng Phalanx được bao lâu rồi?
            Kể từ khi nó xuất hiện. Cả nhà chúng tôi đều dùng Phalanx, “Một liều Phalanx, một lần thanh thản.” Đó là cách chúng tôi đề phòng… và Tim có mua một khẩu súng. Lão ấy cứ liên tục hứa sẽ đưa tôi ra trường bắn để học cách dùng súng. “Chủ nhật,” lúc nào lão ấy cũng nói thế, “Chủ nhật chúng ta sẽ đi.” Tôi thừa hiểu hắn toàn hứa lèo. Chủ nhật là dành cho cái con bồ ngực to chân dài mà lão suốt ngày chăm chút cho. Tôi chả quan tâm. Chúng tôi có thuốc và ít nhất lão ấy biết dùng khẩu Glock. Nó trở thành một phần trong đời sống thường nhật như chuông báo khói hay là cái túi khí trong xe. Có thể thỉnh thoảng anh nghĩ về nó, nhưng lúc nào nó cũng chỉ là… “để đề phòng thôi.” Với cả ngoài ra, đời đã có đủ thứ đau đầu rồi. Cứ mỗi tháng là lại có thêm việc phải lo toan. Làm thế nào mà nắm bắt hết được? Làm sao biết được cái nào là thật?
            Vậy bà biết chuyện như thế nào?
            Hôm đó trời vừa mới tối. TV có trận đấu hay. Tim đang ngồi trên ghế bành với một chai Corona. Aiden chơi với mấy cái con Ultimate Soldiers của nó. Jenna đang ở trong phòng làm bài tập. Tôi thì đang lấy đồ giặt ra khỏi máy nên không nghe được tiếng Finley sủa. Có lẽ tôi cũng có nghe thấy nhưng không để ý lắm. Nhà chúng tôi ở cuối khu, ngay dưới chân đồi. Chúng tôi sống ở một vùng mới phát triển khá yên tĩnh thuộc Địa hạt Bắc gần San Diego. Lúc nào cũng có thỏ và đôi lúc là hươu chạy qua bãi cỏ nên Finley lúc nào cũng cứ làm loạn lên. Tôi nghĩ mình có ngó qua cái mẩu giấy nhớ ghi phải mua cho nó cái vòng cổ gỗ sả. Tôi không nhớ rõ mấy con chó khác cũng bắt đầu sủa hay thấy tiếng chuông báo động xe dưới phố lúc nào. Chỉ khi nghe tiếng gì như tiếng súng bắn tôi mới giật mình. Tim chưa nghe thấy gì hết. Lão để loa quá to. Tôi liên tục phải bảo lão ấy đi khám tai đi. Có ai hồi tuổi hai mươi tham gia ban nhạc speed metal mà không bị… [thở dài]. Aiden nghe thấy tiếng gì đó. Thằng bé hỏi tôi đấy là tiếng gì. Tôi vừa định nói không biết thì thấy mắt nó mở to. Nó đang nhìn ra phía sau tôi, nhìn vào cái cửa kính trượt dẫn ra sân sau. Tôi quay lại đúng lúc nó vỡ nát ra.
            Cái con kia cao tầm một mét tám, dáng gù gù, vai hẹp, bụng trương phềnh, sồ sề. Nó để mình trần và cái nước da xám nghoét, lốm đốm của nó trầy trụa và thủng lỗ chỗ. Nó có mùi gì như mùi biển, mùi của tảo thối và nước muối. Aiden nhảy bật lên và chạy ra phía sau tôi. Tim phi ra khỏi ghế, đứng chắn giữa tôi và cái con đó. Trong thoáng chốc, tôi cảm thấy như mọi thứ dối trá, che đậy đều biến mất. Trong khi Tim đang hoảng loạn nhìn quanh phòng tìm vũ khí thì bị nó tóm lấy áo. Cả hai ngã lăn ra và vật lộn trên thảm. Tim hét bảo chúng tôi chạy vào phòng ngủ và bảo tôi lấy súng. Vừa ra đến hành lang thì tôi nghe thấy Jenna hét. Tôi phi vào phòng con bé, mở tung cửa ra. Lại một con nữa, to cao, cao tầm hơn mét chín, vai và tay to lực lưỡng. Cửa sổ đã bị đập vỡ và nó đang tóm tóc Jenna. Con bé đang gào thét “Mẹơimẹơimẹơi!”
            Bà đã làm gì?

            Tôi… tôi không chắc lắm. Khi tôi thử nhớ lại, mọi thứ cứ trôi vèo qua. Tôi tóm cổ nó. Nó kéo Jenna về phía cái mồm đang há rộng. Tôi siết mạnh… kéo giật lại… Lũ nhóc nói tôi rứt đứt tung đầu nó ra, thịt, cơ với mấy thứ gì gì đó nữa treo lủng lẳng. Tôi nghĩ sao mà thế được. Chắc là khi mà adrenaline chảy rần rật trong mạch máu như thế thì… tôi cho là dần dà lũ nhóc chỉ thêm thắt vào trong kí ức của mình để biến tôi thành She-Hulk hay gì đó. Tôi chỉ biết là tôi đã cứu được Jenna. Cái đó tôi có nhớ. Vài giây sau, Tim bước vào phòng, áo bê bết một cái chất nhầy đen đặc. Một tay lão cầm súng còn tay kia cầm dây xích của Finley. Lão ném chìa khoá xe cho tôi và bảo tôi cho lũ trẻ lên xe. Lão chạy ra sân sau còn chúng tôi chạy ra nhà để xe. Tôi nghe tiếng súng của lão trong khi đang khởi động xe.
Mục Lục

0 nhận xét:

Đăng nhận xét