Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Đại Chiến Thế Giới Z Chương 7

0 nhận xét

EBOOK ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z - MAX BROOKS

TÊN EBOOK: ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z

Tên gốc: Worl War Z
Tác giả: Max Brooks
Thể loại: Best seller, Giả tưởng, Tiểu thuyết, Zombie, Văn học phương Tây
Nguồn: BookismVietNam
Đọc online tại: e-thuvienonline.blogspot.com

ebook dai chien the gioi z full prc pdf epub

Ebook Đại Chiến Thế Giới Z - Max Brooks

CHIẾN TRANH TỔNG LỰC
            TRÊN BOONG KHINH KHÍ CẦU MAURO ALTIERI, CÁCH MẶT HỒ VAALAJARVI, PHẦN LAN CHÍN TRĂM MÉT
            [Tôi đứng cạnh đại tướng D’Ambrosia trong khoang CIC85 của thứ có thể coi như câu trả lời của Châu u đối với chiếc khinh khí cầu D-29 điều khiển được của Mỹ. Tất cả các thành viên trong đoàn im lặng làm viêc bên màn hình đang tỏa sáng nhờ nhớ của mình. Thỉnh thoảng lại có người nói vào loa trên tai nghe một câu nhận lệnh nhanh chóng, khẽ khàng bằng tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha hoặc Ý. Viên đại tướng chúi người theo dõi bàn biểu đồ bằng video, giám sát toàn bộ chiến dịch như Chúa trời vậy.]
            “Tấn công” — khi mới nghe thấy từ đó, ruột gan tôi rên lên “ôi mẹ kiếp.” Anh có thấy lạ không?
            [Trước khi tôi kịp trả lời…]
            Tất nhiên là có rồi. Chắc anh nghĩ đám “trùm sò” nghe thế phải sướng lắm, máu nóng cứ thế mà bốc lên, cái kiểu “giữ mũi chúng để ta ra đá đít.”
            [Lắc đầu.] Tôi chẳng biết ai đã tạo ra cái mô týp các vị tướng phải liên tục kêu đánh, đầu óc bã đậu, chẳng khác gì huấn luyện viên trung học. Có lẽ là Hollywood, hoặc báo chí dân sự, hoặc có thể chính chúng tôi đã tạo ra nó khi để mấy thằng hề nhạt nhẽo, tự cao tự đại — bọn MacArthurs và Halseys và Curtis E. LeMays — gây dựng nên hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Tôi muốn chỉ ra rằng đấy chính là hình tượng của những người mặc quân phục, và nó khác quá xa sự thật. Việc phải xuất quân tấn công khiến tôi sợ gần chết, chủ yếu bởi vì tôi sẽ không phải mặt tôi sẽ bị trưng ra giữa trận tiền. Tôi sẽ cử những người khác ra chết thay, và đây là thứ tôi bắt họ phải chống lại.
            [Ông quay về hướng cái màn hình ở bức tường phía xa, gật đầu ra hiệu với người điều khiển, và hình ảnh trên đó trở thành một tấm bản đồ lục địa Mỹ thời chiến tranh.]
            Hai trăm triệu con zombie86. Chưa cần nói đến đánh đấm, thử hỏi có ai tưởng tượng được một con số như thế không? Chí ít lần này ta còn biết mình đang chiến đấu chống cái gì, nhưng khi tính cộng gộp tất cả những kinh nghiệm ta có, tất cả những dự kiện ta tổng hợp được về nguồn gốc, sinh lý học, điểm mạnh, điểm yếu, động cơ và tâm tính của chúng, viễn cảnh đưa ra vẫn rất u tối.
            Cuốn sách dạy chinh chiến, cuốn cẩm nang chúng ta liên tục cập nhật kể từ khi hai con khỉ lần đầu tát nhau, là hoàn toàn vô dụng trong tình huống này. Chúng ta phải viết lại từ đầu một quyển hoàn toàn mới.
            Mọi quân đội, từ quân đội được cơ khí hóa cho đến bọn du kích trên núi, đều phải tuân theo ba quy luật: họ phải được sinh ra, chăm nuôi và chỉ đạo. Sinh ra: anh cần cơ thể sống, nếu không chẳng có quân đội gì hết; chăm nuôi: một khi có quân đội rồi, họ phải được cung cấp các thứ nhu yếu phẩm; và còn chỉ đạo: cho dù lực lượng chiến đấu có được phân quyền đến mức nào đi nữa thì vẫn phải có người mang chức quyền đứng lên nói “theo tôi.” Sinh ra, chăm nuôi và chỉ đạo; và trong ba cái này, bọn thây ma chẳng bị ràng buộc bởi qui luật nào hết.
            Anh đã đọc quyển Phía Tây Không Có Gì Lạ chưa? Remarque đã vẽ lên một bức tranh rất sống động tả cảnh nước Đức dần trở nên “trơ trọi,” nghĩa là khi cuộc chiến sắp kết thúc, họ không còn chút quân lính nào nữa. Anh có thể gian lận quân số một chút, cử người già, trẻ nhỏ ra trận, nhưng rồi dần dà cũng sẽ đến lúc kịch trần… trừ khi mỗi lần giết xong một tên địch, hắn sống lại và về phe ta. Đó là cách thức hoạt động của lũ Zack, bổ sung hàng ngũ bằng cách tiêu diệt quân ta! Và nó chỉ có tác dụng một chiều. Lây bệnh cho con người, họ biến thành zombie. Giết một con zombie, nó trở thành cái xác. Chúng ta càng lúc càng yếu đi, trong khi chúng thì ngày một mạnh lên.
            Quân đội nào của con người cũng cần có đồ tiếp tế, riêng quân của chúng thì không cần. Không lương thực, không đạn dược, không nhiêu liệu, thậm chí không cần cả nước uống hay không khí để thở! Không có tuyến đường hậu cần nào để chặt đứt, không có kho chứa hàng nào để phá hủy. Không thể bao vây và khiến chúng chết đói, hay để chúng “chết dần chết mòn.” Đem nhốt một trăm con zombie vào trong phòng và ba năm sau mở cửa ra chúng sẽ vẫn nguy hiểm như cũ.
            Thật buồn cười là ta chỉ có thể diệt được bọn zombie nếu tiêu hủy não của chúng vì trong một nhóm, chúng không có cơ quan đầu não chung gì cả. Không có bộ máy lãnh đạo, không có hệ thống cấp bậc chỉ huy, không có đường dây liên lạc hay quan hệ hợp tác ở bất cứ cấp độ nào. Không có tổng thống để ám sát, không có boongke tổng chỉ huy để tấn công. Mỗi con zombie là một đơn vị tự trị, độc lập, hoàn toàn tự động, và chính cái thế mạnh này đã thực sự tóm gọn toàn bộ cuộc xung đột.
            Anh chắc đã nghe đến cụm từ “chiến tranh tổng lực”; nó xuất hiện khá nhiều lần trong lịch sử loài người. Gần như thế hệ nào cũng có một thằng phổi bò tuyên bố rằng người dân của mình quyết định tiến hành “chiến tranh tổng lực” chống lại một kẻ thù nào đó, nghĩa là mọi người đàn ông, mọi người phụ nữ và mọi đứa trẻ trong quốc gia ấy sẽ giành ra mọi giây phút của cuộc đời để mang lại thắng lợi. Điều này là hoàn toàn không thể ở hai cấp độ. Thứ nhất, không đất nước hay quốc gia nào có thể dốc toàn sức cho chiến tranh; điều này là phi lí. Có thể có tỉ lệ cao, đông người làm việc chăm chỉ trong một thời gian dài, nhưng mà tất cả mọi người lúc nào cũng lao động ư? Thế còn những kẻ trốn việc, hoặc là những người phản đối quân ngũ thì sao? Những người không đủ sức khỏe, những người bị thương tật, những người quá già hoặc quá trẻ thì vứt đi đâu? Thế còn khi họ ăn, ngủ, tắm giặt hay ỉa đái thì sao? Chả nhẽ đó lại là “đái ỉa giành chiến thắng”? Đó là lí do đầu tiên khiến con người không thể tiến hành chiến tranh tổng lực. Lí do thứ hai đó là quốc gia nào cũng có giới hạn của mình. Có thể trong đất nước ấy sẽ có những con người sẵn sàng hi sinh tính mạng; có thể họ chiếm tỉ lệ khá cao trong dân số, nhưng toàn bộ dân tộc đó rồi sẽ đến mức mà họ không thể chịu đựng nổi nữa, cả về tâm lí lẫn tình cảm. Bên Nhật sau khi bị Mỹ ném cho mấy quả bom nguyên tử đã chạm ngưỡng ấy. Đám dân Việt Nam đáng lẽ ra cũng sẽ chạm trần nếu chúng ta biếu họ thêm mấy quả,87 nhưng thật là cảm ơn Chúa nhân từ, chúng ta gục trước họ. Đó là bản chất của chiến tranh giữa người với người, hai bên tìm cách đẩy nhau đi quá giới hạn chịu đựng, và cho dù ta có thích chiến tranh tổng lực đến thế nào đi chăng nữa, cái giới hạn kia sẽ luôn ở đó… trừ khi đó là bọn thây ma.
            Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta phải đối đầu với một kẻ thù liên tục phát động chiến tranh tổng lực. Chúng không có giới hạn chịu đựng. Chúng không bao giờ thương lượng, không bao giờ đầu hàng. Chúng sẽ chiến đấu đến cùng bởi vì khác với chúng ta, tất cả bọn chúng đều có thể cống hiến mọi giây phút của cuộc đời cho công cuộc ăn tươi nuốt sống hết mọi sinh vật trên Trái Đất. Đó là kẻ thù đang đợi ta bên kia dãy Rockies. Đó là cuộc chiến chúng ta phải đương đầu.
            DENVER, COLORADO, MỸ
            [Chúng tôi vừa ăn tối tại nhà gia đình Wainio xong. Allison, vợ Todd, đang ở trên tầng giúp cô con gái Addison làm bài tập. Todd và tôi ở trong bếp dưới nhà rửa bát đĩa.]
            Quân đội mới trông như thể vừa quay ngược thời gian lại vậy. Nó khác xa hoàn toàn quân đội đã cùng tôi chiến đấu và tí nữa là cùng tôi xuống mồ ở Yonkers. Chúng tôi giờ không còn được cơ khí hóa nữa — không có xe tăng, không pháo binh, không móc xích88 gì hết, kể cả mấy chiếc Bradley. Chúng là lực lượng dự bị, đang được chỉnh sửa lại để dành khi chúng tôi tái chiếm các thành phố. Không, thứ phương tiện có bánh duy nhất của chúng tôi, mấy chiếc Humvees và vài chiếc M-trip-Bảy ASV,89 đều được dùng để chở đạn dược và quân trang. Chúng tôi phải cuốc bộ suốt toàn bộ chặng đường, đi hàng một như trong mấy bức tranh vẽ thời Nội Chiến. người ta nhắc nhiều đến “phe Xanh” chọi với “phe Xám,” chủ yếu bởi vì màu da lũ Zack và màu áo bộ BDU mới của chúng tôi. Họ chẳng buồn nhuộm màu để ngụy trang nữa; nhuộm vào để làm gì? Và tôi cũng đoán rằng xanh dương là thứ màu rẻ nhất hồi đó. Bộ BDU trông như bộ áo liền quần của đội SWAT. Nó rất nhẹ, thoải mái và được dệt lẫn với sợi Kevlar, ít nhất tôi nghĩ là Kevlar,90 sợi chống cắn. Nó có kèm găng và mũ trùm kín mặt. Về sau, khi phải chiến đấu cận chiến ở đô thị, cái mũ kia đã cứu rất nhiều sinh mạng.
            Cái gì trông cũng có vẻ cổ xưa. Mấy cái Thông não trông như vũ khí trong, tôi chẳng biết nữa, Chúa tể những Chiếc nhẫn chăng? Lệnh của bọn tôi là chỉ được dùng chúng khi cần kíp, nhưng hãy tin tôi đi, bọn tôi cần dùng đến nó rất nhiều. Dùng sướng lắm, anh biết đấy, được vung vẩy nguyên cái khối thép đó. Nó tạo cảm giác rất cá nhân, rất mạnh mẽ. Anh có thể cảm thấy sọ chúng nứt toác ra. Máu khi ấy bốc hết lên đầu, như thể anh vừa tự tay giành lại mạng sống vậy. Tất nhiên tôi cũng không ngại phải bóp cò đâu.
            Vũ khí chính của chúng tôi là khẩu SIR91. Lớp gỗ khiến nó trông như súng thời Thế Chiến Thứ Hai vậy; chắc nếu làm bằng hợp kim thì khó đưa vào sản xuất đại trà. Tôi không rõ khẩu SIR gốc gác ra sao. Tôi có nghe nói nó là một phiên bản được cải biên của khẩu AK. Tôi cũng thấy bảo nó là phiên bản giản lược của khẩu XM 8 mà quân đội đang định đưa vào sử dụng làm vũ khí tấn công thế hệ mới. Nghe đồn nó được phát minh, thử nghiệm và lần đầu đưa vào sản xuất trong cuộc vây hãm của thành phố Hero, và sau đó đồ án của nó được chuyển tới Honolulu. Thật tình mà nói thì tôi không biết, và tôi cũng chẳng quan tâm. Nó giật rất mạnh và chỉ có chế độ bắn bán tự động, nhưng nó lại cực kì chính xác và không bao giờ bị kẹt! Anh có thể lê nó qua bùn đất, quẳng vào cát, ngâm vào nước muối trong mấy ngày liền. Cho dù anh có làm gì, nó cũng sẽ không bao giờ khiến anh thất vọng. Phụ kiện duy nhất của nó là một bộ linh kiện, trang bị máy và một số nòng súng với độ dài khác nhau. Có thể dùng nó làm súng bắn tầm xa, súng trường tầm trung hoặc cạc bin tầm gần, tất cả đều gọn trong vòng một tiếng đồng hồ, chỉ cần với tay vào balô là xong. Nó cũng có lưỡi lê, loại gập ra gập vào, dài tầm hai mươi phân, dùng trong trường hợp khẩn cấp khi không có sẵn cái Thông não. Chúng tôi hay đùa nhau là “cẩn thận đấy, chọc lòi mắt nhau ra bây giờ,” và tất nhiên, chúng tôi khiến khối thằng bị chột. Ngay cả nếu không có lưỡi lê, khẩu SIR vẫn dùng để đánh cận chiến tốt, và khi tổng hợp lại tất cả những thứ khiến nó trở nên tuyệt vời đến thế, cũng dễ hiểu vì sao chúng tôi luôn kính cẩn gọi nó là “Ngài.”92
            Chúng tôi chủ yếu dùng đạn NATO 5.56 “PIE Anh Đào.” PIE là viết tắt của từ chất nổ kích hoạt bằng pháo93. Một thiết kế tuyệt vời. Khi chui vào trong sọ bọn Zack nó sẽ vỡ nát ra và mảnh văng sẽ nướng chín não chúng. Không sợ làm văng chất xám mang mầm bệnh đi lung tung, và cũng không cần đem đốt làm gì cho lãng phí. Khi làm nhiệm vụ BS94, anh thậm chí còn không cần chặt đầu chúng trước khi đem chôn. Chỉ việc đào hố rồi lăn cái xác xuống.
            Vâng, đây là một quân đội hoàn toàn mới, từ quân bị đến quân nhân. Cách thức tuyển mộ đã thay đổi, và giờ đây để làm lính cần có những thứ khác. Vẫn có những yêu cầu như cũ — thể lực, đầu óc, có động lực và nề nếp kỉ luật để vượt qua thách thức trong các điều kiện vô cùng khó khăn — nhưng tất cả những thứ đó đều chẳng có nghĩa lí gì nếu anh không chịu nổi áp lực về lâu về dài của lũ G. Rất nhiều bằng hữu của tôi hóa dại do quá căng thẳng. Một số người gục ngã, một số khác lấy súng tự sát, số khác bắn cả đồng đội. Đây không phải là chuyện dũng cảm hay không. Có lần tôi được đọc quyển cẩm nang sinh tồn của bên SAS ở Anh. Nó có nói về tính cách của một “chiến binh,” nói rằng gia đình anh phải ổn định cả về mặt tâm lí lẫn tài chính, và rằng khi còn trẻ không được phép thích phụ nữ. [Cười.] Cẩm nang sinh tồn… [Lấy tay giả động tác thủ dâm.]
            Những đám lính mới, họ có thể là bất cứ ai: hàng xóm của anh, cô dì của anh, cái lão thầy dạy thay lập dị ngày trước, hay cái lão lười béo ú ở DMV. Từ mấy tay chào mời bảo hiểm cho đến cái gã mà tôi dám thề là Michael Stipe, Mặc dù tôi không tài nào mà bắt hắn thú nhận được. Tôi thấy cũng có lí cả; bất cứ ai không đủ khả năng thì đã không sống được đến bây giờ. Ai cũng là một cựu binh về mặt nào đó. Cộng sự của tôi, Xơ Montoya, năm mươi hai tuổi, bây giờ chắc vẫn còn là một bà xơ. Dù cao có hơn mét sáu và chỉ nặng gần bốn nhăm kí, bà ấy vẫn bảo vệ được cả một lớp ở trường đạo suốt chín ngày với một cái đèn nến bằng sắt dài chưa đến hai mét. Tôi chả hiểu làm sao mà bà ta vác được cái ba lô kia mà không phàn nàn chút nào, từ khu tập kết ở Needles cho đến tận khu giao chiến ở ngoại ô Hope, New Mexico.
            Hope. Tôi không đùa đâu, thị trấn ấy có tên là Hope thật.
            Họ nói đám tướng tá chọn địa điểm ấy bởi địa hình rộng rãi trống trải, phía trước là sa mạc, phía sau là núi. Họ nói nơi đây rất thích hợp cho trận đánh mở màn, và cái tên chả liên quan gì hết. Ừ, phải rồi.
            Bộ phận chỉ huy rất muốn chiến dịch thử nghiệm này diễn ra tốt đẹp. Đây là trận tiến công trên cạn lớn đầu tiên của ta kể từ sau Yonkers. Đây là lúc mà mọi thứ đều kết hợp lại.
            Qui mô lớn vậy cơ à?
            Ừ, tôi nghĩ vậy. Con người mới, dụng cụ mới, cách huấn luyện mới, kế hoạch mới — mọi thứ đều quyện lại để sẵn sàng cho phát súng mở màn này.
            Trên đường hành quân chúng tôi có bắt gặp vài con G. Chó nghiệp vụ phát hiện ra chúng và huấn luyện viên của chúng mang vũ khí giảm thanh sẽ xử bọn kia. Chúng tôi không muốn thu hút sự chú ý của quá nhiều con cho đến khi chuẩn bị xong xuôi. Chúng tôi muốn lợi thế thuộc về mình.
            Chúng tôi bắt đầu trồng “vườn”: cắm mấy cây cọc dán băng dính Day-Glo cam theo từng hàng cách nhau mười mét. Chúng dùng đế đánh dấu tầm bắn, cho chúng tôi thấy phải nhắm vào đâu. Có vài người phải làm mấy việc nhẹ nhàng như phát quang bụi rậm hoặc xếp lại các thùng đạn.
            Số còn lại thì chẳng có việc gì làm ngoài ngồi đợi, ăn chút gì đó, kín đầy bình nước hoặc chợp mắt một chút nếu thấy ngủ được. Chúng tôi đã rút ra nhiều điều kể từ Yonkers. Cấp trên muốn chúng tôi được nghỉ ngơi. Vấn đề là nó làm cho bọn tôi có quá nhiều thời gian để suy nghĩ.
            Anh đã xem cái bộ phim Elliot làm về chúng tôi chưa? Có cái cảnh lửa trại và đám lính ngồi tán gẫu với nhau, chia sẻ các câu chuyện và mơ ước về tương lai, và thậm chí còn có cả cái tay chơi kèn hamônica nữa. Chẳng giống vậy chút nào. Thứ nhất, lúc ấy vẫn đang trưa, không có lửa trại, không có chơi kèn hamônica dưới ánh sao, với cả ai cũng im lặng hết. Chẳng cần nói vẫn biết mọi người đang nghĩ gì, “Chúng ta đang làm cái quái gì ở đây vậy trời?” Giờ chỗ này là nhà bọn Zack, và bọn tôi sẵn lòng biếu chúng. Chúng tôi đã được nghe rất nhiều bài giáo huấn về “Tương lai của Tinh thần Con người.” Có Chúa mới biết chúng tôi đã nghe bài phát biểu của tổng thống bao nhiêu lần, nhưng ông ấy không phải ngồi chễm chệ trên sân trước nhà lũ Zack. Tình hình phía bên kia dãy Rockies đang tiến triển tốt. Chúng tôi đang làm cái quái gì ở đây vậy trời?
            Vào tầm lúc 13:00, điện đám bắt đầu lẹt xẹt, những người huấn luyện chó đã phát hiện ra thây ma đang gọi. Chúng tôi lên đạn sẵn sàng và vào vị trí bắn.
            Đây là điểm cốt lõi trong chiến thuật mới của chúng tôi, cũng lần về quá khứ như những thứ khác. Chúng tôi đi theo hàng ngang, có hai hàng: một hàng chủ lực, một hàng dự bị. Hàng dự bị là để khi có ai ở hàng trước cần thay đạn, hỏa lực họ sẽ không bị mất đi. Theo lí thuyết mà nói, khi tất cả mọi người đều đang thay đạn hoặc đang bắn, chúng tôi có thể liên tục hạ bọn Zack cho đến chừng nào hết sạch đạn thì thôi.
            Chúng tôi có thể nghe tiếng sủa, lũ chó đang dụ chúng đến. Lũ G đã bắt đầu xuất hiện ở đường chân trời, có đến hàng trăm con. Tôi bắt đầu run mặc dù đâykhông phải lần đầu tôi đối mặt lũ Zack kể từ trận Yonkers. Tôi đã tham gia các chiến dịch càn quét ở LA. Tôi đã thực hiện nghĩa vụ của mình ở dãy Rockies mỗi khi mùa hè làm tan băng trên các tuyến đường lên núi. Lần nào tôi cũng run như cầy sấy.
            Bọn chó được gọi về, phóng ra phía đằng sau hàng phòng ngự của ta. Chúng tôi chuyển sang sử dụng PEM95. Giờ quân đội nào cũng có. Người Anh dùng kèn túi, bên Trung Quốc dùng tù và, phía Nam Phi vỗ súng vào với assegai96 và hô những câu khẩu hiệu chiến tranh của Zulu. Chúng tôi thì chơi Iron Maiden. Riêng tôi thì chẳng thích thú gì nhạc metal. Tôi chuộng rock cổ điển hơn, và bài “Driving South” của Hendrix là bản nhạc mạnh nhất tôi từng nghe. Nhưng tôi cũng phải công nhận, đứng trước gió cát sa mạc với bài “The Trooper” nện thình thình trong ngực kể cũng thú phết. PEM không phải là để dọa dẫm gì Zack. Nó là để khích lệ tinh thần chúng tôi, khiến lũ Zack trông bớt đáng sợ hơn, nói như đám người Anh là “xõa bớt đi.” Vừa đúng lúc Dickinson còn đang rú lên “Khi rơi xuống chỗ chết” thì tôi đã hăng máu lắm rồi, SIR đã nạp đạn sẵn sàng, mắt nhìn thẳng về phía cái đàn đang tiến đến gần, càng lúc càng lớn dần lên. Tôi như thể đang nói, “Nhanh lên, Zack, chiến thôi!”
            Khi chúng sắp đến cột mốc đánh dấu đầu tiên, tiếng nhạc bé dần đi. Các đội trưởng hét lên, “Hàng đầu, chuẩn bị!” và hàng đầu tiên quì xuống. sau đó có lệnh “Ngắm!” và rồi, khi chúng tôi còn đang nín thở, khi nhạc vừa mới tắt hẳn, chúng tôi nghe thấy tiếng “BẮN!”
            Hàng đầu tiên giật lên, nghe như tiếng một khẩu SAW đang ở chế độ liên thanh và hạ hết lũ G vừa vượt qua cột mốc đầu tiên. Chúng tôi đã được nhận lệnh rất rõ ràng, chỉ nhắm vào những con vượt qua hàng mốc đàu tiên. Đợi những con khác. Chúng tôi đã luyện tập như thế này suốt bao tháng trời. Giờ nó đã thành bản năng. Xơ Montoya nâng vũ khí lên trên đầu, đó là dấu hiệu bà hết đạn. Chúng tôi đổi vị trí, tôi mở chốt an toàn, nhắm mục tiêu đầu tiên. Con này là dân ngơ,97 chắc chưa chết được đến một năm. Mái tóc vàng bẩn thỉu của nó chỗ có chỗ không, da dẻ thì nhăn nheo, khô ráp. Cái bụng trương phềnh của nó lồi lên dưới lớp áo phông đen đã bạc màu với dòng chữ G NGHĨA LÀ GANGSTA. Tôi nhắm vào chính giữa hai con mắt bé tí, xanh đục của nó… anh biết không, mắt chúng không phải tự nhiên trông đục ngầu thế đâu, đó là vì bề mặt của mắt chúng bị xước do bụi bay vào, có đến hàng nhìn vết vì bọn Zack không có nước mắt. Đôi mắt xanh dương trầy trụa ấy nhìn thẳng về phía tôi khi tôi bóp cò. Viên đạn khiến nó ngã ngửa, khói bốc lên từ cái lỗ trên trán. Tôi hít một hơi, nhắm mục tiêu tiếp theo, và thế là xong, tôi đã vào guồng.
            Nguyên tắc chiến đấu là cứ một giây bắn một phát. Chậm rãi, đều như máy.
            [Anh bắt đầu búng ngón tay.]
            Trong trường bắn chúng chúng tôi tập cùng máy đếm nhịp, các huấn luyện viên liên tục nói “Chúng không vội vã gì hết, việc gì các anh phải vội?” Đó là cách giữ bình tĩnh, căn nhịp cho mình. Chúng tôi cũng phải chậm rãi, máy móc như chúng. “G hơn lũ G,” họ bảo vậy.
            [Anh búng tay theo nhịp rất chuẩn.]
            Bắn, chuyển vị trí, nạp đạn, uống chút nước từ bình, lấy thêm băng đạn từ phía bên “Sandler.”
            Sandler?
            Ừ, Đội Tiếp Đạn, đơn vị quân dự bị này không có nhiệm vụ gì khác ngoài việc đảm bảo chúng tôi không bao giờ bị cạn hết đạn dược. Anh chỉ có một số lượng băng đạn nhất định trên người và nạp đạn vào từng băng rất mất thời gian. Đội Sandler chạy dọc hàng phòng ngự thu thập các băng đạn rỗng, nạp đạn từ các thùng và rồi chuyển lại cho những ai ra tín hiệu. Người ta kể là khi quân đội bắt đầu luyện tập cùng RT98, có một tay bắt đầy giả giọng Adam Sandler, anh biết đấy, “Thằng Bưng Nước” — “Thằng Bưng Đạn.” Đám sĩ quan không ưa cái trò đấy lắm, nhưng Đội Tiếp Đạn lại rất kết. Sandler thật đúng là những cứu hộ viên, chạy đi chạy lại như múa vậy. tôi không nghĩ có ai ngày hoặc đêm hôm đó lại bị thiếu dù chỉ một viên đạn.
            Đêm hôm đó?
            Chúng đến liên tục, nguyên cả một Đàn Chuỗi.
            Có phải đó là tên gọi các đàn cỡ lớn?
            Không chỉ có vậy. Một con G nhìn thấy anh, đuổi theo anh và hú lên. Cách đó một cây, một con G nữa nghe thấy tiếng hú đó, lần theo nó và cũng hú lên tiếp, rồi lại có một con cách đó một cây, rồi đến một con nữa. Đùa chứ, Nếu cái khu đó mật độ đủ dày, nếu cái chuỗi đó không tài nào cắt đứt được, ai mà biết chúng kéo nhau đến từ tận chỗ nào. Và đây mới chỉ là nói một con một thôi đấy. Thử nghĩ xem nếu cứ mỗi cây lại có mười, một trăm, một ngàn con.
            Xác chúng bắt đầu chất chồng lên nhau, tạo thành một cái hàng rào nhân tạo ở cột mốc đầu tiên, cái núi tháp ấy cứ cao dần lên mỗi phút. Chúng tôi đang xây một pháo đài thây ma, dân đến tình huống là giờ chỉ việc khử bất cứ cái đầu nào thò lên trên đỉnh. Ban chỉ huy đã có tính trước đến chuyện. Họ có một cái tòa tháp tiềm vọng gì đó99 cho phép các sĩ quan chỉ huy nhìn sang phía bên kia bức tường. Họ cũng có liên kết thời gian thực tải xuống từ vệ tinh và máy bay trinh sát không người lái, còn đám lính tráng chúng tôi chẳng biết họ đang thấy những gì. Land Warrior đã bị dẹp đi nên chúng tôi chỉ phải tạp trungvào những thứ phía trước mặt.
            Chúng tôi bắt đầu bị tấn công từ tất cả các phía, hoặc là vòng quanh bức tường hoặc là từ bên sườn và thậm chí là cả từ đằng sau. Ban chỉ huy cũng đã tiên liệu chuyện này và ra lệnh chúng tôi vào đội hình RS.
            Khung Vuông Gia Cố100.
            Hoặc tôi đoán là “Raj-Singh,” lấy theo tên của cái tay đã phát minh ra nó. Chúng tôi tạo thành những hình vuông rất kín, vẫn có hai hàng, xe cộ và các thứ linh tinh đi vào giữa. Chia nhỏ chúng tôi ra thế này kể cũng hơi liều. Ý tôi là, ừ thì cái lần đầu ở Ấn Độ nó không phát huy tác dụng bởi vì hết đạn. Nhưng cũng chẳng ai đảm bảo được chuyện ấy sẽ không xảy ra với chúng tôi. Nhỡ bọn chỉ huy đột nhiên đầu óc có vấn đề, không mang đủ đạn hoặc đánh giá thấp lực lượng lũ Zack ngày hôm đó thì sao? Có khi lại thêm một trận Yonkers nữa; không biết chừng còn tệ hơn vì sẽ chẳng ai sống sót nữa.
            Nhưng các anh có đủ đạn mà.
            Thừa là đằng khác. Đám xe cộ chất hàng cao đến nóc. Chúng tôi có nước uống, chúng tôi có người thay thế. Nếu cần nghỉ năm phút, chỉ việc giơ vũ khí lên là sẽ có một Sandler nhảy vào thay chân. Anh có thể ăn mấy miếng I-Ration,101 rửa mặt, giãn gân cốt, giải quyết nỗi buồn. chẳng ai tình nguyện xin nghỉ, nhưng họ có những đội KO102, các bác sĩ tâm lí chiến trận liên tục quan sát tình hình mọi người làm ăn đến đâu. Họ đã đi cùng chúng tôi trong những ngày đầu trên trường bắn, biết rõ tên tuổi mặt mũi chúng tôi, và chả hiểu làm sao mà biết được khi nào căng thẳng trên chiến trường bắt đầu ảnh hưởng đến hiệu suất của chúng tôi. Chúng tôi chẳng ai biết, tôi thì dứt khoát không rồi. Có mấy lần tôi bắn trượt hoặc bắn trong vòng nửa giây chứ không phải một. Đột nhiên tôi thấy có ai vỗ vai và tôi biết mình phải ra ngoài ngồi năm phút. Chiến lược này hiệu nghiệm phết. Chưa gì tôi đã quay trở lại hàng ngũ, bàng quang trống trải, dạ dày im lặng, cổ bớt vẹo và cơ bớt co rút. Nó làm nên cả một sự khác biệt lớn lao, và nếu có ai nghĩ chúng tôi không cần đến nó có thể thử ngắm bắn một mục tiêu di động suốt mười lăm tiếng đồng hồ.
            Thế còn khi đêm đến?
            Chúng tôi dùng đèn pha từ xe, đèn sáng rất mạnh, màu đỏ để không ảnh hưởng tới tầm nhìn đêm. Bên cạnh cái màu sáng đỏ, thứ ghê rợn duy nhất khi chiến đấu trong đêm đó là ánh sáng phát ra từ viên đạn khi nó chui vào đầu lũ thây ma. Chính thế mà chúng tôi mới gọi đó là đạn “PIE Anh Đào.” Nếu hợp chất hóa học trong đạn không được pha trộn theo tỉ lệ đúng, nó sẽ sáng đến mức khiến mắt chúng đỏ rực lên. Đây mà đem trị táo bón thì đúng là không gì bằng, nhất là sau này, vào những đợt phải gác đêm, khi có một con vồ lấy anh từ trong bóng tối. Cứ thử tưởng tượng đôi mắt đỏ rực đó xem, thời gian như ngừng trôi vài giây trước khi nó gục xuống. [run rẩy.]
            Sao mà anh biết khi nào trận chiến kết thúc?
            Chắc khi chúng tôi ngừng bắn? [Cười.] Đùa thôi, câu hỏi hay đấy. Tôi cũng chẳng rõ, chắc tầm 04:00, chúng bắt đầu vơi dần. Bớt có đầu thò ra hơn. Tiến rên rỉ bắt đầu bé dần. Các sĩ quan chỉ huy không nói cho chúng tôi biết rằng cuộc tấn công sắp kết thúc, nhưng anh có thể thấy họ nhìn qua ống nhòm, nói chuyện trên điện đàm. Anh có thể thấy vẻ nhẹ nhõm trên gương mặt họ. Hình như phát súng cuối cùng được bắn trước khi bình minh lên. Sau đó, chúng tôi ngồi đợi tia sáng đầu tiên hé rạng.
            Cảnh tượng lúc ấy trông hơi ma quái, mặt trời nhô lên từ trên đỉnh những ngọn núi xác hình vành đai. Chúng tôi bị vây cứng, chỗ nào xác cũng chất cao ít nhất sáu mét. Tôi chẳng rõ hôm đó chúng tôi giết hết bao nhiêu đứa, tùy người được hỏi mà số liệu sẽ khác.
            Các xe Humvee có lưỡi ủi phải mở đường qua cái vành đai xác ấy chúng tôi mới chui ra được. Vẫn còn một số con G sống sót, đây là mấy con chậm chân không kịp nhập hội hoặc tìm cách trèo lên xác đồng đội nhưng bị trượt xuống dưới mô đất. Khi bắt đầu đem đống xác đi chôn thì chúng lồm cồm bò ra. Đó là lần duy nhất đức ngài Thông não có cơ hội trổ tài.
            Ít nhất chúng tôi không phải ở lại làm nhiệm vụ BS. Có một đơn vị khác đợi sẵn để đến dọp dẹp. Chắc cấp trên thấy hôm nay bọn tôi đã làm đủ rồi. Chúng tôi hành quân mười dặm về phía Đông, dựng trại ngoài trời với chòi canh và tường Concertainer103. Tôi mệt lử người. Tôi không nhớ gì chuyện đi tẩy rửa hóa học, nộp lại quân trang để khử trùng, nộp lại vũ khí để kiểm tra: toàn đại đội không chiếc nào bị kẹt. Tôi thậm chí còn chả nhớ việc mình chui vào túi ngủ.
            Sáng hôm sau chúng tôi được dậy muộn thoải mái. Sướng ra phết. Cuối cùng thì tôi cũng bị đánh thức dậy bởi tiếng người lao xao; ai cũng đang nói, đang cười, đang kể chuyện. Cảm giác này thật là khác, một trăm tám mươi độ so với ngày hôm kia. Tôi chẳng hiểu phải tả cái cảm xúc của mình lúc ấy như thế nào, Có lẽ đó chính là cái “giành lấy tương lai” mà tổng thống đã nói. Tôi chỉ biết rằng mình thấy tuyệt vời hơn bao giờ hết trong suốt cuộc chiến tranh. Tôi biết đây sẽ là một con đường vô cùng dài. Tôi biết chiến dịch xuyên suốt nước Mỹ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu, nhưng không sao, theo như lời tổng thổng phát biểu vào tối hôm đó, cuối cùng sự khởi đầu của điểm kết thúc đã đến.
            AINSWORTH, NEBRASKA, MỸ
            [Darnell Hackworth là một người rụt rè, nói năng nhỏ nhẹ. Ông cùng vợ điều hành một nông trại hưu trí cho những cựu binh bốn chân thuộc Quân đoàn K-9 của quân đội. Mười năm trước gần như bang nào cũng có một cái nông trại như thế này. Bây giờ chỉ còn có mỗi đây.]
            Theo như tôi thấy thì công lao của chúng chẳng bao giờ được ghi nhận đúng mức. Có cái quyển sách Dax dành cho trẻ con cũng khá được, nhưng nó lại bị đơn giản hóa quá, và chuyện cũng chỉ về một con chó đốm Dalmatian giúp một đứa trẻ mồ côi đến được nơi an toàn. “Dax” thậm chí còn không ở trong quân ngũ, với lại giúp đỡ trẻ lạc chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì lũ chó đã đóng góp cho cuộc chiến.
            Đầu tiên họ dùng chó để phân biệt, để chúng đánh hơi những người bị nhiễm bệnh. Hầu hết các nước đều bắt chước cách cho người ta đi ngang qua chuồng chó của Israel. Luôn cũng phải nhốt chúng trong chuồng nếu không chúng có thể tấn công người khác, cắn xé lẫn nhau, hay thậm chí tấn công cả huấn luyện viên của mình. Thời kì đầu của cuộc chiến xảy ra rất nhiều trường hợp như thế, lũ chó như hóa dại. Chó nào cũng vậy, dù là của cảnh sát hay của quân đội. Đó là do bản năng, do cái nỗi sợ vô thức, gần như ngấm trong tận máu. Chiến đấu hay bỏ chạy, và chúng vốn được sinh ra để chiến đấu. Rất nhiều huấn luyện viên đã mất tay, chân, cổ họng bị cào xé. Không thể trách lũ chó được. Thật ra, bản năng ấy chính là thứ phía Israel muốn viện đến, và có lẽ nhờ nó ta mới cứu sống được cả triệu mạng người.
            Đó là một chương trình rất tốt, nhưng nó cũng lại chỉ là một phần rất nhỏ trong số những gì chó có thể thực hiện được. Nếu bên Israel và sau đó là rất nhiều những quốc gia khác tìm cách lợi dụng bản năng đó, chúng tôi tin rằng mình có thể tích hợp nó vào chương trình huấn luyện thường xuyên của chúng. Tại sao lại không cơ chứ, chúng ta đã làm được điều đó với chính bản thân mình, và ta có tiến hóa gì hơn chúng mấy đâu?
            Tất cả đều bắt đầu từ bài huấn luyện. Phải dùng chó con; lũ cựu binh khuyển hồi trước chiến tranh dù có được rèn rũa nề nếp đến đâu cũng sẽ lên cơn. Bọn chó con sinh ra trong thời kì khủng hoảng gần như được ngửi mùi xác chết ngay từ khi vừa chui ra khỏi bụng mẹ. Nó có ở trong không khí nhưng chỉ có vài phân tử, không đủ cho ta nhận thấy, chỉ có vài phân tử, vừa đủ để tác động vào tiềm thức. Nhưng không phải như vậy nghĩa là tự nhiên chúng trở thành chiến binh hết. Giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất là phải cho chúng làm quen bước đầu. Lấy một nhóm chó con bất kì hay thậm chí cả một lứa cũng được, cho chúng vào một căn phòng có lưới thép ngăn cách. Chúng nó ở một bên, bên kia là Zack. Không cần đợi lâu mới có phản ứng. Nhóm đầu tiên chúng tôi gọi là B. Chúng bắt đầu rên ư ử và tru lên. Chúng không chịu nổi rồi. Chúng khác xa lũ A. Chúng nhìn thẳng vào mắt lũ Zack, đó là điểm mấu chốt. Chúng thủ thế, nhe nanh ra và gừ lên một tiếng trầm trầm như thể muốn nói, “Lùi lại!” Chúng biết tự chủ, và đó là nền tảng của chương trình này.
            Nhưng việc chúng kiểm soát được bản thân không có nghĩa là chúng tôi sẽ kiểm soát được chúng. Phần huấn luyện cơ bản khá giống với chương trình chuẩn hồi trước chiến tranh. Chúng có chịu nổi PT104 không? Chúng có chịu nghe lệnh không? Chúng có đủ trí thông minh và đủ tính kỉ luật để trở làm lính không? Chật vật lắm, và tỉ lệ bị đào thải là 60 phần trăm. Chuyện đám chó mới tuyển vào bị thương tật nặng nề hay thậm chí là bị giết không có gì là bất thường cả. Ngày nay nhiều người gọi đó là vô nhân tính, mặc dù với các huấn luyện viên thì họ không thông cảm như vậy. Đúng, chúng tôi cũng phải tham gia luyện tập cùng với lũ chó, ngay từ những ngày đầu khi tập Cơ bản cho đến hết mười tuần AIT.105 Tập luyện mệt kinh khủng, nhất là mấy bài Huấn luyện với Kẻ thù Sống. Anh có biết rằng chúng tôi là đơn vị đầu tiên sử dụng Zack để thực tập không? Trước cả bên bộ binh, tước cả Đặc công, thậm chí trước cả đám Zoomy ở Willow Creek. Đó là cách duy nhất để biết xem anh có trụ nổi không, cả khi làm việc cá nhân lẫn khi hợp tác cùng nhau.
            Nếu không làm thể thì sao cho chúng làm nhiều nhiệm vụ khác nhau như vậy được? Đầu tiên là Nhử mồi, loại nhiệm vụ nổi danh nhờ Trận Hope. Khá đơn giản; cộng sự của anh lùng lũ Zack rồi sau đó dụ chúng vào tầm bắn của ta. Lũ K khi làm mấy nhiệm vụ đầu thì nhanh lắm, xông vào, sủa một chút, rồi sau đó phóng thẳng về vùng tiêu diệt. Sau này chúng bắt đầu quen việc hơn. Chúng biết cách chỉ đi trước vài phân, chậm rãi lùi lại, đảm bảo chắc chắn lùa được số lượng mục tiêu tối đa. Như vậy, chính chúng mới là người nắm quyền điều phối.
            Còn có cả nhiệm vụ Nghi trang. Giả sử như anh đang thiết lập phòng tuyến nhưng không muốn Zack xuất hiện quá sớm. Đồng đội của anh sẽ đi vòng quanh khu bị chiếm đóng và khi đến được mạn bên kia thì bắt đầu sủa. Rất nhiều trận giao chiến cần sử dụng đến phương pháp này, và nhờ đó mà chúng tôi mới sử dụng được chiến thuật “Lemming.”
            Trong trận Denver, chúng tôi bắt gặp một tòa cao ốc bên trong có vài trăm người tị nạn. Họ bị kẹt bên trong đấy với mấy người mang bệnh và giờ đã thành thây ma hết. Trước khi người của ta xông vào đó, một con K nghĩ ra trò chạy lên mái tòa nhà đối diện và bắt đầu sủa dụ Zack lên tầng trên. Hiệu nghiệm ngoài sức tưởng tượng. Bọn G leo lên tận nóc nhà, nhìn thấy con mồi, lao ra bắt và thế là lộn nhào xuống đất. Sau trận Denver, Lemming được đưa luôn vào sách chiến thuật. Chiến lược này được bộ binh sử dụng ngay cả khi không có lũ K ở bên. Cảnh trên nóc nhà xuất hiện một tay lính gọi với sang tòa nhà chứa zombie ở gần đó không phải hiếm.
            Nhưng nhiệm vụ chính và thường xuyên nhất của các đội K là phải đi do thám, cả SC lẫn LRP. SC là Càn quét và Dọn dẹp106, đi kèm các đơn vị quân đội khác như trong chiến đấu bình thường. Đây mới là lúc thấy rõ được tác dụng của bài huấn luyện. Chúng không chỉ đánh hơi thấy lũ Zack cách ta cả dặm mà cách sủa của chúng còn cho ta biết chính xác mình sắp phải đương đầu với cái gì. Căn cứ vào độ cao của tiếng gầm gừ, tần suất sủa của chúng là đủ biết mọi thông tin cần thiết rồi. Trong những lần cần im lặng thì có thể nhìn ngôn ngữ cơ thể. Chỉ cần nhìn độ cong của lưng và độ dựng của lông lũ K là được. Sau khi thực hiện vài nhiệm vụ, bất cứ huấn luyện viên có trình độ nào, và ở đây chúng tôi chỉ thu nhận những người có khả năng, đều có thể hiểu được mọi tín hiệu của người đồng đội mình. Chúng đã cứu được rất nhiều người khi phát hiện ra những con thây ma chìm dưới bùn hay lũ què cụt trong đám cỏ cao. Tôi không đếm nổi đã bao lần chúng tôi được cảm ơn vì đã phát hiện ra một con G bị che khuất, không thì tí nữa nó xơi luôn cái chân.
            LRP là Tuần Tiễu Tầm Xa107, khi ấy cộng sự của anh phải đi thám thính ở xa phòng tuyến, đôi khi phải đi liên tục mấy ngày để trinh sát tình hình khu vực bị chiếm đóng. Chúng có mặc một bộ giáp đặc biệt có gắn thiết bị tải phim và máy định vị GPS, cung cấp thông tin chính xác trên thời gian thực về số lượng và vị trí của kẻ địch. Có thể đánh dấu vị trí của lũ Zack lên trên bản đồ bằng cách kết hợp những gì cộng sự của mình quay được với vị trí của nó trên hệ thống GPS. Về mặt kĩ thuật thì chắc điều ấy tuyệt vời lắm, có được tin tình báo ở thời gian thật như hồi trước chiến tranh. Bộ chỉ huy rất khoái chuyện này. Tôi thì không; Tôi lúc nào cũng rất lo cho cộng sự của mình. Những lúc như thế căng thẳng không tả nổi, mình thì được ngồi trong phòng đầy máy tính, điều hòa mát rượi — an toàn, thoải mái và hoàn toàn vô dụng. Sau này áo giáp đời mới được lắp thêm đường truyền radio để huấn luyện viên có thể truyền lệnh hoặc ít nhất là hủy bỏ nhiệm vụ. Tôi không được làm việc với những thứ như thế. Ngay từ đầu đã phải luyện tập với nó rồi. Không thể đào tạo lại một con K đã từng trải. Đâu ai dạy chó già chiêu thức mới được. Rất xin lỗi, đùa nhạt quá. Tôi rất hay phải nghe mấy tay bên tình báo đùa kiểu thế; trong khi mình đứng sau lưng thì bọn nó vừa ngồi quan sát mấy cái màn hình chết dẫm ấy, vừa tự trầm trồ ngắm “Tài sản Thu thập Dữ liệu.”108 Chúng cho thế là hay lắm. Bọn tôi cũng vui bỏ mẹ khi được đặt cho cái tên viết tắt DOA.
            [Ông lắc đầu.]
            Tôi chỉ biết đứng đó chắp tay sau đít, quan sát qua điểm nhìn của cộng sự mình trong khi nó phải trườn bò luồn lách qua rừng rú, đầm lầy, hoặc thành phố. Các khu đô thị là nơi gian khổ nhất. Đó là chuyên môn của nhóm tôi. Thị trấn Chó săn. Anh đã nghe đến cái tên ấy bao giờ chưa?
            Trường Dạy Chiến tranh Đô thị cho K-9 đúng không?
            Đúng nó rồi, thị trấn ấy có thật: nằm ở Mitchell, Oregon. Chỗ đó được niêm phong, bỏ hoang, và đầy G còn đang sống nhăn. Thị trấn Chó săn. Đáng ra nên gọi nó là Thị trấn Chó sục vì chủng ở Mitchell phần lớn là chó sục cỡ nhỏ. Giống Cairn và Norwich và JR, rất thích hợp lùng sục những chỗ đổ nát và những chỗ hẹp. Tôi thấy mình rất hợp với lũ chó ở đây. Tôi làm việc với một con dachle. Cho tới nay, chúng vẫn là những chiến binh đô thị tối thượng. Khỏe khoắn, thông minh, và thành thạo những chỗ không gian kín, nhất là mấy con cỡ nhỏ. Đây là lí do người ta tạo ra giống này; “chó săn lửng,” đó là nghĩa của từ dachshund trong tiếng Đức. Chính vì thế mà trông chúng như cái xúc xích: để chúng có thể đi săn trong những cái hang lửng nhỏ hẹp. Chắc anh cũng hiểu loại chó này rất hợp chui ống thông khí và các nơi phải trườn bò khi phải chiến đấu ở khu vực thành phố. Khả năng chui qua ống dẫn nước, ống thông khí, len lỏi giữa các bức tường hay gì đó mà không bị hoảng loạn là một kĩ năng sinh tồn rất đáng giá.
            [Đúng lúc ấy, chúng tôi bị chen ngang. Một con chó khật khưỡng đến bên Darnell. Nó già rồi. mõm trắng phau, lông tai và lông đuôi đã rụng hết, còn trơ mỗi da.]
            [Nói với con chó.] Lại đây, tiểu thư.
            [Darnell cận thận bế nó lên lòng. Nó cũng nhỏ thôi, chắc không quá ba bốn cân gì đó. Mặc dù nó trông hơi giống một con dachshund lông mượt cỡ nhỏ, lưng nó trông ngắn hơn chủng bình thường.]
            [Nói với con chó.] Mày sao rồi, Maze? Khỏe không cưng? [Nói với tôi.] Tên đầy đủ của nó là Maisey nhưng chúng tôi chẳng bao giờ gọi nó thé. “Maze” nghe hợp phết đúng không?
            [Ông một tay vuốt chân sau con chó còn tay kia gãi cổ nó. Nó giương đôi mắt trắng đục lên nhìn ông, liếm liếm bàn tay ông.]
            Giống thuần chủng bao giờ cũng bị loại thẳng. Tâm tính quá thất thường, quá nhiều vấn đề sức khỏe, đủ mọi thứ vấn đề khi sản giống chỉ vì yếu tố mỹ quan. Các giống đời sau [Ông chỉ về phía con chó trên đùi] luôn phải là lai, bất cứ thứ gì có thể giúp tăng cường thể lực và bình ổn tâm thần.
            [Con chó thiu thiu ngủ. Darnell hạ giọng xuống.]
            Chúng rất mạnh mẽ, luyện tập rất nhiều, không chỉ luyện tập cá nhân mà còn luyện tập theo nhóm để thực hiện các nhiệm vụ LRP. Thực hiện nhiệm vụ đường dài, nhất là khi phải băng qua những nơi hoang vu, bao giờ cũng rất nguy hiểm. Đây không chỉ do Zack mà còn do cả những con K khác. Còn nhớ chúng dữ dằn ra sao không? Những con thú cưng và thú hoang tụ lại thành những bầy đàn chuyên đi săn mồi. Chúng rất đáng quan ngại, nhất là khi phải di chuyển giữa những vùng ít thây ma, lúc nào cũng lùng sục tìm kiếm con mồi. Hồi đầu khi ta chưa đưa chó hộ tống vào, rất nhiều nhiệm vụ LRP đã phải bị hủy bỏ.
            [Ông ra dấu về phía con chó đang ngủ.]
            Nó có hai đứa vệ sĩ. Pongo, một con giống lai giữa Pit Bull và Rottweiler, và Perdy… thực tình tôi cũng chẳng biết Perdy là cái giống gì, nửa chó chăn cừu, nửa khủng long đuôi gai. Tôi sẽ chẳng dám cho Maze lại gần chúng nếu chưa được cùng trải qua khóa tập huấn cơ bản với huấn luyện viên của chúng. Hóa ra chúng thực sự là những vệ sĩ cừ khôi. Chúng đã xua đi các đàn chó hoang đến mười bốn lần, hai lần thực sự phải đánh nhau. Tôi chứng kiến Perdy xông vào một con tai cụp nặng chín chục cân, lấy hàm kẹp sọ nó. Qua mic theo dõi trên giáp của nó mà chúng tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng sọ nứt.
            Với tôi vấn đề khó khăn nhất là đảm bảo làm sao Maze chuyên chú vào nhiệm vụ. Nó rất máu đánh nhau. [Mỉm cười với con dachshund đang ngủ bên dưới.] Chúng làm công việc vệ sĩ rất giỏi, luôn đảm bảo đưa nó được đến nơi cần đến, chờ nó, và luôn đưa nó về an toàn. Bọn chúng thậm chí còn hạ được vài con G trên đường làm nhiệm vụ.
            Nhưng thịt lũ Z độc lắm mà?
            À vâng…không phải, không phải, không phải, chúng chẳng bao giờ cắn. Thế là chết ngay. Hồi chiến tranh mới bắt đầu đi đâu cũng thấy K chết, nằm im ở đó, không có vết thương. Nhìn thế là hiểu ngay chúng ăn phải thịt mang mầm bệnh. Đó là một trong những lí do việc tập huấn rất là quan trọng. Chúng phải biết cách tự vệ. Zack có rất nhiều lợi thế về thể hình, nhưng chúng không giữ được thăng bằng. Lũ K có thể tông vào chỗ xương vai hoặc chỗ sau lưng, đẩy chúng ngã sấp mặt. Những con cỡ nhỏ có thể ngáng giò, luồn xuống dưới chân hoặc tông vào khớp gối. Maze rất thích trò đó, quật chúng ngã ngửa!
            [Con chó cựa mình.]
            [Nói với Maze.] Ôi, xin lỗi nhé tiểu thư. [Tiếp tục gãi gáy nó.]
            [Nói với tôi.] Khi lũ Zack đứng dậy được thì anh đã câu được thêm năm hay thậm chí là mười, mười lăm giây.
            Chúng tôi cũng chịu hi sinh nhiều. Một số con K bị trượt ngã gãy xương… Nếu chúng ở gần lực lượng của ta, huấn luyện viên của chúng có thể dễ dàng đến đón, đưa chúng về nơi an toàn. Phần lớn bọn chúng còn được trở lại làm nhiệm vụ.
            Thế còn những con khác thì sao?
            Nếu chúng ở xa quá, làm nhiệm vụ Nhử mồi hay LRP… xa quá không cứu được và quá gần chỗ bọn Zack… chúng tôi có xin được cấp Kíp Nổ Nhân Đạo, những túi thuốc nổ tí hon gắn kèm vào áo giáp của chúng để có thể kích nổ nếu tình hình có vẻ vô phương cứu vãn. Chúng tôi không được đồng thuận. “Lãng phí tài nguyên.” Sư mẹ bọn nó. Giúp chấm dứt sự đau khổ cho một chiến sĩ bị thương được coi là lãng phí nhưng còn nếu biến chúng thành Chó Lựu thì được cân nhắc ngay!
            Gì cơ ạ?
            “Chó Lựu.” Đó là cái tên không chính thống của cái chương trình chỉ một chút xíu nữa thôi là được bật đèn xanh. Có thằng khốn nạn nào đã đọc được ở đâu đó rằng trong Thế Chiến Thứ Hai, Nga có sử dụng “chó mìn,” đeo thuốc nổ vào lưng chúng và huấn luyện cho chúng chạy xuống dưới gầm xe Phát xít. Lí do duy nhất khiến mấy tay Ivan ngưng chương trình này cũng chính là lí do tại sao ta không triển khai chương trình của ta: tình hình không còn tuyệt vọng đến mức ấy nữa. Anh còn phải tuyệt vọng đến cỡ nào nữa đây?
            Họ sẽ không thú nhận điều này nhưng tôi nghĩ chúng phải ngưng do sợ lại có thêm một vụ Eckhart nữa. Vụ đó khiến đám kia tỉnh hẳn người. Anh có biết về vụ đó, đúng không? Trung sĩ Eckhart, mong Chúa phù hộ cô ta. Cô ta là một huấn luyện viên cấp cao, hoạt động cùng AGN.109 Tôi chưa được gặp cô ta bao giờ. Cộng sự của cô ta đang thực hiện nhiệm vụ Nhử mồi phía ngoại ô Little Rock, rơi xuống một cái rãnh, gãy mất chân. Bọn thây ma chỉ cách đó vài bước chân. Eckhart vớ lấy khẩu súng trường, định ra ngoài đón nó về. Có một tay sĩ quan đứng ra chặn cô ta lại, lải nhải một mớ về điều lệ và đưa ra mấy cái lí do nửa mùa. Cô ta cho hắn ăn nguyên nửa băng đạn. Cảnh sát Quân sự xông ra tóm lấy cô ta, ghì cô ta xuống đất. Cô ta có thể nghe thấy tiếng lũ thây ma vây lấy cộng sự mình.
            Chuyện gì đã xảy ra?
            Họ treo cổ cô ta, xử tử công khai, thu hút sự chú ý của công luận. Tôi cũng hiểu, không, hiểu thật đấy. Kỉ luật là trên hết, đó là tất cả những gì chúng ta có. Nhưng rốt cuộc cũng có chút thay đổi. Huấn luyện viên được phép đi đón cộng sự của mình về, ngay cả nếu làm thế là họ đang đánh liều cả mạng sống của mình. Chúng tôi giờ không còn là tài sản nữa, chúng tôi là bán tài sản. Lần đầu tiên quân đội nhìn nhận chúng tôi dưới tư cách một đội thống nhất, rằng bọn chó không phải một thứ linh kiện có thể thay thế khi “hỏng.” Họ bắt đầu để ý tới số liệu những huấn luyện viên tự sát sau khi mất cộng sự của mình. Chúng tôi có tỉ lệ tự sát cao nhất trong số tất cả các quân chủng. Nhiều hơn cả Đặc Công, nhiều hơn cả Đăng Kí Mộ, thậm chí còn nhiều hơn cả mấy tay bệnh hoạn ở China Lake.110 Tại Thị trấn Chó săn, tôi có gặp huấn luyện viên từ mười ba nước khác nhau. Ai cũng nói vậy. Việc anh đến từ đâu, văn hóa hay tiểu sử anh là gì không quan trọng, tình cảm của anh sẽ luôn là vậy. Ai lại có thể trải qua mất mát lớn lao như thế mà vẫn tỉnh bơ được? Những ai như thế ngay từ đầu đã không thể trở thành huấn luyện viên rồi. Đó chính là điều khiến chúng tôi trở nên độc đáo, khả năng gắn kết với một thứ còn không thuộc cùng giống loài. Thứ khiến nhiều người trong số đám bạn của tôi quay súng tự sát cũng chính là thứ khiến chúng tôi trở thành đơn vị thành công nhất trong toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ.
            Vào một ngày nọ, trên một đoạn đường bỏ hoang ở Colorado Rockies, quân đội đã nhận ra tôi mang trong người những phẩm chất như thế. Tôi đã phải cuốc bộ kể từ khi trốn ra khỏi căn hộ của mình ở Atlanta, suốt ba tháng liền chỉ bỏ chạy, lẩn trốn, lục lọi đồ ăn. Tôi bị còi xương, sốt, sụt xuống chỉ còn hơn bốn ba cân. Tôi bắt gặp hai gã ở dưới một gốc cây. Chúng đang châm lửa. Đằng sau chúng là một con chó. Chăn cẳng và mỏm nó bị chúng lấy dây giày trói gô lại. Máu khô đọng thành vết trên mặt nó. Nó nằm đó, mắt đờ đẫn, rên rỉ phều phào.
            Chuyện gì đã xảy ra?
            Thực tình thì tôi không nhớ. Chắc tôi lấy gậy ra đập một thằng. Người ta phát hiện thấy cây gậy gãy vụn trên vai hắn. Lúc họ phát hiện ra tôi thì tôi đang đè ngửa thằng còn lại ra, nện liên tục vào mặt hắn. Bốn ba cân, chết đói đến nơi rồi, ấy vậy mà tôi vẫn nện cho thằng kia một trận nhừ tử. Mấy anh Vệ binh phải lôi tôi ra, còng tôi vào một cái xe, cho tôi mấy phát bạt tai thì tôi mới hoàn hồn. Đến đấy thì tôi nhớ. Một trong những thằng bị tôi tấn công đang ôm lấy tay, thằng kia thì nằm đó, máu chảy ròng ròng. “Bình tĩnh xem nào,” viên trung úy nói, tìm cách tra vấn tôi, “Mày sao thế hả? Sao lại làm thế với bạn bè mày?” “Hắn không phải bạn tôi!” thằng tay gãy la lên, “Hắn điên mẹ nó rồi!” Còn tôi thì cứ liên tục lảm nhảm “Đừng hại con chó! Đừng hại con chó!” Tôi nhớ mấy anh Vệ binh cười vang. “Lạy Chúa,” một người nói trong khi nhìn xuống hai thằng kia. Viên trung úy gật đầu, rồi sau đó nhìn lại về phía tôi. “Anh kia,” ông ta nói, “tôi nghĩ chúng tôi sẽ có việc cho anh đấy.” Tôi đã được tuyển vào như thế đó. Đôi khi anh tìm được con đường của riêng mình, đôi khi nó tìm thấy anh.
            [Darnell vỗ về Maze. Nó mở một mắt ra, vẫy vẫy cái đuôi chỉ còn mỗi da.]
            Con chó ấy kết cục ra sao?
            Ước gì tôi có thể kể cho anh một câu chuyện với kết thúc kiểu Disney, chẳng hạn như nó trở thành cộng sự của tôi và cứu được cả một trại trẻ mồ côi khỏi hỏa hoạn hay gì đó. Chúng đã lấy đá đập vào đầu để nó bất tỉnh. Các chất dịch đã tụ lại trong khoang tai của nó. Nó điếc hẳn một tai và mất một nửa khả năng nghe ở tai kia. Nhưng mũi nó vẫn còn hoạt động được và diệt chuột khá tốt sau khi tôi tìm được nhà cho nó. Nó săn được đủ chuột cho gia đình ấy ăn suốt mùa đông. Chắc đấy cũng là một dạng kết thúc của Disney, Disney với thịt chuột Mickey hầm. [Cười nhẹ.] Anh muốn nghe điều gì kì quái không? Hồi trước tôi ghét chó lắm.
            Thật ư?
            Rất khinh bỉ chúng; toàn mấy bọn đầy vi trùng, bẩn thỉu, hôi hám, dãi nhớt nhỏ lung tung, suốt ngày quấn chân người ta và làm cái thảm khai nồng nặc. Trời đất, tôi ghét chúng lắm. Tôi là cái thể loại khi đến nhà anh sẽ không thèm vuốt ve bọn chó. Tôi là cái loại khi ở chỗ làm sẽ trêu chọc những người để ảnh chó trên bàn. Anh có biết cái loại suốt ngày dọa sẽ gọi ban Kiểm soát Động vật đến khi con chó nhà anh sủa vào ban đêm không?
            [Chỉ về phía mình.]
            Cách chỗ tôi sống một nhà là một cửa hàng thú cưng. Hồi trước trên đường đi làm ngày nào tôi cũng băng qua chỗ ấy, không hiểu có tay ủy mị, ngu dốt nào lại đi bỏ ra từng ấy tiền để mua về một con chuột đồng biết sủa to quá khổ. Trong Cuộc Đại Loạn, đám thây ma bắt đầu bu quanh cái cửa hàng ấy. Tôi chẳng biết chủ nhân nó đâu. Ông ta đã đống hết các cổng nhưng bỏ lại lũ thú vật bên trong. Tôi có thể nghe thấy tiếng chúng qua cửa sổ phòng ngủ nhà mình. Suốt ngày, suốt đêm. Anh biết đấy, chúng chỉ là lũ chó con, được có vài tuần tuổi. Chúng như những đứa bé đang khiếp đảm kêu khóc mong mẹ mình hoặc bất cứ ai đến cứu.
            Tôi nghe thấy chúng chết dần chết mòn, từng con một khi nước uống trở nên cạn kiệt. Lũ thây ma không lọt được vào trong. Chúng vẫn còn tụ ở ngoài cổng khi tôi bỏ trốn, phóng ngang qua chỗ đó mà không dám dừng lại nhìn. Tôi còn biết làm gì đây? Tôi không có vũ khí, không được đào tạo gì hết. Tôi không thể chăm lo cho chúng. Tôi còn gần như không thể tự chăm lo lấy bản thân. Tôi biết làm gì đây?… Một cái gì đó.
            [Maze thở hắt ra trong mơ. Darnell nhẹ nhàng vuốt ve nó.]
            Đáng ra tôi đã có thể làm gì đó.
            SIBERIA, THÁNH QUỐC NGA
            [Người dân trong khu ổ chuột này phải sống trong điều kiện hết sức nguyên thủy. Không điện, không nước. Các túp lều được túm tụm lại với nhau đằng sau một bức tường đẽo ra từ mấy cái cây bao quanh. Gian lều nhỏ nhất là của Cha Sergei Ryzhkov. Việc vị giáo sĩ già này vẫn còn sống được đến nay là cả một điều kì diệu. Dáng đi đứng của ông làm lộ vô số những vết thương lãnh phải trong và sau cuộc chiến. Cái bắt tay của ông cho thấy tất cả các ngón tay của ông đều đã bị bẻ gãy. Khi cố gượng cười, ông để lộ ra rằng tất cả những cái răng nếu không sâu đen xì thì cũng đã bị bẻ đi từ lâu rồi.]
            Muốn hiểu được quá trình trở thành một “thánh quốc” của chúng tôi và quốc gia ấy tại sa lại khởi nguồn từ một gã như tôi, ông cần phải hiểu được bản chất cuộc chiến chống lũ thây ma của tôi.
            Cũng như rất nhiều cuộc xung đột khác, đồng minh mạnh mẽ nhất của chúng tôi là Tướng quân Mùa đông. Cái lạnh tê tái ấy được bầu trời tối sầm sì của hành tinh kéo dãn ra thêm và làm càng làm cho khắc nghiệt hơn. Chính nó đã cho chúng tôi thời gian cần thiết để chuẩn bị giải phóng đất nước. Không như bên Mỹ, chúng tôi phải chiến đấu trên hai mặt trận. Chúng tôi có rào chắn Ural ở phía Tây, và đàn thây ma Châu Á ở phía Đông Nam. Siberia cuối cùng cũng đã được bình ổn nhưng chưa được an toàn hẳn. Chúng tôi có rất nhiều người tị nạn đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, rất nhiều con zombie bị đông cứng giờ đã tan băng, và cứ thế lặp lại mỗi đợt xuân về. Chúng tôi cần những ngày đông tháng giá ấy để tái tổ chức lực lượng, ổn định dân cư, kiểm kê và phân phối số lượng vũ khí khổng lồ của chúng tôi.
            Chúng tôi không có bộ máy sản xuất phục vụ chiến tranh như ở các nước khác. Ở Nga không tồn tại một Bộ Tài nguyên Chiến lược: không có ngành công nghiệp nào ngoài chuyện kiếm đủ thức ăn để cho dân chúng không chết đói. Thứ duy nhất chúng tôi có là di sản để lại của một quốc gia công nghiệp quân sự. Tôi biết người phương Tây các anh vẫn cười nhạo sự “ngu xuẩn” này của chúng tôi. “Bọn Ivan hoang tưởng” — các anh gọi chúng tôi như vậy — “đi chế xe tăng, súng ống trong khi nhân dân cần xe hơi, bơ sữa.” Vâng, Liên minh Xô-viết làm việc rất ngược đời và không hiệu quả và vâng, nó cũng đã làm phá sản nền kinh tế của chúng tôi khi sản xuất hàng núi vũ khí quân sự, nhưng khi Mẹ Tổ quốc cần đến chúng, chúng những núi vũ khí ấy đã cứu sống đám con của bà.
            [Ông chỉ về phía tấm áp phích đã mờ treo trên bức tường phái sau lưng. Trên đó là hình ảnh mờ mờ của một người lính Xô-viết già từ trên thiên đường chìa tay xuống tặng lại cho một thanh niên Nga với nét mặt đầy hàm ơn khẩu tiểu liên cũ. Bên dưới đó là dòng chữ “Dyedooshka, Spaciba” (Xin cảm ơn các bậc ông cha).]
            Tôi là giáo sĩ thuộc đơn vị Súng trường Cơ giới Ba hai. Chúng tôi là đơn vị Hạng D; trang thiết bị hạng tư, loại cũ nhất trong kho vũ khí của chúng tôi. Với những khẩu tiểu liên PPSH và súng trường phát một Mosin-Nagant, chúng tôi trông như thể mấy tay diễn viên phụ trong mấy bộ phim cũ về cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại vậy. Chúng tôi không có mấy bộ quân phục mới xa hoa như các anh. Chúng tôi phải mặc áo chẽn thời ông cha để lại: lớp len của chúng thô ráp, mốc meo, bị nhậy cắn, thậm chí còn không đủ để giữ ấm chứ đừng nói là chống cắn.
            Tỉ lệ thương vong của chúng tôi rất cao, phần lớn là khi chiến đấu trong các khu vực thành thị, và hầu hết là do đạn dược có vấn đề. Mấy viên đạn ấy thậm chí còn già đời hơn chúng tôi; Một số viên đã nằm trong thùng từ trước khi Stalin trút hơi thở cuối cùng, liên tục bị thiên nhiên tàn phá. Chẳng thể biết được khi nào sẽ bị “Cugov,” tức vũ khí kêu đánh “kích” một phát khi con zombie đang sắp đè ngửa mình ra rồi. Chuyện này xảy ra rất thường xuyên đối với đơn vị Súng trường Cơ giới Ba hai.
            Chúng tôi không được qui củ và có tổ chức như quân đội các anh. Chúng tôi không áp dụng chiến thuật Khung vuông Raj-Singh chặt chẽ hay chủ trương chiến đấu tiết kiệm “một phát chết một” của các anh. Các trận đánh của chúng tôi rất luộm thuộm và tàn khốc. Chúng tôi rải đạn súng máy hạng nặng DShK lên kẻ thù, lấy súng phun lửa và tên lửa Katyusha ra nhấn chìm chúng và rồi đè bẹp bánh những chiếc xe tăng T-34 cổ lỗ. Làm vậy thật là thiếu hiệu quả, lãng phí và dẫn đến quá nhiều thương vong không đáng có.
            Ufa là trận đánh tiến công lớn đầu tiên của chúng tôi. Nó là lí do tại sao kể từ ấy chúng tôi thôi không vào các khu vực thành thị nữa và bắt đầu xây tường ngăn cách chúng ra khi mùa đông đến. Trong mấy tháng đầu đó chúng tôi đã học được rất nhiều bài học, xông thẳng vào trong đống đổ nát sau khi nã đạn pháo hàng giờ liền, chiến đấu chiếm lại từng khu nhà một, từng căn nhà một, từng gian phòng một. Bao giờ cũng có quá nhiều zombie, quá nhiều viên đạn lạc, và quá nhiều thanh niên bị cắn.
            Chúng tôi không có những viên thuốc L111 như trong quân đội các anh. Cách duy nhất để giải quyết những người mang bệnh là tặng họ một viên đạn. Nhưng ai sẽ bóp cò đây? Những người lính khác dứt khoát sẽ không thực hiện. Giết đồng đội mình, ngay cả để ban cho người nhiễm bệnh cái chết nhân từ, vẫn quá giống cuộc thanh trừng. Đó chính là điều trớ trêu. Các cuộc thanh trừng đã mang lại cho lực lượng vũ trang của ta sức mạnh và tính kỉ luật để có thể sẵn lòng làm mọi thứ được sai, mọi thứ ngoại trừ chuyện này. Nếu yêu cầu hay kể cả là ra lệnh cho lính tráng giết lẫn nhau thì sẽ đều đi quá đà và có thể gây ra một cuộc nổi loạn nữa.
            Có một giai đoạn trách nhiệm đó thuộc về những người lãnh đạo, các sĩ quan và các thượng sĩ. Đây thật là một quyết định tai hại. Phải nhìn vào mặt họ, vào mặt những chàng trai đáng ra anh phải chăm lo, những chàng trai đã sát cánh bên anh chiến đấu, cùng chia nhau chiếc chăn với mẩu bánh mì, cứu mạng lẫn nhau... Liệu còn ai có thể tập trung vào cái trọng trách nặng nề của người chỉ huy sau khi thực hiện một hành động như vậy?
            Chúng tôi bắt đầu nhận thấy các sĩ quan chỉ huy thực địa trở nên tha hóa rõ rệt. Lơ là bổn phận, rượu chè, tự sát — tự sát gần như trở thành đại dịch trong lực lượng sĩ quan của chúng tôi. Đơn vị của tôi mất đi bốn vị chỉ huy giàu kinh nghiệm, ba thiếu úy và một thiếu tá, tất cả chỉ nội trong tuần đầu triển khai của chiến dịch đầu tiên. Trong số mấy ông thiếu úy, hai ông lấy súng tự xử, một người thì ngay sau khi thực hiện chuyện kia, người còn lại thì vào tối hôm đó. Vị trung đội trưởng thứ ba chọn giải pháp bị động hơn mà chúng tôi gọi là “tự sát trong chiến đấu.” Ông ta xung phong thực hiện những nhiệm vụ ngày càng nguy hiểm, hành động như một tên tân binh liều lĩnh chứ không phải một thủ lĩnh dầy trách nhiệm. Ông hi sinh khi đang tìm cách chống lại cả tá thây ma với chỉ một cái lưỡi lê.
            Thiếu tá Kovpak thì lặn mất tăm. Không ai biết khi nào. Chúng tôi biết chắc chắn ông ta không thể bị bắt đi được. Toàn bộ khu vực ấy đã được càn quét rất kĩ lưỡng và không một ai, hoàn toàn không một ai dời trại mà không có người đi kèm. Chúng tôi đều phỏng đoán được chuyện gì đã xảy ra. Đại tá Savichev đưa ra tuyên bố chính thức rằng viên thiếu tá được cử đi thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm xa và không bao giờ trở lại. Ông ta thậm chí còn tiến cử ông ta Huân chương Rodina hạng nhất. Anh không thể ngăn được tin đồn, và không gì có thể khiến tinh thần binh sĩ xuống thấp hơn việc biết rằng sĩ quan chỉ huy mình đã có người đào ngũ. Tôi không thể trách gì ông ta, đến giờ vẫn không thể. Kovpak là một người tốt, một thủ lĩnh mạnh mẽ. Trước khi khủng hoảng xảy ra ông ta đã ba lần đi đến Chechnya công tác và một lần đến Dagestan. Khi bọn xác chết bắt đầu sống lại, ông ta không chỉ đã ngăn không cho đại đội mình nổi loạn mà còn dẫn đầu tất cả bọn họ hành quân bộ, mang cả quân nhu lẫn những người bị thương từ Curta trên dãy núi Salib về đến Manaskent trên biển Caspi. Sáu mươi lăm ngày, ba mươi bảy trận đánh lớn. Ba mươi bảy! Đáng ra ông ta đã có thể trở thành một hướng dẫn viên — ông ta quá xứng đáng — và đã được bên STAVKA mời sang bởi kinh nghiệm chiến đấu dày dặn. Nhưng không, ông tình nguyện được điều về chiến trường ngay lập tức. Và giờ ông ta là kẻ đào ngũ. Họ gọi đây là “Cuộc Thanh Trừng Thứ Hai” bởi hồi đó gần như cứ mười sĩ quan thì lại có một người tự sát, cuộc thanh trừng đó tí nữa thì đập tan mọi hi vọng tiến hành chiến tranh của ta.
            Vậy nên lựa chọn logic duy nhất còn lại đó là để họ tự làm việc đó. Tôi vẫn có thể nhớ được mặt mũi họ, bẩn thỉu, lấm tấm mụn, đôi mắt đỏ ngầu của họ mở rộng ra khi họ ngậm khẩu súng vào mồm. Còn biết làm gì nữa đây? Không lâu sau họ bắt đầu tự sát theo nhóm, tất cả những ai bị cắn trong khi chiến đấu đều tụ tập lại ở bệnh viện, cùng nhau bóp cò. Chắc vậy họ thấy thoải mái hơn khi biết mình không phải chết một mình. Đó là niềm an ủi duy nhất của họ. Niềm an ủi chắc chắn tôi không thể ban cho họ được.
            Tôi là một người truyền đạo ở một quốc gia đa mất đức tin từ lâu. Hàng chục năm dưới chế độ cộng sản và sau đó là nền dân chủ vật chất đã khiến thế hệ Nga ấy không biết đến hoặc không cần đến “thứ thuốc phiện của nhân dân.” Là một cha xứ, nhiệm vụ của tôi chủ yếu là thu thập những bức thư gửi gia đình của nhũng chàng trai bị kết án tử và phân chia bất cứ chai vodka nào tôi tìm thấy được. Sự tồn tại của tôi gần như là vô dụng. Tôi biết điều đó, và căn cứ vào xu hướng phát triển của quốc gia này, tôi không tin là điều ấy sẽ thay đổi.
            Chuyện xảy ra ngay sau trận Kostroma, chỉ vài tuần trước khi phát động cuộc tấn công chính thức vào Moscow. Tôi phải đến bệnh viện để cho những người bị nhiễm bệnh được hưởng quyền lợi cuối cùng của mình. Họ đã bị cách li, một số bị cào xé rất nghiêm trọng, số còn lại vẫn còn khỏe mạnh, tỉnh táo. Người đầu tiên cùng lắm chỉ mười bảy. Thằng bé không bị cắn, được thế có khi còn đỡ. Một con zombie bị bánh xích khẩu súng tự động SU-152 cuốn đứt cẳng tay. Nó chỉ còn lại thịt treo lủng lẳng và xương tay gãy, cạnh lởm chởm, sắc như dao. Nếu đó chỉ là cánh tay thì nó chỉ tóm được thằng bé thôi. Đằng này nó lại đâm xuyên qua lớp áo chẽn của cậu ta. Thằng bé nằm trên chiếu, bụng chảy máu ròng ròng, mặt xám ngoét, khẩu súng trường run rẩy trong tay. Cạnh nó là một hàng gồm năm người lính nhiễm bệnh khác. Tôi nói mình sẽ cầu nguyện cho linh hồn bọn họ. Tất cả đều nhún vai hoạc lịch sự gật đầu. Tôi thu thập các bức thư của họ như thường lệ, cho họ chút nước, thậm chí còn chia cho họ mấy điếu thuốc lá, quà của sĩ quan chỉ huy. Mặc dù tôi đã làm chuyện này nhiều lần rồi, không hiểu sao tôi thấy rất khác. Người tôi không hiểu sau cứ nhộn nhạo, một cảm giác căng thẳng, ngứa ngáy len lỏi qua tim và phổi. Tôi cảm thấy người run bần bật khi những người lính đặt nòng súng xuống dưới cằm. “Đếm đến ba,” người lớn tuổi nhất nói. “Một… hai…” Họ chỉ đếm được đến đấy. Thằng bé mười bảy tuổi bật ngược lại và ngã xuống sàn. Những người khác đực mặt ra nhìn vào lỗ đạn trên trán nó, rồi nhìn vào khẩu súng vẫn còn bốc khói trong tay tôi, trong tay Chúa.
            Chúa đã nói với tôi, tôi có thể cảm nhận được lời lẽ của Ngài vang lên trong đầu. “Không được phép phạm tội nữa,” Ngài nói với tôi, “không được tống một linh hồn nào xuống địa ngục nữa.” Rất rõ ràng, rất đơn giản. Để cho sĩ quan giết lính tráng đã khiến chúng tôi mất đi quá nhiều chỉ huy tốt, và để lính tráng tự giết mình đã khiến Chúa trời mất đi quá nhiều sinh linh tốt. tự sát là một tội ác, và chúng tôi, những đầy tớ của ngài — những người được chọn để trở thành người chăn dắt trên cõi thế — là những kẻ duy nhất phải gánh vác trách nhiệm giải thoát những linh hồn đang mắc kẹt trong các cơ thể mang bệnh kia! Tôi đã nói vậy với chỉ huy đơn vị sau khi ông ta phát hiện ra việc tôi làm. Đó cũng chính là thông điệp mọi giáo sĩ trên chiến trường nhận được, và rồi đến cả những vị cha xứ thường dân trên khắp Mẫu Quốc Nga.
            Sau này người ta gọi đây là hành động “Tẩy uế Cuối cùng.” Đó là bước đầu trong một phong trào tôn giáo thậm chí còn vượt qua cả cuộc nổi dậy của người Iran hồi những năm 1980. Chúa hiểu rằng đám con của người từ lâu đã không được người yêu thương. Chúng cần được chỉ dẫn, cần lòng dũng cảm, cần hi vọng! Anh có thế nói đây chính là lí do sau cuộc chiến chúng tôi trở thành một quốc gia tôn giáo và vẫn tiếp tục xây dựng lại đất nước dựa trên nền tảng đức tin ấy.
            Có thật là triết lí ấy đã bị làm lệch lạc đi để phục vụ các mục đích chính trị không?
            [Im lặng.] Tôi không hiểu.
            Tổng thống đã tự phong mình là thủ lĩnh các Nhà thờ…
            Chẳng lẽ một nguyên thủ quốc gia không được phép cảm nhận tình yêu của Chúa sao?
            Thế còn việc tổ chức các cha xứ thành những “biệt đội thần chết,” và rồi ám sát người khác dưới danh nghĩa “tẩy uể những người mắc bệnh”?
            [Im lặng.] Tôi không biết anh đang nói gì.
            Chẳng phải đó là lí do mà ông không giữ được quan hệ với Moscow nữa sao? Chẳng phải đó là lí do ông ở đây sao?
            [Thêm một khoảng lặng dài. Chúng tôi nghe có tiếng chân tới gần. Có ai đó gõ cửa. Cha Sergei mở ra và thấy một đứa bé ăn mặc rách rưới. Gương mặt tái nhợt, hoảng sợ của nó lấm lem bùn đất. Nó nói với giọng địa phương nghe rất hốt hoảng, vừa la vừa chỉ lên phía đầu đường. Vị linh mục già trịnh trọng gật đầu, vỗ vai thằng bé và quay sang phía tôi.]
            Rất cảm ơn anh đã đến thăm. Giờ tôi xin phép nhé?
            [Trong lúc tôi đứng lên ra về, ông mở cái rương gỗ lớn phái chân giường ra, lấy ra quyển kinh thánh và một khẩu súng lục thời Thế Chiến Thứ Hai.]
            TRÊN BOONG TÀU USS HOLO KAI, NGOÀI BỜ BIỀN QUẦN ĐẢO HAWAII
            [Deep Glider 7 trông giống một cái máy bay hai thân hơn là một con tàu ngầm cỡ nhỏ. Tôi nằm sấp mặt chỗ mạn phải tàu, nhìn qua một cái khoang buồng lái bằng kính dày, trong suốt. Lái tàu của tôi, Thượng sĩ Hải quân Michael Choi, vẫy tôi từ phía mạn tàu bên trái. Choi là một trong những “lão làng,” nhiều khả năng là tay lặn cừ khôi nhất trong Quân đoàn Chiến đấu Dưới sâu (DSCC112) của hải quân Mỹ. Phần tóc mai đã bạc và những vết chân chim trên mặt ông tương phản hoàn toàn với sự nhiệt tình đầy sức trẻ vị thượng sĩ này. Khi tàu mẹ hạ chúng tôi xuống khu biến Thái Bình Dương thất thường, tôi phát hiện ra trong cách nói của Choi có hơi đớt giọng “dân ván lướt.”]
            Cuộc chiến của tôi không có hồi kết. Thậm chí còn có thể nói là nó đang ngày một leo thang. Tháng nào chúng tôi cũng phải mở rộng qui mô chiến dịch và nâng cấp tài nguyên cũng như nhân lực. Người ta nói rằng vẫn còn tầm từ hai mười đến ba mươi triệu con thỉnh thoảng vẫn bị sóng đánh dạt lên bờ hoặc kẹt vào lưới bắt cá của ngư dân. Không thể nào làm việc trên một giàn khoan dầu ngoài biển hay sửa cáp xuyên đại dương mà không gặp phải một đàn. Đây là mục đích của chuyến đi lặn này: tìm chúng, theo dõi chúng, và dự đoán hướng di chuyển của chúng để có thể đưa ra cảnh báo sớm.
            [Chúng tôi chạm mặt nước nghe đánh tõm một cái. Choi mỉm cười, kiểm tra dụng cụ, và chỉnh kênh điện đàm từ băng tần của tôi sang của tàu mẹ. Phần nước phía trước vòm quan sát của tôi thoáng sủi bọt trắng, sau đó chuyển sang xanh nhạt khi chúng tôi lặn xuống.]
            Đừng có mà hỏi về đồ lặn hay áo chống cá mập làm bằng titan nhé bởi vì cuộc chiến của tôi không cần ba cái thứ đó. Súng phóng lao và đạn dưới nước và lưới bắt zombie ở sông… tôi không cấp cho anh mấy cái đó được. Nếu anh muốn đồ dân sự thì hãy đi nói chuyện với đám thường dân.
            Nhưng quân đội cũng có sử dụng những phương pháp kia mà.
            Chỉ trong chiến dịch trên sông thôi, và gần như chỉ có quân đội thực hiện. Trước giờ tôi chưa từng mặc đồ lặn hay áo bảo hộ kiểu đó… ờ thì… ít nhất là không phải khi chiến đấu. Cuộc chiến của tôi chỉ cần đến ADS113. Đồ Lặn Khí Quyển. Nó như kiểu một bộ đồ du hành vũ trụ lai với áo giáp. Công nghệ này đã có được vài trăm năm, kể từ khi có thằng cha114 phát minh ra một cái thùng với kính che mặt và lỗ chui tay. Sau đó ta có những thứ như Tritonia và Neufeldt-Kuhnke. Chúng trông như đồ trong phim viễn tưởng thời những năm 1950 vậy, “Người máy Robby” hay đại loại thế. Nó trở nên lỗi mốt khi… anh có muốn nghe không?
            Có chứ, xin ông cứ tiếp tục…
            Ừ thì, cái thứ công nghệ ấy trở nên lỗi mốt khi người ta phát minh ra đồ lặn. Nó chỉ quay trở lại khi thợ lặn cần phải xuống sâu, rất sâu, để xây dựng các giàn khoan dầu ngoài biển. Anh biết đấy… xuống càng sâu áp suất càng lớn; áp suất càng lớn thì càng nguy hiểm khi mặc đồ lặn hay những thứ dùng khí thở tương tự. Anh sẽ phải ngồi trong buồng giảm áp vài ngày và đôi khi là vài tuần liền. Nếu vì một lí do gì đó anh phải lao lên mặt nước… anh sẽ bị giếng chìm, khí ga ở trong máu, ở trong não… và đấy là còn chưa nói đến những ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe như hoại tử xương do đem truyền vào trong cơ thể những thứ tự nhiên không cho phép.
            [Ông dừng lại để kiểm tra dụng cụ.]
            Cách an toàn nhất để lặn, để xuống được sâu hơn, ở lại được lâu hơn đó là cho cơ thể được bao bọc trong một lớp áp lực như trên mặt đất.
            [Ông ra dấu về phía bộ đồ chúng tôi đang mang trên người.]
            Cũng như chúng ta bây giờ — an toàn, được bảo vệ, cơ thể của ta về cơ bản vẫn còn ở trên mặt đất. Đó là công dụng của ADS, độ sâu và thời gian lặn của nó chỉ bị giới hạn bởi lớp giáp và lượng không khí.
            Vậy nó giống như một cái tàu ngầm cá nhân?
            “Tàu lặn.” tàu ngầm có thể ở dưới nước suốt mấy năm liền, tự tạo ra điện, ra không khi. Tàu lặn chỉ bơi dưới nước được trong một quảng thời gian ngắn, giống như tầu ngầm thời Thế Chiến thứ Hai hoặc cái thứ mà ta đang mặc tên người đây.
            [Nước bắt đầu tối dần, chuyển sang màu mực tím.]
            ADS về bản chất là một bộ giáp nên rất lí tưởng cho việc chiến đấu dưới đại dương. Tôi không muốn chê bai gì mấy bộ giáp hạng nhẹ, áo chống cá mập hay các bộ đồ lặn khác. Chúng có độ linh hoạt, tính cơ động và tốc độ cao hơn gấp mười lần nhưng chỉ được ở chỗ nước nông thôi, và nếu mà anh bị mấy thằng khốn nạn kia chúng nó tóm thì… Tôi đã từng bắt gặp thợ lặn bị gãy tay, gãy xương sườn, ba người bị gãy cổ. Chết chìm… nếu ống dẫn khí bị thủng hay bộ điều áp bị rứt ra khỏi miệng. Ngay cả nếu đội mũ bảo hộ hay mặc đồ nhái có giáp bên dưới thì chúng cũng chỉ cần ghì anh xuống, đợi khi anh hết không khí. Tôi đã chứng kiến nhiều người bị như thế, hoặc tìm cách bơi lên bề mặt và để chứng tắc mạch hoàn thành nốt công việc của lũ Zack.
            Thợ lặn có hay bị thế không?
            Đôi lúc, nhất là hồi mới đầu, nhưng chuyện đó không bao giờ xảy ra với chúng tôi. Chúng tôi không sợ bị nguy hiểm về thân thể. Cả người lẫn hệ thống trợ khí đều được bọc trong hợp kim nhung hay vỏ tổng hợp chịu bền. Hầu hết các khớp nối của tất cả các mẫu đều làm từ thép hoặc titan. Cho dù Zack có vặn tay kiểu gì, ngay cả nếu chúng có tóm chắc được, khá khó bởi mọi thứ rất nhẵn và tròn, bẻ gãy được tay chân chúng tôi vẫn là điều không thể. Nếu cần phải trồi lên thì chỉ cần vứt bỏ cục dằn hoặc máy đẩy nếu có… bộ đồ nào cũng đều nổi được. Chúng nổi lên như cái núi chai vậy. Nó chỉ nguy hiểm mỗi chuyện là bọn Zack có thể bấu lấy anh trong lúc anh nổi lên. Có mấy lần bạn tôi trồi lên cùng với mấy ông khách quá giang, sống chết bám lấy…hoặc là chỉ liều chết bám lấy thôi. [Cười.]
            Gần như không ai phải nổi lên trong chiến đấu. Hầu hết các mẫu ADS đều có hệ thống duy trì sự sống khẩn cấp trong vòng bốn mươi tám tiếng. Cho dù có bị bao nhiêu con G đánh hội đồng, cho dù nếu nguyên một tảng đất đá gì đó rơi ụp xuống người hay chân mắc phải cáp ngầm, anh vẫn có thể ngồi yên ổn, thoái mái ở đấy đợi viện binh. Không ai lại đi lặn một mình, và tôi nghĩ lần lâu nhất một thợ lặn ADS phải đợi là sáu tiếng. Có mấy lần, nhiều hơn số đầu ngón tay, có người bị tóm, báo lại tình hình rồi nói rằng tình hình không có gì nguy hiểm cả và cả đội chỉ càn đến hỗ trợ sau khi hoàn tất nhiệm vụ.
            Ông nói là các mẫu ADS. Có nhiều hơn một loại sao?
            Chúng tôi có cả đống: dân sự, quân sự, cũ, mới… ừ thì… tương đối mới. Hồi chiến tranh không chế ra mẫu nào cả nên chúng tôi phải làm việc với những gì có sẵn. Mấy mẫu đời cũ có cái còn có từ hồi những năm bảy mươi, bộ JIM và SAM. Rất mừng là tôi chưa phải mặc mấy bộ đó bao giờ. Chúng chỉ có khớp đăng và khe miệng thay vì mũ chụp, ít nhất mấy mẫu JIM cũ là như thế. Tôi có biết một tay thuộc Lực lượng Tàu Đặc nhiệm Anh. Hắn có mấy cái khối tụ máu trông rất tởm dọc đùi trong, chỗ da bị khớp chân của bộ JIM kẹp. Đám SBS đấy là những thợ lặn rất lành nghề, nhưng tôi không dám đổi vị trí với họ đâu.
            Hải quân Mỹ có ba mẫu cơ bản: bộ Hardsuit 1200, 2000, và bộ Exosuit Mark 1. Cục cưng của tôi đó, bộ exo. Cái thứ này chẳng khác nào khoa học viễn tưởng, nó trông như thể được làm ra để chiến đấu chống lũ mối khổng lồ ngoài hành tinh. Nó nhỏ gọn hơn hai bộ Hardsuit kia và đủ nhẹ để nếu cần có thể bơi. Đây là một ưu điểm vượt trội so với bộ Hardsuit, đúng hơn là so với tất cả các mẫu ADS khác. Có thể hoạt động phía bên trên kẻ thù mà không cần máy kéo hay bộ đẩy, thế là quá đủ để bù cho việc anh không thể gãi chỗ ngứa được. Mấy bộ Hardsuit đủ to để anh có thể rụt tay vào trong và điều hành các trang thiết bị phụ.
            Trang thiết bị nào vậy?
            Đèn pin, máy quay, hệ thống máy dò siêu âm. Hardsuit là đồ chính hãng, exo là hàng chợ. Anh không cần để ý đến các thứ thông tin hiển thị hay máy móc linh tinh gì cả. Anh không dễ bị sao nhãng hay phải làm nhiều việc cùng một lúc như khi mặc bộ Hardsuit. Bộ exo gọn nhè và đơn giản, cho phép anh tập trung sử dụng vũ khí hoặc để ý phần không gian phía trước.
            Các ông sử dụng những loại vũ khí gì?
            Mới đầu chúng tôi dùng M-9, một phiên bản sao chép rẻ tiền của thiết bị APS của Nga, được chỉnh sửa lại một chút. Tôi nói là “được chỉnh sửa” bởi vì không thết bị ADS nào có bộ phận tay. Anh có bộ vuốt bốn ngạnh hoặc tay càng cua công nghiệp đơn giản. Cả hai đều có công dụng làm vũ khí cận chiến — tóm lấy đầu một con G và siết vào — nhưng chúng khiến bọn tôi không thể dùng súng được. mấy chiếc M-9 được gắn vào cườm tay và có thể dùng điện phóng ra. Nó có laze chỉ đường để tăng độ chính xác và vỏ đạn chứa khí bắn ra mấy cái que sắt dài hơn một phân. Vấn đề lớn nahats đó là chúng được thiết kế cho các chiến dịch chỗ nước cạn. Ở độ sâu chúng tôi cần, chúng bị ép bẹp dúm lại như vỏ trứng vậy. Được khoảng một năm thì chúng tôi có mẫu hiệu quả hơn, loại M-11, phát minh ra bởi cùng cái tay đã sáng chế cả Hardsuit lẫn exo. Tôi hi vọng cái tay Canuck điên đó được chết ngập trong huy chương vì những gì hắn đã làm cho chúng tôi. Chết nỗi là DeStRes thấy chi phí sản xuất của nó quá cao. Họ cứ nói với bọn tôi rằng cái mớ vuốt với mấy thứ công cụ xây dựng có sẵn là đủ để cân lũ Zack rồi.
            Sao họ lại thay đổi ý định?
            Troll. Chúng tôi đang ở khu vực Bắc Hải sửa bệ khí tự nhiên của Na Uy thì đột nhiên chúng kéo đến… Chúng tôi có tính sẵn là mình sẽ bị tấn công — tiếng ồn và các thứ ánh sáng ở khu công trường bao giờ cũng thu hút đến cả một toán. Chúng tôi không biết gần đó có nguyên một đoàn. Lính canh của chúng tôi có người báo động, chúng tôi tiến về phía chỗ đèn hiệu của anh ta và đột nhiên chúng tôi bị bao vây. Đánh cận chiến dưới nước là cả một cơn ác mộng. Đáy biển bị khuấy tung lên, tầm nhìn coi như không có, như thể phải đánh nhau trong một cốc sữa vậy. Bọn zombie khi bị đánh trúng không chỉ chết luôn mà hầu hết đều rã ra, các mảnh cơ, nội tạng, chất não trộn vào với bùn và xoáy quanh người anh. Bọn trẻ ngày nay… toàn hàng khủng. Tôi nói nghe như ông già nhà tôi nhưng phải công nhận là cũng đúng, bọn trẻ ngày nay, lớp thợ lặn ADS tân binh được mặc đồ Mark 3 và 4, chúng có bộ “ZeVDeK” — Đồ nghề Dò tìm khi Tầm nhìn bị Hạn chế115 — với ảnh dò sóng siêu âm màu và thiết bị thị giác sáng yếu. Hình ảnh được truyền lên màn hình HUD ngay trên tấm kính che mặt như trong máy bay chiến đấu vậy. Thêm một cặp tai nghe lập thể dưới nước nữa và thế là đã có lợi thế hơn hẳn bọn Zack về mặt cảm quan rồi. Hồi bọn tôi mới dùng không được như thế. Chúng tôi chẳng thấy, chẳng nghe được gì — chúng tôi thậm chí còn không thể cảm thấy liệu có con G nào đang tìm cách tóm lấy chúng tôi từ phía sau lưng không.
            Tại sao vậy?
            Bởi vì một trong những thiếu sót cơ bản của một bộ ADS đó là nó hoàn toàn không có xúc giác. Đây là một bộ giáp vậy nên anh không thể cảm nhận được cái gì ở thế giới bên ngoài, ngay cả nếu có một con G thò ra tóm lấy anh. Trừ khi thằng Zack ấy chủ động giật, tìm cách kéo hoặc xoay anh lại thì có khi anh còn không biết nó đang ở đó cho đến khi nó dí vào tận mặt anh. Đêm hôm đó ở Troll… ánh đèn trên mũ bảo hộ của chúng tôi chỉ làm rách việc thêm bởi chúng tạo ra ánh sáng rất lóa thỉnh thoảng lại bị một cái tay hay một cái mặt con thây ma thò vào. Đó là lần duy nhất tôi ghê… không phải sợ mà là ghê, anh hiểu chứ, đang lần mò trong cái bãi nước đục ngầu thì đột nhiên có một cái tay thối rữa đập thẳng vào kính che mặt.
            Đám công nhân khoan dầu dứt khoát không chịu quay lại làm việc dù bị dọa là sẽ bị trừng phạt thích đáng cho đến khi chúng tôi, đoàn hộ tống của họ, được vũ trang tử tế hơn. Họ đã mất nhiều người lắm rồi, bị phục kích từ trong bóng tối. Đúng là không thể tưởng tượng nổi. Anh đang mặc đồ lặn, làm việc trong màn đêm đen kịt, mắt cay xè do phải nhìn vào đèn hàn, người tê đi vì lạnh hoặc vã mồ hôi như tắm trong luồng nước sôi thải ra từ hệ thống. Đột nhiên anh cảm thấy có cái tay tóm, thấy răng cắn. Anh vật lộn, kêu cứu, cố chống trả hoặc tìm cách bơi đi trong khi họ kéo anh lên. Có lẽ mấy phần thi thể sẽ nổi lên mặt nước, có lẽ người ta sẽ chỉ kéo lên được một cái cáp đứt rời. Đó là lí do DSCC trở thành một đơn vị chính thức. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bảo về thợ khoan dầu, đảm bảo công cuộc khai thác. Sau này chúng tôi chuyển sang dọn dẹp đổ bộ bãi biển và dọn dẹp cảng bể.
            Dọn dẹp đổ bộ bãi biển là gì?
            Nói đơn giản là giúp bên lục quân đổ bộ lên bờ. Sau vụ Bermuda, đợt đổ bộ đường biển đầu tiên, chúng tôi nhận ra rằng lực lượng đổ bộ liên tục bị G tấn công từ trong những con sóng. Chúng tôi phải thiết lập vành đai, chăng một cái lưới bán nguyệt quanh khu vực đổ bộ, đủ sâu để tàu bè đi qua nhưng cũng phải đủ cao để ngăn lũ Zack lại.
            Đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Hai tuần trước khi tiến hành đổ bộ, sẽ có một con tàu thả neo cách bờ vài dặm và bắt đầu bật hệ thống rađa siêu âm chủ động. Làm vậy là để dụ bọn Zack ra xa khu vực bãi biển.
            Chẳng phải hệ thống rađa siêu âm ấy cũng sẽ dụ thêm zombie từ những vùng nước sâu sao?
            Cấp trên bảo với chúng tôi rằng đó là “nguy cơ chấp nhận được.” Chắc họ chẳng còn thứ đồ gì tốt hơn. Đó là lí do phải để bên ADS vào cuộc, quá nguy hiểm đối với thợ lặn thông thường. Ai cũng biết nguyên cả một đàn đang tụ tập dưới cái tàu phát tiếng binh binh kia, và rằng một khi nó trở nên yên lặng, mình sẽ trở thành cái mục tiêu lồ lộ nhất. Hóa ra chuyện này dễ như ăn bánh. Tần suất bị tấn công tính đến nay vẫn là thấp nhất, và khi lưới đã được mắc lên, tỉ lệ thành công gần như là tuyệt đối. Chỉ cần một đội rất nhỏ để cảnh giới, có thể là hạ một hai con G nào đó tìm cách trèo qua. Thực tình thì họ cung không cần đến chúng tôi cho những nhiệm vụ như thế này. Sau ba cuộc đổ bộ, họ quay trở lại sử dụng thợ lặn thường.
            Thế còn dọn dẹp cảng bể?
            Cái này thì lại không dễ chút nào. Đây là giai đoạn kết thúc của cuộc chiến, khi lúc này không chỉ còn cần đổ bộ nữa mà còn cần phải mở lại các cảng biển để cho các chuyến đi xa bờ. Đây là một chiến dịch phối hợp khổng lồ: thợ lặn, các đơn vị ADS, thậm chí cả tình nguyện viên thường dân với chỉ một bộ đồ lặn và khẩu súng phóng lao. Tôi đã hỗ trợ dọn dẹp Charleston, Norfolk, Boston, mẹ sư cái cảng Boston, và cơn đại ác mộng của chiến tranh dưới nước, thành phố Hero. Tôi biết bọn bộ binh thường hay ca cẩm về việc phải dọn dẹp thành phố, nhưng hãy thử tưởng tượng một thành phố ngầm dưới nước xem, thành phố của đủ thứ tàu bè, xe cộ, máy bay chìm, chưa kể mọi loại gạch đá đỏ nát không ai tưởng tượng nổi. Trong đợt di tản, rất nhiều tàu chở hàng cần phải kiếm thêm chỗ và thế là họ vứt hết chỗ hàng trên boong xuống biển. Ghế bành, lò nướng, hàng núi quần áo. Ti vi màn hình Plasma mỗi khi bị giẫm lên là lại kêu đánh rắc một cái. Tôi luôn tưởng tượng đó là tiếng xương kêu. Tôi cũng hơi hoang tưởng rằng mình có thể thấy bọn Zack đằng sau mỗi chiếc máy giặt và máy sấy, trèo lên trên những núi điều hòa hỏng. Đôi khi đó chỉ là do tôi tưởng tượng ra, nhưng đôi khi… Tệ nhất… tệ nhất là phải dọn mấy con tàu chìm. Bao giờ cũng có một số tàu bị chìm trong khu vực cảng. Một số tàu chẳng hạn như chiếc Frank Cable, thuyền lai dắt tàu ngầm cỡ lớn được chuyển sang chở người tị nạn, bị chìm ngay chỗ cửa vào của cảng. Trước khi lôi nó lên, chúng tôi phải đi dọn từng buồng một trên tàu. Đây là lần duy nhất tôi cảm thấy bộ exo vướng víu, khó điều khiển. Tôi không đến mức bị cộc đầu vào mọi hành lang, nhưng thực tình là tôi cảm thấy y như vậy. Rất nhiều cửa bị các đống đổ nát chặn mất. Chúng tôi hoặc là phải mở đường đi xuyên qua chỗ đó, hoặc là đi xuyên qua boong và vách ngăn. Đôi khi boong tàu đã bị yếu đi do hư hỏng hay ăn mòn. Tôi đang loay hoay mở đường đi qua bức vách phía trên phòng máy của tàu Cable thì đột nhiên bị cả cái boong sập xuống đầu. Trước khi kịp bơi đi, trước khi kịp suy nghĩ… đã có cả trăm thằng ở trong phòng máy rồi. Tôi bị ngập trong một biển tay chân và thịt thối. Nếu như tôi mà có bị ác mộng, hiện thì không có nhé, nhưng nếu có thật thì tôi sẽ lại ở dưới đó, có điều lần này tôi hoàn toàn không có giáp bảo hộ….
            [Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mình đến được đáy biển nhanh chóng thế. Nó trông như một vùng sa mạc hoang vu căn cỗi, sáng trắng lên trên nền bóng tối vĩnh cửu. Tôi thấy những rặng san hô xoắn gãy gục và bị bọn thây ma chà đạp lên.]
            Chúng đây rồi.
            [Tôi nhìn và thấy cả một đàn, khoảng chừng sáu mươi đứa đang đi ra từ trong màn đêm của hoang mạc.]
            Bắt đầu thôi.
            [Choi kéo tôi lên phía bên trên chúng. Chúng thò tay lên quơ quào lấy ánh đèn của bọn tôi, mắt mở rộng, hàm há hốc. Tôi có thể thấy tia laze đỏ mờ ngắm vào mục tiêu đầu tiên. Một giây sau, một mũi phi tiêu nhỏ cắm ngập vào ngực nó.]
            Một…
            [Ông căn chỉnh tia laze vào mục tiêu thứ hai.]
            Hai…
            [Ông bơi xuống phía cuối đàn, đánh dấu mỗi con với một phát bắn không gây chết.]
            Thật xót hết cả ruột khi không được giết chúng. Ý tôi là, tôi hiểu mục tiêu là để theo dõi hoạt động của chúng, thiết lập một hệ thống cảnh báo. Tôi biết rằng nếu có đủ nguồn lực để giết hết chúng thì ta đã làm rồi. Cơ mà…
            [Ông đánh dấu mục tiêu thứ sáu. Cũng như những con khác, con này không để ý gì đến cái lỗ nhỏ trên xương ức của mình.]
            Sao mà chúng làm được như vậy? Sao mà chúng vẫn còn ở đây? Không gì có thể ăn mòn kinh như nước mặn. Bọn G này đáng ra đã phải chết hết rồi, thậm chí trước cả bọn trên cạn. Quần áo chúng thì đã rách hết từ lâu, bất cứ thứ gì có nguồn gốc hữu cơ như vải hay da.
            [Bọn thây ma bên dưới chúng tôi trần truồng như nhộng.]
            Sao chúng không hề hấn gì hết? Có phải do nhiệt độ không, hay là áp suất? và tại sao mà chúng lại có thể chịu được áp suất như thế? Ở độ sâu này hệ thống thần kinh của con người đáng lí ra phải bị ép nát bét ra như thạch Jell-O rồi chứ. Đáng ra chúng còn không thể đứng được chứ đùng nói đi đứng và “suy nghĩ,” hay là cái qui trình của khỉ gì đó hiện đang có trong não chúng. Sao mà chúng làm được như thế? Dám cá cấp trên biết hết và lí do duy nhất họ không nói cho tôi biết đó là…
            [Đột nhiên ông bị ánh đèn nhấp nháy trên dụng cụ của mình làm cho xao nhãng.]
            Ê, ê, ê. Xem này.
            [Tôi nhìn xuống bảng điều khiển của mình. Thật không hiểu nổi các số hiệu này là sao.]
            Nóng phết, chỉ số phóng xạ rất cao. Chắc đến từ biển Ấn Độ Dương, Biển Iran hay Paki, hay có thể là từ cái tàu tấn công của Trung Quốc bị chìm ở Manihi. Nghe có lí đấy chứ?
            [Ông bắn thêm một mũi phi tiêu nữa.]
            Số anh may đấy. Đây là lần lặn trinh sát có người cuối cùng. Tháng sau sẽ chuyển sang dùng ROV116 100 phần trăm.
            Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh chuyện đưa ROV vào trong chiến đấu.
            Còn lâu. Bà Tầm117 quá quyền lực. bà ta sẽ không bao giờ để cho Quốc hội lấy người máy ra thay cho chúng tôi.
            Lập luận của họ có phần nào đúng không?
            Lập luận nào, ý anh là liệu người máy đánh đấm có hiệu quả hơn thợ lặn ADS không à? Vớ vẩn. Ba cái cớ “hạn chế mất mát về người” toàn là bố láo hết. Chúng tôi chưa từng có thương vong trong chiến đấu, không mất đến dù chỉ một người! Cái thằng họ cứ liên tục lôi tên ra, Chernov, hắn bị giết sau khi chiến tranh kết thúc, ở trên cạn, khi hắn say bí tỉ và lăn ra ngủ trên đường tàu. Mồ tổ lũ chính trị gia.
            Có thể ROV có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng chúng không thể nào tốt hơn được. Tôi không chỉ nói về trí tuệ; tôi đang nói về nhiệt huyết, bản năng, khả năng chủ động, mọi thứ đã làm nên chúng tôi. Đó là lí do tôi vẫn còn ở đây, cả bà Tầm nữa, và gần như tất cả những cựu binh đã từng thử liều trong cuộc chiến nữa. Phần lớn chúng tôi vẫn còn là người trong cuộc bởi vì đây là nghĩa vụ, bởi vì họ vẫn chưa sáng chế ra được mọt mớ máy móc để thay thế chúng tôi. Tin tôi đi, khi họ thực hiện được điều đó, không những tôi sẽ không bao giờ nhìn mặt một bộ exo nào nữa mà tôi sẽ rời lực lượng hải quân luôn, chơi một quả Alpha Tháng Mười Một Alpha.
            Đó là cái gì vậy?
            Action in the North Atlantic118, một bộ phim chiến tranh trắng đen cũ. Trong đó có một tay, anh có biết cái gã đóng “Skipper” trong phim Gilligan’s Island không? Chính ông già của hắn đấy.119 Hắn có nói câu này… “Tôi sẽ vác mái chèo lên vai và đi sâu vào trong đất liền. ngay khi có người hỏi ‘Anh vác cái gì trên vai đấy?’, đó sẽ là chặng dừng chân cuối cùng của tôi.”
            QUEBEC, CANADA
            [Nông trại nhỏ này không có bờ tường, cửa sổ không có chấn song và cửa không có khóa. Khi tôi hỏi chủ nhà về chuyện này ông ta chỉ cười và tiếp tục ăn. Andre Renard, anh trai người hùng chiến tranh huyền thoại Emil Renard, đã yêu cầu tôi giữ kín địa chỉ chính xác nơi ông ở. “Tôi không sợ đám xác chết đến tìm tôi,” ông nói lạnh băng, “nhưng tôi hơi ớn đám người sống.” Người đàn ông trước mang quốc tịch Pháp di cư đến đây sau khi miền Tây Châu u chính thức kết thúc các hoạt động thù địch. Mặc dù đã nhận được nhiều lời mời từ phía chính phủ Pháp, ông vẫn dứt khoát không quay về.]
            Bất cứ ai tuyên bố rằng chiến dịch của họ “là phần việc khó khăn nhất trong cuộc chiến” đều là đồ nói dối hết. Toàn một lũ công ngốc nghếch vỗ ngực khoe khoang về “chiến tranh rừng núi” hay “chiến tranh rừng rậm” hay “chiến tranh đô thị.” Đô thị, ôi, lũ kia thích khoe khoang về các khu đô thị lắm! “Không gì có thể kinh hoàng hơn việc phải chiến đấu trong một khu đô thị!” Ồ thật sao? Thử chui xuống dưới nó xem.
            Anh có biết tại sao Paris không có cao ốc không, ý tôi là cái thành phố Paris tử tế thời tiền chiến ấy? Anh có biết tại sao họ phải xây mấy con quái vật làm từ kính và thép ấy ở tận La Defense, xa trung tâm thành phố đến vậy không? Vâng, cũng có lí do thẩm mỹ, cần lưu giữ vẻ tiếp nối và niềm tự hào dân tộc… không như cái mớ kiến trúc lai tạp gọi là London. Nhưng cái lí do logic và thực tế cho việc Paris không có những tòa nhà chọc trời theo kiểu Mỹ đó là vì phần đất bên dưới bị đào hầm nhiều quá rồi, không thể chống chịu được.
            Có các nấm mộ La Mã, các mỏ cung cấp đá vôi cho phần lớn thành phố, thậm chí cả các boongke của Quân Kháng Chiến thời Thế Chiến Thứ Hai và vâng, chúng tôi có lực lượng Kháng Chiến! Rồi còn có cả đường tàu điện ngầm hiện đại, đường dây điện thoại, ống dẫn ga, ống dẫn nước… và còn cả mấy hầm mộ nữa. Gần sáu triệu xác người được chôn ở dưới đó, lấy từ các nghĩa trang trước Cách mạng, hồi đó các xác chết bị quăng vào như rác rưởi. Lắm bức tường trong khu các hầm mộ chỉ toàn đầu lâu với xương xẩu, sắp xếp theo cách thức rất quái dị. Thậm chí ở một số chỗ xương đan chéo vào nhau còn có công dụng giữ những đống xác lỏng lẻo đằng sau ở nguyên vị trí. Lúc nào tôi cũng nghĩ mấy cái đầu lâu đang cười nhạo mình.
            Tôi không nghĩ mình lại có thể trách cứ những người tìm cách sống sót trong cái thế giới ngầm đó. Hồi đó họ không có quyển hướng dẫn sinh tồn, họ không có Radio Free Earth. Hồi đấy vẫn còn đang là Cuộc Đại Loạn. Có lẽ một số người tưởng mình biết rõ mấy đường hầm này và quyết định vào thử, có vài người đi theo, rồi lại thêm vài người nữa. Tiếng đồn loang xa, “dưới đất rất an toàn.” Tổng cộng có đến một phần tư triệu, tính theo số lượng xương, hai tram năm mươi ngàn người tị nạn. Có lẽ nếu họ có tổ chức, biết đường mang theo thức ăn và dụng cụ hay chỉ cần đủ khôn để đóng cửa hầm phía sau lưng lại và đảm bảo chắc chắn rằng những người chui theo vào không bị nhiễm bệnh …
            Ai lại có thể khẳng định rằng những thứ họ trải qua lại có thể bì được với những thứ chúng tôi phải chịu đựng cơ chứ? Cái tối tăm, cái hôi thối… chúng tôi gần như không có kính nhìn đêm, mỗi trung đội chỉ được phát một cặp, và đấy là nếu anh may mắn. Chúng tôi còn thiếu cả pin dự phòng cho đèn pin nữa. Lắm khi cả đội chỉ còn một cái hoạt động được, phỉa đưa cho người đi đầu, rọi soi bóng tối với tia sáng đỏ rực.
            Không khí dưới đấy rất độc, toàn mùi nước công, hóa chất, thịt thối rữa… mấy cái mặt nạ phòng độc có cũng như không bởi hầu hết các bộ lọc đều đã quá hạn sử dụng. Chúng tôi phải đội bất cứ thứ gì tìm được, các mẫu đời cũ của quân đội hoặc mũ cứu hỏa che toàn đầu khiến anh vã mồ hôi như lợn, làm anh vừa mù vừa điếc. Chả bao giờ anh biết mình đang ở đâu cả, phải nhìn qua cái kính che mặt bám đầy hơi nước, giọng đồng đội thì nghe nghèn nghẹt, còn cả cái tiếng lẹt xẹt của người trực điện đài nữa.
            Chúng tôi phải dùng bộ có dây nối vì tín hiệu truyền qua không khí quá bất ổn, anh hiểu chứ? Chúng tôi dùng dây điện thoại cũ, dây đồng chứ không phải sợi quang. Chúng tôi rứt nó ra khỏi ống dẫn và mang theo cả một cuộn to đùng để kéo dài phạm vi. Đó là cách duy nhất để giữ liên lạc, và phần lớn thời gian cũng là cách duy nhất để không bị lạc.
            Dưới đó rất dễ lạc. Tất cả các bản đồ đều được vẽ từ thời tiền chiến, không tính tới những sửa đổi tạo bởi những người sống sót, bao gồm hàng loạt những đường hầm, hốc tường thông nhau, chưa kể đủ kiểu hố đột nhiên xuất hiện trước mặt. Hôm nào cũng sẽ bị lạc ít nhất một lần, đôi khi còn nhiều hơn, và rồi sau đó phải lần theo dây đi ngược lại, kiểm tra lại bản đồ xem nhầm lẫn ở đâu. Có lần chỉ mất vài phút, có lần mất đến vài tiếng, hay thậm chí vài ngày. Khi một đội khác bị tấn công, anh có thể nghe thấy tiếng họ kêu gào trên bộ đàm hoặc vang vọng trong các con hầm. Các âm thanh thật là ghê tởm; chúng chế nhạo anh. Tiếng la hét và tiếng rên rỉ đến từ mọi hướng. Chẳng bao giờ xác định được chúng từ đâu ra. Ít nhất khi nói qua điện đàm, anh còn có thể xác định vị trí đồng đội mình. Đấy là nếu họ không quá hoảng loạn, nếu họ biết mình đang ở đâu, nếu anh biết mình đang ở đâu…
            Phải chạy. Anh phi qua các hành lang, đầu đập tưng tưng vào trần hầm, lấy tay, đầu gối mà lết đi, thành khẩn lạy Đức Mẹ Đồng Trinh rằng bạn bè mình trụ được lâu hơn chút nữa. Anh đến nơi, phát hiện ra mình bị nhầm, đây chỉ là gian phòng trống, và tiếng kêu cứu vẫn còn ở xa lắm.
            Rồi khi đến đúng nơi, có thể sẽ chẳng còn gì ngoài máu và xương. Nếu may mắn có thể bọn zombie vẫn còn đó, anh có cơ hội trả thù… nếu mất quá lâu mới đến được chỗ họ, anh sẽ phải xử lí cả đám bạn vừa sống lại của anh nữa. Đánh giáp lá cà. Gần như thế này này…
            [Ông rướn người qua bàn, mặt ông cách tôi có vài phân.]
            Không có trang thiết bị chuẩn gì hết; cái gì thấy dùng được là dùng. Không được dùng súng, anh hiểu chứ. Không khí dưới đó, đám khí ga, rất dễ cháy. Ánh lửa từ khẩu súng…
            [Ông giả tiếng một vụ nổ.]
            Chúng tôi có khẩu Beretta-Grechio, súng cạc bin hơi của Ý. Nó kiểu như súng khí nén của trẻ con. Bắn được năm phát, sáu hoặc bảy nếu dí hẳn vào sọ lũ kia. Một vũ khí tốt, nhưng chẳng bao giờ có đủ. Và anh cũng cần phải cẩn thận! Nếu băn trượt, nếu viên đạn mài vào đá, nếu hòn đá ấy đủ khô, nếu tóe ra tia lửa… toàn bộ đường hầm sẽ bén lửa và phát nổ ngay, chôn sống bọn họ, hoặc tạo ra những quả cầu lửa nung chảy mặt nạ vào với mặt mình. Đánh tay đôi bao giờ cũng hơn. Đây…
            [Ông đứng lên chỉ vào một thứ trên chỗ bếp lò. Tay cầm của nó được bọc trong một khối thép bán nguyệt. Thò ra từ khối thép ấy là hai mũi thép dài hai mươi phân vuông góc nhau.]
            Anh hiểu lí do không? Không có đất để múa kiếm. Nhanh chóng, thẳng qua hốc mắt, hoặc ngay trên đỉnh đầu.
            [Ông biểu diễn một đòn đấm và đâm kết hợp.]
            Tôi tự thiết kế đấy, phiên bản hiện đâị của thứ mà cụ tổ tôi dùng ở Verdun. Anh biết Verdun chứ — “On ne passé pas” — Chúng mày đừng hòng vượt qua!
            [Ông tiếp tục ăn.]
            Không có đất để xoay sở, không cảnh báo gì hết, đột nhiên chúng vồ lấy anh, có thể là thẳng trước mặt hoặc từ phía một hành lang bên sườn anh còn không biết có ở đó. AI cũng có mặc giáp… giáp xích hoặc da dày… gần như cái nào cũng rất nặng, rất ngột ngạt, áo khoác và quần da ướt đẫm, áo giáp xích kim loại. Anh cố gắng đánh lại, người thì đã mệt lử rồi, nhiều người tháo mặt nạ ra, cố hít không khí, hít vào cái mùi hôi thối. Nhiều người chết trước khi kịp đưa lên trên mặt đất.
            Tôi dùng giáp xà cạp, bảo vệ chỗ này (chỉ về phía cườm tay) và găng, da bọc xích sắt, có thể tháo ra dễ dàng khi không phải đánh nhau. Chúng do tôi tự thiết kế hết. Chúng tôi không có bộ quân phục của Mỹ, nhưng chúng tôi có bộ đi đầm lầy của các anh, mấy đôi ủng cao, chống thấm, dệt kèm sợi chống cắn. Bọn tôi cần chúng.
            Hè năm đó nước lên cao lắm; mưa xối xả còn sông Seine thì chảy như mùa lũ. Lúc nào cũng ẩm ướt. Nấm mốc mọc trên kẽ ngón tay, ngón chân, mọc trong đũng. Nước lúc nào cũng ngập ngang mắt cá chân, đôi khi ngang gối hoặc ngang thắt lưng. Phải cực kì thận trọng, đi chậm rãi, thậm chí bò hẳn ra — đôi lúc chúng tôi phải bò qua những chỗ nước thối ngập đến tập khuỷu. Và đột nhiên mặt đất biến mất. Đầu anh đập cái tõm vào trong mấy chỗ hố chưa được đánh dấu. Anh chỉ có vài giây để đứng lên trước khi nước ngập vào trong mặt nạ. Anh quơ quào, quẫy đạp, đồng đội phải tóm lấy anh và nhanh chóng lôi ra khỏi đó. Chết đuối là vấn đề nhỏ nhất. Đang quẫy đạp, cố gắng nổi lên với đủ thứ trang thiết bị nặng trịch trên người thì đột nhiên mắt họ trợn trừng lên, và anh nghe được tiếng la nghèn nghẹt của họ. Anh có thể cảm nhận được khoảnh khắc họ bị tấn công: đột nhiên ngã xuống với một thằng chó đẻ ở trên người. Nếu anh không mang ủng đi đầm lầy… bàn chân coi như đi tong, có khi là nguyên cái giò; nếu anh đang bò và ngã chút mặt xuống… đôi khi anh đi nguyên cái mặt.
            Khi ấy chúng tôi phải rút về vị trí phòng ngự và đợi bên Cousteaus, thợ lặn được đào tạo để hoạt động và chiến đấu trong những đường hầm ngập nước. Họ chỉ có đèn pin và bộ đồ chóng cá mập cắn, nếu may mắn, và cùng lắm là không khí đủ cho hai tiếng. Đáng ra họ phải được móc cáp an toàn nhưng hầu hết đều không muốn. cáp rất dễ rối và làm chậm qui trình của họ. Những người đàn ông, đàn bà ấy có cơ hội sống sót là một phần hai mươi, tỉ lệ thấp nhất trong số tất cả các ngành của bất cứ lực lượng quân đội nào, tôi không quan tâm bất cứ ai nói gì khác.120 Bảo sao họ tự khắc được nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh?
            Và làm thế để làm gì? Năm mươi nghìn người chết hoặc mất tích. Không chỉ bên Cousteaus, tất cả chúng tôi, toàn bộ cục. Năm mươi ngàn nhân mạng chỉ trong có ba tháng. Năm mươi ngàn người trong khi khắp nơi trên thế giới tiến độ cuộc chiến đang dần chậm lại. “Xông lên! Xông lên! Đánh! Đánh!” Đâu cần phải như thế. Bên Anh mất bao lâu để dọn sạch London? Năm năm, ba năm sau khi cuộc chiến chính thức chấm dứt đúng không? Họ tiến hành rất chậm rãi, rất an toàn, từng khu vực một, tốc độ chậm, cường độ chậm, mức thương vong thấp. Chậm rãi và an toàn, cũng như hầu hết các thành phố lớn khác. Tại sao chúng tôi lại phải làm vậy? Có cái vị tướng Anh nào đó, ông ta nói cái gì mà “Quá đủ những anh hùng phải gục ngã rồi…”
            “Anh hùng,” chúng tôi là thế đó, đây là thứ các nhà lãnh đạo của chúng tôi muốn, đó là thứ nhân dân chúng tôi nghĩ họ cần. Sau tất cả những gì đã xảy ra, không chỉ trong cuộc chiến này mà còn cả các cuộc chiến tranh trước nữa: Algeria, Đông Dương, bọn Phát-xít… Anh hiểu ý tôi chưa…? Anh đã nhìn ra cái sự đau buồn và tủi nhục chưa? Chúng tôi hiểu ý ngài tổng thống Mỹ khi ông ta nói về chuyện “lấy lại lòng tự tin”; chúng tôi hiểu rõ hơn tất cả. Chúng tôi cần những anh hùng, những cái tên và những địa danh mới để khôi phục lại niềm tự hào.
            Nhà thờ Ossuary, pháo đài Port-Mahon Quarry, khu Bệnh viện… đó là những khoảnh khắc sáng giá của chúng tôi… khu Bệnh viện. Bọn Phát-xít xây dựng nó để nhốt bệnh nhân tâm thần, và theo như lời đồn là để họ chết đói đằng sau những bức tường xi măng ấy. Trong cuộc chiến này nó trở thành bệnh xá cho những ai mới bị cắn. Về sau, khi càng lúc càng có nhiều thây ma sống lại và nhân tính của những người sống sót dưới đó ngày càng mờ nhạt đi, y chang mấy cái đèn điện của họ, họ bắt đầu quẳng những người bị nhiễm bệnh và có Chúa mới biết là những ai nữa vào trong cái kho thây ma ấy. Một đội tiền trạm xông vào trong đó mà không biết có cái gì ở phía bên kia. Đáng ra họ có thể lui quân, cho nổ hầm, giam bọn chúng lại… Một đội đơn thương độc mã chống lại đến ba trăm con zombie. Mỗi một đội do em trai tôi dẫn đầu. Giọng nói của thằng bé là thứ cuối cùng chúng tôi nghe thấy trước khi điện đài của họ im lặng hoàn toàn. Những lời cuối cùng của nó là:“On ne passé pas!”
            DENVER, COLORADO
            [Thời tiết rất thích hợp cho một chuyến dã ngoại ra công viên Victory. Việc suốt cả mùa xuân này chưa ai phát hiện con zombie nào càng cho mọi người cái cớ để ăn mừng. Todd Wainio đứng ở chỗ sân ngoài, đợi trái banh tầm cao mà anh nói sẽ “chẳng bao giờ đến.” Có lẽ anh nói đúng. Chẳng ai để ý gì chuyện tôi đang đứng ngay cạnh anh.]
            Họ gọi đó là “con đường dẫn tới New York.” Đó là một con đường rất dài. Chúng tôi có ba Nhóm Quân chính: phía Bắc, Trung Tâm, và Phía Nam. Chiến lược tổng thể là cùng nhau tiến lên hết khu vực Đại Bình nguyên, băng qua Trung Tây và rồi tách nhau ra ở Appalachians, hai bên cánh đi càn quét dọc Bắc Nam, đích đến là Maine và Florida, sau đó đi dọc bờ biển và nhập lại với NQ Trung Tâm trong khi họ vượt núi. Mất đến ba năm liền.
            Sao chậm vậy?
            Cho anh chọn lí do đấy: di chuyển bộ, địa hình, thời tiết, kẻ địch, chủ trương giao chiến… Chủ trương là phải tiến lên theo hai hàng vũng chãi, hàng này đằng sau hàng kia, kéo dài từ Canada đến tận Aztlan… Không, Mexico, hồi đó nó chưa là Aztlan. Anh có để ý thấy khi máy bay rơi, đám nhân viên cứu hỏa hay ai đó phải kiểm tra hiện trường họ tiến hành như thế nào không? Tất cả đi thành một hàng, rất chậm rãi, đảm bảo chắc chắn rằng không bỏ qua dù chỉ một phân đất. Chúng tôi là thế đó. Chúng tôi không bỏ qua phân nào giữa dãy Rockies và biển Đại Tây Dương. Cứ khi nào phát hiện ra Zack, đi theo nhóm hoặc đi một mình, đội FAR sẽ dừng lại…
            FAR?
            Lực lượng Phản ứng Thích hợp121. Anh không thể dùng cả Nhóm Quân chỉ vì một hai con zombie. Rất nhiều con G già, những đứa bị nhiễm bệnh trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đã bắt đầu trông tởm lắm rồi, héo quắt lại, sọ bắt đầu lòi ra ở một số chỗ, vài cái xương đâm xuyên qua thịt. Một số đứa thậm chí còn chẳng đứng được nữa, và đó là những con cần phải dè chừng. Chúng bò nằm sấp bụng bò về phía anh, hoặc ụp mặt xuống quơ quào trong vũng bùn. Anh ra lệnh cho một nhóm dừng lại, một trung đội, thậm chí cả một trung đoàn tùy vào số lượng thây ma, vừa đủ để hạ hết bọn chúng và dọn sạch bãi chiến trường. Lỗ hổng trong hàng ngũ của đơn vị FAR được một lực lượng với quân số tương đương ở hàng hai cách đó một cây rưỡi trám vào. Nhờ vậy hàng đầu không bao giờ bị phá đội hình. Chúng tôi hành quân kiểu đó khắp dọc đất nước. Nó công nhận là rất hiệu nghiệm, nhưng cha mẹ ơi, tốn thời gian gần chết. Đêm đến cũng là lúc phải dừng. Khi mặt trời lặn thì dù anh có tự tin đến mấy hay khu vực trông có vẻ an toàn đến đâu thì cũng đã đến lúc hạ màn, chờ sáng hôm sau.
            Và rồi còn cả sương mù nữa. Tôi tưởng tượng nổi sao mà sâu trong lục địa thế này rồi sương vẫn có thể dày đến thế. Tôi vẫn muốn hỏi một tay khí tượng học hay ai đó về việc này. Toàn bộ hàng đầu bị khựng lại, lắm khi đến mấy ngày. Phải ngồi im đó trong khi tầm nhìn bằng không, thỉnh thoảng một con K bắt đầu sủa hoặc cso ai đó cuối hàng la lên “Có địch!” Anh nghe thấy tiếng rên rỉ và rồi một hình hài sẽ xuất hiện. Đứng im đợi bọn chúng khó kinh hoàng. Có lần tôi được xem một bộ phim,122 một thước phim tài liệu của BBC về quân đội Anh. Do nước Anh quanh năm sương mù nên họ không được phép dừng. Phim có quay được một cảnh đấu súng, chẳng thấy gì ngoài ánh lửa nháng lên và mấy cái bóng hình mờ mờ ảo ảo ngã gục xuống. Đâu cần thêm cái nhạc nền ghê rợn đó làm gì.123 Xem không thôi tôi đã hãi lắm rồi.
            Chúng tôi cũng phải chậm bước lại để bắt nhịp cùng với các nước khác, bên Mexico và Canada. Quân đội cả hai quốc gia kia đều không đủ nhân lực để giải phóng đất nước. Giao kèo là họ giúp bảo vệ biên giới chúng tôi trong khi chúng tôi dọn dẹp nhà cửa. Một khi nước Mỹ đã an toàn, chúng tôi sẽ cung cấp cho họ những thứ cần thiết. Đó là khởi điểm của lực lượng đa quốc gia Liên Hiệp Quốc, nhưng tôi được giải ngũ trước đó lâu rồi. Với tôi, lúc nào mọi thứ cứ nhanh rồi lại chậm, phải chậm rãi băng qua những khu địa hình hiểm trở hoặc khu đô thị. À đấy, không gì làm chậm tiến độ như các khu thành phố.
            Chiến lược luôn là phải bao vây khu vực mục tiêu. Chúng tôi thiết lập các tuyến phòng ngự bán kiên cố, dùng mọi thứ để trinh sát, từ vệ tinh cho đến lũ K nghiệp vụ, làm đủ mọi trò để dụ lũ Zack ra, và chỉ tiến vào trong khi đã chắc chắn không còn con nào nữa. Khôn khéo, an toàn và tương đối dễ dàng. Ừ, phải rồi!
            Tính từ việc bao vây “khu vực,” ai làm ơn cho tôi biết khu vực ấy bắt đầu từ đâu cái? Thành phố giờ chẳng còn là thành phố nữa, chúng phát triển ra thành các khu ngoại ô mở rộng, anh biết đấy. Ruiz, sĩ quan quân y của chúng tôi, gọi đó là “khu đất trám.” Trước chiến tranh cô ta làm về bất động sản và giải thích rằng các khu đất đắt giá nhất bao giờ cũng là những khu ở giữa hai thành phố. Mẹ cha cái “đất trám” ấy, tất cả chúng tôi đều ghét nó. Đối với chúng tôi, điều ấy nghĩa là phải đi dọn từng khu nhà một trong cái chỗ ấy trước khi nghĩ đến việc thiết lập vành đai cách li. Các khu đồ ăn nhanh, trung tâm thương xá, các ngôi nhà rập khuôn rẻ tiền, nối tiếp nhau kéo dài vô tận.
            Ngay cả khi đông về vẫn không được an toàn hơn tí nào. Tôi ở trong Nhóm Quân phía Bắc. Mới đầu tôi tưởng thế là ngon rồi. Cứ một năm thì sáu tháng tôi sẽ chẳng phải gặp một con G nào còn sống cả, đúng hơn là tám tháng, căn cứ vào tình hình thời tiết trong giai đoạn chiến tranh. Tôi cho rằng khi nhiệt độ giảm xuống, chúng tôi sẽ chẳng khác nào mấy anh công nhân đổ rác: tìm chúng, Thông não chúng, đánh dấu để mang đi chôn khi tuyết tan, chuyện nhỏ. Nhưng đáng ra tôi phải bị xơi một phát Thông não khi nghĩ rằng Zack là mối nguy duy nhất.
            Chúng tôi phải giải quyết cả quisling, cũng như bọn thây ma thật, nhưng không bị đông cứng. Chúng tôi có các đơn vị Thu hồi Nhân mạng, đại khái chỉ là ban kiểm soát động vật cấp cao. Họ cố hết sức bắn thuốc mê bất cứ tên quisling nào chúng tôi gặp trên đường, trói chúng lại, chở về trại cải tạo, hồi đó chúng tôi vẫn tưởng mình có thể cải tạo chúng.
            Bọn người hoang nguy hiểm hơn nhiều. Rất nhiều đứa không còn bé bỏng gì nữa, vài đứa đã thành thanh niên, có đứa trưởng thành hẳn rồi. Chúng rất nhanh nhẹn, ranh ma, và nếu chúng quyết định đánh nhau chứ không bỏ chạy, anh sẽ có một ngày rất tồi tệ. Tất nhiên, bên HR124 bao giờ cũng tìm cách gây mê chúng và tất nhiên, không phải lúc nào cũng được. Khi một đứa người hoang nặng chín chục cân đang nhắm thẳng hướng anh mà lao tới, vài CC thuốc an thần sẽ chẳng hạ nỏi nó trước khi nó chạm mục tiêu. Rất nhiều thành viên bên HR bị nện cho tơi bời, vài người phải bị đánh dấu cho vào túi xác. Bên chỉ huy phải can thiệp vào, cho một toán lính đi theo yểm trợ. Nếu mấy mũi tiêu không chặn nổi chúng, chúng tôi sẽ ra tay. Không thứ gì có thể kêu la chói tai hơn một thằng người hoang với một viên PIE đang cháy trong bụng. Mấy tay bên HR rất có vấn đề với vụ này. Đây toàn tình nguyện viên, người nào cũng bám chặt lấy cái phương châm rằng mạng sống của bất cứ con người nào cũng đều đáng cứu cả. Giờ lịch sử đã chứng minh họ đúng, cứ nhìn vào những người mà họ cải tạo lại được xem, những người mà nếu phải tay chúng tôi thì đã bắn không cần hỏi han. Nếu họ có đủ nguồn lực, biết đâu họ đã có thể làm điều tương tự đối với lũ động vật.
            Lạy Chúa, lũ thú hoang, tôi hãi bọn đấy nhất. Tôi không chỉ nói riêng gì chó. Chó chúng tôi xử lí được. Chó lúc nào cũng báo trước ý định tấn công của mình. Tôi đang nói về lũ “Flies”125: tên đầy đủ là F-Lions126, bọn mèo hoang, nửa sư tử núi, nửa cọp răng kiếm thời kỉ băng hà. Có lẽ chúng là sư tử núi thật, vài con trông rất giống, hoặc có thể chúng là một chủng mèo nhà nào đó phải dữ dằn lắm mới sống được đến giờ. Tôi nghe đồn ở phương Bắc chúng phát triển lên to lắm, do quy luật tự nhiên hay tiến hóa gì đó.127 Tôi không rõ lắm về mấy thứ sinh thái học này, kiến thức của tôi chỉ độc có mấy chương trình tự nhiên hời tiền chiến. Tôi nghe đồn là bởi vì chuột bây giờ như bò ngày xưa vậy; phải đủ nhanh và đủ không khéo mới thoát được bọn Zack, sống nhờ ăn xác chết, sinh sản ra đén hàng triệu con trong các hốc cây và khu phế tích. Bản thân chúng đã trở nên rất dữ dằn, vậy nên thứ gì đủ khả năng săn nó cũng sẽ phải dữ hơn nhiều. Bọn F-lion là như vậy đó, to gấp đôi lũ mèo thời tiền chiến, nanh, vuốt đủ cả, và cực kì thèm máu nóng.
            Chắc bọn chó nghiệp vụ vất lắm.
            Anh đùa à? Chúng thích cực, kể cả mấy con dachmutt cũng thế, nó giúp chúng cảm thấy như được làm chó trở lại. Tôi đang nói về bọn tôi kia, bị phục kích từ một tán cây hay mái nhà trên cao. Chúng không xông thẳng về phía bọn tôi như lũ chó hoang, chúng ngồi im đợi, từ tốn chờ đến khi anh đến quá gần, không thể giương vũ khí lên được.
            Ở ngoại ô Minneapolis, đội của tôi đang dọn dẹp một chuỗi cửa hàng. Tôi vừa mới chui qua cửa sổ một quán Starbuck và thì đột nhiên có ba con nhảy bổ vào người tôi từ sau quầy thanh toán. Chúng đẩy tôi ngã ngửa, bắt đầu cắn xé tay với mặt tôi. Anh nghĩ tôi bị cái này kiểu gì?
            [Anh chỉ vào vết sẹo trên má.]
            Tôi nghĩ thương vong duy nhất cả ngày hôm đó là cái quần lót của tôi. Bên cạnh bộ BDU chúng tôi bắt đầu mặc giáp phòng thân, áo vét, mũ giáp… Lâu quá rồi chưa mặc giáp nên tôi quên khuấy mất chúng khó chịu thế nào, nhất là khi đã quen mặc giáp mềm.
            Bọn người hoang có biết dùng súng không?
            Chúng không biết làm bất cứ thứ gì ra dáng con người, chính vì thế mới gọi là hoang. Không, bộ giáp phòng thân là để bảo vệ khỏi những người bình thương chúng tôi bắt gặp. Không phải bọn phiến quân có tổ chức, chỉ là vài anh LaMOE128 lẻ tẻ. Thành phố nào cũng có một hai mạng, một gã hay một nàng nào đó xoay sở sống sót được. Tôi nhớ có lần đã đọc được rằng Mỹ có số lượng LaMOE cao nhất trên thế giới, có cái gì đó về bản tính cá nhân của chúng ta hay gì gì đó. Họ lâu lắm rồi chưa được gặp người sống, hầu hết các vụ bắn nhau mới đầu chỉ là do vô tình hoặc theo phản xạ. Hầu hết các trường hợp bọn tôi đều có thể bảo họ ngưng bắn. Những người đó bọn tôi gọi là RC, Robinson Crusoe — đó là từ lịch sự dùng để chỉ những người tử tế.
            Còn đám LaMOE là cái bọn đã quen với việc một mình xưng bá một phương rồi. Làm bá chủ cái gì thì tôi cũng chịu, G và quisling và cái lũ thú hoang, nhưng chắc theo cách nhìn nhận của bọn kia thì chúng cuộc sống của chúng đang rất ngon lành, và giờ chúng tôi đến để tước đoạt đi tất cả. Tôi đã từng dính một phát.
            Chúng tôi đang tiến dần vào tòa tháp Sears ở Chicago. Chicago, chỗ đó khiến tôi gặp ác mộng đủ ba kiếp liền. Hồi đó đang là giữa mùa đông, gió thổi qua mặt hồ lạnh đến mức đứng còn không vững, và đột nhiên tôi cảm thấy như vừa bị thiên lôi cho phát búa vào đầu. Đạn từ một khẩu súng săn mạnh. Sau vụ đó tôi không dám hé răng phàn nàn về đống áo giáp nữa. Cái bọn ở trong tháp đã thành lập cả một vương quốc riêng, và chúng sẽ không trao lại cho bất kì ai. Đó là một trong những lần hiếm hoi chúng tôi chuyển sang chiến tranh thông thường; SAW, lựu, đó là lúc Bradley bắt đầu được đưa vào sử dụng lại.
            Sau vụ Chicago, bên chỉ huy hiểu ra rằng giờ chúng tôi ở trong một môi trường đa nguy cơ. Thế là bắt đầu phải mặc giáp cứng trở lại, ngay cả trong mùa hè. Cảm ơn nhiều nhé, Thành phố Gió. Mỗi đội đều được phát một tờ rơi về “Tháp Mối Nguy.”
            Nó được sắp xếp theo khả năng gặp phải, không phải độ nguy hiểm. Zack ở chân tháp, sau đó đến thú hoang, người hoang, quislings, và cuối cùng là LaMOE. Tôi biết có mấy tay ở NQ phía Nam rất hay ca cẩm là bên đấy chúng phải làm việc vất vả hơn, bởi vì với chúng tôi mùa đông đã xử lí toàn bộ lũ Zack. Ừ, đúng rồi, và thay thế nó với một kẻ thù khác: mùa đông!
            Họ nói nhiệt độ trung bình giảm bao nhiêu, mười độ, mười lăm độ ở một số nơi à?129 Vâng, chúng tôi nhàn hạ lắm, tuyết xám phủ đến ngang eo, vừa làm vừa biết rằng cứ năm cái kem Zack được xử lí là đợt tuyết tan đầu tiên sẽ có ít nhất chừng ấy hoạt động trở lại. Ít nhất đám quân ở phía Nam biết rằng khi họ dọn sạch một khu vực, khu vực ấy sẽ sạch sẽ y nguyên như thế. Họ không phải lo bị thọc hậu như chúng tôi. Mỗi khu vực chúng tôi càn quét ít nhất ba lần. Chúng tôi sử dụng mọi thứ, từ que chọc và chó nghiệp vụ cho đến máy dò hiện đại. Làm đi làm lại, và vào giữa mùa đông. Chúng tôi có nhiều người chết vì cóng giá hơn bất cứ thứ gì khác. Ấy vậy mà cứ khi xuân về, anh biết, tự khắc anh biết… nó sẽ như thế này, “ôi mẹ kiếp, lại từ đầu à?” Ý tôi là, cho đến tận ngày hôm nay, mặc dù đã càn quét mấy chục lần và có cả đống tình nguyện viên dân sự, mùa xuân vẫn như mùa đông hồi trước, nó là cách mẹ thiên nhiên báo cho ta biết đến lúc tạm ngưng cuộc sống thoải mái lại rồi.
            Xin hãy kể cho tôi về công cuộc giải phóng những vùng bị cô lập.
            Rất là mệt mỏi, trận nào cũng vậy. Mấy vùng này vẫn đang bj vây hãm, có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con. Những người ở trong pháo đài đôi ở Comerica Park/Ford Field có cái hào chứa tổng cộng ít nhất là một triệu con G. Ba ngày liên tiếp đạn bay mù trời, khiến Hope trông như mấy cuộc xung đột nho nhỏ. Đó là lần duy nhất tôi nghĩ có khi ta sẽ bị chúng đánh bật. Chúng chết chất chồng lên nhau cao đến mức tôi cứ nghĩ có khả năng mình sẽ bị chôn sống trong một trận lở xác. Sau những trận chiến như vậy, anh sẽ hoàn toàn kiệt sức, cả thể xác lẫn tinh thần. Anh chỉ muốn đi ngủ, không muốn làm gì khác, không cần ăn hay tắm hay thậm chí là làm tình. Anh chỉ muốn tìm chỗ nào đó ấm cúng, khô ráo để nhắm mắt lại và quên đi mọi thứ.
            Phản ứng của những người được cứu ra sao?
            Khá lẫn lộn. Các khu quân sự chẳng có gì mấy. Một đống thứ nghi thức chỉnh tề, dựng cờ hạ cờ, “nghỉ – nghiêm,” ba thứ hầm bà lằng tương tự như vậy. Cũng có hơi mè nheo một chút. Anh biết đấy, cái kiểu “chúng tôi không cần được ai cứu.” Tôi hiểu mà. Ai chả muốn là người cưỡi ngựa xông đến từ phía bên kia quả đồi, chẳng ai thích làm kẻ ở trong tháp. Ừ, đúng là anh không cần ai cứu cả đâu, bồ tèo ạ.
            Đôi lúc chuyện ấy lại là thật. Giống như mấy tên bên không lực ở ngoại ô Omaha vậy. Đó là địa điểm thả hàng chiến lược, thường xuyên có máy bay đến thả hàng và gần như luôn đúng giờ. Họ thậm chí còn sướng hơn chúng tôi, đồ ăn tươi, tắm nước nóng, giường êm. Cảm giác như chính chúng tôi mới là người được cứu vậy. Bên cạnh đó, ta có đám lính thủy đánh bộ ở đảo Rock. Đám này không bao giờ chịu câm về chuyện mình phải sống kham khổ thế nào, và chúng tôi cũng không phiền hà gì chuyện đó. Sau những gì họ trải qua, ít nhất chúng tôi cũng phải cho họ quyền ca thán. CHưa một lần gặp trực tiếp ai nhưng tôi cũng đã có nghe kể chuyện.
            Thế còn về các khu thường dân?
            Khác xa. Chúng tôi được tôn thờ! Họ hò reo ầm ỹ. Thật đúng những gì anh tưởng tượng về chiến tranh, giống trong những bức ảnh lính Mỹ tiến vào Paris đen trắng hay gì đó. Chúng tôi chẳng khác gì các siêu sao. Tôi được… ờ thì… từ đây đến thành phố Hero City dễ có nhiều thằng nhóc trông hao hao giống tôi lắm… [Cười.]
            Nhưng cũng có ngoại lệ mà.
            Ừ. Không phải lúc nào cũng có nhưng sẽ thường xuất hiện một người, một gương mặt giận dữ trong đám đông quát vào mặt anh. “Sao lâu thế lũ chó?” “Chồng tôi chết cách đây hai tuần rồi!” “Mẹ tôi chết khi đợi các người!” “Mùa hè vừa rồi chúng tôi mất đến một nửa số người!” “Khi chúng tôi cần các người ở đâu hả?” Người ta giơ ảnh lên, toàn ảnh chân dung. Khi tiến vào Janesville, Wisconsin, có người giơ một cái biển, trên đó là ảnh một bé gái đang nhăn nhở cười. Bên trên có dòng chữ “Thà muộn còn hơn không?” Anh ta bị chính người của mình nện cho một trận; đáng ra họ không nên làm thế. Đó là những thứ chúng tôi phải chứng kiến, những thứ khiến chúng tôi nằm thao thức mặc dù đã không được ngủ năm đêm rồi.
            Phải hiếm lắm, cực hiếm ấy, chúng tôi mới đặt chân đến một khu vực mà mình hoàn toàn không được chào đón. Ở thành phố Valley, Bắc Dakota, họ tỏ rõ thái độ, “Mẹ chúng mày, bọn quân đội! Chúng mày bỏ rơi bọn tao, bọn tao cần chúng mày!”
            Đó có phải một khu vực li khai không?
            Ồ không, ít nhất họ còn cho chúng tôi vào. Bên nổi loạn lấy súng ra chào mừng anh. Tôi chẳng bao giờ phải lại gần mấy khu đó. Bên chỉ huy có một đơn vị đặc nhiệm chuyên xử lí lũ nổi loạn. Có lần tôi thấy họ trên đường, đang tiến thẳng về phía Black Hills. Đó là lần đầu tiên tôi thấy lại xe tăng kể từ khi vượt dãy Rockies. Không ổn rồi; anh có thể đoán ngay câu chuyện sẽ có kết cục ra sao.
            Có rất nhiều tin đồn đại về những cách thức sinh tồn đáng ngờ mà một số khu vực cách li sử dụng.
            Thật thế à? Đi mà hỏi họ.
            Anh đã phải chứng kiên lần nào chưa?
            Chưa, và tôi cũng không muốn. Người ta có định kể cho tôi nghe, những người mà chúng tôi giải phóng ấy. Họ giấu kín trong lòng lâu quá rồi, giờ chỉ muốn nói ra cho nó nhẹ. Anh biết tôi nói gì với họ không, “Giữ tiếp trong lòng đi, cuộc chiến của mấy người chấm dứt rồi.” Tôi không muốn đeo thêm gánh nặng vào người, anh hiểu ý tôi chứ?
            Thế còn về sau thì sao? Anh có nói chuyện với họ không?
            Có, và tôi có đọc về các vụ điều trần.
            Anh cảm thấy ra sao?
            Mẹ kiếp, biết sao được. Tôi có quyền gì mà đánh giá người ta? Tôi không ở đó, Tôi không phải đối mặt với những thứ như thế. Cái cuộc nói chuyện này đây, cái câu hỏi “nếu mà” đó, hồi đấy tôi không có thời gian cho nó. Tôi có việc cần làm.
            Tôi biết các nhà sử gia vẫn hay nói rằng Quân đội Mỹ có con số thương vong rất thấp trong các cuộc tiến công. Thấp, đấy là khi so với các nước khác, Trung Quốc hoặc Nga. Thấp, đó là nếu chỉ tính số lượng thương vong gây ra do Zack. Có đến cả triệu cách xuống suối trên đường và có đến hơn hai phần ba không nằm trong cái kim tự tháp ấy.
            Bệnh tật là một nguyên nhân lớn, đủ thứ bệnh mà đáng ra phải biến từ thời Trung Cổ hay đại loại thế. Vâng, chúng tôi có uống thuốc, được tiêm ngừa, ăn uống tử tế, liên tục được kiểm tra, nhưng có quá nhiều thứ độc hại ở khắp nơi, trong bùn đất, trong nước, trong mưa, trong không khí chúng tôi hít thở. Mỗi lần tiến vào một thành phố hay giải phóng một vùng, ít nhất phải có một người bị loại ra, nếu không chết thì cũng bị cho vào cách li. Ở Detroit, chúng tôi mất nguyên cả một trung đội vì cúm Tây Ban Nha. Vụ đó khiến bộ chỉ huy phát hoảng, cách li cả một tiểu đoàn suốt hai tuần.
            Còn có cả bom mìn và bẫy các kiểu nữa, một số là của dân thường, một số được đặt lại trong đợt rút về phía Tây của ta. Hồi đó nghe thì rất có lí. Cứ thế rải mìn ra rồi đợi bọn Zack lao vào tự sát. Vấn đề duy nhất đó là mìn không có công dung như vậy. Chúng không khiến cả người nổ tung, chúng chỉ thổi bay đi cái giò hay cái mắt cá hoặc “cậu nhỏ.” Đó là mục đích thiết kế của chúng, không phải để giết người mà là để làm bị thương, khiến quân đội phải tốn thêm nguồn lực giữ cho họ còn sống, và sau đó gửi họ về nhà trên chiếc xe lăn để cứ mỗi lần nhìn thấy là Ba Má Thường Dân lại nghĩ rằng có lẽ ủng hộ cuộc chiến này không phải là ý hay cho lắm. Nhưng bọn Zack không có nhà cửa, không có Ba Má Thường Dân. Mìn chỉ có tác dụng tạo ra một đống thây ma què cụt, khiến công việc trở nên khó khăn hơn bởi vì ta muốn chúng đứng thẳng lên để còn nhận ra cho dễ, không phải lăn lê bò toài trong đám có, chờ được dẫm lên như bom mìn vậy. Anh không thể nào biết được chỗ nào có mìn; phần lớn các đơn vị chôn chúng xuống trong cuộc lui quân đã đánh dấu sai vị trí hoặc đánh mất thông số tọa độ hoặc đơn giản là không còn sống nữa để mà báo lại cho anh biết. và rồi còn cả cái lũ LaMOE ngu độn kia nữa, đặt toàn hầm chông và bẫy dây súng ngắn.
            Một đồng đội tôi đã hi sinh như vậy, trong một cái siêu thị Wal-Mart ở Rochester, New York. Hắn sinh ra ở El Salvador nhưng lớn lên ở Cali. Anh đã bao giờ nghe đến danh bọn Boyle Heights Boyz chưa? Đó là một băng nhóm sừng sỏ ở LA, bị trục xuất về El Salvador do nhập cư bất hợp pháp. Tay bạn của tôi sống ở đó trước khi chiến tranh nổ ra. Hắn phải lặn lội về từ tận Mexico trong những ngày tồi tệ nhất của Cuộc Đại Loạn, cuốc bộ với chỉ một cái rựa. Hắn mất hết người thân, bạn bè, chỉ còn có quê hương mới ấy. Hắn rất yêu đất nước này. Hắn làm tôi nhớ đến ông mình, cũng cái kiểu dân nhập cư như thế. Và rồi hắn ăn một viên đạn súng săn hai mươi phân vào mặt, chắc là bẫy do một tên LaMOE đã tắt thở từ lâu. Mẹ cha cái mớ mìn với bẫy ấy.
            Và rồi còn cả các vụ tai nạn nữa. Rất nhiều tòa nhà đã bị yếu đi trong các cuộc xung đột. Thêm vào đó là mấy năm liền không được tu sửa, hàng đống tuyết đè lên. Cả cái mái nhà đổ ùm xuống đầu, không hề có dấu hiệu cảnh báo trước, toàn bộ kết cấu cứ thể mà sụp xuống. Tôi cũng đã mất một người bạn vì lí do đó. Cô ta phát hiện ra địch, một thằng người hoang chạy về phía cô ta từ một cái bãi sửa xe bỏ hoang. Cô ta khai hỏa, và chỉ cần thế là đủ. Tôi chẳng biết bao nhiêu cân tuyết và băng đã làm sập cái mái nhà ấy. Cô ta… chúng tôi… khá thân nhau, anh biết đấy. Chúng tôi không làm gì hết. Chắc chúng tôi nghĩ như thế thì sẽ thành “chính thức” mất. Chắc bọn tôi nghĩ nếu để thế này thì nhỡ chẳng may có ai bị làm sao, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
            [Anh quay lại phía khán đài, mỉm cười với vợ.]
            Vô dụng.
            [Anh im lặng một lát, hít một hơi thật sâu.]
            Còn cả những thương vong tâm lí nữa. Nhiều hơn tất cả những thứ khác cộng lại. Có mấy lần chúng tôi tiến vào các khu được phòng thủ và chẳng thấy gì ngoài xương bị chuột gặm. Tôi đang nói về những khu vực không bị bọn thây ma áp đảo, những khu vực bị thất thủ do đói kém hoặc bệnh tật, hoặc chỉ là khi cảm thấy ngày mai không đáng thức dậy. Có lần chúng tôi xông vào một nhà thờ ở Kansas, trông rõ ràng là đám người lớn đã giết hết lũ trẻ con trước. Trong trung đội của tôi có một tay người Amish, hắn đọc hết các bức thư tuyệt mệnh của họ, ghi vào trong tâm khảm rồi sau đó cứa lên người mình mấy vết bé xíu tầm một phân để “khỏi quên.” Thằng điên ấy từ cổ đến chân ngang dọc vết khứa. Khi trung úy phát hiện ra… thằng đần ấy bị tống ngay vào trại.
            Hầu hết các trường hợp loạn thần dều xảy ra sau khi chiến tranh kết thúc. Không phải do căng thẳng, mà là vì không còn căng thẳng nữa, anh hiểu không. Chúng tôi ai cũng biết mọi chuyện sắp đến hồi kết, và tôi đoán là do nhiều người đã phải chịu đựng quá lâu rồi, họ nghe thấy một giọng thủ thỉ rằng: “Ê bồ tèo, mọi thứ êm xuôi rồi, chú mày đi được rồi đấy.”
            Tôi có quen một tay đô như con trâu mộng, hồi trước là đô vật chuyên nghiệp. Chúng tôi đang đi dọc tuyến đường cao tốc gần Pulaski, New York, thì đột nhiên gió đưa mùi từ một cái xe tải đến. Nó chất đầy nước hoa, không phải loại sang trọng gì cho cam, chỉ là mấy thứ đồ rẻ tiền ở các khu thương xá. Hắn đứng khựng lại và bật khóc tu tu. Không thể dỗ nổi. Hắn vốn là một tay quái thú với số lượng thây ma hạ được đến hơn hai ngàn, thậm chí có lần hắn còn nhấc một con G lên làm gập đánh cận chiến. Bốn người bọn tôi phải lấy cáng ra khiêng hắn. Chắc mùi nước hoa gợi cho hắn nhớ đến ai đó. Chúng tôi chẳng biết đó là ai.
            Có thêm một gã nữa, không có gì đặc biệt, gần năm mươi, đầu hói, bụng hơi phệ, ít nhất là theo tiêu chuẩn thời đó, mặt mũi giống mấy tay trong các mẩu quảng cáo về bệnh ợ chua. Chúng tôi đang ở Hammond, Indiana, dò sát địa điểm phòng ngự cho trận vây hãm Chicago. Hắn vào thám thính căn nhà ở cuối dãy phố bỏ hoang, hoàn toàn nguyên vẹn ngoại trừ mấy cái cửa sổ được đóng ván kín và cửa chính bị đập vỡ. Mặt hắn trông lạ lạ, cười nhăn nhở. Đáng ra chúng tôi phải kịp biết trước khi hắn phá đội hình, trước khi nghe thấy tiếng súng. Hăn ngồi trong phòng khách, trên một cái ghế bành mòn vẹt, khẩu SIR kẹp giữa gối, mặt vẫn cười. Tôi nhìn lên mấy bức ảnh trên lò sưởi. Đây là nhà hắn.
            Đó là những ví dụ cực đoan, đến tôi cũng đoán được. Rất nhiều trường hợp khác anh chẳng bao giờ nhận ra. Đôi với tôi, vấn đề không phải là ai phát điên mà là ai không bị. Nghe có vô lí không?
            Có một đêm ở Portland, Maine, Chúng tôi đang ở công viên Deering Oaks, dò xét một đống xương trắng phớ đã có ở đó từ hồi Cuộc Đại Loạn. Có hai gã nhặt lên mấy cái hộp sọ và bắt đầu nhảy nhót theo nhạc bài Free to Be, You and Me. Tôi nhận ra vì anh tôi có mua đĩa, bài đó ra đời trước thời của tôi. Một số tay lính già hơn rất khoái chí. Một đám đông bắt đầu tụ tập, mọi người cười và hú hét về phía hai cái hộp sọ. “Hi-Hi-tôi là một đứa bé. — chứ mấy người nghĩ tôi là ai, một ổ bánh sao?” Và khi nhảy xong thì tất cả đột nhiên đồng thanh hát, “Tôi nhìn thấy một mảnh đất…” lấy xương đùi ra chơi như đàn banjô. Tôi nhìn quanh đám đông và thấy bác sĩ tâm lí của đại đội tôi. Tôi chẳng bao giờ đánh vần nổi tên hắn, bác sĩ Chandra gì đó.130 Tôi bắt gặp ánh mắt của ông ta và nhìn ông ta như muốn hỏi “Ê, bác sĩ, lũ này điên hết rồi đúng không?” Ông chắc cũng hiểu bởi vì tôi thấy ông cười và lắc đầu. Nó làm tôi phát hoảng; ý tôi là, nếu những người trông hâm hấp thực chất lại không sao, thế thì sao mà biết ai điên thật rồi?
            Đôi trưởng của tôi, chắc anh cũng sẽ nhận ra cô ta. Cô ta có ở trong Trận chiến của Năm Trường Đại học. Còn nhớ cái con bé cao, trông như chiến binh amazon với cái lưỡi mác không, đứa hát cái bài gì đó ấy? Trông cô ta không giống như trong phim. Cô ta đã mất đi một số đường cong và giờ quả đầu đinh đã thay thế mái tóc dài, đen mượt. Cô ta là một thủ lĩnh giỏi, “Trung sĩ Avalon.” Một ngày nọ chúng tôi phát hiện ra một con rùa. Rùa hồi đó hiếm như kì lân vậy, gần như chả thấy bao giờ. Avalon mang cái vẻ mặt mà, tôi cũng chẳng rõ nữa, như một đứa bé vậy. Cô ta mỉm cười. Trước giờ cô ta chưa bao giờ cười. Tôi nghe thấy cô ta thì thầm gì đó với con rùa mà mới đầu tôi tưởng là vô nghĩa: “Mitakuye Oyasin.” Sau này tôi mới phát hiện ra đó là tiếng Lakota, nghĩa là “mọi mối quan hệ của tôi.” Tôi thậm chí còn chẳng biết cô ta mang dòng máu da đỏ. Cô ta chẳng bao giờ nói về chuyện đó, về bản thân mình. Và đột nhiên, như một bóng ma, bác sĩ Chandra xuất hiện, tay ông khoác lên vai cô như đã làm với những người khác và lại đưa ra lời đề nghị nhẹ nhàng: “Thôi nào, trung sĩ, đi làm tách cà phê nào.” Cùng ngày hôm đó, tổng thống qua đời. Chắc ông ta cũng đã nghe tấy giọng nói dó. “Ê bồ tèo, mọi thứ êm xuôi rồi, chú mày đi được rồi đấy.” Tôi biết rất nhiều người không tán đồng với ông phó tổng thống, cho rằng ông ta không thể nào thay chân ngài tổng thống được. Tôi rất thông cảm với ông ta, chủ yếu bởi vì tôi ở trong cùng tình cảnh với ông ta. Sau khi Avalon đi, tôi trở thành đội trưởng.
            Chuyện cuộc chiến sắp kết thúc không quan trọng. Dọc đường vẫn còn rất nhiều trận chiến, rất nhiều người tử tế cần nói lời giã biệt. Khi đến được Yonkers, tôi là người cuối cùng trong cái đám ở Hope còn sót lại. Tôi chẳng biết mình cảm thấy ra sao khi đi qua cái đống đổ nát hoen rỉ ấy nữa: xe tăng bỏ không, xe tin tức bị đập nát, những cái xác người. Tôi không nghĩ mình cảm thấy gì nhiều. Lãnh đạo có rất nhiều việc cầm làm, rất nhiều gương mặt mới cần phải được chăm lo. Tôi có thể cảm tấy ánh mắt của bác sĩ Chandra sói vào người tôi. Ông không tiên lại gần, không để lộ ra gì cả. Khi bước lên cái sà lan bên bờ dòng sông Hudson, ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Ông ta mỉm cười lắc đầu. Tôi thoát rồi.
           


Mục Lục

0 nhận xét:

Đăng nhận xét