EBOOK ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z - MAX BROOKS
TÊN EBOOK: ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z
Tên gốc: Worl War ZTác giả: Max Brooks
Thể loại: Best seller, Giả tưởng, Tiểu thuyết, Zombie, Văn học phương Tây
Nguồn: BookismVietNam
Đọc online tại: e-thuvienonline.blogspot.com
Ebook Đại Chiến Thế Giới Z - Max Brooks |
CUỘC ĐẠI LOẠN
CĂN CỨ KHÔNG QUN VỆ BINH QUỐC GIA PARNELL: MEMPHIS, TENNESSEE, MỸ
[Gavin Blaire điều khiển chiếc D-17 chiến đấu, thành phần chủ chốt của Lực lượng Trinh sát Dân sự Trên không Mỹ. Đây là một nhiệm vụ rất hợp với ông. Trong đời sống dân sự, ông điều khiển một chiếc khinh khí cầu hiệu Fujifilm.]
Nó dãn đến tận chân trời: xe hơi, xe tải, xe buýt, xe RV, bất kì thứ gì lái được. Tôi thấy xe rờ móc, xe trộn xăng. Tôi thậm chí còn thấy cả một cái xe sàn phẳng chẳng có gì ngoài một cái biển quảng cáo “Hộp đêm cấp cao.” Có người đang ngồi trên đó. Người ta ngồi trên đủ thứ, trên mái nhà, giữa các giá hành lí. Nó gợi cho tôi nhớ lại một tấm ảnh xưa chụp tàu ở Ấn Độ, trên đó người ta đeo bám như khỉ.
Đủ thứ linh tinh lăn lóc trên đường — vali, hòm, thậm chí còn cả mấy thứ đồ nội thất đắt tiền. Tôi còn thấy cả một cái dương cầm nát bét như thể bị quăng xuống từ nóc xe tải, không đùa đâu. Còn có cả một đống xe bỏ hoang. Vài chiếc đã bị đẩy sang một bên, vài chiếc thì bị tháo dỡ hết đồ đạc, lại có vài cái cháy đen. Có rất nhiều người đi bộ, đi trên vùng đất bên vệ đường hoặc dọc hai mép đường. Vài người gõ gõ cửa kính xe, tay chìa ra đủ thứ đồ. Đám đàn bà có vài người đang loã thể. Họ đang định tráo đổi. Chắc là lấy xăng. Tôi không cho là họ muốn đi nhờ vì họ di chuyển còn nhanh hơn xe. Điều ấy nghe thật vô lí nhưng mà… [nhún vai].
Ở phần đường dưới cách đấy tầm ba mươi dặm, tình hình giao thông có tốt hơn chút. Nghe qua thiết tưởng mọi thứ sẽ dịu hơn. Không phải vậy. Người ta nháy đèn, huých vào mấy cái xe đằng trước, ra ngoài xe gây gổ với nhau. Tôi thấy có vài người nằm dọc ven đường, gần như không cử động hoặc bất động hoàn toàn. Thiên hạ chạy vượt qua họ, ôm đủ thứ đồ, bồng bế trẻ em hoặc chạy tay không, tất cả đều chạy cùng hướng dòng xe cộ. Lui xuống vài dặm nữa, tôi hiểu ngay lí do.
Mấy cái con đó đang chạy thành đàn giữa đống xe. Tài xế ở làn ngoài cố gắng quành xe ra khỏi đường, sa lầy trong đống bùn và làm làn trong kẹt cứng. Không ai mở được cửa. Xe xếp quá sát nhau. Tôi thấy mấy con đó với qua các cánh cửa sổ đang mở, kéo người ra ngoài hoặc tự kéo mình vào trong xe. Rất nhiều tài xế bị kẹt trong xe. Cửa xe đóng chặt và tôi cho rằng được khoá hết lại. Cửa kính được cuốn hết lên. Đó là kính chống vỡ. Đám thây ma không vào được nhưng người sống cũng không thoát ra được. Tôi thấy vài người hoảng loạn, bắn xuyên qua kính chắn gió, phá huỷ luôn lớp bảo vệ duy nhất mà họ có. Ngu xuẩn. Đáng ra ở trong đó họ đã có thể câu thêm một vài tiếng nữa và thậm chí là có thể tìm được cách thoát thân. Có lẽ cũng chẳng có lối thoát nào nữa, chỉ có một kết thúc nhanh gọn hơn. Có một cái xe chở ngựa được móc vào một cái xe ở giữa làn. Nó đang giật tới giật lui loạn xạ. Lũ ngựa vẫn còn ở trong.
Cái đàn ấy tiếp tục di chuyển giữa đống xe, vừa đi vừa ăn dọn đường dọc mấy cái làn xe. Tội nghiệp mấy người bên dưới chỉ muốn thoát ra. Họ chả có điểm đến nào cố định cả, và đó là điều ám ảnh tôi nhất. Đây là cao lộ I-80, dải đường cao tốc giữa Lincoln và Bắc Platte. Cả hai nơi đều đặc nghẹt thây ma, cả mấy thị trấn nhỏ nhỏ ở giữa cung thế. Họ nghĩ mình đang làm gì cơ chứ? Ai tổ chức cái cuộc di tản này? Có ai tổ chức không? Liệu có phải mọi người thấy một dãy xe và cứ thế mà xếp hàng đằng sau, không hỏi han gì hết? Tôi đã cố tưởng tượng xem cảm giác ấy nó như thế nào, kẹt nhau sát sàn sạt, trẻ con thì kêu gào, chó thì sủa, mình thì biết rõ đằng sau vài dặm cái gì đang đến và hi vọng, cầu nguyện rằng có ai đó trên đầu biết mình đi đâu.
Anh có biết cái thí nghiệm mà một tay nhà báo Mỹ thực hiện ở Moscow hồi những năm 1970 không? Hắn đứng xếp hàng trước một toà nhà. Nó chả có gì đặc biệt cả, chỉ là một toà nhà được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên. Và tất nhiên, có người đứng xếp hàng sau hắn, rồi sau đó có một số người nữa nhập hội, và rồi chưa gì thiên hạ đã xếp hàng dọc quanh cả khu. Chả ma nào thèm hỏi cái hàng đó để làm gì. Họ chỉ cho là nó đáng công xếp. Tôi không biết liệu câu chuyện đấy có thật không. Có thể nó chỉ là một lời đồn đại, hoặc là một huyền thoại thời chiến tranh lạnh. Ai mà biết được?
ALANG, ẤN ĐỘ
[Tôi đứng trên bờ biển với Ajay Shah, cùng nhìn ra phía đống xác gỉ sét của những con tàu từng một thời huy hoàng. Chính phủ đã không có đủ vốn để dọn dẹp chúng đi. Thêm vào đó, Thời gian và các yếu tố môi trường đã khiến phần thép của chúng trở nên gần như vô dụng. Vì thế, chúng trở thành những đài tưởng niệm lặng im cho cảnh tàn sát bãi biển này từng phải chứng kiến.]
Họ bảo tôi chuyện xảy ra ở đây không phải hiếm. Ở tất cả những nơi đất giáp biển trên thế giới, người ta đều liều mạng leo lên bất cứ cái gì nổi được với hi vọng sống sót được trên biển.
Tôi chẳng biết Alang là gì mặc dù đã sống cả đời gần Bhavnagar. Tôi là nhân viên quản lí văn phòng, một tay dân công sở “năng nổ” kể từ khi tốt nghiệp đại học. Tôi chỉ phải động chân động tay khi cần gõ bàn phím, và kể từ ngày phần mềm của chúng tôi có chế độ nhận diện giọng nói thì thậm chí cả việc đó cũng không cần thiết nữa. Tôi biết Alang là một cái cảng đóng tàu, đó là lí do ngay từ đầu tôi đã cố tìm cách chạy ra đó. Tôi hi vọng gặp được một khu công trường liên tục cho xuất xưởng hết tàu này đến tàu khác và chở tất cả đến nơi an toàn. Hoá ra mọi thứ đều ngược lại. Alang không phải nơi xây tàu, nó là nơi tiêu huỷ tàu. Trước chiến tranh, đây là nơi nghiền phế liệu lớn nhất thế giới. Tàu thuyền từ khắp các quốc gia được các công ti sắt phế liệu Ấn Độ mua lại, đưa lên trên bãi biển này, tháo hết máy móc cưa ra và tháo rời cho đến khi không còn lại gì, kể cả cái vít nhỏ nhất. Hàng chục con tàu tôi thấy ở đó không phải là những chiếc thuyền chất đầy người, trong tình trạng hoàn hảo mà là những cái khung khổng lồ trơ trọi đang nằm chờ chết.
Không có vũng cạn mà cũng chẳng có bờ trượt. Alang gọi là một dải cát dài nghe còn có lí hơn là cảng. Bình thường người toàn phóng thẳng thuyền lên bờ, khiến chúng mắc cạn như cá voi vậy. Tôi chỉ còn biết hi vọng vào mấy chiếc tàu mới đến đang buông neo ngoài khơi, mấy chiếc mà có vừa đủ thuỷ thủ đoàn với lạy trời là một chút nhiên liệu trong thùng. Một trong số mấy con thuyền này, chiếc Veronique Delmas, đang cố kéo một chiếc tàu mắc cạn ra ngoài khơi. Dây chão với dây xích được buộc lộn xộn vào phía đuôi chiếc APL Tulip, một tàu tải hàng Singapore đã phần nào bị tháo dỡ ra rồi. Tôi đến vừa đúng lúc chiếc Delmas khởi động động cơ. Tôi có thể thấy nó kéo căng dây lên làm bọt nước toé trắng xoá. Tôi có thể nghe tiếng mấy sợi dây yếu đứt tung to như súng nổ.
Còn về mấy sợi xích khoẻ thì… chúng trụ được lâu hơn cái vỏ tàu. Chắc khi bị đem lên cạn sống chiếc Tulip đã bị nứt gãy nặng. Khi tàu Delmas bắt đầu kéo, tôi nghe thấy tiếng cót két rất kinh dị, tiếng rền rất chói tai của kim loại. Tàu Tulip đứt đôi, phần mũi ở lại trên bờ còn phần đuôi bị kéo tuột ra ngoài biển.
Chẳng ai làm được gì hết. Tàu Delmas đã đạt vận tốc tối đa, kéo đuôi chiếc Tulip ra chỗ nước sâu. Nó lật úp lại và đắm xuống chỉ trong vòng vài giây. Trên đó chắc phải có ít nhất là cả ngàn người chen chúc nhau chật ních trong từng căn phòng, từng hành lang và từng phân một trên boong. Tiếng la hét của họ bị tiếng khí thoát ra như sấm rền nhấn chìm nghỉm.
Sao đám người đó không ngồi đợi trên boong mấy chiếc tàu mắc cạn rồi kéo hết thang lên, khiến không ai lên được nữa?
Bây giờ anh đang tỉnh táo nhìn lại sự việc. Anh đâu có ở đó đêm hôm ấy. Từ khu cảng cho đến tận bờ biển chật cứng. Lửa từ trong đất liền rọi bóng cái cảnh điên loạn của những con người đang chạy trối chết. Hàng trăm người cố bơi ra chỗ mấy con tàu. Sóng biển đặc nghẹt xác những kẻ thất bại.
Hàng chục con thuyền cỡ nhỏ chạy tới chạy lui, vận chuyển người từ bờ lên thuyền. “Đưa tiền đây,” có vài người nói, “tất cả mọi thứ mày có, rồi tao sẽ chở mày.”
Tiền vẫn còn giá trị cơ à?
Tiền hay thức ăn hay bất cứ thứ gì họ thấy đáng giá. Tôi thấy có chiếc chỉ chấp nhận phụ nữ. Phụ nữ trẻ ấy. Tôi thấy có chiếc khác chỉ đồng ý chở người da trắng. Mấy tên khốn ấy dí đuốc vào mặt từng người để loại ra những ai da đen như tôi. Tôi còn thấy một gã thuyền trưởng đứng trên boong tàu của mình, tay vung vẩy súng và quát nạt, “Không chấp nhận tầng lớp hạ đẳng, bọn tao không chở lũ tiện dân23!” Tiện dân? Tầng lớp? Thời nay ai đời còn suy nghĩ cái kiểu quái đản ấy nữa? Và thế này nó mới dị: vài vị lão niên bước ra khỏi hàng! Anh có tin nổi không?
Anh cũng cần phải hiểu là tôi chỉ đang nhấn vào những trường hợp tệ hại nhất thôi. Cứ mỗi một tay cơ hội hay một thằng loạn não đáng tởm là lại có mười người tử tế, tốt bụng, chưa mắc chút nghiệp chướng nào. Có rất nhiều ngư dân và chủ các con tàu nhỏ mà đáng ra có thể trốn thoát cùng gia đình lại chọn cách liều mình liên tục quay trở lại bờ. Cứ thử nghĩ xem họ đang liều mạng như thế nào: hoặc bị giết để cướp tàu, hoặc bị bỏ lại trên bờ, hoặc bị tấn công ngầm từ bên dưới bởi cơ man nào là những cái thây ma…
Mấy con đó số lượng cũng kha khá. Rất nhiều người bị nhiễm bệnh tìm cách bơi về phía tàu, chết đuối rồi sau đó sống lại. Thuỷ triều còn đang thấp, vừa đủ sâu để chết đuối được nhưng lại vừa đủ nông để một con thây ma đang đứng thẳng với tới được con mồi của mình. Rất nhiều người đang bơi đột nhiên biến mất dưới mặt nước hoặc nhiều con thuyền bị lật úp và hành khách bị kéo xuống. Ấy vậy nhưng vẫn có người tiếp tục quay lại bờ hay thậm chí là nhảy xuống khỏi tàu để cứu những người đang ở dưới nước.
Tôi được cứu sống như vậy đó. Tôi là một trong số những người tìm cách bơi. Mấy con tàu trông gần hơn vị trí thực của nó. Tôi bơi rất khoẻ nhưng sau khi chạy bộ từ Bhavnagar, sau khi chiến đấu bảo toàn mạng sống gần như là cả ngày, Tôi chỉ còn có vừa đủ chút sức lực để giữ lưng nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Khi đến được nơi cứu rỗi dự kiến của mình, tôi chẳng còn tí hơi nào trong phổi để kêu cứu nữa. Chẳng có cái ván cầu tàu nào cả. Bên mặt trơn nhẵn dựng cao chót vót trước mặt tôi. Tôi nện vào lớp vỏ thép, gào lên với chút hơi sức cuối cùng.
Ngay khi vừa mới bắt đầu chìm xuống, tôi cảm thấy có một cánh tay mạnh mẽ tóm quanh ngực mình. Đây là kết thúc, tôi nghĩ thầm; tôi trông đợi rằng bất cứ giây phút nào thôi, tôi sẽ cảm thấy rắng cắm ngập vào thịt. Thay vì kéo tôi xuống, cánh tay kia lôi tôi lên khỏi mặt nước. Rốt cục tôi lại ở trên boong tàu Sir Wilfred Grenfell, một chiếc ca nô hải quân của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Canada cũ. Tôi cố gượng nói, cố xin lỗi vì trên người không mang tiền, cố giải thích rằng tôi có thể lao động, làm bất cứ thứ gì để trang trải cho việc đi nhờ. Anh lái tàu chỉ mỉm cười. “Bám chắc vào,” anh ta bảo tôi, “chúng ta chuẩn bị xuất phát.” Tôi có thể cảm thấy sàn tàu rung lên rồi tròng trành chao đảo khi chúng tôi bắt đầu di chuyển.
Kinh khủng nhất là phải nhìn những con tàu chúng tôi đi ngang qua. Một vài hành khách bị nhiễm bệnh trên tàu đã bắt đầu sống lại. Vài tàu trở thành lò mổ di động, số còn lại bốc cháy bừng bừng ở chỗ bỏ neo. Có mấy người nhảy xuống biển. Nhiều người nhảy xong không thấy trồi lên nữa.
TOPEKA, KANSAS, MỸ
[Với mái tóc đỏ dài, đôi mắt xanh lấp lánh và thân hình của một vũ nữ hoặc một siêu mẫu thời tiền chiến, Sharon có thể được coi là xinh đẹp theo gần như mọi tiêu chuẩn. Chỉ có điều cô mang tâm trí của một đứa trẻ mới lên bốn.
Chúng tôi đang ở Trung tâm Phục hồi Chức năng cho Trẻ Hoang Rothman. Bác sĩ Roberta Kelner, nghiên cứu viên của Sharon, gọi tình trạng của cô là “may mắn.” “Ít nhất cô ấy vẫn còn chút ít khả năng ngôn ngữ, một qui trình tư duy cố kết” bà giải thích. “Sơ đẳng thôi, nhưng ít nhất là vẫn hoạt động tốt.” Bác sĩ Kelner rất hứng thú với cuộc phỏng vấn nhưng bác sĩ Sommers, giám đốc chương trình của Rothman, thì lại ngược lại. Kinh phí dành cho chương trình vốn đã nhỏ giọt, và chính quyền hiện tại đang doạ sẽ ngưng toàn bộ chương trình.
Mới đầu Sharon khá rụt rè. Cô không chịu bắt tay tôi và rất ít khi đón ánh nhìn của tôi. Mặc dù người ta tìm thấy Sharon trong đống đổ nát ở Wichita, không ai biết được câu chuyện của cô xảy ra ở đâu.]
Bọn cháu ở trong một cái nhà thờ, Mẹ và cháu. Ba bảo chúng cháu ông ấy sẽ đến tìm chúng cháu. Ba có việc phải đi. Bọn cháu phải chờ ông trong nhà thờ.
Tất cả đều ở đó. Ai cũng có đồ. Họ có ngũ cốc và nước và nước hoa quả và túi ngủ và đèn pin và … [cô giả động tác cầm một khẩu súng trường]. Cô Randolph có một cái như thế. Đáng ra cô ta không được phép. Chúng rất nguy hiểm. Cô ấy nói với cháu chúng rất nguy hiểm. Cô ấy là mẹ Ashley. Ashley là bạn cháu. Cháu hỏi cô ấy Ashley đâu. Cô ấy bật khóc. Mẹ bảo cháu không được hỏi cô ấy về Ashley và nói với cô Randolph rằng Mẹ rất tiếc. Cô Randolph trông rất bẩn thỉu, trên váy cô có dính vết gì đỏ với nâu. Cô ấy béo. Tay cô ấy rất to và mềm.
Còn có mấy đứa trẻ khác, Jill và Abbie, và nhiều đứa khác nữa. Bà McGraw đang trông chúng. Chúng có sáp màu. Chúng đang tô vẽ lên tường. Mẹ bảo cháu ra chơi với chúng. Mẹ nói không sao đâu. Mẹ nói Cha xứ Dan bảo không sao đâu.
Cha xứ Dan đang ở đó, cố gắng khiến mọi người lắng nghe mình. “Làm ơn nào mọi người…” [cô giả giọng trầm] “Làm ơn hãy bình tĩnh, giới chức trách đang đến, cứ bình tĩnh và đợi họ.” Khôngai nghe ông cả. Ai cũng đang nói, chẳng ai ngồi cả. Mọi người cố gắng nói vào mấy cái thứ đồ của mình [giả điệu bộ cầm điện thoại], họ rất tức giận với mấy thứ đồ đó, ném chúng đi và nói bậy. Cháu thấy tội Cha Dan. [Cô giả tiếng còi báo động.] Ở phía ngoài. [Cô lại giả âm thanh ấy. Bắt đầu nghe nhẹ nhàng rồi âm lượng tăng dần, rồi sau đó yếu dần đi, cứ thế lặp đi lặp lại.]
Mẹ đang nói chuyện với cô Cormode và các bà mẹ khác. Họ đang cãi nhau. Mẹ đang cáu. Cô Cormode liên tục nói [giọng nghe lè nhè, giận dữ], “Thế nhỡ thế thì sao? Chị còn làm được gì nữa?” Mẹ đang lắc đầu. Cô Cormode đang vừa nói vừa hoa tay múa chân. Cháu không thích cô Cormode. Cô ấy là vợ Cha Dan. Cô ấy rất hách dịch và xấu tính.
Có người hét…“Chúng đến đấy!” Mẹ đến bế cháu lên. Họ lấy ghế của chúng cháu và đặt nó ra cạnh cửa. Họ đặt hết tất cả ghế băng ra cạnh cửa. “Nhanh lên!” “Chèn cửa lại!” [Cô giả mấy giọng khác nhau.] “Tôi cần búa!” “Đinh!” “Chúng đang ở bãi đỗ xe!” “Chúng đang tiến về hướng này!” [Cô quay sang phía bác sĩ Kelner.] Cho phép cháu nhé?
[Bác sĩ Sommers trông có vẻ do dự. Bác sĩ Kelner mỉm cười và gật đầu. Sau đó tôi mới biết không phải vô cớ mà phòng này được cách âm.]
[Sharon giả tiếng rên rỉ của một con thây ma. Đây thực sự là tiếng kêu giống nhất tôi từng được nghe. Cứ nhìn cái vẻ khó chịu của bác sĩ Sommers và bác sĩ Kelner thì rõ ràng là họ đồng quan điểm.]
Chúng đang đến. Chúng lớn dần. [Cô lại kêu. Rồi sau đó nện nắm tay phải lên bàn.] Chúng muốn vào. [Cô đập mạnh, dồn dập.] Mọi người la hét. Mẹ ôm chặt lấy cháu. “Không sao đâu.”[Giọng cô dịu lại, tự lấy tay vuốt tóc mình.] “Mẹ sẽ không để chúng chạm đến con đâu. Shhhh….”
[Giờ cô đấm cả hai tay lên bàn, các cú giáng trở nên hỗn loạn hơn, như thể đang có nhiều cái thây ma.] “Chặn cửa đi!” “Giữ chắc vào! Giữ chắc vào!” [Cô giả tiếng kính vỡ.] mấy cái cửa sổ ở phía trước cạnh cửa bị đập vỡ. Đèn tối om. Mấy người lớn bắt đầu sợ. Họ la hét.
[Giọng cô trở lại thành giọng mẹ mình.] “Shhhh…không sao đâu cưng. Mẹ sẽ không để để chúng chạm đến con đâu.”[Tay cô chuyển từ tóc xuống mặt, nhẹ nhàng vuốt trán và má cô. Sharon nhìn Kelner dò hỏi. Kelner gật. Giọng Sharon đột nhiên giả tiếng cái gì rất to vỡ nát ra, từ dưới cuống họng cô phát ra một giọng lào khào đầy đờm dãi.] “Chúng đang tràn vào! Bắn đi, bắn đi!” [Cô giả tiếng súng nổ và rồi…] “Mẹ sẽ không để chúng động đến con đâu, mẹ sẽ không để chúng động đến con đâu.” [Sharon đột nhiên đánh mắt qua vai tôi, nhìn vào thứ gì không có ở đó.] “Lũ trẻ! Đừng để chúng tóm được lũ trẻ!” Đó là giọng cô Cormode. “Cứu lũ trẻ! Cứu lũ trẻ!”[Sharon giả thêm mấy tiếng súng nữa. Cô nắm chặt hai tay lại thành một quả đấm to bự, nện cật lực xuống một thứ vô hình nào đó.] Giờ lũ trẻ đã bắt đầu khóc. [Cô giả bộ đâm thọc, đấm đá với đồ vật trên tay.] Abbie khóc rất to. Cô Cormode bế bạn ấy lên. [Cô giả vờ nhấc thứ gì đó hoặc là ai đó lên và quăng thẳng vào tường.] Và rồi Abbie nín ngay. [Cô lại bắt đầu vuốt ve mặt mình, giọng mẹ cô bắt đầu trở nên mạnh bạo hơn.] “Shhh…không sao đâu cưng, không sao đâu mà…” [Tay cô chuyển từ mặt xuống cổ và siết chặt lại.] “Mẹ sẽ không để chúng động đến con đâu. MẸ SẼ KHÔNG ĐỂ CHÚNG ĐỘNG ĐẾN CON ĐU!”
[Sharon bắt đầu hổn hển hớp hơi.]
[Bác sĩ Sommers định cản cô lại. Bác sĩ Kelner giơ một bàn tay lên. Sharon dừng phắt lại, tay vung ra hai bên sau một tiếng súng.]
Mồm cháu có cái gì ấm, ướt và mằn mặn, mắt cháu cay xè. Có tay ai đó nhấc cháu lên và bế cháu đi. [Cô đứng ra khỏi bàn, giả làm động tác giống như chơi bóng bầu dục.] Bế cháu ra chỗ để xe. “Chạy đi, Sharon, đừng dừng lại!” [Giờ là một giọng khác, không phải mẹ cô ấy.] “Cứ chạy đi, chạy-chạy-chạy!” Chúng kéo cô đi. Tay cô bỏ cháu ra. Đôi tay ấy rất to, mềm mại.
KHUZHIR, ĐẢO OLKHON, HỒ BAIKAL, THÁNH QUỐC NGA
[Cả căn phòng trống trơn, chỉ có một cái bàn, hai cái ghế và một cái gương lớn mà gần như chắc chắn là kính một chiều ở trên tường. Tôi ngồi đối diện người tôi chuẩn bị phỏng vấn, ghi chép lại trên một tập giấy phát sẵn (máy ghi của tôi bị cấm vì “các lí do an ninh”). Mặt Maria Zhuganova trông kiệt quệ, tóc chị đã bạc, người chị làm bục căng các mép khâu của bộ quân phục đã sờn rách mà chị nhất quyết mặc trong buổi phóng vấn này. Đúng ra thì chỉ có mình chúng tôi, mặc dù tôi cảm thấy có nhiều cặp mắt đang dõi theo từ phía sau tấm kính một chiều.]
Chúng tôi còn chẳng biết có thứ gọi là Cuộc Đại Loạn. Chúng tôi bị cô lập hoàn toàn. Khoảng một tháng trước khi nó diễn ra, gần như cùng lúc cái cô phóng viên Mỹ ấy đăng tin, trại của chúng tôi bị cắt liên lạc vô thời hạn. Tất cả hệ thống ti vi đều bị đem ra khỏi trại, cả các loại đài, điện thoại cá nhân nữa. Tôi có một cái điện thoại rẻ tiền loại dùng một lần với năm phút trả trước. Bố mẹ tôi chỉ có thể trang trải từng ấy. Đáng ra tôi phải dùng nó để gọi về vào hôm sinh nhật, sinh nhật xa nhà đầu tiên của tôi.
Chúng tôi đóng quân ở Bắc Ossetia, Alania, một trong số các nước cộng hoà ở phía nam hoang dã của chúng tôi. Nhiệm vụ chính thức của chúng tôi là “giữ gìn trật tự trị an,” ngăn chặn các cuộc xung đột sắc tộc giữa các cộng đồng thiểu số ở Ossetia và Ingush. Chúng tôi vừa hết hạn đi lính thì họ cách li chúng tôi khỏi thế giới. Họ nói đây là chuyện “an ninh quốc gia”.
“Họ” là ai?
Bất kì ai: các sĩ quan, Cảnh sát Quân đội, thậm chí cả một tay dân sự mặc thường phục chả biết từ đâu đột nhiên xuất hiện. Hắn là một thằng rất bẩn tính, mặt thì còi cọc như chuột kẹp. Chúng tôi gọi hắn như vậy đó: “Mặt Chuột.”
Đã bao giờ chị thử tìm hiểu xem anh ta là ai chưa?
Sao cơ, cá nhân tôi á? Chưa hề. Chả ai thèm làm cả. Ồ vâng, chúng tôi có phàn nàn; lính lúc nào chả phàn nàn. Nhưng cũng chẳng có thời gian mà phàn nàn tử tế nữa. Ngay sau khi lệnh cắt đứt liên lạc được đưa vào hiệu lực, chúng tôi luôn trong tình trạng trực chiến. Trước đó toàn ba cái nhiệm vụ dễ dàng — nhàn tản, đơn điệu và chỉ thỉnh thoảng bị gián đoạn để hành quân lên núi. Giờ có khi chúng tôi phải ở trên núi đến hàng mấy ngày trời với đầy đủ quân trang, đạn dược. Chúng tôi vào từng ngôi làng, từng căn nhà. Chúng tôi tra hỏi từng người dân và khách lữ hành và… tôi cũng chẳng biết nữa… từng con dê chúng tôi bắt gặp.
Tra hỏi họ? Để làm gì?
Tôi không biết. “Tất cả mọi thành viên trong gia đình anh hiện có đang ở đây không?” “Đã ai bị mất tích chưa?” “Đã ai bị động vật hay người mang bệnh dại tấn công chưa?” Đây là phần tôi thấy khó hiểu nhất. Dại à? Phần về động vật thì tôi hiểu nhưng mà người á? Còn cả khám xét cơ thể nữa, phải lột sạch đồ của họ ra để quân y rà soát từng phân trên người họ, tìm kiếm… cái gì đó… chúng tôi không được biết là cái gì.
Chả có nghĩa lí gì cả, tất cả đều vô nghĩa. Có lần chúng tôi tìm thấy cả một kho vũ khí, toàn 74, có cả mấy khẩu 47 đời cũ nữa, rất nhiều đạn dược, chắc là mua từ một tay cơ hội nào đó ngay trong tiểu đoàn của chúng tôi. Chúng tôi không biết số vũ khí ấy là của ai; bọn buôn ma tuý hay lũ trộm cướp địa phương hay thậm chí là các “Đội Báo Thù”, lí do chúng tôi được triển khai. Và chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi bỏ hết lại. Cái thằng dân sự ấy, thằng “Mặt Chuột,” hắn có gặp riêng với vài vị trưởng lão trong làng. Tôi chẳng biết họ bàn luận cái gì nhưng họ trông sợ chết khiếp: làm dấu thánh, im lặng cầu nguyện.
Chúng tôi hiểu không nổi. Chúng tôi rối loạn, giận dữ. Chúng tôi chả hiểu mình phải làm cái khỉ gì ở đây. Trong trung đội chúng tôi có môt lão cựu binh già tên Baburin. Lão đã từng chiến đấu ở Afghanistan và hai lần ở Chechnya. Người ta đồn rằng trong vụ đàn áp ở Yeltsin, chiếc BMP24 đầu tiên khai hoả vào Duma chính là của lão Duma. Hồi trước bọn tôi rất thích nghe chuyện lão kể. Lão vốn tốt tính, lúc nào cũng say… nếu lão nghĩ lão thoát được tội đó. Sau vụ vũ khí thì lão thay đổi. Lão không cười nữa, không kể chuyện nữa. Tôi nghĩ kể từ đó lão không còn động đến một giọt rượu nào nữa, và trong những lần hiếm hoi lão chịu mở mồm, lão chỉ nói duy nhất một điều, “Không ổn rồi. Sắp có chuyện rồi đây.” Mỗi khi tôi gặng hỏi lão về chuyện đó, lão chỉ nhún vai bỏ đi. Tinh thần mọi người xuống khá thấp sau vụ đó. Ai cũng căng thẳng, nghi kị. Mặt Chuột lúc nào cũng xuất hiện, lẩn khuất trong bóng tối, lắng nghe, quan sát, thì thầm vào tai các sĩ quan của chúng tôi.
Hắn có đi cùng với chúng tôi vào hôm bọn tôi rà soát một thị trấn vô danh, một khu xóm quê mùa trông như thể ở tận rìa trái đất. Chúng tôi tiến hành sục sạo và thẩm vấn như thường lệ. Chúng tôi vừa chuẩn bị ngưng thì đột nhiên có một đứa bé, một bé gái chạy dọc con đường duy nhất trong làng về phía chúng tôi. Con bé đang khóc, rõ ràng là đang rất sợ hãi. Con bé đang nói chuyện với bố mẹ… ước gì tôi đã có thời gian để học ngôn ngữ của họ… và chỉ sang phía bên kia cánh đồng. Đằng đó có một bóng người nhỏ, lại một bé gái khác, đang loạng choạng lội bùn đi về phía chúng tôi. Trung uý Tikhonov giương ống nhòm và tôi thấy mặt ông tái hẳn đi. Mặt Chuột ra đứng cạnh ông, nhìn qua ống nhòm của hắn và rồi thì thầm gì đó với viên trung uý. Petrenko, xạ thủ của trung đội, được lệnh giơ vũ khí và lấy tâm là bé gái kia. Anh ta tuân lệnh. “Ngắm trúng con bé chưa?” “Đã trúng.” “Bắn.” Tôi nghĩ câu chuyện diễn tiến như vậy. Tôi nhớ có một khoảng lặng. Petrenko quay ra nhìn ngài trung uý và xin phép ông ta lặp lại mệnh lệnh. “Cậu nghe rồi đấy,” ông ta giận dữ nói. Tôi còn ở xa hơn cả Petrenko mà vẫn nghe thấy. “Tôi nói hạ gục mục tiêu ngay lập tức!” Tôi có thể thấy mũi súng của anh run run. Anh ta tầm vóc khá lùn, gầy gò nhỏ bé, không phải can đảm hay mạnh mẽ gì cho cam nhưng đột nhiên anh ta hạ vũ khí và nói mình sẽ không bắn. Thẳng thừng như vậy luôn. “Không, thưa ngài.” Mặt trời lúc đó như đóng băng luôn. Không ai biết phải làm gì, đặc biệt là Trung uý Tikhonov. Ai nấy đều nhìn nhau rồi lại nhìn ra phía cánh đồng.
Chậm rãi, gần như là thong dong, Mặt Chuột bước ra. Con bé giờ đã đến đủ gần để chúng tôi thấy được mặt. Mắt nó mở to, ghim cứng vào phía Mặt Chuột. Nó giơ tay lên, và tôi nghe mãi mới ra được cái tiếng rên the thé. Hắn giáp mặt con bé giữa cánh đồng. Chúng tôi hầu hết còn chưa kịp ý thức được chuyện gì vừa xảy ra thì mọi thứ đã xong xuôi. Với chỉ một động tác rất nhuần nhuyễn, Mặt Chuột rút ra một khẩu súng lục từ trong áo, bắn con bé ngay giữa hai mắt, rồi sau đó quay người bình thản đi về phía chúng tôi. Một người phụ nữ, chắc là mẹ con bé ấy, khóc oà lên. Chị ta khuỵu gối xuống, phỉ nhổ và chửi bới chúng tôi. Mặt Chuột trông bình chân như vại, thậm chí có khi còn không để ý. Hắn thì thầm gì đó với Trung uý Tikhonov, rồi sau đó leo lại vào chiếc BMP như thể bắt taxi ở Moscow.
Đêm đó… khi nằm trằn trọc trên giường của mình, tôi cố không nghĩ về chuyện vừa mới xảy ra. Tôi cố không nghĩ về việc Petrenko đã bị Cảnh sát Quân sự bắt đi, hay việc vũ khí của chúng tôi đã bị khoá chặt lại trong kho. Tôi biết đáng ra mình phải thấy thương hại con bé, thấy giận dữ, thậm chí là căm thù Mặt Chuột và có lẽ là một chút tội lỗi vì tôi không động đến một ngón tay để ngăn chặn chuyện ấy. Tôi biết đáng ra tôi phải cảm thấy như vậy; vào lúc đó, thứ duy nhất tôi còn cảm thấy được là sự sợ hãi. Tôi cứ nghĩ về điều Baburin đã nói, về việc sắp có điều tồi tệ xảy ra. Tôi chỉ muốn về nhà, gặp bố mẹ tôi. Nếu như có vụ tấn công khủng bố nào đó thì sao? Nếu có chiến tranh thì sao? Gia đình tôi sống ở Bikin, gần như sát nách biên giới Trung Quốc. Tôi cần phải nói chuyện với họ, cần phải xem xem họ có sao không. Tôi lo đến mức phát ói ra, ói nặng đến mức họ phải cho tôi vào bệnh xá. Chính vì vậy mà hôm đó tôi không đi tuần được, chính vì vậy mà chiều hôm sau khi họ về trại tôi vẫn còn nằm trên giường.
Tôi đang ở trên giường, đọc lại một ấn bản Semnadstat25 đã cũ. Tôi nghe tiếng huyên náo, tiếng động cơ xe, giọng người nói. Có cả một đám đông đã tập trung sẵn ở sân diễu hành. Tôi chen vào trong và thấy Arkady đang đứng ở trung tâm đám đông. Arkady là tay bắn súng đại liên hạng nặng trong đội của tôi, một người to lớn đồ sộ. Chúng tôi đánh bạn với nhau vì anh ta khiến mấy tay lính khác không quấy rầy tôi, nếu anh hiểu ý tôi muốn nói gì. Anh ta nói tôi gợi cho anh nhớ về em gái của mình. [Cười buồn.] Tôi thích anh ta.
Có ai đó đang bò dưới chân anh. Trông như một bà cụ già, nhưng đầu bà bị chụp bao bố và quanh cổ bà cuốn một sợi dây xích. Váy bà ta rách nát và phần da dưới chân đã bị cạo hết ra. Không có tí máu nào, chỉ có cái thứ mủ đen gì đó. Arkady đang sang sảng nói dở một bài diễn thuyết đầy giận dữ. “Không dối trá gì nữa! Không còn có chuyện phải gặp là bắn thường dân nữa! Đó là lí do tôi đã truất quyền cái tay zhopoliz kia…”
Tôi nhìn quanh tìm Trung uý Tikhonov nhưng không thấy ông ta đâu cả. Tôi bắt đầu cảm thấy nhộn nhạo trong bụng.
“…bởi vì tôi muốn tất cả được chứng kiến!” Arkady nhấc dây, kéo cổ bà cụ kia lên. Anh tóm lấy cái bao và xé toạc nó ra. Mặt bà ta xám ngoét, toàn thân bà ta cũng vậy, mắt bà mở thô lố, trông rất dữ tợn. Bà ta gầm gừ như sói và cố tóm lấy Arkady. Anh vươn một bàn tay mạnh mẽ ra siết quanh cổ bà cụ, giữ bà ta ở cách một sải tay.
“Tôi muốn tất cả mọi người hiểu vì sao chúng ta phải ở đây!” Anh rút dao từ trong thắt lưng ra và cắm thẳng vào tim bà cụ. Tôi há hốc mồm ra. Tất cả đều thế. Con dao cắm ngập tận chuôi mà bà lão kia vẫn tiếp tục quằn quại và tiếp tục gầm gừ. “Nhìn đây!” anh quát lớn, đâm bà lão thêm mấy nhát nữa. “Các người hãy nhìn đây! Đây là điều họ đang giấu chúng ta! Đây là thứ họ bắt chúng ta dốc sức đi tìm!” Vài cái đầu bắt đầu gật gù, một số người xì xào đồng ý. Arkady tiếp tục nói, “Nếu những thứ này đầy rẫy ở khắp nơi thì sao? Nếu chúng hiện đang ở quê nhà, nơi gia đình của chúng ta ngay lúc này thì sao!” Anh ta đang cố nhìn vào mắt tất cả những ai có thể. Anh không chú ý mấy đến bà cụ già. tay nắm của anh lỏng ra, bà cụ kia vặn thoát ra được và cắn vào tay anh. Arkady gầm lên. Đấm tay anh nện vỡ mặt bà cụ. Bà ta ngã quỵ xuống, lăn lộn và ho khạc ra cái thứ chất dịch đen đen ấy. Anh lấy giày dứt điểm công việc. Tất cả chúng tôi đều nghe tiếng hộp sọ bà ta nứt toác.
Máu chảy dọc vết cắn trên nắm tay của Arkady. Anh vung tay lên trời, gào to lên, mạch máu trên cổ phình lộ rõ muồn muột. “Chúng tôi muốn về nhà!” anh thét lớn. “Chúng tôi muốn bảo vệ gia đình mình!” Đám đông bắt đầu có người hùa theo. “Đúng rồi! Chúng tôi muốn bảo vệ gia đình mình! Đây là đất nước tự do! Đây là nền dân chủ! Không ai có quyền giam cầm chúng tôi!” Tôi cũng đang hò hét, hùa vào với tiếng hô của mọi người. Bà lão đó, cái con vật có thể lĩnh cả một con dao chính giữa tim mà không chết kia… nếu chúng đang có ở quê nhà thì sao? Nếu chúng đang đe doạ người thân chúng tôi… đe doạ bố mẹ tôi thì sao? Tất cả nỗi sợ hãi, tất cả những nghi ngờ, tất cả những cảm xúc âm tính, rối bời đều hoà quyện lại trong cơn giận dữ. “Chúng tôi muốn về! Chúng tôi muốn về!” Cứ thế hô vang, hô vang, và rồi… một viên đạn bay sượt qua tai tôi và mắt trái Arkady nổ tung ngược vào trong hốc mắt. Tôi không nhớ cảnh chạy nháo nhào hay hít phải hơi cay. Tôi không nhớ các đặc công Spetznaz xuất hiện lúc nào nhưng đột nhiên họ đã bao vây chúng tôi, đánh quị chúng tôi, trói hết tất cả lại. Có người đạp lên ngực tôi mạnh đến mức tôi cứ ngỡ mình chết luôn ở đó rồi.
Có phải đó chính là Cuộc Thanh Trừng?
Không, đó chỉ là khởi đầu. Chúng tôi không phải đơn vị quân đội đầu tiên nổi loạn. Nó bắt đầu vào tầm khoảng thời gian Cảnh sát Quân sự bắt đầu cấm trại. Khi bọn tôi định làm cuộc “biểu tình” của mình, chính phủ đã quyết định phải khôi phục kỉ cương như thế nào.
[Chị vuốt phẳng lại bộ quân phục, trấn tĩnh lại trước khi nói.]
“Thanh trừng”… hồi trước tôi cứ tưởng nó chỉ có nghĩa là tiêu diệt, gây thiệt hại nặng nề, phá huỷ… thực chất nó có ý nghĩa là tiêu diệt mười phần trăm tổng lực lượng, cứ mười người thì có một người phải chết… và đó chính là điều họ đã làm đối với chúng tôi.
Đội Spetznaz bắt chúng tôi tập trung ở sân diễu hành, mặc đầy đủ quân phục đúng tác phong. Sĩ quan chỉ huy mới của chúng tôi nói một tràng về nhiệm vụ và trách nhiệm, về lời thề bảo vệ đất mẹ của chúng tôi, và về việc chúng tôi đã bội lời thề đó như thế nào với hành động phản bội ích kỉ và sự hèn nhát cá nhân của mình. Trước giờ chưa bao giờ tôi được nghe những từ ngữ ấy. “Nhiệm vụ?” “Trách nhiệm?” Nước Nga, nước Nga của tôi thực chất chỉ là một mảnh đất phi chính trị rối ren. Chúng tôi sống trong hỗn loạn và tham nhũng, chỉ cố gắng kiếm đủ ăn qua ngày. Ngay cả quân đội cũng không phải nơi pháo đài của những người ái quốc; đây là nơi để kiếm lấy cái nghề, kiếm miếng ăn và kiếm chỗ ngủ, và có lẽ là kiếm được ít tiền để gửi về nhà mỗi khi chính quyền có hứng muốn trả lương cho binh sĩ. “Lời thề bảo vệ đất mẹ?” Đây không phải ngôn từ của thế hệ tôi. Đây là ngôn từ của mấy tay cựu binh thời Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, kiểu mấy lão đầu óc thất thường đã từng một thời bao vây Quảng Trường Đỏ với các cái băng rôn Xô-viết rách rưới và cả dàn huy chương trên bộ quân phục bạc màu, mục nát. Nhiệm vụ với Mẹ Tổ quốc chỉ là một trò đùa. Nhưng tôi không cười. Tôi biết đao phủ sắp đến. Xung quanh chúng tôi là những người mang vũ khí, trong chòi canh có lính chốt. Tôi đã sẵn sàng. Mọi thớ cơ trong người tôi đều gồng lên, chuẩn bị đón nhận phát súng. Và rồi tôi nghe được những lời ấy…
“Lũ trẻ hư các người nghĩ nền dân chủ là quyền được Chúa ban cho. Các người kì vọng vào điều đó, các người đòi hỏi nó! Tốt, giờ các người sẽ có cơ hội sử dụng nó.”
Từng câu từng chữ của lão ta vĩnh viễn in hằn trong tâm trí tôi.
Ý ông ấy là gì?
Chúng tôi sẽ quyết định ai là người phải bị trừng phạt. Chúng tôi được chia ra làm các nhóm mười người và phải biểu quyết xem ai trong nhóm sẽ bị xử tử. Và rồi chúng tôi… những người lính, chính chúng tôi sẽ phải tự tay giết bạn mình. Họ đẩy mấy cái xe cút kít nho nhỏ qua chỗ chúng tôi. Tôi giờ vẫn có thể nghe được tiếng bánh xe cót két. Chúng chở đầy đá, mỗi tảng to tầm một lòng bàn tay, sắc và nặng trịch. Một số oà khóc, cầu xin chúng tôi, van lạy như trẻ con. Một số người như Baburin thì chỉ im lặng quì xuống, nhìn thẳng vào mặt tôi trong khi tôi giáng hòn đá xuống.
[Chị hơi thở dài, liếc nhìn cái kính một chiều qua vai.]
Thiên tài. Đúng là thiên tài bỏ mẹ. Xử tử như thường lệ có lẽ đã có thể củng cố kỉ cương, lập lại trật tự từ trên xuống dưới, nhưng thông qua việc biến chúng tôi thành tòng phạm, họ không chỉ trói buộc chúng tôi bằng sự sợ hãi mà còn bằng cả cảm giác tội lỗi. Chúng tôi đã có thể nói không, đã có thể chống lệnh và để bản thân bị tử hình nhưng chúng tôi lại không. Chúng tôi hùa theo ngay. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được lựa chọn của mình và bởi vì lựa chọn ấy có giá đắt như vậy, tôi không nghĩ có ai lại muốn phải đưa ra một lựa chọn như thế nữa. Hôm đó chúng tôi đã từ bỏ quyền tự do của mình và chúng tôi hoàn toàn không hối tiếc khi phải làm như vậy. Kể từ đó trở đi, chúng tôi sống trong tự do thực sự, cái quyền được tự do chỉ tay về phía ai đó khác và nói “Họ bảo tôi làm vậy! Đó là lỗi của họ, không phải của tôi.” Và lạy Chúa nhân từ, quyền tự do để nói rằng “Tôi chỉ làm theo lệnh mà thôi.”
BRIDGETOWN, BARBADOS, LIÊN BANG TY ẤN
[Quầy rượu Trevor là hiện thân của “Miền Tây Ấn Hoang Dã,” hay nói chính xác hơn là “Vùng Kinh tế Đặc biệt” của mỗi hòn đảo. Phần lớn mọi người sẽ không thấy nơi đây mang dáng dấp cuộc sống ổn định và thanh bình của Caribbean thời hậu chiến. Nó không được thành lập với mục đích như vậy. Với hàng rào ngăn cách li cả khu vực khỏi phần còn lại của hòn đảo và nếp sống hỗn loạn, bạo lực, suy đồi, các Vùng Kinh tế Đặc biệt được thiết kế chuyên biệt để móc tiền dân “ngoại đảo”. T. Sean Collins có vẻ hài lòng trước sự khó chịu của tôi. Anh chàng người Texas cao lớn này đẩy một li rượu rum “kill-devil” về phía tôi rồi gác đôi chân đi ủng đồ sộ lên bàn.]
Vẫn chưa có ai nghĩ ra được cái tên cho nghề cũ của tôi. Không có chức tước hẳn hoi nào, ít nhất là chưa. “Nhà thầu tư nhân” nghe như kiểu tôi chuyên đi trát vữa bôi tường. “An ninh riêng” nghe như lũ bảo vệ siêu thị đần độn. “Lính đánh thuê” có lẽ là từ hợp nhất, nhưng đồng thời cũng khác xa con người thật của tôi nhất. Lính đánh thuê nghe như một tay cựu binh Việt Nam ria vểnh, đầu óc có vấn đề, người đầy xăm trổ, sống chui rúc ở một nước Thế Giới Thứ Ba bẩn thỉu nào đó chỉ vì không thể thích nghi được với cuộc sống thực. Đó hoàn toàn không phải là tôi. Vâng, tôi là cựu binh, và vâng, tôi dùng những gì mình được huấn luyện để kiếm tiền… quân đội có cái hay là lúc nào cũng hứa sẽ dạy cho anh các “kĩ năng hái ra tiền,” nhưng họ lại chẳng thèm nhắc đến rằng cho đến hiện tại, không gì hái ra nhiều tiền hơn biết cách giết người trong khi bảo vệ người khác khỏi bị giết.
Có lẽ tôi đúng là lính đánh thuê, nhưng nhìn tôi anh không thể đoán ra được. Tôi ăn mặc chải chuốt, có xe xịn, nhà xịn, thậm chí còn có cả một bà giúp việc một tuần đến dọn dẹp một lần. Tôi có lắm bạn bè, có triển vọng hôn nhân, và trình độ đánh gôn của tôi cũng ngang ngửa dân chuyên. Quan trọng nhất là trước chiến tranh tôi làm việc cho một công ti bình thường như bao công ti khác. Không phải đi theo dõi ai, không hội họp kín hay phong bì lúc đêm hôm. Tôi có ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ ốm, bảo hiểm y tế toàn phần và gói dịch vụ nha khoa ngon nghẻ. Tôi trả thuế của mình, có phần còn hơn mức; tôi trả vào tài khoản IRA26 của mình. Đáng ra tôi có thể làm việc ở nước ngoài; có chúa mới biết ở đó nhu cầu cao đến nhường nào, nhưng sau khi chứng kiến những gì bạn bè tôi phải trải qua trong cuộc xung đột biên giới vừa rồi, tôi nghĩ thôi bỏ, thà làm chân bảo vệ cho mấy lão CEO bụng phệ hay đứa người nổi tiếng não rỗng vô dụng nào đó còn hơn. Và đó là cương vị của tôi khi Đại Loạn xảy ra.
Anh bỏ quá cho tôi việc không đưa ra cái tên nào hết nhé? Vài người vẫn còn đang sống, tài sản vẫn còn giá trị và… vẫn đe dọa sẽ đâm đơn kiện, anh tin nổi không? Sau tất cả những gì đã xảy ra? Rồi, vậy là tôi không thể nêu danh hay chỉ ra địa điểm nơi chốn nào hết, nhưng hãy tưởng tượng chuyện xảy ra trên một hòn đảo… một hòn đảo lớn… một hòn đảo dài, ngay cạnh Manhattan. Không kiện tụng được gì nếu nói vậy, phải không?
Khách hàng của tôi, chả rõ hắn làm gì. Hình như làm ngành giải trí, hay tài chính cấp cao. Chịu. Tôi nghĩ chác hắn còn là một trong những cổ đông kì cựu ở công ti tôi. Gì cũng được, hắn có tiền, sống ở căn biệt thự tiện nghi ngay gần biển.
Khách hàng của tôi thích quen biết những người có danh phận. Kế hoạch của hắn là bảo vệ những người có thể nâng cao hình ảnh của hắn trong và sau chiến tranh, đóng vai Moses đối với những người đang hãi sợ và những người nổi tiếng. Và anh biết gì không, họ cắn câu. Diễn viên, ca sĩ, các rapper và vận động viên chuyên nghiệp và các gương mặt danh giá như mấy người anh bắt gặp trên các chương trình đối thoại hay truyền hình thực tế, hay thậm chí cả cái con điếm giàu có, hư hỏng, trông bạc nhược nổi tiếng chỉ vì nó là một con điếm giàu có, hư hỏng, trông bạc nhược.
Có một lão là ông trùm làng thu âm với đôi khuyên tai kim cương to tổ bố. lão có một khẩu AK giả với súng phóng lựu. Lão rất khoái nói về việc đây là khẩu nhái y hệt khẩu trong Scarface. Tôi không nỡ tâm nói với lão rằng Señor Montana dùng khẩu mười sáu A-1.
Có một cái tay nghệ sĩ hài chính trị, anh biết đấy, tay có chương trình riêng của mình ấy. Hắn vừa rúc đầu vào ngực cái con vũ nữ thoát y Thái trẻ măng vừa lảm nhảm rằng chuyện đang xảy ra không chỉ là về người sống đối đầu với thây ma, nó sẽ tạo ra xung chấn lan tỏa đến mọi khía cạnh của đời sống: xã hội, kinh tế, chính trị, thậm chí là môi trường. Hắn nói rằng từ trong tiềm thức, mọi người đều đã ý thức được sự thật trong giai đoạn “Đại Phủ Nhận,” và đó là lí do tại sao họ phát rồ lên đến vậy khi mọi thứ lộ ra. Thực ra nghe cũng có lí, cho đến khi hắn bắt đầu phun ra một mớ về xi-rô ngô với hàm lượng đường cao và tình trạng nữ giới hóa ở Mỹ.
Tôi cũng công nhận mọi thứ điên thật, nhưng thực ra cũng có phần đoán được trước là những con người đó sẽ có mặt ở đây, ít nhất với tôi là thế. Tôi chỉ không lường trước được đám “lính” của họ. Tất cả bọn họ, dù có là ai hay làm nghề gì đi nữa đều phải có ít nhất vô số các nhà tạo mẫu và quan hệ công chúng và trợ lí riêng. Có một số người tôi thấy khá được, làm chỉ vì miếng cơm manh áo hoặc vì họ nghĩ mình sẽ được an toàn ở đây. Những người trẻ tuổi chỉ đang cố kiếm chút lợi lộc. Không thể trách họ được. Về phần mấy người còn lại thì… toàn lũ cặn bã đang phê mùi nước tiểu của mình. Rất thô lỗ, tự phụ và liên tục sai khiến người khác. Có một gã tôi rất ấn tượng bởi vì hắn đội cái mũ ghi dòng chữ “Hoàn Tất Đi!” Tôi nghĩ hắn là quản lí chính của cái đứa phì nộn giật giải trong một chương trình tài năng gì đó. Cái thằng kia chắc phải có mười bốn người dưới trướng! Tôi nhớ lúc đầu mình nghĩ chăm sóc được hết đám người này là điều không thể, nhưng sau chuyến tham quan ngôi nhà đầu tiên, tôi nhận ra sếp bọn tôi đã tính đến tất cả.
Hắn biến nhà mình thành thiên đường trong mơ của dân sinh tồn. Hắn có đủ lương khô để nuôi cả một đội quân vài năm liền và cả một nguồn cung cấp nước vô tận nhờ cái máy lọc muối chạy thẳng ra biển. Hắn có tuốc bin gió, bảng pin năng lượng mặt trời và các máy phát điện dự phòng với nhiều thùng nhiên liệu chôn ngay dưới sân. Hắn có đủ liệu pháp an ninh để ngăn chặn thây ma cho đến mãn đời: tường cao, cảm biến dò chuyển động, và vũ khí, ôi mẹ kiếp, mớ vũ khí. Vâng, sếp bọn tôi đúng là đã đầu tư tử tế, nhưng thứ làm hắn tự hào nhất lại là việc mọi phòng đều được lắp đặt để có thể cùng lúc truyền hình trực tiếp lên mạng đến khắp mọi xó xỉnh trên thế giới 24/7. Đây là lí do thực sự cho việc mời hết bạn bè “thân cận” và “chí cốt” đến nhà. Hắn không chỉ muốn vượt qua đợt tai ương này trong tiện nghi và thoải mái, hắn muốn ai nấy đều biết hắn đã làm được điều ấy. Đó là khía cạnh danh tiếng, cách hắn đảm bảo được quảng bá cao cấp. Không chỉ có mỗi webcam trong gần như tất cả các phòng, ở đây còn có cả cánh báo chí mà anh thường thấy trên thảm đỏ Oscar. Thật tình tôi chưa bao giờ biết ngành truyền thông giải trí nó lớn đến mức nào. Chắc ở đó phải có đến hàng tá, tới từ đủ các tạp chí và kênh truyền hình. “Ông thấy thế nào?” Tôi nghe câu ấy rất nhiều. “Anh làm ăn sao rồi?” “Ngài nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?” và thậm chí tôi thề là đã nghe thấy người hỏi “Cô đang mặc phục trang gì vậy?”
Đối với tôi, khoảnh khắc kì quái nhất là khi đứng trong phòng bếp với đám nhân viên và các vệ sĩ khác, cùng nhau xem bản tin về, đoán thử xem, chính chúng tôi! Máy quay ở ngay phòng bên cạnh, chĩa vào vài “ngôi sao” trong khi họ đang ngồi trên ghế bành xem một kênh tin tức khác. Thước phim được truyền hình trực tiếp từ Khu Thượng Đông ở New York; đám thây ma đang tràn ra Đại lộ số Ba, người dân đang đánh giáp lá cà với búa và ống đồng, quản lí hãng Đồ dùng Thể thao Modell đang phân phát số gậy bóng chày của mình và hét “Nện vào đầu chúng!” Có một tay mang giày trượt patin, tay cầm gậy khúc côn cầu có gắn một con dao thái thịt to tổ chảng phía đầu. Hắn phi với vận tốc chắc cũng gần ba mươi, với cái tốc độ đó đáng ra hắn có thể chặt bay được một hai cái thủ. Máy quay thâu gọn toàn bộ cảnh tượng. Một cánh tay thối rữa thọc ra từ cái cống thoát nước ngay trước mặt hắn, cái tay tội nghiệp kia văng thẳng lên trời, ngã dập mặt xuống, rồi sau đó la thét rầm trời khi cái tóc đuôi ngựa của hắn bị tóm lấy và kéo ngược vào trong cống. Đúng lúc đó máy quay trong phòng khách lia lại ghi hình phản ứng của đám người nổi tiếng. Có mấy người há hốc mồm ra, một số là thật, một số là diễn. Tôi nhớ mình ít coi trọng những kẻ giả khóc hơn cả con điếm hư hỏng khi nó gọi cái tay kia là “đần độn.” Ê, ít nhất nó nói trung thực. Tôi nhớ mình đứng ngay cạnh một người, Sergei, một tên to đồ sộ, mặt mũi rầu rầu, khổ sở. Những câu chuyện về việc lớn lên ở Nga của hắn đã thuyết phục tôi rằng không phải mọi đất nước Thế Giới Thứ Ba bẩn thỉu đều phải là nước nhiệt đới. Khi máy quay đang ghi lại phản ứng của đám người tốt đẹp kia, hắn lẩm bẩm một mình cái gì đó bằng tiếng Nga. Từ duy nhất tôi nghe được là “Romanovs” và tôi đang định hỏi ý hắn định nói gì thì tất cả nghe thấy còi báo động.
Có thứ gì đó đã kích hoạt cảm biến áp lực chúng tôi đặt bao quanh tường cách đây vài dặm. Chúng đủ nhạy để phát hiện một con zombie, và giờ đây chúng đang rung loạn hết cả lên. Điện đàm của chúng tôi liên tục kêu rè rè: “Có địch, có địch, góc tây nam… mẹ kiếp, có đến hàng trăm con!” Ngôi nhà này rất rộng, tôi mất đến mấy phút mới vào được vị trí bắn. tôi chả hiểu tại sao bên gác lại lo lắng đến vậy. Có đến vài trăm con thì đã sao. Sẽ không đời nào chúng trèo qua được bức tường. Rồi sau đó tôi nghe tiếng hắn la Chúng đang chạy! Ôi bố tổ, chúng nhanh quá!” Zombie chạy nhanh, điều này làm tôi chột dạ. Nếu chúng biết chạy thì chúng sẽ biết trèo, nếu chúng biết trèo, có lẽ chúng biết nghĩ, và nếu chúng biết nghĩ… giờ tôi bắt đầu sợ. Tôi nhớ khi lên đến cửa sổ phòng khách ở tầng ba, đám bạn của sếp tôi đều đang đổ xô vào lấy đồ trong kho vũ khí, chạy tán loạn như đám nhân vật phụ trong phim hành động năm 80.
Tôi tháo chốt an toàn và mở nắp ống ngắm. Đây là kính ngắm đời mới nhất, có kết hợp giữa khuếch sáng và hiển thị nhiệt. Tôi không cần đến cái thứ hai vì lũ G27 không có thân nhiệt. Vậy nên khi thấy hình ảnh sáng xanh lá chói lòa của hàng trăm bóng người đang chạy tới, họng tôi nghẹn lại. Đây không phải thây ma.
“Đây rồi!” Tôi nghe tiếng họ hét. “Đó là ngôi nhà trên bản tin!” Họ mang theo thang, súng, trẻ con. Vài người trên lưng đeo bao da to. Họ đang lao về phía cửa trước, cánh cửa thép vững chắc có thể chặn được cả ngàn con thây ma. Vụ nổ đánh bật nó ra khỏi bản lề, quăng thẳng nó về phía ngôi nhà như cái phi tiêu khổng lồ. “Khai hỏa!” sếp tôi hét vào trong điện đàm. “Hạ gục chúng! Giết chúng đi! Bắnbắnbắn!”
Những “kẻ tấn công,” xin phép gọi tạm vậy do không có từ chuẩn xác hơn, dẫm đạp lên nhau để xông vào nhà. Sân nhà đầy xe đang đỗ, xe thể thao và mấy chiếc Hummer, và thậm chí có cả một con xe tải khủng của một tay cầu thủ NFL nào đó. Tất cả đều đang là mấy hòn lửa, nổ lật văng sang bên hay chỉ đơn giản là cháy ngay tại chỗ, đám khói dầu dày đặc bốc ra từ đống lốp làm ai nấy mù đường và ngạt thở hết. Chả còn nghe thấy gì ngoài tiếng súng, của ta và của họ, và bên ta không chỉ có mỗi đội an nình. Bất cứ vị tai to mặt lớn nào đang không ị đùn ra quần đều hoặc là muốn làm anh hùng, hoặc là thấy cần bảo vệ danh tiếng trước mặt người của mình. Rất nhiều người bắt đoàn tùy tùng của mình bảo vệ mình. Một số vâng lời, toàn mấy tay trợ lí riêng tội nghiệp tuổi mới đôi mươi cả đời chưa từng bắn phát súng nào. Họ không trụ được lâu. Nhưng cũng có một số người làm chân lon ton trở mặt và gia nhập phe bọn tấn công. Tôi thấy một tên tạo mẫu tóc trông rất ẻo lả lấy cái mở thư đâm vào mồm một mụ diễn viên và chứng kiến thằng “Hoàn Tất Đi” cố gắng vật lộn giằng lấy quả lựu đạn của thằng béo trong chương trình tài năng trước khi nó phát nổ trong tay cả hai, thật trớ trêu.
Chẳng khác gì một cái nhà thương điên, thật đúng như những gì anh hình dung về ngày tận thế. Một phần căn nhà đang bốc cháy, máu chảy khắp nơi, xác người hoặc các mảnh xác vung vãi trên khắp các thứ đồ đắt tiền. Tôi bắt gặp con chó tí tẹo của con điếm kia trong lúc cả hai đang cùng chạy ra phía cổng sau. Nó nhìn tôi, tôi nhìn nó. Nếu bọn tôi có nói chuyện thì chắc sẽ là, “Chủ mày đâu?” “Chủ mày thì sao?” “Kệ mẹ chúng nó.” Đó là thái độ của rất nhiều tay lính đánh thuê ở đây, là lí do suốt đêm tôi không nổ phát súng nào. Chúng tôi được thuê để bảo vệ đám nhà giàu chống lại zombie, không phải chống lại những người không giàu khác chỉ muốn tìm chỗ trú ẩn. Anh có thể nghe thấy tiếng họ la hét khi tràn qua cổng chính. Không phải “lấy rượu” hay “thịt lũ đàn bà”; đó là “dập lửa đi!” và “cho phụ nữ và trẻ em lên tầng!”
Trên đường ra bãi biển tôi vấp phải Ngài Tấu hài Chính trị trên đường ra bãi biển. Hắn và cái con mụ tóc vàng da nhăn nheo tôi tưởng là đối thủ chính trị của hắn đang hùng hục hành sự như thể ngày mai sẽ không đến nữa vậy, mà này, có khi đối với họ, ngày mai không có thật. Tôi ra đến chỗ bãi cát, tìm được một cái ván lướt sóng chắc còn đáng giá hơn ngôi nhà nơi tôi lớn lên và bắt đầu chèo về phía ánh sáng đằng chân trời. Đêm đó trên biển vô số tàu bè, rất nhiều người đang chạy trốn khỏi Dodge. Tôi hi vọng một trong số họ sẽ cho tôi đi nhờ đến xa được cỡ Cảng New York. Hi vọng tôi có thể dùng đôi khuyên tai kim cương hối lộ họ.
[Anh uống hết li rượu rum và ra hiệu lấy thêm li nữa.]
Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao họ không chịu câm mẹ nó cái mồm lại? Không chỉ riêng gì sếp tôi mà tất cả cái lũ ăn bám được nuông chiều ấy. Họ có phương thức để tránh không bị hại, vậy sao không dùng nó; đi đến Nam Cực hay Greenland hay cử ở im chỗ họ đang ở nhưng tránh xa khỏi con mắt công chúng? Nhưng mà ngẫm lại, chắc họ không thể đâu, nó như kiểu một cái công tắc anh không thể tắt được vậy. Có lẽ chính nhờ cái công tắc ấy mà họ mới trở nên được như thế. Nhưng tôi thì biết cái quái gì?
[Anh bồi bàn mang thêm một li rượu nữa đến và T. Sean quăng cho anh ta một đồng xu bạc.]
“Cứ có là phải khoe.”
ICE CITY, GREENLAND
[Ở trên mặt đất, ta chỉ có thể nhìn thấy được các ống phễu, những ống thông gió khổng lồ được chạm khắc cẩn thận để liên tục mang không khí tuy lãnh lẽo nhưng trong lành xuống mê trận kéo dài ba trăm kilomét ở bên dưới. Trong số một phần tư triệu những người từng sống trong kì quan kiến trúc thiết kế bằng tay không này, rất ít còn ở lại. một số người ở lại để khuyến khích ngành du lịch thương mại dù nhỏ nhưng đang phát triển. Một số ở đây với tư cách người coi sóc, sống dựa vào khoản trợ cấp đến từ Chương trình Di sản Thế giới mới được cơ cấu lại của UNESCO. Một số người như Ahmed Farahnakian, cựu Thiếu tá của Lực lượng Không quân Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran, thì lại không còn chốn nào để nương thân nữa.]
Ấn Độ và Pakistan. Cũng như Bắc với Nam Triều Tiên hay NATO với Khối Warszawa cũ. Nếu có hai phe nào định dùng vũ khí hạt nhân công kích nhau, đó chắc chắn phải là Ấn Độ và Pakistan. Ai cũng biết điều đó, ai cũng trông chờ điều đó, và đó chính là lí do tại sao điều đó không xảy ra. Vì mối họa này đã quá hiển hiện, suốt mấy năm qua nhiều cơ quan bộ máy đã được đưa vào hoạt động để phòng tránh nó. Đường dây nóng giữa hai thủ đô được lắp đặt, các đại sứ gọi nhau bằng tên cúng cơm, và các đại tướng, các chính trị gia và tất cả những ai tham gia vào qui trình này đều được huấn luyện để đảm bảo rằng ngày họ lo sợ sẽ không bao giờ đến. Không ai có thể tưởng tượng được rằng — tôi dứt khoát là không thể — mọi chuyện lại xảy ra như thế.
Dịch bệnh không gây ảnh hưởng cho chúng tôi nặng như một số nước khác. Đất nước chúng tôi nhiều đồi núi. Di chuyển khó khăn. Dân số chúng tôi khá nhỏ; cứ nhìn vào diện tích đất nước của chúng tôi và nếu tính thêm cả chuyện các thành phố của chúng tôi có thể được cách li dễ dàng bởi một đội quân lớn tương ứng thì cũng dễ thấy giới lãnh đạo của chúng tôi lạc quan đến cỡ nào.
Vấn đề nằm ở đám dân tị nạn, hàng triệu người từ phương đông, hàng triệu! Họ tràn qua Baluchistan, làm hỏng hết các kế hoạch của chúng tôi. Quá nhiều vùng đã bị lây nhiễm, hàng đàn thây ma đang chậm rãi tiến về phía các thành phố của chúng tôi. Lính biên phòng của chúng tôi bị áp đảo, cả đống tiền đồn bị chôn vùi bởi lớp lớp thây ma. Không có cách nào đóng cửa biên giới và đồng thời xử lí các trận bùng phát dịch của chính chúng tôi.
Chúng tôi yêu cầu bên Pakistan kiểm soát người dân của mình. Họ trấn an chúng tôi rằng họ đang làm hết sức có thể. Chúng tôi biết thừa họ nói láo.
Phần lớn dân ti nạn đến từ Ấn Độ, băng ngang qua Pakistan để đến nơi nào đó an toàn. Cái lũ ở Islamabad rất sẵn lòng để họ đi. Thà đẩy vấn đề sang cho nước khác còn hơn là phải tự mình giải quyết. Có lẽ chúng tôi đã có thể phối hợp lực lượng, tổ chức một chiến dịch chung ở một địa điểm dễ phòng thủ nào đó. Tôi biết kế hoạch đó đang được đề xuất. Các ngọn núi trung tâm phía nam Pakistan: núi Pab, núi Kirthar, dãy núi Trung tâm Brahui. Đáng ra chúng tôi có thể chặn đứng bất cứ số lượng người tị nạn hay thây ma nào. Kế hoạch của chúng tôi bị từ chối. Bên đại sứ quán của họ có vài tên tùy viên quân sự hoang tưởng nói thẳng với chúng tôi rằng bất cứ người lính ngoại quốc nào đặt chân lên đất của họ sẽ được xem như hành động tuyên bố chiến tranh. Tôi chả hiểu liệu tổng thổng của họ có được đọc đề nghị của chúng tôi không; các nhà lãnh đạo của chúng tôi không bao giờ nói chuyện trực tiếp với ông ta cả. Anh hiểu ý tôi khi nói về Ấn Độ và Pakistan chưa. Chúng tôi không có mối quan hệ như của họ. Bộ máy ngoại giao không được thiết lập. Có khi cái tay đại tá ăn cứt khốn nạn ấy lại đi thông báo với chính phủ hắn rằng chúng tôi đang định xâm lược các tỉnh phía tây của họ chứ chẳng đùa!
Nhưng chúng tôi biết làm gì? Mỗi ngày có đến hàng trăm ngàn người vượt qua biên giới nước tôi, và có lẽ hàng chục ngàn trong số đó đã bị nhiễm bệnh! Chúng tôi phải hành động dứt khoát. Chúng tôi phải tự vệ!
Có một con đường chạy giữa hai đất nước chúng tôi. Theo tiêu chuẩn của các anh thì là loại nhỏ, thậm chí nhiều chỗ còn không được lát đường, nhưng đây lại là đường huyết mạch phía nam ở Baluchistan. Chỉ cần cắt được ở một chỗ, đoạn Cầu Sông Ketch, là 60 phần trăm lượng giao thông của dân tị nạn sẽ bị chặn đứng. Đích thân tôi thực hiện nhiệm vụ đó, bay vào ban đêm với một đoàn hộ tống hùng hậu. Chẳng cần đến máy phóng to hình ảnh. Từ cách đó cả dặm đã nhìn thấy ánh đèn pha rồi, cả một dải trắng dài, hẹp nổi lên trong bóng tối. Tôi thậm chí còn thấy cả chớp lửa của súng. Cả khu bị lây nhiễm rất nặng. Tôi nhắm vào trung tâm móng cầu, chỗ khó sửa nhất. Bom được thả rất gọn ghẽ. Đây là loại bom nổ mạnh, vũ khí nổ thông thường, vừa đủ cho nhiệm vụ này. Hồi các anh còn là đồng minh của chúng tôi, các phi cơ Mỹ đã có lần phá hủy một cây cầu do Mỹ hỗ trợ xây dựng với mục đích tương tự. Bộ phận chỉ huy cấp cao thấy rõ được sự tréo ngoe ấy. Cá nhân tôi thì lại chả quan tâm chuyện đó. Ngay khi cảm thấy chiếc Phantom của mình nhẹ đi, tôi bật động cơ đẩy, đợi báo cáo của máy bay trinh sát và dốc hết công sức ra cầu nguyện rằng phía Pakistan sẽ không trả đũa.
Tất nhiên lời cầu của tôi không được đáp lại. Ba tiếng sau quân trong đồn lũy của họ ở Qila Safed tấn công chốt biên giới chúng tôi. Tôi biết tổng thống tôi và Ayatollah sẵn sàng hạ vũ khí. Chúng tôi đã có cái mình muốn, họ đã trả được thù. Ăn miếng trả miếng, cho qua đi. Nhưng ai sẽ là người đứng ra nói với phe bên kia? Đại sứ quán của họ ở Tehran đã tiêu hủy các hệ thống mã và loa đài. Thằng đại tá mất dạy đó đã lấy súng tự sát để không làm lộ “bí mật quốc gia.” Chúng tôi không có đường dây nòng, không có kênh ngoại giao. Chúng tôi chẳng biết liên hệ với giới lãnh đạo Pakistan kiểu gì. Chúng tôi thậm chí còn không biết liệu còn ai lãnh đạo ở bên đấy nữa không. Mọi thứ rối tung lên, rối loạn chuyển thành giận dữ, giận dữ được đổ lên đầu hàng xóm chúng tôi. Cứ mỗi giờ xung đột lại leo thang. Xung đột biên giới, các cuộc không kích. Mọi thứ xảy ra quá nhanh, liên tục ba ngày chiến tranh quy ước, chẳng bên nào có mục tiêu rõ ràng cả, chỉ là giận dữ hoảng loạn.
[Ông nhún vai.]
Chúng ta đã tạo ra một con quái thú, một con quỉ dữ mang tên hạt nhân mà không phe nào thuần hóa được… Tehran, Islamabad, Qom, Lahore, Bandar Abbas, Ormara, Emam Khomeyni, Faisalabad. Không ai biết bao nhiêu người chết trong các vụ nổ hoặc chết khi các đám mây nhiễm xạ lan ra khắp các quốc gia của chúng tôi, lan ra cả Ấn Độ, Đông Nam Á, khu vực biển Thái Bình Dương, lan ra Mỹ.
Chẳng ai nghĩ nó lại có thể xảy ra, nhất là giữa các nước chúng tôi. Lạy Chúa, chính họ đã giúp chúng tôi thiết lập chương trình hạt nhân ngay từ những ngày đầu! Họ cung cấp nguyên vật liệu, công nghệ, môi giới với các toán nổi loạn ở Bắc Triều Tiên và Nga hộ chúng tôi… không có những người anh em Hồi giáo thì chúng tôi đã không có năng lượng hạt nhân. Chẳng ai ngờ được, cơ mà cũng chẳng ai ngờ được các xác chết sẽ sống dậy đúng không? Chỉ một người duy nhất nhìn thấy trước được mọi chuyện, và tôi không còn tin vào ông ta nữa rồi.
DENVER, COLORADO, MỸ
[Chuyến tàu của tôi đến trễ. Cây cầu rút ở phía tây đang được kiểm tra. Todd Wainio có vẻ không phiền chuyện đứng đợi tôi trên ga. Chúng tôi bắt tay dưới bức tranh Thắng Lợi treo ở sân ga, dễ chừng là hình ảnh nổi bật nhất tượng trưng cho những gì nước Mỹ đã kinh qua trong Thế Chiến Z. Bức tranh vốn được vẽ dựa trên một tấm ảnh, thể hiện một toán lính đứng phía bên bờ New Jersey của sông Hudson River, lưng quay về phía người xem để ngắm bình minh Manhattan đang lên. Đứng bên những hình tượng khổng lồ hai chiều ấy, chủ nhà của tôi trông rất nhỏ bé và yếu đuối. Cũng như hầu hết những người thuộc thế hệ mình, Todd Wainio già trước tuổi. Nhìn vào cái bụng phệ, mớ tóc bạc thưa thớt và ba vết sẹo sâu chạy song song dọc má phải anh, rất khó đoán được rằng cựu binh Mỹ này nếu xét theo tuổi thì hãy còn đương xuân.]
Trời hôm đó đỏ rực. Toàn bộ chỗ khói với mấy thứ rác rưởi thải vào không khí suốt cả mùa hè khiến mọi vật như được chiếu dưới ánh đèn đỏ vàng khè, như thể thế giới được nhìn qua lăng kính địa ngục vậy. Lần đâu tiên tôi thấy Yonkers là như vậy đó, một thành phố ảm đạm, rỉ sét ở ngoại ô phía bắc New York. Tôi nghĩ chưa ai từng nghe danh nó. Tôi dứt khoát là chưa rồi, và giờ nó được vinh danh ngang tầm, gì nhỉ, Trân Châu Cảng… không, không phải trận Trân Châu… đó là bị đánh úp. Trận này giống Little Bighorn hơn, trong trận đó chúng ta… ờ thì… ít nhất là ban chỉ huy, họ biết chuyện gì đang diễn ra, hay đáng ra họ phải biết. Ý tôi là, đây không phải đánh úp gì sất, cuộc chiến… hay trường hợp khẩn cấp, hay anh muốn gọi nó là gì thì tùy… nó diễn ra lâu rồi. Đã được, bao nhiêu nhỉ, ba tháng kể từ khi mọi người hè nhau chạy loạn.
Anh chắc vẫn nhớ nó ra sao, bàn dân thiên hạ cuống hết cả lên… đóng ván kín cửa nhà, trộm đồ ăn, súng, bắn bất cứ thứ gì động đậy. Họ chắc giết còn nhiều người hơn, mấy tay Rambo và các vụ hỏa hoạn và các vụ tai nạn giao thông và chung qui là… là cả cái mớ hỗn độn khỉ gió mà giờ ta gọi là “Cuộc Đại Loạn” ấy; tôi nghĩ chính mấy thứ đó còn giết nhiều nhân mạng hơn thằng Zack28 đầu tiên.
Tôi đoán mình cũng hiểu tại sao giới chức trách lại nghĩ một trận phản công lớn sẽ là một ý kiến hay. Họ muốn dân chúng thấy họ vẫn làm chủ được tình hình, làm cho ai nấy bình tĩnh lại để họ còn đối phó với vấn đề thực sự. Tôi hiểu điều đó, và vì họ cần một chiến thắng vang dội để mang đi tuyên truyền, tôi phải đến Yonkers.
Chiến đấu ở đây cũng không đến nỗi tệ hại lắm. Một phần của thị trấn nằm ngay trong một cái thung lũng nhỏ, và ngay bên kia những quả đồi phía tây là sông Hudson. Đại lộ Sông Saw Mill đâm xuyên trung tâm phòng tuyến chính của chúng tôi và đám dân tị nạn chạy dọc đường cao tốc sẽ dẫn mấy cái xác kia đến thẳng chỗ chúng tôi. Đây là một chỗ nút cổ chai tự nhiên và là một ý hay… ý hay duy nhất trong ngày.
[Todd với tay lấy thêm một điếu “Q,” một loại thuốc lá Mỹ tự trồng, lấy tên như vậy do hàm lượng thuốc lá của nó chiếm một phần tư.]
Sao họ không bố trí chúng tôi lên mái nhà? Chỗ đấy có một khu thương xá, mấy cái nhà để xe, hàng đống nhà cao tầng mái phẳng. họ có thể nhét cả một đại đội lên trên chỗ A&P. Chúng tôi có thể thấy cả thung lũng, và chúng tôi sẽ hoàn toàn không phải lo bị tấn công. Có một cái khu nhà tập thể, tôi nghĩ cao tầm hai chục tầng… mỗi tầng có cả một tầm nhìn chiến lược hướng ra phía đường cao tốc. Tại sao mỗi cửa sổ không có một đội xạ thủ?
Anh biết họ bố trí chúng tôi ra đâu không? Ngay dưới đất, ngay đằng sau bao cát hoặc hố chiến đấu. Chúng tôi tốn quá nhiều thời gian, quá nhiều công sức chuẩn bị mấy cái vị trí chiến đấu lằng nhằng. Chỗ “trú ẩn và ngụy trang” tốt, họ bảo với chúng tôi như vậy. Trú ẩn và ngụy trang? “Trú ẩn” nghĩa là được bảo vệ, bảo vệ theo lối thông thường, bảo vệ khỏi đạn và pháo binh hay đánh bom không kích. Nghe thế có giống kẻ địch mà ta sắp phải chống lại không? Bọn Zack giờ lại đi kêu gọi oanh tạc và hỗ trợ pháo binh à? Và thế quái nào mà ta lại phải lo đi ngụy trang trong khi mấu chốt của trận chiến là dụ lũ Zack đến thẳng chỗ chúng ta! Ngược đời bỏ mẹ! Toàn bộ chuyện này!
Tôi dám chắc rằng chỉ huy phải là một tên thiểu năng Fulda Fucktards, anh biết đấy, mấy tên đại tướng sắp xuống lỗ mấy năm cuối đời được tập huấn để bảo vệ Tây Đức khỏi lũ Ivan. Cứng nhắc, thiển cận… chắc đầu óc vẫn hơi thất thường sau mấy năm xung đột biên giới. Lão này chắc chắn là một thằng FF vì mọi thứ chúng tôi làm giống y chang Phòng thủ Tĩnh thời Chiến Tranh Lạnh. Anh có biết rằng họ còn định đào hố chiến đấu cho xe tăng không? Đám kĩ sư cho nổ mấy cái hố đấy ngay ở chỗ bãi để xe A&P.
Các anh có xe tăng à?
Này nhé, chúng tôi có tất cả: xe tăng, xe Bradley, xe Humvee được vũ trang đủ thứ từ súng máy năm mươi cal cho tới súng cối Vasilek hạng nặng đời mới. Ít nhất mấy thứ đó có thể còn có ích. Chúng tôi có xe Humvee Avenger có lắp đặt tên lửa đất đối không Stinger, chúng tôi có hệ thống lắp cầu di động AVLB, rất phù hợp với cái rãnh sâu hơn bảy phân cạnh đường cao tốc. Chúng tôi có một đống xe XM5 dùng cho chiến tranh điện tử được nhét đầy ra đa và thiết bị nhiễu sóng và… và… à đúng rồi, và chúng tôi thậm chí còn có hàng đống FOL29 cứ thế mà nằm chềnh ềnh ra đó ngay giữa trận tiền. Sao cần phải thế khi vẫn còn áp suất nước và toa lét của từng ngôi nhà và cao ốc trong khu vực vẫn còn xả được? Có quá nhiều thứ ta không cần! Quá nhiều thứ rác rưởi chỉ để gây tắc ngẽn giao thông và trông đẹp mắt, và tôi nghĩ đó mới là mục đích thực của chúng, chỉ để trông cho đẹp.
Bày biện cho giới báo chí.
Quá chuẩn, chắc cứ hai hay ba người mặc quân phục là lại có một phóng viên!30 Đi bộ hoặc đi xe. Tôi chả biết có bao nhiêu trực thăng đưa tin đang lượn quanh… nhiều trực thăng như vậy những tưởng họ sẽ dành ra vài chiếc đi cứu nạn Manhattan… Vâng, tôi nghĩ tất cả là để bày biện cho giới báo chí, cho họ thấy sức mạnh hủy diệt màu xanh lá của ta… hay màu nâu… có vài chiếc vừa được đưa về từ sa mạc chưa được sơn lại. Trận đánh này có quá nhiều thứ chỉ để làm hàng, không chỉ riêng gì xe cộ mà cả chính bọn tôi nữa. Họ bắt chúng tôi mặc MOPP 4 (Mission Oriented Protective Posture), mấy bộ đồ to lớn cồng kềnh và mặt nạ bảo vệ khi đi trong môi trường phóng xạ hoặc có vũ khí hóa sinh.
Hay cấp trên các anh tưởng virút thây ma lây được qua không khí?
Nếu là thế thật thì tại sao họ không bảo vệ bọn phóng viên? Tại sao “cấp trên” chúng tôi hay bất cứ ai đằng sau phòng tuyến lại không mặc? Họ ăn vận bộ đồ BDU mát mẻ thoải mái còn bọn tôi vã hết mồ hôi dưới hàng lớp cao su, than và áo giáp dày cộp, nặng trịch. Và ai suy nghĩ cái kiểu thiên tài gì mà bắt chúng tôi mặc giáp hết vậy hả? Vì cánh nhà báo chửi tội không có đủ áo giáp trong cuộc chiến trước à? Sao lại cần mũ bảo hộ khi đánh nhau với thây ma? Bọn nó mới là lũ cần mũ bảo hộ, không phải chúng tôi! Và rồi còn cả Net Rigs… hệ thống tích hợp chiến đấu Land Warrior. Nó là cả một bộ trang thiết bị điện tử cho phép chúng tôi kết nối với nhau và cấp trên kết nối với chúng tôi. Anh có thể tải bản đồ, dữ liệu GPS, dữ liệu trinh sát từ vệ tinh ở thời gian thực, tất cả thông qua kính hiển thị. Anh có thể xác định được vị trí chính xác của mình trên chiến trường, vị trí của đồng đội, của địch… anh còn có thể nhìn qua máy quay trên vũ khí của mình hoặc của bất kì ai khác để quan sát xem bên kia bờ rào hay quanh chỗ góc tường kia có cái gì. Land Warrior cho phép mỗi người lính có được thông tin của cả một trụ sở chỉ huy và cho phép trụ sở chỉ huy điều khiển riêng lẻ từng người lính một. “Trọng tâm mạng,” tôi liên tục nghe thấy mấy ông sĩ quan đứng trước máy quay nói thế. “Trọng tâm mạng” và “chiến tranh công nghệ cao.” Thuật ngữ nghe kêu đấy, nhưng chúng chẳng có tí ý nghĩa khỉ mẹ gì khi anh đang phải đào hố chiến đấu trong bộ MOPP, ăn vận giáp toàn thân và Land Warrior trang thiết bị chiến đấu, và lại còn làm vào ngày nóng nhất trong mùa hè nóng kỉ lục nữa chứ. Tôi không thể tin nổi là mình vẫn còn đứng được ở đấy khi Zack bắt đầu xuất hiện.
Mới đầu chỉ xuất hiện lẻ tẻ, một hai con gì đó đi đứng lảo đảo giữa mấy cái xe bỏ hoang đỗ đầy trên đại lộ trống không ấy. Ít nhất dân tị nạn đã được sơ tán. Được, thêm một việc nữa họ hoàn thành tốt. Chọn chỗ nút cổ chai và sơ tán dân thường, giỏi lắm. Những thứ khác thì…
Zack bắt đầu tiến vào khu vực tiêu diệt đầu tiên, khu vực chỉ định của MLRS. Tôi không nghe thấy tiếng tên lửa được phóng đi vì mũ trùm ngăn hết âm thanh, nhưng tôi có thấy chúng lao xuống mục tiêu. Tôi thấy đường bay chúng cong vòng xuống, vỏ tách ra để lộ mấy quả bom bi trong ống nhựa. Chúng to tầm một quả lựu đạn, dùng chống người và có chút ít công dụng chống giáp. Chúng rải ra giữa đám G31, cứ đập vào đường hay xe là phát nổ. Thùng xăng xe nổ tung như núi lửa phun, tạo ra những cái cột lửa và mảnh văng, tăng phần nguy hiểm cho “cơn mưa sắt.” Thực tình mà nói, cảnh lúc đấy ảo thật, mọi người hú hét vào trong micro, cả tôi cũng thể, ngắm nhìn lũ thây ma ngã gục. Chắc lúc ấy có tầm ba mươi, hay bốn mươi hoặc năm mươi con zombie trên cái đường cao tốc ấy, trải dọc trong vòng nửa dặm. Đợt đánh bom mở màn hạ gục ít nhất là ba phần tư.
Chỉ có ba phần tư.
[Todd giận dữ hít một hơi dài hết sạch điếu thuốc. Anh ngay lập tức với tay lấy thêm điếu nữa.]
Đúng, và đáng ra nó phải khiến chúng tôi lo lắng ngay tắp lự. “Cơn mưa sắt” đánh trúng tất cả, xé nát nội tạng của chúng; bao nhiêu thứ lục phủ ngũ tạng và thịt da văng tung tóe khắp nơi, rơi ra từ người chúng trong khi chúng lê chân đến chỗ bọn tôi… nhưng phát bắn vào đầu… anh đang tìm cách tiêu hủy bộ não, không phải cơ thể, và chừng nào não chúng vẫn còn hoạt động và khả năng di chuyển vẫn còn đôi chút thì… vài con đi bộ, những con tã quá đứng không nổi thì bò. Vâng, đáng ra chúng tôi phải lo, nhưng không có thời gian.
Cái đám lẻ tẻ kia giờ đã thành cả một đàn. Thêm nhiều G, giờ có đến cả tá rồi, ken đặc giữa đống xe đang cháy dở. Bọn Zack buồn cười ở chỗ… anh cứ tưởng chúng phải ăn diện bảnh bao lắm. Cánh truyền thông đã khắc họa chúng như thế đúng không, nhất là vào lúc đầu… G mặc áo váy công sở, như kiểu một phiên bản của đời sống thường nhật ở Mỹ, mỗi tội chết sạch rồi. Trông chúng chẳng có tí nào như vậy. Hầu hết những người nhiễm bệnh, những người nhiễm bệnh đầu tiên, những con đi đợt đầu hoặc chết trong khi đang được điều trị hoặc chết ở nhà, ngay trên chiếc giường của mình. Hầu hết mặc áo bệnh nhân hoặc đồ ngủ, áo ngủ. Có đứa mặc đồ ngủ len hoặc đồ lót… hoặc chả mặc gì, rất nhiều con trần như nhộng. Anh có thể thấy được mấy vết khoét đã khô máu trên người chúng. Ngay cả khi đang mặc nguyên bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, nhìn vết thương của chúng vẫn thấy lạnh toát người.
Đợt “mưa sắt” thứ hai còn không có tác dụng bằng một nửa đợt một, chẳng còn thùng xăng nào để bắt lửa, và giờ cái đám G đông đảo kia lại vô tình che cho nhau khỏi bị dính phát nào vào đầu. Tôi không sợ, lúc ấy là chưa. Tôi không còn hăng máu nữa nhưng tôi chắc khi Zack bước vào vùng tiêu diệt của quân đội thì đầu tôi sẽ bốc trở lại.
Lần này tôi cũng lại không nghe được tiếng mấy chiếc Paladin vì chúng ở tận trên đồi xa chỗ tôi quá, nhưng chắc chắn tôi nghe được và thấy được đạn của chúng nã xuống. Đây là đạn HE 155s, lõi nổ mạnh với vỏ phân mảnh. Chúng còn gây ít thiệt hại hơn đống tên lửa!
Tại sao vậy?
Thứ nhất là không có hiệu ứng bong bóng. Khi bom nổ gần chỗ anh, nó khiến chất lỏng trong người anh vỡ tung ra như quả bóng bay. Chuyện đó không xảy ra với lũ Zack, chắc vì cơ thể chúng có ít nước hơn chúng ta hoặc lượng nước trong cơ thể chúng dính chắc hơn. Tôi chả biết. Nhưng tóm lại nó chẳng có tác động khỉ mẹ gì, cả hiệu ứng SNT cũng thế.
SNT là gì?
Sudden Nerve Trauma, Chấn thương Thần kinh Đột ngột, hình như người ta gọi nó như thế. Nó là một hiệu ứng khác khi bom nổ tầm gần. Độ chấn thương lớn đến mức đôi khi các cơ quan nội tạng, kể cả não, tất cả mọi thứ, ngưng hoạt động ngay lập tức như thể anh bị Chúa tắt công tắc vậy. Nó là do xung điện hay cái gì gì đấy. Tôi chịu, tôi phải bác sĩ quái đâu.
Nhưng hiệu ứng đó không xảy ra.
Không có chút nào! Ý tôi là… đừng hiểu nhầm… bọn Zack cũng không thể đi xuyên qua lằn đạn mà không sứt sẹo gì. Chúng tôi có thấy nhiều cái xác bị nổ tung ra, văng thẳng lên trời, xé nát thành từng mảnh, thậm chí còn có mấy cái đầu còn sống nguyên, mắt mồm vẫn còn cử động, bắn tung lên trời như nút chai Cristal vậy… rõ ràng là chúng tôi có hạ được bọn chúng, nhưng không đủ nhiều hay đủ nhanh như mức cần thiết!
Đám kia giờ đông nghẹt như lũ cuốn, cả một dòng thác đặc xác người, lề mề, rên rỉ, giẫm đạp lên những người anh em đang bị trọng thương của mình để dần dần tiến về phía chúng tôi như một cơn sóng chậm chạp.
Vùng tiêu diệt tiếp theo sử dụng vũ khí hạng nặng để bắn trực tiếp, đạn 120 của súng chính xe tăng và súng máy cùng tên lửa FOTT của xe Bradleys. Mấy chiếc Humvee cũng bắt đầu khai hỏa súng cối và tên lửa và Mark-19, một loại súng tương tự súng máy chỉ có điều bắn lựu. Trực thăng Comanche mang súng máy và ống phóng tên lửa Hellfire và Hydra gầm rú bay đến nghe như thể cách đầu chúng tôi có vài phân.
Thật chẳng khác nào cảnh trong cái cối xay thịt hay cái máy xẻ gỗ, trên đầu cái đàn thây ma kia thịt xác bay mù như mùn cưa.
Không gì có thể sống sót thoát ra, tôi nghĩ thầm, và xem ra tôi cso vẻ đúng được một lúc… cho đến khi hỏa lực bắt đầu ngớt.
Bắt đầu ngớt?
Yếu dần đi, nhỏ dần đi…
[Anh im lặng mất một giây, và rồi sau đó ánh mắt anh tập trung lại đầy giận dữ.]
Không ai tính đến chuyện đó hết, không ai cả! Đừng có đem ba cái chuyện cắt giảm ngân sách và thiếu hụt nguồn cung ra để bố láo với tôi! Thứ duy nhất thiếu hụt là đầu óc tỉnh táo! Không một ai trong số mấy thằng cha quân hàm tốt nghiệp West Point, War College, huân chương đặc mông, quân hàm bốn sao thèm hỏi, “Này, ta có cả đống vũ khí nuột nà, liệu có đủ đồ cho chúng nó bắn không!?!” Không ai tính xem pháo binh cần lượng đạn dược cỡ nào cho chiến dịch kéo dài, MLRS cần bao nhiêu quả tên lửa, cần bao nhiêu đạn pháo… xe tăng có thứ gọi là đạn pháo… về cơ bản nó như đạn súng ngắn cỡ lớn. Nó chứa mấy viên vôn-fram nhỏ nhỏ bên trong… cũng không hoàn hảo, phải phí mất tầm trăm viên cho mỗi con G, nhưng mẹ kiếp, ít nhất nó vẫn còn có tí hữu hiệu! Mỗi chiếc Abrams có mỗi ba đầu đạn, ba! Ba trong tổng số bốn mươi! Còn lại toàn là đầu đạn HEAT hoặc SABOT! Anh có biết một viên “Đạn Bạc,” loại đạn xuyên giáp, nghèo Uran sẽ có tác dụng gì với một đống xác chết di động không? Không gì hết! Anh có biết tôi thấy thế nào khi nhìn cả một cái xe tăng hơn sáu chục tấn khai hỏa vào một đám đông mà kết quả chẳng được cái mẹ gì không! Ba đầu đạn pháo! Và còn mớ đạn pháo tổ ong thì sao? Dạo này suốt ngày nghe nhắc đến nó, đạn tổ ong, mấy cái đinh sắt nhỏ nhỏ giúp biến bất cứ thứ vũ khí nào thành súng ngắn. Ta cứ nói về chúng như thể đây là phát minh gì mới, nhưng chúng có lâu rồi, từ tận hồi ở Triều Tiên. Chúng ta có loại dùng cho tên lửa Hydra và súng Mark-19. Cứ tưởng tượng xem, chỉ cần một khẩu 19 bắn ra ba trăm năm mươi viên mỗi phút, mỗi viên có, bao nhiêu nhỉ, một trăm cái phi tiêu32! Chắc thế không đủ để làm thay đổi cục diện… nhưng mà … Mẹ kiếp!
Hỏa lực bắt đầu ngớt, Zack vẫn đang đến… và nỗi sợ hãi… ai cũng cảm thấy được, nó lẩn trong mệnh lệnh của các chỉ huy, trong hành động của những người xung quanh tôi… Có cái giọng gì đó trong đầu cứ kêu nhặng xị lên “Mẹ kiếp, mẹ kiếp.”
Chúng tôi là phòng tuyến cuối cùng. Đáng ra chúng tôi chỉ phải hạ một vài con G may mắn thoát khỏi cú đấm sắt khổng lồ của những thứ hạng nặng. Có lẽ người ta nghĩ cứ ba người thì chỉ một người là phải nổ súng, cứ mười người thì mới có một người giết được một con.
Hàng ngàn con kéo tới, tràn hết cả ra ngoài thanh chắn an toàn của con đường cao tốc, tràn xuống dọc hai phố bên sườn, xung quanh các ngôi nhà, ở cả bên trong nữa… đông kinh hoàng, tiếng rên của chúng to đến mức dội xuyên cả mũ trùm.
Chúng tôi mở chốt an toàn, nhắm mục tiêu, lệnh khai hỏa được ban phát… Tôi là lính súng SAW33, một loại súng máy hạng nhẹ dùng để bắn từng đợt ngắn, có kiểm soát trong khoảng thời gian đủ lâu để nói hết câu “chết đi, mẹ mày, chết đi.” Lượt bắn đầu quá yếu. Tôi bắn trúng một con ngay giữa ngực. Tôi thấy nó bổ ngửa ra sau, ngã xuống đường, rồi bật ngay dậy như thể chưa có gì xảy ra cả. Trời đất… cái lúc mà chúng đứng dậy…
[Điếu thuốc cháy xuống chỗ ngón tay anh. Anh buông rơi và lấy chân dẫm tắt nó mà không để ý.]
Tôi cố hết sức kiểm soát hỏa lực và cơ thắt của mình. “Nhắm vào đầu đi,” tôi tự nhủ. “Bình tĩnh nào, nhắm vào đầu đi.” Và khẩu SAW của tôi lại liên tục gầm lên “Chết đi, mẹ mày, chết đi.”
Đáng ra chúng ta đã có thể chặn được chúng, đáng ra chúng ta phải làm được, một người với một khẩu súng trường, ta chỉ cần có thế thôi đúng không? Lính chuyên nghiệp, các xạ thủ được đào tạo bài bản… sao mà chúng vượt qua được hàng ngũ của ta? Giờ họ vẫn còn hỏi vậy, toàn mấy nhà chỉ trích và lũ tướng tá biết tuốt không có mặt ở đó. Anh nghĩ nó đơn giản đến thế sao? Anh nghĩ là sau khi được “dạy” là phải ngắm vào trọng tâm cơ thể suốt quãng đời làm lính, đột nhiên anh có thể trở thành thiện xạ, phát nào cũng bắn bay đầu được sao? Anh nghĩ rằng với cái áo bó và mũ trùm ngột ngạt này thay đạn hay thông súng dễ lắm à? Anh nghĩ rằng sau khi chứng kiến tất cả kì quan quân sự hiện đại thất bại thảm hại, rằng sau khi trải qua ba tháng của Cuộc Đại Loạn và chứng kiến thế giới của anh bị một kẻ thù đáng ra không thể tồn tại ăn tươi nuốt sống anh có thể giữ được bình tĩnh và tay cò không run rẩy à?
[Anh chĩa thẳng ngón tay đó vào mặt tôi.]
Thế mà chúng tôi làm được! Chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình và bắt lũ Zack phải trả giá cho mỗi phân chúng nhích tới! Có lẽ nếu chúng tôi có thêm người, thêm đạn dược, có lẽ nếu người ta để chúng tôi tập trung làm nhiệm vụ…
[Ngón tay anh co lại vào trong nắm tay.]
Land Warrior, thứ hàng công nghệ cao, giá đắt đỏ, thiết kế cao cấp và trọng tâm mạng Land Warrior khốn nạn ấy. Thấy cái thứ ngay trước mặt đã đủ tệ lắm rồi, ấy nhưng mà kết nối với vệ tinh trinh sát lại còn cho thấy thực sự cái bầy thây ma này lớn đến nhường nào. Chúng tôi đang phải đối mặt với hàng nghìn con, nhưng ngay phía sau chúng là hàng triệu con! Hãy nhớ rằng chúng tôi đang đương đầu với phần lớn số người bị nhiễm bệnh ở New York! Đây chỉ là cái đầu của một con rắn thây ma dài dằng dặc kéo dãn từ tận Quảng trường Thời đại! Chúng tôi không cần phải chứng kiến cảnh đó. Tôi không cần biết điều đó! Cái giọng nói sợ sệt kia giờ nghe không còn nhỏ bé nữa. “Mẹ kiếp, MẸ KIẾP!” Và đột nhiên nó không còn ở trong đầu tôi nữa. Nó ở trong tai tôi. Mỗi khi có thằng đần nào không nhịn được mồm, Land Warrior đảm bảo tất cả chúng tôi đều nghe được hết. “Đông quá!” “Rút con mẹ nó đi thôi!” Có ai đó tôi không biết tên ở tiểu đội khác bắt đầu rú lên “Tôi bắn trúng đầu nó mà nó không chết! Chúng không chết kể cả khi bị bắn vào đầu!” Chắc hắn bắn trượt bộ não, chuyện đó có thể xảy ra, viên đạn chỉ bắn sượt sọ… nếu hắn bình tĩnh động não một chút thì đã có thể nhận ra điều đó. Cơn hoảng loạn lây lan còn kinh hơn Khuẩn Z và hệ thống Land Warrior kì diệu giúp phát tán cái loại vi khuẩn ấy qua không khí. “Gì cơ?” “Không chết à?” “Ai nói đấy?” “Mày bắn trúng đầu à?” “Ôi mẹ kiếp! Chúng bất tử!” Anh nghe thấy những thứ tương tự thế khắp dọc mạng lưới, các mẩu truyện được phát tán trên xa lộ thông tin.
“Tất cả bình tĩnh lại!” ai đó quát tháo. “Giữ vững hàng ngũ! Ngắt kết nối mạng!” Giọng này nghe có vẻ già, nhưng bất chợt nó bị một tiếng la thất thanh át đi và đột nhiên kính hiển thị của tôi và chắc là của tất cả những người khác choán đầy hình ảnh máu phọt tung tóe vào một cái mồm đầy răng gãy lởm chởm. Cảnh tượng ấy xuất phát từ một tay ở trong sân một ngôi nhà phía sau phòng tuyến. Chắc khi bỏ đi chủ nhà có nhốt vài thành viên đã hóa thây ma của gia đình trong đó. Chắc xung chấn của vụ nổ làm yếu cửa hay sao đó. Chúng xông hết ra ngoài, đụng đầu đúng cái tay số đen ấy. Máy quay trên súng hắn rơi đúng góc rất chuẩn, ghi hết lại mọi sự. Có tất cả năm con, một nam, một nữ, ba đứa trẻ, chúng ghìm ngửa hắn ra, gã đàn ông đè trên ngực hắn, lũ trẻ tóm tay, tìm cách cắn xuyên bộ đồ. Mụ đàn bà giật mặt nạ bảo hộ của hắn ra, anh có thể thấy nỗi kinh hoàng trên nét mặt hắn. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên nổi tiếng la của hắn khi bị con mụ kia cắn đứt cằm và môi dưới. “Chúng ở sau lưng!” có ai la lên. “Chúng xông ra từ mấy ngôi nhà! Phòng tuyến bị chọc thủng rồi! Chúng ở khắp nơi!” Đột nhiên màn hình tối om, có ai bên ngoài đã ngắt kết nối, và cái giọng kia, cái giọng già già lại quay trở lại… “Ngắt kết nối mạng!” ông ta ra lệnh, cố hết sức kiểm soát giọng nói của mình và rồi kết nối ngắt luôn.
Tôi chắc phải mất hơn vài giây, dứt khoát phải thế, kể cả nếu chúng lượn lờ trên đầu bọn tôi từ nãy giờ, nhưng mà có vẻ như ngay sau khi đường dây liên lạc bị ngắt, không trung đặc tiếng JSF.34 Tôi không thấy chúng thả bom. Tôi đang ở dưới hố, nguyền rủa quân đội, nguyền rủa Chúa và nguyền rủa đôi tay mình vì tội không chịu đào sâu hơn. Mặt đất rung chuyển, trời tối sầm lại. Gạch vữa mảnh vụn rơi tứ tung, đất cát, tro tàn của cái gì đó đang cháy bay qua trước mặt tôi. Tôi cảm thấy có một khối gì đó đâm sầm vào giữa bả vai tôi, mềm mềm và nằng nặng. Tôi lật người lại, đó là cái đầu và một phần thân cháy đen thui nhưng vẫn tìm cách cắn đớp! Tôi sút văng nó ra và loạng choạng bò ra khỏi hố, chỉ sau khi quả JSOW35 cuối cùng được thả xuống.
Tôi nhìn vào đám khói đen mà lúc trước là bầy zombie. Con đường cao tốc, những ngôi nhà, tất cả đều bị đám mây đen kịt này che phủ. Tôi nhớ mang máng có thấy những người khác chui ra khỏi hố, cửa sập trên xe tăng và xe Bradleys mở tung hết ra, ai nấy đều nhìn đăm đăm về phía bóng tối. Có một cái sự yên lặng, tĩnh mịch mà tôi thấy như kéo dài cả giờ.
Và rồi chúng xuất hiện, xông thẳng ra từ đám khói như thể trong ác mộng của bọn trẻ con! Có vài đứa bốc khói, có đứa thậm chí còn đang cháy dở… vài đứa đi, vài đứa thì bò, có đứa lại tự lết cái xác rách nát của mình đi… chắc tầm một phần hai chục đứa vẫn còn di chuyển được, nghĩa là còn… mẹ kiếp… vài chục à? Và đằng sau đó, trộn lẫn vào trong hàng ngũ chúng và đang đều đều tiến bước về phía chúng tôi là hàng triệu con mà đợt không kích còn chưa đụng tới!
Và đó là lúc phòng tuyến sụp đổ hoàn toàn. Tôi không nhớ hết được cùng lúc. Tôi có nhớ mấy cảnh: cảnh người chạy, cảnh kêu gào, cảnh bọn phóng viên. Tôi vẫn nhớ một tay nhà báo có bộ ria to đùng giống của Yosemite Sam cố rút khẩu Beretta ra khỏi cái áo gi lê trước khi bị ba con G đang cháy phừng phừng kéo ngã xuống… Tôi nhớ có thằng phá tung cửa một cái xe báo chí, nhảy vào, đẩy một ả phóng viên tóc vàng xinh đẹp ra ngoài và định lái đi trước khi một cái xe tăng đè nát cả hai. Hai trực thăng đưa tin đâm vào nhau, đổ lên đầu chúng tôi một trận mưa sắt. Một phi công Comanche… thằng này can đảm phết… cố khởi động cánh quạt nhắm vào phía lũ G đang đi đến. Lưỡi quạt chém một đường xuyên qua cả đám trước khi vướng vào một cái xe và quăng hắn thẳng vào chỗ khu A&P. Bắn nhau…bắn nhau loạn xạ… Tôi ăn một viên ngay xương ức, chính ngay mảnh giáp ngực. Cảm giác như thể vừa chạy tông vào tường vậy mặc dù tôi đang đứng yên. Nó đẩy tôi ngã dập mông, tôi không thở nổi, và đúng lúc đó có thằng đần nào đó quăng nguyên quả lựu đạn mù ra trước mặt tôi.
Cả thế giới trắng xóa, tai tôi rung lên. Tôi đông cứng người… có tay ai dó cào cào người tôi, tóm lấy tay tôi. Tôi đấm đá lia lịa, tôi thấy chỗ đũng bắt đầu âm ấm và ẩm ướt. Tôi gào lên nhưng chẳng còn nghe được giọng mình nữa. Thêm mấy cánh tay nữa xuất hiện, khỏe hơn, tìm cách lôi tôi đi đâu đó. Tôi đá đạp, giãy giụa, chửi thề, khóc lóc… đột nhiên một nắm tay thụi tôi một quả ngay hàm. Nó không làm tôi ngất đi, nhưng tôi thả lỏng người ra ngay. Đây là đồng minh của tôi. Zack không đấm. Họ kéo tôi vào chiếc Bradley gần nhất. Tầm nhìn của tôi bình phục lại vừa đủ lâu để thấy vệt sáng biến mất khi nắp xe đóng lại.
[Anh với tay lấy thêm điếu Q nữa, nhưng rồi đột nhiên lại thôi.]
Tôi biết mấy ông sử gia “chuyên nghiệp” rất thích nói rằng Yonkers là “thất bại thảm họa của bộ máy quân sự hiện đại,” rằng nó là minh chứng cho câu ngạn ngữ quân đội vừa hoàn thiện được nghệ thuật chiến đấu cho cuộc chiến trước thì cuộc chiến sau đã đến. Cá nhân tôi thì thấy mấy lão đấy toàn sủa bậy. Vâng, chúng tôi không được chuẩn bị. Đồ nghề, các bài huấn luyện của chúng tôi, mọi thứ tôi vừa mới nói, toàn đồ hạng nhất, tiêu chuẩn vàng. Nhưng thứ vũ khí thất bại thực sự không phải là thứ anh lôi ra từ dây chuyền lắp ráp. Nó lâu đời như… tôi cũng chả biết, chắc nó lâu đời như chiến tranh vậy. Đó là nỗi sợ, chỉ có nỗi sợ thôi và anh không cần phải là Tôn Tử mới nhận ra rằng chiến đấu không phải là để giết chóc hay làm tổn thương đối phương, nó là để dọa cho hắn đủ sợ, phải lui quân. Bẻ gãy tinh thần chúng, đó là thứ mà mọi quân đội thành công đều phải hướng tới, từ kiểu tô vẽ mặt của các bộ tộc cho đến “chiến tranh chớp nhoáng” cho đến… ta gọi đợt đầu của Chiến tranh Vùng vịnh lần Hai là gì nhỉ, “Gây sốc và Đe dọa”? Một cái tên thật là hoàn hảo, “Gây sốc và Đe dọa”! nhưng nếu kẻ địch không thể bị gây sốc và đe dọa thì sao? Không chỉ là không chịu để bị như vậy mà là không thể về mặt sinh học! Đó là điều đã xảy ra ở ngoại ô New York ngày hôm ấy, đó là thất bại tí nữa khiến chúng ta thua cả cuộc chiến. Việc ta không thể gây sốc và đe dọa Zack quay vòng lại đập thẳng vào mặt ta và cho phép Zack gây sốc và đe dọa ta! Chúng không biết sợ! Dù ta có làm gì, có giết bao nhiêu người đi nữa, chúng sẽ không bao giờ khiếp sợ!
Đáng ra trận Yonkers là ngày ta khôi phục lại lòng tự tin của người dân Mỹ, thay vào đó gần như ta bảo họ đào sẵn hố mà chờ chết đi. Nếu không có Kế hoạch Nam Phi, tôi dám cá bây giờ chúng ta đang đi lặc lè với rên rỉ cả nút rồi.
Điều cuối cùng tôi còn nhớ là chiếc Bradley bị tống cho lăn tùng phèo như xe đồ chơi Hot Wheels. Tôi chẳng biết bị bắn trúng chỗ nào, nhưng chắc là cũng ở gần. Nếu lúc đấy tôi còn đứng tơ hơ ở bên ngoài thì chắc chắn giờ này tôi đã không còn đứng ở đây.
Anh đã bao giờ chứng kiến tác động của vũ khí nhiệt áp chưa? Đã bao giờ anh hỏi những người vai đính sao về chuyện đó chưa? Tôi sẵn sàng đánh cược “hai hòn” của mình là anh sẽ không bao giờ được nghe đầy đủ. Người ta sẽ nói cho anh về nhiệt độ và áp suất, về khối cầu lửa liên tục lan rộng, liên tục phát nổ, và gần như là đè nát và đốt cháy bất cứ thứ gì cản đường. Nhiệt độ và áp suất, nhiệt áp nghĩa là như thế đấy. Nghe đủ tởm rồi đúng không? Thứ mà họ sẽ không kể cho anh là cái hậu quả ngay sau đó, về cái vùng chân không được tạo ra sau khi quả cầu lửa kia đột ngột co lại. Bất cứ ai còn sống cũng sẽ bị tống hết khí ra khỏi phổi, hoặc — và họ sẽ không bao giờ thú nhận chuyện này với bất cứ ai — phèo phổi sẽ bị kéo tuột ra ngoài mồm. Rõ ràng là không ai sống đủ lâu để kể lại cái câu chuyện kinh dị đó, và có lẽ đó là lí do vì sao Lầu Năm Góc ém nhẹm sự thật giỏi đến vậy, nhưng nếu anh có nhìn thấy bức hình của một con G hay được chứng kiến một nguyên mẫu còn sống thật và cả hai túi thở lẫn ống khí của hắn treo lủng lẳng trên môi, nhớ cho hắn số tôi. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng gặp mặt một cựu binh Yonkers.
Mục Lục
0 nhận xét:
Đăng nhận xét