Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Thư gửi mẹ chồng tương lai

0 nhận xét


Có lẽ hơi vội vàng nhưng con xin được gọi ‘mẹ’ với tất cả sự tôn kính.
Huỳnh Thị Thanh Tuyền

tình yêu thương là vô tận


Tuy mẹ không phải là người sinh thành ra con nhưng mẹ đã sinh ra một người đàn ông quá tốt và ban tặng cho con để con yêu thương và được yêu thương. Đây là món quà quý nhất đời mẹ nhưng mẹ đã dành lại cho con đủ để con biết là mẹ cũng yêu con đến dường nào, phải không mẹ?
Có thể mẹ không dùng facebook, không chat yahoo, không xài internet nhưng nếu vô tình mẹ đọc được thì chắc mẹ sẽ nhận ra con. Thời gian không quá dài nhưng đủ để con cảm nhận được tình yêu của mẹ dành cho các con cũng như cho riêng con – một người mà đến 25 năm mẹ mới được gặp mặt. Con may mắn vì 25 năm trước được mẹ của con đưa đến cuộc đời này để rồi những ngày tháng tiếp theo con có thêm một người mẹ và thêm một gia đình. Vì thế xin mẹ hãy thương yêu con nhiều hơn mẹ nhé!
Mặc dù con vẫn nghe quanh quẩn đâu đây cái câu “mẹ chồng – nàng dâu không hồi kết”. Nhưng mẹ ơi, mẹ con mình thống nhất với nhau không gọi là “mẹ chồng – con dâu” nhé! Phải gọi dài như thế hao calo lắm mẹ nhỉ? Mẹ cứ xem con như đứa con gái mà mẹ đã thất lạc bao năm nay giờ về lại với gia đình mình, như vậy mẹ nhé! Mẹ đừng lo là con lấy hết tình cảm của con trai mẹ mà mẹ hãy vui vì bây giờ có thêm một đứa con nữa yêu mẹ, như thế mẹ đã được yêu gấp đôi rồi.
Người mẹ nào cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, con hiểu mẹ đã vất vả bao năm, hy sinh cho gia đình, nuôi con cái lớn khôn và thành đạt. Con chẳng giỏi giang, đôi khi còn vụng về mà thậm chí còn ương bướng nữa. Thế nên từ bây giờ mẹ hãy dạy bảo cho con từ từ để con và mẹ cùng làm gia đình mình thêm nữa những tiếng cười. Hai mẹ con mình sẽ cùng nhau đi chợ, nấu ăn và đi chơi. Mẹ hãy dạy con với tất cả tình yêu thương mẹ có để sau này con sẽ biết cách dạy những đứa cháu của mẹ.
Từ bây giờ thì mẹ phải nghỉ ngơi nhiều sau hơn nửa đời vất vả, lo toan. Cơ duyên đã mang mẹ con mình đến gần nhau rồi, mẹ hãy để con được lo lắng cho mẹ, được chăm sóc gia đình vì tình yêu thương là vô tận mà phải không mẹ?
Theo Ngoi sao

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Tồn tại hay là sống

0 nhận xét


Cuộc sống cuốn con người đi theo dòng đời hối hả, đôi khi, ta đánh mất mình bởi những giây phút vội vàng.

Lê Thu Hà

Giữa đô thị ồn ào và phồn hoa, giữa nhịp sống náo nhiệt và vội vã, ta đi tìm riêng một khoảng lặng bình yên… Những con đường vào tiết trời se lạnh, rùng mình trong hơi sương mỏng mảnh. Hàng cây già nua trút lá, cố nép mình trong vạt nắng cuối mùa nhàn nhạt, giăng giữa lòng phố buồn tênh. Mùa đông đã đến từ lúc nào.
Đâu đó, nơi góc phố, người phụ nữ bán hàng rong nép mình vào ngôi nhà cao tầng tránh gió rét và hơi sương lạnh buốt. Đôi mắt nhắm hờ, khe khẽ bên vành nón úp ngược đặt trên thúng cam bán dở, trên khuôn mặt vẫn còn nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, một giấc ngủ trưa vội vã giữa dòng người tấp nập… lặng yên!
Ở một con hẻm nhỏ, bóng dáng người thợ sửa xe đạp trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt mỗi người qua đây. Chỉ có một thùng đồ nghề nho nhỏ, không biết bác đã ngồi nơi đây, dưới gốc sấu già này bao nhiêu năm? Dáng người thô kệch, chiếc lưng hơi gù, bàn tay đen nhẻm lấm lem vết dầu, người thợ sửa xe đạp giản dị ấy chăm chỉ hàng ngày, cần mẫn với công việc của mình dù nắng mưa hay giá rét. Trên khuôn mặt gầy guộc in hằn những vết nhăn của thời gian, nguyên vẹn nụ cười và ánh mắt thật hiền lành, dễ mến.

Một cuốn sách nào đó từng viết: “Khi ra đường, nếu nhìn thấy một người công nhân, trên áo, trên tay, trên mặt lấm lem những vết bụi bặm, vôi vữa, sơn dầu… bạn đừng nghĩ đó là vết bẩn mà hãy nghĩ đó là dấu vết của lao động, của sự chăm chỉ và cần cù, những dấu vết ấy bao giờ cũng đáng được tôn trọng”. Từng nhìn rất nhiều “dấu vết” từ khi thơ bé của những người thân xung quanh mình nhưng vô tình ta lãng quên và đôi lúc vẫn thốt lên những lời nói khó chịu, kèm theo cái nhăn mặt tức giận khi lỡ rây một vết bẩn nào đó trên áo ta. Có khi nào ta chợt nhận ra, ta từng quên…
Ừ thì… đôi lúc, ta chợt bỏ quên ánh nhìn sau nếp nhăn in hằn dấu vết tuổi già của ông lão bán than đầu ngõ, ánh mắt khắc khổ như cầu ơn của cụ bà bán rong ven đường, cái nhìn đăm chiêu của đứa bé đánh giày trong công viên buổi sáng sớm, llời mời chào của cô hàng quà vẫn đi qua nhà mỗi chiều… Ta bỏ quên những thứ ấy, đến với những thứ sạch sẽ, bóng loáng và giả tạo.
Đôi khi, ta nhìn cuộc sống của những con người ấy tầm thường, vô vị như bao công việc lao động chân tay khác nhưng đôi lúc, ta trở mình và bất giác nhận ra có một góc bình yên trên những khuôn mặt ấy. Đó là nụ cười hồn nhiên, không vương vấn chút ưu tư, phiền muộn. Ánh mắt ấy chân thật ấm áp và đôi lúc ta tự hỏi mình: “Đã khi nào ta bình yên như thế? Sống và tồn tại?“. Đã bao giờ ta hỏi: “Liệu ta sống hay chỉ là đang tồn tại?”.
Nguồn Ngôi sao
====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Viết cho ngày 20 – 10 của mẹ

0 nhận xét
Trong khi phố xá ngập tràn hoa và những lời chúc mừng thì căn nhà của gia đình tôi lại vô cùng im ắng…
Bởi bố tôi đang bận “vui vẻ” cùng bồ nhí, còn tôi lại tung tăng cùng cô bạn gái mới quen. Chỉ có mẹ ở nhà, lúi húi dọn dẹp, nấu ăn đợi bố con tôi về…
Tôi ghét cái tính chịu đựng quá mức của mẹ. Bố tôi có tính gia trưởng và khá độc đoán. Ông kiếm được nhiều tiền và cho mình cái quyền kiểm sóat tất cả, kể cả tự do cá nhân tối thiểu của mẹ. Tôi là thằng con trai duy nhất của ông, tôi đang tuổi lớn, vì thế dù bố tôi có kiểm sóat gắt gao thế nào, tôi cũng tìm mọi cách để “vượt rào”.
Bố tôi bận việc suốt ngày, khi về lại tìm mọi cách gắt gỏng và gây chuyện với mẹ. Tôi nhìn gương mặt đầy vẻ cam chịu của mẹ mà thấy một nỗi căm giận đang trào lên trong lòng mình. Những lúc thấy mẹ ngồi yên, mặc kệ những lời mắng mỏ của bố tuôn xuống đầu, tôi đều bỏ chạy lên phòng. Tôi muốn mặc kệ mẹ với những “trận cuồng phong” của bố.
Cầu chúc cho ngày 20 -10 năm nay của mẹ thật bình yên, an lành.
Lạ một nỗi là, mẹ tôi chẳng bao giờ to tiếng với bất kỳ ai. Bố tôi đi suốt ngày nhưng lại cấm mẹ bước ra khỏi cổng. Ông liên tục gọi điện thoại về kiểm tra, và nếu mẹ không có nhà, thể nào tối đó gia đình tôi cũng có chuyện. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với mẹ, bảo rằng tôi không hề thích cái tính dịu dàng đến nhu nhược của mẹ tí nào. Mỗi lúc như thế, mẹ tôi chỉ lặng im, bà bảo không muốn tôi phải chịu khổ vì nghe bố mẹ cãi nhau, một mình bố nói đã quá đủ rồi.
Mẹ càng dịu dàng kéo tôi lại gần bao nhiêu, tôi lại càng muốn tránh xa bấy nhiêu. Tại sao mẹ lại không hề lên tiếng và chịu ấm ức mãi như vậy? Đó không phải là điều tôi muốn. Tôi cũng muốn mẹ được sống hạnh phúc như bao người phụ nữ khác, tôi muốn mẹ được đi lại tự do, được mặc những bộ áo quần đẹp, được bố thương yêu và chiều chuộng. Tôi ước gì bố ngồi lại nói chuyện dịu dàng với mẹ, tôi ước bố quan tâm đến mẹ một cách chân thành.
Nhưng những ước muốn đó của tôi chưa bao giờ thành sự thật. Dù nhà tôi thuộc hàng khá giả, nhưng bố lại cấm mẹ ăn mặc đẹp, cấm mẹ giao du với người ngoài. Sau nhiều lần nói chuyện với mẹ không thành, tôi cũng mặc kệ mẹ, tôi thường xuyên bỏ mẹ ở nhà một mình, lao vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng.
Mẹ nhìn tôi đầy vẻ van xin, mẹ không muốn tôi hư hỏng mà bỏ bê chuyện học hành. Mỗi lần nhìn mẹ khóc, trái tim tôi lại chùng xuống. Tôi bỏ chơi được một thời gian, quay lại học hành đàng hoàng nhưng rồi buồn chuyện gia đình, tôi lại quay về con đường cũ.
Trầy trật thế mà tôi cũng đỗ được vào một trường đại học công. Mẹ tôi mừng rớt nước mắt. Bố chẳng nói gì, chỉ cho tôi tiền nhiều hơn trước kia. Ông chưa bao giờ mắng tôi nhưng lại quá khắt khe với mẹ. Thời gian hai cha con tôi vắng nhà ngày một nhiều. Chỉ có mẹ là luôn lủi thủi đợi chờ.
Những lúc tôi ở nhà, gương mặt mẹ cứ sáng bừng lên, mẹ nấu cho tôi nhiều thức ăn ngon, kể cho tôi nghe những câu chuyện từ hồi xửa hồi xưa, ngày bố mẹ vẫn đang còn khốn khó. Trong giọng kể của mẹ, tôi biết mẹ vẫn còn yêu bố rất nhiều. Chỉ có điều, bố tôi bây giờ không còn là bố của ngày xưa nữa.
Tôi chưa bao giờ để ý đến ngày lễ dành cho mẹ. Bởi cả tôi và bố tôi đều không hề có thói quen ấy. Nhiều lúc, tôi còn thấy rằng, việc mẹ chăm sóc cho bố con tôi là một việc đương nhiên, đó là “phận sự” của mẹ. Vào những ngày lễ, bố tôi thường vắng nhà từ rất sớm, đôi khi, ông cũng chẳng về nhà buổi tối.
Tôi thì lang thang cùng những cô bạn gái xinh như mộng. Các nàng đều nhớ để “đòi quà” tôi vào những ngày ấy, và thực tình, tôi cũng đã “chi đẹp” cho các nàng mà không hề thấy tiếc của. Ấy vậy nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ mua cho mẹ một bông hoa hay một món quà nhỏ nào. Với tôi, gia đình là một điều gì đó quá tối tăm, tôi không thích bước về đó khi ngoài đường người ta đang vui vẻ, ồn ào với đầy đủ sắc màu của hoa và quà.
20 -10 năm nay, tôi hứa với bạn gái sẽ dẫn nàng đi ngoại ô thăm những cánh đồng hoa bạt ngàn đang tỏa sắc. Khi đang lang thang ở những khu biệt thự cho thuê, tôi gặp bố mình đang dẫn một cô gái trẻ đẹp đi vào một ngôi nhà xinh xắn. Tay bố mang nhiều hộp quà, miệng bố cười tươi, ông mở cổng cho người đẹp rồi mất hút sau cánh cửa màu nâu sẫm. Miệng tôi chợt đắng chát. Tôi đã nhiều lần nghe phong thanh chuyện bố tôi có bồ, nhưng khi tận mắt chứng kiến, tôi mới hiểu cái cảm giác ấy là như thế nào.
Tôi phóng như bay về nhà, mặc kệ cô bạn gái đang chửi rủa sau lưng. Mẹ tôi vẫn đang lau chùi cầu thang. Căn nhà rộng rãi nhưng lạnh lẽo. Tôi hét lên: “Bố mua nhà cho bồ ở mà mẹ vẫn còn ở đây lau nhà được ư?”. Mẹ tôi ngẩng lên, gương mặt không chút biến sắc. Dường như bà đã biết điều này từ lâu lắm rồi. Giọng mẹ run run: “Vì ngày xưa mẹ cũng đã một lần lầm lỡ nên bây giờ ông ấy mới như thế”.
Tôi đã nhận ra tình yêu thương của mẹ, đã sống tốt và sống vui. Và với mẹ, đó chính là món quà vô giá không gì sánh kịp.
Tôi nhớ, bố tôi đã rất nhiều lần mắng nhiếc những người phụ nữ ngoại tình. Tôi không hỏi rõ sự việc nhưng chợt thấy thương mẹ hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên sau mười mấy năm cố gắng thóat ra khỏi vòng tay của mẹ, tôi lại lao vào lòng bà như một đứa trẻ mới lên ba. Tôi thương mẹ. Dù cho mẹ đã lầm lỡ như thế nào thì sự đối xử của bố tôi vẫn quá bất công.
Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, bố mẹ tôi tiến hành thủ tục ly dị. Tôi chính là người khuyên mẹ nên làm chuyện ấy. Cuộc sống quá ngắn ngủi nên tôi không muốn mẹ phải tiếp tục chịu đựng. Bố tôi chưa bao giờ tặng hoa cho mẹ, tôi cũng đã từng như thế, nhưng bây giờ, tôi đã biết làm mẹ vui. Không phải vì tôi đã nhớ đến những bông hoa vào đúng các dịp lễ, mà là tôi đã biết đến sự quan tâm của một người con đến người đã dành hết tình yêu thương cho mình.
Tôi đã nhận ra tình yêu thương của mẹ, đã sống tốt và sống vui. Và với mẹ, đó chính là món quà vô giá không gì sánh kịp. Một ngày lễ nữa của các chị, các mẹ lại đến. Cầu chúc cho ngày 20 -10 năm nay của mẹ thật bình yên, an lành để đôi mắt buồn không còn phải ướt sau những quãng ngày giông bão.
Nguồn Eva.vn

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Khi đàn ông xếp hàng mua hoa

0 nhận xét
Sáng đi làm ngang qua tiệm bán hoa, thấy đàn ông xếp hàng chờ đợi vì hôm nay là ngày Phụ Nữ Việt Nam, lòng dâng chút xúc động. Hóa ra đàn ông Việt cũng ga-lăng, hơn những gì mình tưởng tượng.
Mai Quynh
Là phụ nữ, chắc ai cũng thích hoa, không nhiều thì ít, tôi nghĩ thế. Tôi cũng thích hoa nhưng thích tự tay mình đi mua, lựa chọn, mang về nhà để ở một nơi tôi nghĩ là sẽ hợp với phòng của mình. Tôi không nghĩ chồng mình phải (hay là nên nhỉ?) mua hoa tặng mình vào dịp lễ.
Mua quà à? Tôi cũng không thích nốt vì chồng tôi không có khiếu thẩm mỹ. Quần áo hay vật dụng gì của chồng, tự tay tôi mua sắm, lương chồng nộp đủ, mỗi tuần lấy tiền tiêu vặt từ tôi. Tôi mua gì anh dùng nấy, không ý kiến, không biết thế nào là đẹp, món gì thì phải kết hợp cùng món gì.
Tôi không chạnh lòng hay tủi thân khi chồng quên ngày sinh nhật, lễ lộc, không buồn phiền khi chồng chẳng bao giờ mua quà cho mình. Tôi thích gì tự tôi mua hoặc có khi chồng gợi ý, còn tôi tự tìm kiếm thứ mình thích. Tôi vui khi mình lựa được món ưng ý, hí hửng về khoe với chồng. Tất nhiên, chồng tôi cũng vui khi thấy tôi hoan hỉ như thế.
Tôi thường xuyên mua quần áo mới, cũng một mình tôi đi mua. Sáng sáng đi làm mặc đồ vào, ngắm nghía, hài lòng mỉm cười nhìn mình trước gương. Tôi không buồn phiền khi mình mặc đẹp mà chồng không khen ngợi.
Đàn ông đôi khi ngại nói ra cảm xúc của họ và với một số người, khen ngợi là khách sáo, chồng tôi thuộc tuýp người ấy, anh rất kiệm lời khen. Điều quan trọng là tôi cảm thấy vui vẻ với thái độ của chồng, không khen không có nghĩa là chê, đó chỉ đơn giản là tính cách của anh.
Tại sao phụ nữ thường than phiền chồng mình không còn khen cô ấy đẹp kể từ ngày kết hôn? Cô ấy mặc áo mới cũng không chú ý? Và khối nàng tỏ ra buồn tủi khi chồng không tặng quà, chồng không nhớ các ngày kỷ niệm. Có nàng còn bảo chồng không khen nghĩa là không quan tâm vợ nữa, không yêu nhiều như trước, rồi có người đàn ông nào đó biết nói “lời có cánh”, thế là nàng ta xao lòng (tôi đọc trên một số diễn đàn thấy các nàng tâm sự thế). Tại sao lại như thế?
Một năm có bao nhiêu ngày, chẳng lẽ chỉ sống như những ngày lễ? Các ngày bình thường, cuộc sống của họ tẻ nhạt lắm sao? Vợ chồng sống với nhau lâu dài, sao không hiểu tính tình của nhau? Nếu đã hiểu nhau, vậy tại sao chồng quên mua hoa, mua quà vào ngày lễ, ngày kỷ niệm… thì giận, thì hờn? Chỉ đơn giản là họ quên thôi mà.
Đàn ông cũng nhiều tuýp người, có người tỉ mỉ, có người thích sống đơn giản. Ta mặc quần áo đẹp chỉ để chồng ta ngắm thôi sao, sao chồng không khen thì lại phải buồn? Nếu ta thấy đẹp, ta vui là đủ rồi. “Chồng không khen không có nghĩa là mình không đẹp”, tôi nghĩ đơn giản thế thôi.
Có phải tôi không như những phụ nữ bình thường, tôi sống thực tế quá chăng? Chồng tôi chẳng bao giờ mua hoa hay quà cho tôi nhưng tôi nào có thấy đó là một điều thiệt thòi so với những phụ nữ khác. Tôi thấy ổn. Cuộc sống của vợ chồng tôi khá vui vẻ, hòa thuận. Dĩ nhiên, đôi khi cũng có những va chạm nhỏ nhưng không giận nhau lâu. Trước khi đi ngủ, hai vợ chồng hay ôm nhau tâm sự, thủ thỉ, làm những khúc mắc cũng được giải quyết êm xuôi.
Có người sẽ bảo tôi còn trẻ, chưa đi hết cuộc đời đừng vội kết luận. Đúng! Tôi chỉ 31 tuổi, kết hôn được ba năm và mới chỉ có một em bé 18 tháng, đoạn đường đời chưa đủ dài. Nhưng tôi cũng đã trải qua cái dốc bên kia của cuộc đời rồi chị em ạ! Và theo như những cuộc khảo sát thì những năm đầu của cuộc sống hôn nhân mới đầy những bất ổn.
Dù sao tôi vẫn nghĩ “ta không thể mang nỗi lo lắng mơ hồ đập nát cuộc sống bình yên của ta được”.
Nguồn Ngôi sao

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Mong manh yêu thương trở về

0 nhận xét
Sống chân thành và vị tha chưa hẳn là điều tốt khi mọi thứ hiện nay chỉ được đong đếm bằng: Tiền bạc.
Thanh Thùy
Tôi – đứa con gái sinh ra từ dòng con thứ hai, không sinh đẹp lại có tật ở đôi mắt nên mọi thứ đến với tôi thật khó khăn và chậm chạp. Tôi vượt qua những điều tiếng, ánh mắt soi mói của dư luận xã hội bằng cách chọn “Lối đi ngay dưới chân mình”.
Tôi đã ổn định về công việc và tiếp tục thực hiện những điều chưa làm được: một ngôi nhà của riêng mình, một đứa cháu xinh xắn, một người “Lì” để cùng tôi đi ngang dọc cuộc đời, một công việc tốt hơn và có thời gian học ngôn ngữ khiếm thính.
Tôi rất sợ cảm giác mong manh mà người khác dành cho mình nên tôi đã luôn sống hết lòng, sống rất chân thành và không bao giờ tính toán, so đo với mọi người. Đôi lúc, tôi cũng có cảm giác không bình yên khi nhìn lại những việc mình đã sống, đã làm nhưng tôi nghĩ “cho yêu thương rồi sẽ nhận về”. Nhưng có một ngày, bánh xe thời gian đem đến cho tôi một vết thương mà suốt cuộc đời này không bao giờ lành lại được dù tôi không phải là đứa con gái yếu mềm.
Khi hiểu ra điều này, tôi chấp nhận buông tay, chấp nhận tổn thương, chấp nhân nhìn lại mình và học cách làm những điều không thích. Tôi phải giả vờ đã quên hết chuyện cũ, phải kiềm chế sự nóng giận để không làm thêm những điều ngu ngốc, phải tập cười, tập chai lỳ cảm xúc trước những người làm mình đau đớn. Tôi phải đến một ngôi nhà mà mình không thích, phải học cách chờ đợi.
Tôi cũng nhận ra rằng con đường vươn lên của cô gái xấu xí bao giờ cũng chông gai gấp vạn lần các cô gái xinh đẹp bởi họ không được ưu ái điều gì cả. Hiểu như thế nên tôi đã có được sự yên bình trong tâm hồn và tập yêu thích những tính cách đang có ở bản thân. Tôi biết lắng nghe, chia sẻ, biết vượt qua chính mình để tồn tại, thẳng như ruột ngựa và không giận ai lâu.
Tôi có “cầu toàn” không khi có thời gian nhìn lại chính mình, tôi lại muốn thay đổi vài điều chưa ưng ý: nóng tính, ngang bướng, dễ tin người, sống quá thiên về lý trí và cũng bớt đi cách sống vì người khác? Tôi cũng có những điều sợ hãi riêng: Sợ người khác hiểu sai ý nghĩ của mình, sợ đặt niềm tin không đúng chỗ, sợ làm người khác tổn thương, sợ thời gian lấy đi sức khỏe của chính mình và của những người mà mình yêu thương. Tôi sợ xã hội có thêm nhiều mảnh đời bất hạnh khi bố mẹ của học sinh tôi không còn xem trọng hai tiếng “gia đình”. Đây cũng chính là những điều tôi thấy mình đang lãng phí nhất khi sống mà cứ gánh gồng nỗi sợ hãi.
Dù đang tập tễnh vượt qua nỗi đau nhưng tôi vẫn cảm nhận có nhiều điều làm tôi hạnh phúc. Tôi có 5 người yêu thương: mẹ, vợ chồng em gái, em trai, nhỏ bạn cấp hai và viên phô mai béo ú. Tôi có lập trường vững chắc hơn xưa, có thêm một bài học quý để biết làm lại cuộc đời, có thêm một người bạn để mang ơn và trên tất cả những điều hạnh phúc đó là mình vẫn có thể “Ngủ ngon” dù lòng còn bao nỗi buồn ngự trị, dù vừa mới khóc xong.
Tôi vẫn đặt niềm tin vào “ngày mai” nên vẫn tiếp tục xây dựng những dự định năm tới cho riêng mình: Có thêm công việc tốt, có thời gian đi học ngôn ngữ khiếm thính, học văn bằng hai; có thêm những người bạn tốt, một ngôi nhà và có thêm tiền. Tôi mơ một ngày mình được tham quan thêm những nơi mình chưa đến: Quảng Ninh, đường Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và Thụy Điển.
Dù thời gian đã đem bình yên trở về nhưng tôi vẫn chưa đủ tự tin, đủ bản lĩnh để sống hết lòng như xưa. Tuy vậy, tôi tin 5 người yêu thương sẽ mãi bên cạnh tôi và tôi sẽ dành cho họ lời nguyện cầu tốt nhất khi chính họ đã quan tâm, bảo vệ, tặng quà… dù tôi từng có những lời to tiếng, nặng lời. Và hôm nay, dù quá trễ để nhìn lại chính mình nhưng tôi sẽ bắt đầu học cách nói lời yêu thương, ngọt ngào để những người thương yêu tôi sẽ thấy ấm áp hơn.
Dù cuộc sống chỉ dành cho tôi những lời thị phi, những ghen ghét, đố kị, những nhỏ nhen, ích kỷ nhưng đó lại là lời động viên chân thành, giúp tôi có đủ sức mạnh để thay đổi tốt hơn nên khi buồn, tôi lại đến nhà thờ để khóc cùng Cha xứ – người bạn thân thời đại học. Sau bao thăng trầm của cuộc sống, tôi đã nhận ra người bạn thân nhất mang tên “sức khỏe” nên dù là “thiên thần ngủ nướng”, tôi vẫn tự tin trả lời thường xuyên tham gia tập thể dục và hít thở không khí trong lành mỗi ngày.
Đau buồn chẳng bao giờ là điểm cuối của mỗi người nên chuyến xe thời gian đi tới tương lai, tôi vẫn tiếp tục sống và hưởng thụ những chuyến thăm quê, đọc nốt tập truyện Hạt giống tâm hồn để thấy cuộc sống còn lắm điều đáng yêu và đáng sống.
Nguồn Ngôi sao

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Tuyết- huyền diệu và tầm thường

0 nhận xét
Không thể nào diễn tả nổi cảm giác háo hức của một công dân nước nhiệt đới lần đầu sang châu Âu vào mùa đông. Tận mắt nhìn thấy tuyết rơi cứ như chứng kiến một phép màu mà nhiều người ao ước 1 lần trong đời.
Không phải tuyết trong tủ lạnh, không phải từ 1 cái máy nhân tạo nào mà là hàng triệu triệu bông tuyết thật – và cảnh vật 1 màu trắng xóa như trong phim ảnh hay tranh vẽ. Trượt tuyết, ném tuyết, nặn người tuyết… mọi giấc mơ thời thơ ấu của tôi thành hiện thực.
Lâu lâu có dịp trở thành “người nước ngoài” (ái chà, hãnh diện), câu hỏi thường xuyên bị hỏi nhất là “Ấn tượng của bạn về nước chúng tôi là gì?” – Đáp: “a, b, c, vân vân và vân vân… Nhưng ấn tượng nhất đây là lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tuyết. Thật tuyệt vời!”. Và phản ứng của bạn bè bản xứ “HI HI HI HI”
Có lẽ họ cười vì cái thông tin lạ đời ấy, cũng có thể vì không nghĩ cái chuyện cỏn con như tuyết lại có thể gây thích thú đến thế.
Với người dân xứ lạnh, tuyết như 1 lẽ bình thường vào mùa đông. Ừ, cũng thích đấy nhưng không ít phiền nhiễu từ: thấy tuyết lại lo cái lạnh mùa đông, tuyết tan đường phố lại lầy lội, làm quần áo ẩm ướt, xe cộ phải tốn thời gian “rã băng”, trơn trượt,… thôi thì chỉ toàn gây bực mình.
Chắc hẳn đâu đó trong mỗi người vẫn còn cái cảm giác phấn khích của 1 đứa trẻ lần đầu tiên thấy tuyết rơi. Nhưng cái huyền diệu lâu ngày thành quen dễ chán, có gì hay ho nữa đâu giữa bộn bề những mối lo thực dụng và cách nhìn “bình thường hóa” mọi sự khi ta lớn lên. Có tiền vẫn sướng hơn có tuyết.
Và thói thường, cái gì dễ có con người ta không mấy trân trọng… càng rõ hơn trong tình yêu.
Không nói đâu xa, mới 2 tháng ở châu Âu mà tôi cũng đã chép miệng: “Chà, lại tuyết…”
Tác giả Nguyễn Đức Nhật

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Cảm xúc cuối năm

0 nhận xét
Nhanh thật, thế là một năm nữa lại sắp qua đi và một năm mới đang đến.
Sài Gòn mấy ngày nay chớm lạnh, cái lạnh làm lòng người nhớ quê nhà da diết. Nhỏ chợt nhớ ngày xưa khi đang còn đi học, cứ độ 15 tháng Chạp là đã được nghỉ học về quê ăn Tết rồi. Nhỏ rất thích không khí tất bật của những ngày gần Tết. Ở nhà, tuy phải lo dọn dẹp nhà cửa, giặt chăn màn và cùng bố mẹ chuẩn bị gói bánh… để đón năm mới, rất mệt nhưng vui lắm! Giờ ngồi nghĩ lại, nhỏ cảm thấy nhớ quê, nhớ những ngày Tết ở nhà kinh khủng.
Đã mấy năm rồi từ ngày đi làm, nhỏ không có được cảm giác của không khí chuẩn bị đón Tết nữa. Cả năm được về thăm nhà mấy ngày Tết nhưng luôn vội vàng làm lòng nhỏ thật buồn.
Đôi lúc, nhỏ chợt ước quê mình gần hơn một chút để mỗi cuối tuần nhỏ lại có thể đi xe về nhà như bao người, để được nghe những tiếng nói thân thương. Mấy năm nay, khi các chị cùng bố mẹ chuẩn bị xong tất cả mọi thứ để đón Tết thì nhỏ mới từ Sài Gòn về. Nhỏ về được tới nhà khi chỉ còn chưa đầy 12 tiếng đồng hồ là đến giao thừa. Nhìn hai đứa cháu reo lên khi thấy nhỏ chạy xe vào sân: “A! Hoan hô dì về!”, nhỏ hạnh phúc biết bao.
Nhỏ là con gái nhưng liều lắm! Năm nào cũng vậy, vì không đi ô tô được nên nhỏ một mình chạy xe máy gần 200 km từ Sài Gòn về nhà. Mỗi lần được về, nhỏ quên hết mệt mỏi, chạy một mạch từ chỗ làm về luôn. Nhiều lần, nhỏ xuống bếp lục đồ ăn ngay khi tới nơi, mẹ hỏi sao đi đường không ghé quán ăn, nhỏ tỉnh bơ trả lời: “Được về nhà con vui quá, con chạy một mạch, chẳng thấy đói gì cả, giờ về tới nhà mới sực nhớ từ sáng đến giờ bụng chưa ăn gì, mẹ à”.
Nhanh thật, thế mà đã mấy năm trôi qua, nhỏ về nhà đón Tết muộn nhưng thật vui và hạnh phúc. Nhỏ vẫn được đón giao thừa cùng gia đình và ăn một cái Tết đầm ấm cùng bố mẹ, anh chị em và hai đứa cháu thật dễ thương. Mấy bữa nay, Sài Gòn chợt se lạnh, chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết rồi. Hòa chung với sự hối hả của những ngày cuối năm, ai ai cũng mong sớm được về quê đón Tết cùng gia đình, Nhỏ cũng mong sớm được về nhà. Tuy ở Sài gòn đã gần 6 năm nhưng mỗi lần có cơ hội được nghỉ làm là nhỏ lại chạy ù về nhà liền.
Sài Gòn xa hoa đô hội là thế nhưng giữa những bận rộn, mệt nhoài vì công việc nhỏ cũng muốn về nhà. Và dù Sài Gòn đông vui là thế nhưng mỗi lúc muốn khóc vì ai đó, nhỏ lại muốn về. Về nhà để được vùi mình vào chăn ấm, để được tranh nhau với đứa em trai: “Em ưu tiên, nhường cho chị ngủ với mẹ một đêm”.
Nhỏ về nhà để thấy lòng mình được bình yên đến lạ và để được làm những công việc không đầu không đuôi cùng mẹ, được ăn những món mẹ nấu một cách ngon lành mà ở Sài Gòn, nhỏ không bao giờ có được.
Về nhà, nhỏ lại được gặp anh, được đòi anh chờ đi chơi ngắm quê mình lúc lên đèn. Nhỏ mong sao tất cả mọi người sẽ được đón một cái Tết thật nhiều ý nghĩa bên gia đình mình.
Theo ngoisao

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Viết cho em ngày đông giá rét

0 nhận xét


Chị đã thật chẳng tốt với em có đúng không? Chẳng hỏi nữa đâu nhưng chị hiểu, tình cảm của chúng ta đã không còn vẹn nguyên, buồn đau lắm chứ nhưng rồi sao? Chị vẫn làm điều con tim khi ấy muốn gào thét. Lý trí khi ấy đã chịu nhường bước đó em.
Chị ước sẽ vẫn là những ngày tháng cũ. Ngày nào chị cũng mong em trở về khi trời vừa sập tối. Có bao giờ em tự hỏi mọi người đã mong chờ em thế nào không? Có lẽ chị là người mong em nhiều nhất, có bao điều muốn nói, bao thứ cần chia sẻ. Em biết đấy, chị đã cô lập với cái thế giới hàng ngày em vẫn đang tung tăng, tíu tít, quên cả đường trở về.

Em đã ra đi, đó dường như là điều hiển nhiên nhưng vẫn cứ khắc khoải một nỗi niềm trong mỗi gương mặt ấy. Và rồi chị cũng ra đi, không lâu sau đó, đi kiếm tìm một điều mới cho cuộc sống đang đầy bế tắc của mình. Chúng ta chẳng khác gì những người xa lạ, như không có gì ràng buộc cả. Chúng ta như không còn là chị em, phải thế không?
Cuộc sống đã đẩy chúng ta xa cách, mỗi người một ngả, đẩy đưa đưa đẩy giữa những bộn bề, những quay quắt. Chị chỉ còn biết dõi theo em từng ngày qua mạng xã hội, qua những câu chuyện khi mọi người nhắc đến em, âm thầm và im lặng như bản tính của chị.
“Kìa ngoài phố sớm nay có người ngẩn ngơ thế,
Sớm nay gió lạnh mùa đông, sớm nay như câu hát buồn.
Chờ đợi những gì ngoài đó, chuyến xe không người nơi bến đỗ,
Có chăng ai chờ đợi ai, gió mưa suốt con phố dài”…
Lời bài hát này, em có thấy như dành cho chị không? Chị hay nghe lắm! Buồn buồn nhưng cũng đầy tươi sáng phía trước em ạ! Đoạn cuối chị dành tặng em:
“Câu hát vui để người ngoài phố
Sớm nay mang nụ cười rạng rỡ,
Sớm nay mát lạnh mùa xuân, sớm nay tươi đẹp nắng hồng
Và giây phút chờ đợi đó, chuyến xe đã dừng nơi bến đỗ.
Mắt ai trong ngời niềm vui, sớm xuân người ơi!”.
Mùa đông năm nay lạnh nhưng em của chị đã được ấm áp thật nhiều. Sẽ chẳng thể thổ lộ hết những điều muốn nói với em, chị sẽ để lại cho riêng mình, những gì chúng ta đã có. Em hãy thật vui vẻ với người đàn ông có ngoại hình giống em nhé! Chị chúc cho một quả trứng to và một quả trứng nhỏ sẽ luôn bên nhau hạnh phúc như bây giờ. Và chị sẽ là bác của những quả trứng nho nhỏ nữa.
Vậy nhé em.
Nguồn Ngôi sao
====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Đi dưới mưa phùn mùa xuân

0 nhận xét


Không biết tự bao giờ, trong tôi mưa phùn trở thành một nét duyên mà những ngày giáp tết, thiếu nó như thiếu một thứ gì đó vừa lạ vừa quen.

Rét và mưa phùn trong những ngày tháng chạp luôn làm mẹ nao lòng. Bà thường than thở rằng trời đất buồn chi lạ. Cứ sợ rét quá vạt cải mới xuống giống không lên nổi, còn mưa cứ lùn phùn ngày qua ngày sợ áo quần phơi không khô, củi ướt nhen không cháy… Riêng tôi thì lại khoái mưa phùn, cứ xem nó như một đặc sản của đất trời vậy.
Mưa trắng trời một màu bàng bạc. Mẹ trong chiếc áo tơi vừa đi vừa chạy như trốn cái rét cắt da mỗi lần đi chợ về. Ba thì luôn uống một chén nước chè nóng rồi quàng vội chiếc áo mưa chèo thuyền ra sông đánh cá. Anh hai đi học về ném cặp sách chạy xuống bên bếp lửa ngồi cạnh tôi. Hai bàn tay tím ngắt vì mưa lạnh. Tôi thường được mẹ cho một đặc ân là ngồi trông bếp lửa, hết củi cứ cho thêm, cơm khô thì bớt lửa, nước cạn thì chêm vào. Không còn gì sướng bằng những lúc ngoài trời mưa lay lắt như vậy mà ngồi bên bếp lửa, giơ hai bàn tay lạnh cóng hơ bên bếp rồi đặt vào má, vào dái tai mà hít hà.
Cứ nghe trời rét, cô giáo thông báo cho học sinh nghỉ học là mừng như tết. Nghỉ học được ngồi bên bếp lửa cả ngày. Lúc chán thì kiếm củ khoai ném vào nướng. Còn không thì qua nhà thằng bạn hàng xóm, gọi mấy đứa cùng nhau chơi trốn tìm theo kiểu trùm mền. Nằm trong mền ấm và thú vị khi có đứa sờ vào đầu mình và đoán: “Đây là cái đầu cá chai của thằng Hỏn. Mà không, thằng Hỏn người nó nhỏ thó, làm gì có cái đầu như vậy…”. Còn mình thì cười rúc rích, cố phì ra tiếng nắc nẻ thật nhỏ để khỏi bị nó phát hiện. Và vui sướng khi nó đoán nhầm. Tôi tên Hỏn là do mẹ đẻ tôi ra vừa nhỏ, vừa đỏ hỏn như cục thịt vậy, nên khi bà ngoại khi nhìn thấy liền gọi là Hỏn. Từ đó cái tên Hỏn theo tôi đến lúc vào đại học.
Nghỉ học là vui lắm, vì ngoài việc được chơi các trò chơi chạy trốn cái lạnh còn trốn được con đường làng trơn trượt dính đầy đất đỏ. Mỗi sáng đi học từ nhà đến trường là đôi dép biến thành đôi giày vì bị đất đỏ bám vào nặng trịch. Con đường đỏ hai bên mép xanh xanh cỏ dù ngắn nhưng trở thành dài lê thê mỗi khi đi học về bụng đói, cái áo mẹ mua không đủ ấm cứ phong phanh dưới mùa đông rét mướt. Thi thoảng đường về gặp một đàn trâu đói cỏ, cái lạnh khiến nó gầy như xác lá khô. Người mục đồng quất roi vào tấm lưng ướt át của bầy trâu mà rằng: “Lạnh quá, không làm ăn gì được. Tội cho bầy trâu, vừa lạnh vừa thiếu ăn”.
Những ao nước động bên đường lăn tăn sóng khi mưa phùn rơi nhè nhẹ trông vui mắt, gió rít từng cơn làm những bụi tre già cựa vào nhau kêu ken két. Những thân xoan trơ lá, gầy gò đang nhú những mầm xuân đầu tiền cho một mùa kết hoa. Tôi chợt nhận ra rằng, mưa phùn như một tính nết” của ông trời trước thời khắc lập xuân, chuyển sang năm mới. Có lẽ ông cũng buồn buồn cho những gì sắp đến rồi đi, rồi tàn phai theo ngày tháng.
Lại một mùa hoa cải, một mùa mưa phùn rơi rắc đang đến. Bếp lửa của căn nhà xưa không còn. Con đường làng đất đỏ trơn trượt giờ đã bê tông hóa. Những hàng xoan cuối cùng cũng bị đốn hạ thay vào những cây khác. Làng xưa đã đổi thay nhưng sao mưa phùn mùa xuân vẫn thế?
Đi trên con đường quê dưới mưa phùn. Có ai chào mình bằng câu: “Sao không đội nón vào. Ướt hết cả tóc rồi chú ơi”. Ngày xưa mưa phùn cứ bay đâu có ướt…
Theo dantri
====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Mùi của hạnh phúc

0 nhận xét


1. Mỗi người có mỗi mùi tết khác nhau. Mùi ở đây không chỉ cảm nhận lộ liễu qua khứu giác mà đó là mùi tổng hợp được từ tất cả các giác quan nhìn, nghe, sự nếm trải, cảm nhận trong cuộc đời.
Có người là mùi của nỗi buồn, sự dằn vặt, nỗi cô đơn; có người là mùi của nôn nao; có người là mùi của hạnh phúc, thậm chí có cả mùi của lòng thù hận tùy theo hoàn cảnh, sự việc, thời gian… Mùi tết thức dậy, cồn cào trong mỗi con người, đôi khi chỉ là rổ kiệu, miếng măng khô, lát mứt… Kỷ niệm tràn về, cảm xúc có khi không thắng lại được.
Ngày còn nhỏ, với tôi, mùi tết luôn là mùi gừng, mùi của ấm áp và có cả điều bí mật của sự tĩnh lặng. Quãng giữa tháng chạp mẹ tôi bắt đầu khệ nệ hết thau to đến thau nhỏ, hết xâm đến luộc rồi xả… và cuối cùng là công đoạn sên nước đường; hết gừng rồi đến bí, khoai lang, cà chua…

Tôi chẳng bao giờ biết được những ngày của tháng cuối cùng trong năm đó, đêm đêm ngồi một mình trăn trở những miếng mứt mẹ tôi đã nghĩ gì? Hết mứt rồi đến bánh. Đậu xanh, bánh thuẫn, bánh in… Phải gửi gắm vào đó biết bao tình thương yêu mẹ tôi mới có thể làm từng ấy công việc, trong yên lặng, chẳng phàn nàn điều gì. Hai mươi tháng chạp mẹ tôi lại trút măng ra ngâm nước.
Những miếng măng đầy đặn, đụt ngắn, cỡ lóng tay và mặt lưng phải không được có mắt. Măng phải đạt yêu cầu sao cho hầm đi hầm lại vẫn mềm, giòn, không rã. Mẹ tôi nói hầm măng là cả một quá trình đong đếm lòng kiên nhẫn và chịu khó. Luộc, xả, rồi luộc rồi xả… Trước khi luộc phải rửa sạch từng miếng măng.
Cái quy trình không có sách vở nào dạy cho biết đến bao lâu thì được mà chỉ hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm. Có thể đó là kinh nghiệm từ năm cũ hay từ nhiều năm trước, cũng không loại trừ kinh nghiệm từ thời bà tôi để lại. Tôi cũng không thể nào biết được mẹ tôi đã nghĩ gì trong những đêm khuya con cái đang học bài hay đã đi ngủ, chỉ mình bà ngồi yên lặng một mình dưới ánh đèn nhỏ tược từng miếng măng.
Ba tôi vốn là một người thích đãi đằng. Với tạng người gầy, tầm thước, ông không ăn được bao nhiêu nhưng cứ thích mẹ tôi làm nhiều thứ, phần để ông ơn nghĩa, phần để ông mời mọc bạn bè. Và như thế, mẹ tôi còn làm nhiều thứ như giò lụa, giò thủ, nem chua… tùy theo yêu cầu đặt ra của ông chồng có tính hào phóng.
Những thức ăn mùa tết thu hẹp dần mà có lẽ do tuổi tác càng nhiều khiến mẹ ngày càng ít làm và sau này ba tôi cũng bớt dần các khoản đãi đằng, cho tới ngày ông qua đời thì mẹ tôi chấm dứt hẳn những xoong to, nồi bé, chảo mứt, tràng bánh…
Thỉnh thoảng nhớ tết xưa, mẹ tôi hay chặc lưỡi, cả chục ký đường, cả chục cân thịt, ngày đi chợ mấy bận vẫn không nhớ để mua cho hết các thứ. Bây giờ mẹ có muốn cũng không làm nổi nữa con ơi!
2. Mùi tết đối với tôi còn là mùi khói, mùi lá mục, mùi đất, mùi sương sớm, mùi cao nguyên… Hơn hai mươi năm làm vợ, tôi chỉ làm dâu có mấy ngày tết. Mà đâu có phải làm dâu!
Khi chúng tôi về đến nhà chồng luôn là ngày cuối cùng của năm. Những cái bánh chưng đã ráo nước, những chùm nem, nồi măng, thịt kho… sắp sẵn trên bàn hay trong bếp chờ tết. Chưa kịp dòm ngó cho quen bếp của mẹ chồng có những gì thì sáng hôm sau đã là mùng một. Buổi sáng sớm khi chúng tôi còn nằm trong chăn dày thì mẹ chồng đã trở dậy lục đục sau nhà. Luôn là mùi khói lẻn vào tận mùng đánh thức tôi.
Tôi thích ngồi trên cái đòn nhỏ cạnh bà và khều lửa trong cái bếp kiềng ba chân để nghe tiếng nổ lách tách. Chúng tôi nói với nhau những chuyện tưởng như không có năm dài xa cách, như mới vừa đây thôi, cũng chuyện làng xóm trên, xóm dưới, chuyện mấy đứa nhỏ học hành…
Và khi mấy anh em trong nhà đủ mặt ở gian bếp thì mẹ chồng hay em dâu hay em chồng lại chuẩn bị cho một ngày đầu năm với các thứ mà mẹ chồng tôi đã lo tươm tất đâu đó bắt đầu từ giữa tháng chạp. Và tôi cũng chẳng bao giờ biết được trong những ngày tháng cuối cùng của năm đó, ngồi lau từng miếng lá chuối, thái từng miếng thịt, gói từng cái bánh, cũng một mình, lặng lẽ, mẹ chồng tôi đã nghĩ gì!
3. Mẹ chồng tôi giờ cũng đã cao tuổi lắm rồi nhưng bà vẫn còn mạnh khỏe để cho những đứa con trở về có một cái tết ấm áp, không những thế còn có cái cho chúng mang đi. Năm rồi, tôi không về tết quê chồng. Nhìn những cái bánh chưng của mẹ chồng gởi xuống tôi muốn rớt nước mắt.
Còn đâu những cái bánh đầy đặn, vuông vức, vạm vỡ, vững chãi ngày tôi mới về làm dâu? Những cái bánh bây giờ nhỏ đến thương. Tôi hiểu, sức khỏe bà đã giảm sút đi nhiều lắm, gói mấy cái bánh chưng cho con cái có mùi tết với người ta là cố gắng quá mức rồi. Những đứa con của mẹ chồng tôi có người cũng đã gần sáu mươi. Liệu bà có trăm tuổi để có thể gói mãi cho chúng tôi những cái bánh chưng đầy tình thương yêu đó? Chẳng ai thoát khỏi quy luật của đời người!
Lặng lẽ làm công việc của người mẹ lo cho con cái có được mùi tết ấm áp, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi và mẹ chồng tôi. Thời gian chẳng chừa một ai. Tôi muốn nói lời cảm ơn cuộc sống khi mình vẫn còn cảm nhận được mùi tết là mùi của hạnh phúc!
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Theo tuoitrecuoituan
====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Một Lần Tự Học

0 nhận xét
Trạm bus Sài Gòn buổi sáng. Một thanh niên nặng nhọc bước lên xe. Đó là một thanh niên thật nguyền, cỡ chừng 20 tuổi, bị liệt một bên chân-cái chân như bị thừa ra, với bước đi khó nhọc. Cậu mang trên vai một chiếc ba lô bự, người gầy còm, khuôn mặt hốc hác, gò má cao, đôi mắt sâu, nhưng những tinh anh vẫn lấn át nỗi buồn phía sau đang chầu chực.
Truyện ngắn ý nghĩa - Một lần tự học
Truyện ngắn ý nghĩa – Một lần tự học
“Ngồi đây nè cháu”. Một phụ nữ luống tuổi ngồi ở gần cửa đứng dậy nói thế, khi người thành niên bước lên.

“Không, cô ngồi đi…cô ngồi đi”. Anh ta dứt khoát, rồi đưa tay lên cầm lấy giá đỡ dành cho người đứng.

“Ngồi đây nè anh”, một cô gái ngồi trước mặt chàng trai nhẹ nhàng.

“Không, em cứ ngồi đi..”. Chàng trai dứt khoát, giọng cứng lên thấy rõ, và dường như anh ta đang tránh cái nhìn thương cảm từ cô gái.

“Anh ngồi đi mà…” Cô gái tiếp.

“Đã bảo là không…cảm ơn em”. Giọng chàng trai như quát, câu cảm ơn có dịu lại một chút. Anh ta hai tay vẫn vững chãi bám lấy tay cầm, đỡ lấy sức nặng đang đè lên 1 chân yếu ớt. Mặt vẫn hiên ngang nhìn về phía trước, như …bình thường.
Mọi người đều để ý đến anh ta.

“Què mà còn….” Giọng một cô gái, hình như cô vừa nhường ghế lẫm bẫm.

“Người sĩ thế này xã hội đầy ra đấy, em nhìn gì, thiếu gì”. Một thanh niên khác mặt non choẹt ngồi trước tôi nói thế, vừa nói anh ta vừa xoa xoa đôi vài trần của cô bồ ngồi bên cạnh.

“Dù sao, anh ta cũng đáng thương mà anh, người không may mắn…”. Cô gái lắc lắc cái vai.

“Đã thế thì phải an phận và biết điều, em nhìn hắn coi….”. Nói rồi anh ta cố kéo cô bồ vào sát hơn.

“Thằng này chắc không bình thường, nhưng mà rất đàn ông”. Một người khác lại nói thế.

Người thanh niên vẫn đứng đó, xe vẫn chạy, vẫn phanh, vẫn lắc lư. Nhưng chẳng xi nhê gì với anh ta cả. Anh ta vẫn nhìn về phía trước, bỏ mặc những ánh nhìn của đám đông.

Đến trạm, anh ta, đôi trai gái hồi nãy, và một bà lão già xuống xe. Tất cả nhường bà lão xuống trước, nhưng vì cái túi nặng quá, bà đang hì hục, (xe này không có tiếp viên). Đôi trai gái lách qua, bước xuống trước. Tay chàng trai vẫn không thôi ôm ngang eo cô gái. Cô gái quay đầu lại nhìn, nhưng chàng trai ôm kéo đi.

Người thanh niên nói “bà để cháu, bước xuống đi”. Bà lão không nhìn, mà ẫm ờ bỏ túi lại rồi vịn thành bước xuống. Bà vừa bước xuống thì túi đồ của bà cũng xuống theo sau. Chàng thanh niên cười cười, chào bà rồi lặc lè bước đi, cái dáng xiêu vẹo như muốn đổ nghiêng trước gió thu nhè nhẹ. Thế mà anh ta đi lẹ kinh, vừa đi vừa huýt sáo điệu gì đó.

Bà lão giờ mới nhìn người mang túi xuống cho mình. Khuôn mặt nhăn nheo như bản vẽ thời gian của bà sáng lên một nụ cười vẹn trọn, tôi còn nghe được bà lẫm bẫm “khuyết tật thân thể chẳng là gì, khuyết tật tâm hồn mới quan trọng, cố lên, cố lên…”

Trạm sau tôi xuống. Tôi là một thanh niên bình thường. Tôi cũng có ý đứng lên và gọi “ngồi đây nè bạn”, khi người thanh niên vừa bước lên. Nhưng lòng tôi đang u uất một nỗi buồn giữa cái trong lành của Sài Gòn buổi sáng. Tôi buồn nhiều thứ, không hài lòng với công việc mình đang có, số tiền mình kiếm được, mặt luôn nổi mụn, kiếm mãi tiền mà chẳng đủ để mua iphone……

Nhưng từ khi nhìn thấy chàng trai, tôi nghĩ khác hẳn. Chàng trai đang muốn, đang khát khao làm một người bình thường, còn tôi, đang có những điều bình thường, sao có thể cam tâm sớt mất để mà không vui. Điều đó chẳng đáng một xu, phải không. Tôi tự trấn an mình, tự nở nụ cười, rồi bước xuống đường và tới chỗ làm, tự nhắc nhớ mình không bao giờ được “khuyết tật trong lòng” hết cả. Nhất định thế, không bao giờ. Như bà lão, như chàng trai kia, nhất định rồi. …

Trời Sài Gòn, thường nhật tiếng xe xõa đầy màng nhỉ, nhưng sao lúc này tôi nghe được cả tiếng chim vui, thánh thót vô ngần…..
Sưu tầm

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Dạo Bước Qua Cuộc Đời

0 nhận xét
Một chuyện lạ lùng đã xảy ra với tôi vài năm trước. Tôi ngẫu nhiên trò chuyện với một phụ nữ chạy bàn tại nhà hàng tôi thường ghé qua. Chúng tôi chỉ biết tên nhau, nhưng thường trò chuyện vài phút mỗi lần tôi ăn ở đó.
Một ngày cô hỏi tôi: “Có phải anh có cậu con trai tám tuổi không?”. “Nó lại gây chuyện gì rồi?’ tôi nghĩ. Tôi gật đầu xác nhận.
Cô tiếp: “Cậu bé chơi bóng đá phải không?”
Khi tôi bảo đúng vậy, cô liền hỏi có phải thằng bé đã chơi trận bóng tuần trước ở một sân bóng cụ thể nào đó không. Một lần nữa tôi lại trả lời: “Đúng vậy”.
“Tôi cũng nghĩ thế,” cô mỉm cười. “Tôi đã thấy cậu bé và nghĩ đó là con anh”.
Vì có tới cả chục ngàn bé trai trong thành phố nên tôi kinh ngạc thốt lên: “Tôi không biết là trông thằng bé giống tôi đến vậy!”
“À, tôi đâu có nhìn mặt nó”, cô nói và mỉm cười như thể đang giữ một bí mật.
“Vậy làm thế nào cô biết nó là con trai tôi?”
“Tôi chỉ ngồi trong ô tô và thấy một cậu bé đội mũ bóng chày đi qua sân để gia nhập vào đội của mình. Thằng bé bước đi giống anh”.
Bước đi giống tôi ư? Bây giờ thì tôi thực sự tò mò. Tôi bước đi như thế nào? Vì tôi đang bước đi nên tôi không thể nhận ra trong mắt người khác trông mình ra sao. Có thể tôi sẽ phải quan sát lúc thằng bé dạo qua để xem.
Truyện ngắn - Dạo bước qua cuộc đời
Truyện ngắn - Dạo bước qua cuộc đời
Điều đó cho thấy, cách chúng ta bước trên đường phố và cách chúng ta dạo qua cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Có thể tôi không biết mình bước đi trên phố thế nào, nhưng tôi muốn chú tâm hơn về cách mình dạo qua cuộc đời.
Đi qua cuộc đời, tôi muốn mình bước thật nhẹ nhàng. Tôi muốn hành xử với mọi thứ trong cuộc sống với lòng tôn kính. Nhiều nhất có thể, tôi muốn bước đi trong thanh thản.
Tôi muốn bước đi nhẹ nhõm, thậm chí vui vẻ qua tất cả những ngày tôi được ban cho. Tôi muốn cười to thật dễ dàng. Tôi muốn ghé bước thật thận trọng cả khi vào lẫn lúc ra với cuộc sống và những mối quan hệ con người. Tôi không muốn bước đi nặng nề quá mức cần thiết.
Và xuyên suốt cuộc đời, tôi nghĩ mình muốn bước đi với nhiều niềm vui và ít giận dữ hơn, nhiều yêu thương và ít sợ hãi hơn. Tôi muốn bước đi tự tin mà không ngạo mạn. Tôi muốn bước đi trong nhận thức sâu sắc. Tôi muốn thành thực cảm ơn vì những món quà dù lớn lao hay giản dị – một bầu trời đêm đầy sao hay cốc nước nóng trong một ngày lạnh giá.
Nếu cuộc sống là một hành trình thì cách tôi trải qua hành trình đó thật quan trọng. Tôi sẽ đi qua cuộc đời như thế nào. Nhưng tôi vẫn tự hỏi không biết trông mình thế nào lúc dạo bước trên đường phố.
Đỗ Dương
Lược dịch theo Steve Goodier
Theo Dân Trí

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

Bàn Tay Của Mẹ, Bài Học Của Con

0 nhận xét
Vẫn một câu chuyện quen thuộc về tình cảm vô bờ bến của Mẹ dành cho con cái. Ở đây ta băt gặp một hình ảnh vô cùng giản dị, đó là hình ảnh bàn tay của Mẹ. Bàn tay ấy có thể không trắng trẻo, nõn nà. Bàn tay ấy có thể nhăn nheo với những vết chai sạn theo năm tháng. Thế nhưng bàn tay ấy đã làm việc vất vả để nuôi nấng ta nên người. Ta yêu biết bao đôi bàn tay thô ráp của Mẹ, vì nhờ đó mà ta được trưởng thành như ngày hôm nay.
Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên của một công ty lớn. Anh ta vừa xong đợt phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc công ty muốn gặp trực tiếp để có quyết định nhận hay không nhận anh ta. Và ông thấy từ học bạ của chàng thanh niên, tất cả đều tốt và năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học cũng đều xuất sắc, không năm nào mà anh chàng thanh niên này không hoàn thành vượt bậc.
Viên giám đốc hỏi:
- Anh đã được học bổng của những trường nào?
- Thưa không!
- Thế cha anh trả học phí cho anh đi học sao?
- Cha tôi mất khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí.
- Mẹ của anh làm việc ở đâu?
- Mẹ tôi làm công việc giặt áo quần.
Viên giám đốc bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay của anh cho ông ta xem. Chàng thanh niên có hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo.
- Vậy trước nay anh có bao giờ giúp mẹ giặt giũ áo quần không?
- Chưa bao giờ. Mẹ luôn bảo tôi lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi – Chàng thanh niên đáp.
- Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay khi trở lại nhà, lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh, và rồi ngày mai đến gặp tôi.
Ðến lúc ấy thì chàng thanh niên có cảm tưởng là công việc tốt này đang sẵn sàng là của mình. Về đến nhà, chàng ta sung sướng khoe với me, và chỉ xin được cầm lấy đôi bàn tay của bà. Mẹ chàng trai cảm thấy có điều gì đó khác lạ. Với một cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn, bà đưa đôi bàn tay cho con trai xem.
Truyện ngắn - Bàn tay của mẹ, bài học của con
Truyện ngắn – Bàn tay của mẹ, bài học của con
Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tuôn tràn. Ðây là lần đầu tiên chàng thanh niên mới có dịp khám phá đôi tay mẹ mình: đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm làm đau nhức đến nỗi bà đã rùng mình khi được lau bằng nước. Lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên nhận thức ra rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này đã giúp trả học phí cho chàng từ bao nhiêu lâu nay.
Những vết bầm trong đôi tay của mẹ là giá mẹ chàng phải trả dài đăng đẳng cho đến ngày chàng tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho tương lai sẽ tới của chàng.
Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ,chàng thanh niên lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại cho mẹ.
Tối đó, hai mẹ con tâm sự với nhau thật là lâu.
Sáng hôm sau, chàng thanh niên tới trụ sở công ty. Viên giám đốc còn thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của chàng thanh niên, ông hỏi: “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã học được hôm qua ở nhà không?” 
Chàng thanh niên đáp: “Tôi lau sạch đôi tay của mẹ, và cũng giặt hết phần áo quần còn lại.” 
Viên giám đốc: “Cảm tưởng của anh ra sao?
Chàng thanh niên nói: “Thứ nhất, bây giờ tôi mới thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn: Không có mẹ, tôi không thể thành tựu được như hôm nay. Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức được rằng thật khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc. Thứ ba, tôi hiểu sâu xa được tầm mức quan trọng và giá trị của liên hệ gia đình.” 
Viên giám đốc nói: “Ðây là những gì tôi cần tìm thấy ở nơi con người sẽ là quản trị viên trong công ty chúng tôi. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất của cuộc đời. Em được nhận.” 
Sau đó, chàng thanh niên làm việc hăng say, và nhận được sự kính trọng của các nhân viên dưới quyền. Tất cả nhân viên làm việc kiên trì và hợp tác như một đội. Thành tựu của công ty mỗi ngày mỗi được cải thiện.
Câu chuyện nói về sự hi sinh của người mẹ. Nhưng  điều gì sẽ xảy ra nếu không có người Giám đốc nọ, chắc hẳn người mẹ vẫn phải hi sinh thầm lặng mà người con không hay biết. Mong rằng mỗi người mẹ trên thế gian này ngoài sự yêu thương không giới hạn, bàn tay làm việc không mệt mỏi thì hãy sớm để cho người con nhìn ra bàn tay đó, để họ biết đươc giá trị từng giây phút hạnh phúc.
ST

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/