Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

25 Cách “Lên Dây Cót” Động Lực

0 nhận xét
Bạn có thường xuyên cảm thấy lười nhác và ù lì, không có động lực để làm việc?
Bạn muốn có một số giải pháp thiết thực cho vấn đề đó? Dưới đây là 25 cách để bạn “lên dây cót” động lực cho mình. Hãy thử một số ít và tìm xem cái nào có hiệu quả với bạn. Chắc rằng bạn sẽ tìm thấy ít nhất một hay hai giải pháp hữu ích cho mình.
1. Thỏa thuận với chính mình. Đây là một cách hay để khắc phục sự trì hoãn và hoàn thành những việc cần làm. Thỏa thuận đó không nhất thiết phải là một điều gì đó quá to tát. Bạn chỉ cần nói với chính mình những câu như: Khi viết xong bài báo cáo này mình có thể ra ngoài đi dạo và thưởng thức một que kem mát lạnh!
2. Hành động như thể bạn đang rất hào hứng. Nếu bạn thấy động lực hoặc sự nhiệt tình của mình đã biến đi đâu mất, thì bạn cứ hành động như thể bạn rất hăng hái. Điều kỳ lạ là trong vòng vài phút, bạn sẽ thực sự bắt đầu cảm thấy có động lực hoặc nhiệt tình thật.
Kỹ năng sống – 25 cách “lên dây cót” động lực
3. Đặt câu hỏi nâng cao tinh thần vào buổi sáng. Mỗi buổi sáng bạn hãy tự hỏi mình 5 câu hỏi. Mỗi câu hỏi có 3 phần như sau:
- Hiện tại tôi cảm thấy _________ về điều gì trong cuộc sống?
- Điều gì làm tôi _________ ?
- Điều đó làm tôi _________như thế nào?
Điền vào khoảng trống các giá trị của riêng bạn. Ví dụ:
Hiện tại tôi cảm thấy hạnh phúc về điều gì trong cuộc sống?
Hiện tại tôi cảm thấy phấn khởi về điều gì trong cuộc sống?
Điều quan trọng là bạn phải cảm nhận chính xác những cảm xúc đó. Nếu bạn nghĩ về điều gì khiến bạn hạnh phúc, bạn sẽ thật sự thấy hạnh phúc. Những câu hỏi buổi sáng này rất tuyệt vời bởi vì cách chúng được thiết lập làm cho bạn nhận ra những điều quý giá mà bạn vốn dửng dưng không nhận ra, và bạn sẽ dần có được những cảm xúc tích cực đó.
4. Thay đổi chỉ tiêu. Đặt ra mục tiêu lớn và cụ thể. Điều này sẽ thúc đẩy bạn nhiều hơn so với mục tiêu nhỏ. Một mục tiêu lớn có ảnh hưởng lớn và có thể tạo ra rất nhiều động lực.
5. Bắt đầu với những công việc lặt vặt. Chỉ cần dọn sạch bàn, hoặc trả các hóa đơn, hoặc rửa chén. Bạn chỉ cần bắt đầu. Khi bạn đã hoàn thành những công việc vặt đó, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn và sẵn sàng để làm việc tiếp theo. Bạn chỉ cần bắt đầu để có động lực. Vì vậy, nếu bạn thấy không muốn làm gì hết, hãy bắt đầu với những việc nhỏ cho tới khi bạn sẵn sàng làm việc cần làm.
6. Làm nhiệm vụ khó khăn nhất đầu tiên. Điều này sẽ giảm bớt rất nhiều những lo lắng hằng ngày của bạn và gia tăng sự tự tin cho thời gian còn lại của ngày. Nếu bạn không chịu làm ngay, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, bồn chồn mãi. Tệ hơn là bạn sẽ tìm cách trì hoãn công việc đó đến cuối ngày, thậm chí là qua ngày hôm sau, hôm sau nữa.
Ngược lại, một khi bạn đã làm công việc khó khăn đó rồi, bạn sẽ cảm thấy tự tin, hăng hái sau đó. Việc khó khăn nhất bạn đã làm được thì những công việc khác có là gì? Chắc chắn hiệu suất và tinh thần của bạn sẽ tăng lên đáng kể nếu bạn làm việc theo cách này.
7. Bắt đầu chậm. Thay vì nhảy vào làm việc thật nhanh, hãy bắt đầu chậm thôi. Khi làm như vậy, não của bạn sẽ không hình dung là việc này khó khăn đến nỗi bạn phải làm thật nhanh. Nếu tâm trí của bạn nhìn nhận đây là công việc khó khăn thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ không bắt đầu. Hãy nhớ: bắt đầu, dù chậm, vẫn tốt hơn là không bắt đầu.
Không phải lúc nào bạn cũng cần khởi động thật nhanh
8. Thay vì so sánh mình với người khác, hãy tự so sánh mình với chính mình. Việc đem những gì bạn có và những vì bạn đã làm được ra so sánh với người khác có thể giết chết động lực của bạn. Luôn luôn có những người ở phía trước bạn. Rất có thể khá nhiều người. Và một vài trong số đó là hàng dặm phía trước. Vì vậy, chỉ tập trung vào bạn, kết quả của bạn cũng như cách bạn cải thiện.
Xem xét kết quả là rất quan trọng vì bạn có thể nhìn thấy những sai lầm trong quá khứ và tránh lặp lại. Và việc này còn quan trọng bởi vì đó là một động lực tuyệt vời khi xem bạn đã cải thiện được bao nhiêu và đi được bao xa. Thử đánh giá sự tiến bộ của mình xem, bạn có thể có những bất ngờ thú vị đấy!
9. Ghi nhớ thành công của bạn. Và để thành công, thay vì thất bại, chiếm lĩnh tâm trí của bạn. Hãy viết ra những thành công vào một cuốn số nhỏ, vì rất dễ để quên đi những thành công của mình.
10. Học hỏi những người nổi tiếng. Hãy đọc về họ, xem họ, lắng nghe họ. Khám phá những việc mà họ đã làm khiến cho tên tuổi của họ được ca ngợi. Nhưng hãy nhớ rằng họ cũng là người như chúng ta. Vì vậy hãy để họ truyền cảm hứng cho bạn thay vì chỉ nhìn họ và thán phục mà thôi.
11. Đừng quên giải trí. Hoặc tạo ra niềm vui trong công việc. Nhờ đó, bạn sẽ duy trì được động lực để làm và hoàn thành nhiệm vụ.
Bạn có thể tìm cách tạo ra niềm vui trong công việc của mình
12. Ra khỏi vùng thoải mái của bạn. Hãy đối mặt với những thách thức để thúc đẩy động lực của bạn. Nếu bạn muốn tạo ra ảnh hưởng, dù lớn hay nhỏ, bạn cũng phải quen với việc không được thoải mái. Chỉ khi bạn ra khỏi “vùng thoải mái” của mình bạn mới có thể phát triển được.
13. Không sợ thất bại. Thay vào đó hãy xem thất bại như thông tin phản hồi và như là một phần tự nhiên của một cuộc sống thành công. Như vận động viên bóng rổ nổi tiếng Michael Jordan đã nói:
“Tôi đã bỏ lỡ hơn 9000 cú ném trong sự nghiệp của tôi. Tôi đã thua gần 300 trận. 26 lần tôi được tin tưởng sẽ giành chiến thắng trong cú ném quyết định nhưng tôi đã bỏ lỡ. Tôi đã liên tục thất bại trong sự nghiệp của mình. Và đó là lý do tại sao tôi … thành công.”
Đừng quên rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá sau mỗi lần thất bại. Hãy tự hỏi mình: Tôi có thể học được gì từ điều này?
14. Nghiên cứu về những gì bạn muốn làm. Sau đó, sự mong đợi của bạn sẽ gắn với thực tế hơn và bạn có thể đoán được những trở ngại mà mình có thể gặp phải. Tuy việc quản lý sự mong đợi như vậy có thể làm giảm sự nhiệt tình ban đầu, nhưng nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mất đi động lực thường xảy ra sau khi hầu hết sự nhiệt tình đã tan biến.
Khi bạn biết những gì đã xảy ra với những người khác trong tình huống tương tự – những con đường họ đã đi – bạn có thể thích nghi và thử các giải pháp của họ (tất nhiên bạn sẽ điều chỉnh cho phù hợp) và của riêng bạn. Điều này giúp cho việc xử lý những lo lắng và thách thức trở nên dễ dàng hơn, cả về mặt tinh thần – vì ít nhất bạn biết một vài việc sẽ xảy ra và những người khác đã từng trải qua nó – và thực tế.
15. Tìm ra lý do để hành động. Nếu bạn không biết hoặc không có đủ lý do để làm một việc gì đó thì rất khó để bạn hoàn thành công việc. Hãy chỉ làm những việc mà bạn có lý do mạnh mẽ để làm. Nếu bạn muốn làm một việc nào đó hãy tìm ra một lý do chính đáng để thực hiện. Nếu không hãy xem xét từ bỏ việc đó và làm những việc mà bạn có đủ lý do để làm.
16. Viết ra các mục tiêu và lý do để bạn phấn đấu cho các mục tiêu đó. Dán chúng trên tường, máy tính hoặc gương nhà tắm, bạn sẽ được nhắc nhở thường xuyên và dễ dàng theo dõi cũng như tập trung vì các mục tiêu đó.
17. Hãy tích cực! Hãy học cách suy nghĩ tích cực hơn. Loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực trước khi chúng có cơ hội kiểm soát bạn. Cho dù bạn không thể tích cực trong mọi trường hợp, nhưng hầu hết chúng ta có thể cải thiện tư duy tích cực cũng như những kết quả mà chúng ta nhận được, ít nhất là nhiều hơn là bạn tưởng tượng ngay bây giờ.
18. Bớt xem truyền hình. Bạn có xem TV quá nhiều? Hãy xem TV ít lại và hiện thực hóa những ước mơ của bạn.
Xem tivi nhiều không có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần
19. Chia nhỏ. Chia công việc/ dự án của bạn thành các bước nhỏ. Và bắt đầu bằng cách <strong>tập trung vào bước nhỏ đó. Xong rồi, chuyển sang bước tiếp theo và chỉ tập trung vào bước đó. Những thành công nhỏ sẽ giúp bạn duy trì động lực.
Việc đưa sự tập trung của bạn ra khỏi bối cảnh lớn sẽ giúp bạn không bị choáng ngợp và nản lòng. Thật ngạc nhiên là bạn có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ nếu làm theo phương pháp đơn giản này.
20. Phân loại lượng thông tin bạn nhập vào. Loại ra những thông tin tiêu cực và không xác thực từ các phương tiện truyền thông xã hội. Giảm lượng thông tin bạn nạp vào. Sau đó, nhập vào các tin tức tích cực và thú vị, các thông tin hữu ích như băng đĩa, sách phát triển cá nhân. Chỉ giữ lại những nội dung tích cực mà thôi.
21. Hãy vận dụng óc sáng tạo của bạn. Lấy ra một mảnh giấy. Viết ở trên cùng của mảnh giấy những thứ bạn muốn có ý tưởng. Có thể bạn muốn có ý tưởng về cách kiếm được nhiều tiền hơn hoặc trở thành một người khỏe mạnh. Sau đó động não cho đến khi bạn đã viết ra 20 ý tưởng về chủ đề đó. Sau đó cố gắng thêm 10 ý tưởng nữa. Không phải tất cả các ý tưởng đều tốt, nhưng một vài ý tưởng sẽ hữu dụng.
Và khi bạn sử dụng sự sáng tạo của mình, bạn không chỉ khám phá ra những ý tưởng hữu ích không thôi. Bạn còn khám phá ra bạn sáng tạo đến cỡ nào, cũng như trải nghiệm những cảm xúc tuyệt vời mang tính khích lệ.
22. Tìm ra những thứ làm cho bạn hạnh phúc. Sau đó, làm những điều đó tùy theo mức độ mong muốn và khả năng của bạn.
23. Tận dụng thời gian di chuyển để lắng nghe. Hãy tạo ra một thư viện nhỏ của riêng bạn với những file ghi âm về phát triển cá nhân. Lắng nghe chúng trong khi bạn đang lái xe, đi xe buýt hoặc chạy xe đạp, chạy bộ…
Lắng nghe những thông điệp tích cực, truyền động lực trong khi bạn đang di chuyển
24. Suy nghĩ không giới hạn. Đừng tưởng tượng tương lai từ hoàn cảnh hiện tại. Những gì bạn đã trải qua không phải là giới hạn của bạn. Khả năng của bạn là lớn hơn nhiều. Tạo dựng tương lai từ bây giờ và từ điểm xuất phát số 0 (thay vì quá khứ) để trải nghiệm những thay đổi lớn lao và với ít giới hạn hơn.
25. Làm cho mỗi ngày có ý nghĩa. Thời gian của bạn là có hạn. Vì vậy, hãy tập trung vào ngày hôm nay và làm những điều bạn thực sự muốn làm.
Xem thêm bài viết Cho một ngày trọn vẹn
Theo positivityblog.com

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét