Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

25 Thói Quen Nhỏ Có Thể Thay Đổi Hoàn Toàn Cuộc Sống Của Bạn

0 nhận xét
Nghiên cứu, cũng như những ý niệm thông thường và kinh nghiệm cá nhân, cho thấy, những bước nhỏ sẽ đưa chúng ta đi xa hơn. Điều quan trọng là vững tin đi từng bước nhỏ trên con đường mà chúng ta đã định sẵn. Xây dựng một thói quen lớn để thay đổi cuộc sống là điều khó khăn: bởi vì rất khó để duy trì sức mạnh ý chí cho đến khi chúng ta thấy được sự thay đổi!
Thế còn việc hình thành thói quen nhỏ thì sao? Hoàn toàn có thể thực hiện được. Dưới đây là 25 thói quen nhỏ bạn có thể thêm vào cuộc sống của mình. Chúng không có vẻ nhiều, nhưng nếu bạn thực hành thường xuyên, chúng có thể thay đổi mức năng lượng, cơ thể, mối quan hệ, công việc, cộng đồng, và môi trường của bạn … một cách đáng kể.

Thói quen nhỏ tốt cho sức khỏe thể chất

Kỹ năng sống - 25 thói quen nhỏ có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn
Kỹ năng sống - 25 thói quen nhỏ có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn
1. Uống một ly nước đầu tiên vào buổi sáng. Chúng ta thường không có đủ nước trong cơ thể mình, và còn bận rộn suốt cả ngày đến nỗi quên mất việc bổ sung nước cho cơ thể. Hoặc chúng ta bổ sung bằng nước ngọt, cà phê hoặc trà thay cho nước. Hãy thay đổi điều đó! Kích hoạt cho mình bằng cách để một ly nước lớn trên bàn làm việc. Một ly nước đầy vào buổi sáng sẽ giúp thải ra các độc tố, kích hoạt hệ thống bên trong và đánh thức cơ thể bạn.
2. Hãy đỗ xe thật xa cửa ra vào. Hãy chống lại những hệ quả của lối sống ít vận động bằng cách đi bộ bất cứ khi nào bạn có thể. Trong thực tế, những việc đơn giản như đi bộ ra chỗ đậu xe còn hiệu quả hơn một bài tập thể dục nhằm chống lại tác động của việc ngồi làm việc quá lâu.
3. Ăn trái cây hoặc rau tươi trong mỗi bữa ăn. Một dĩa salad xanh ngon, một lát dưa hấu, một số loại quả mọng, một vài miếng cà rốt và dưa chuột. Bạn không chỉ nhận được nhiều chất dinh dưỡng hơn, bạn cũng sẽ nhận được nhiều chất xơ hơn và có khả năng giúp cơ thể giảm cân , duy trì năng lượng và giảm đói.
4. Mỗi giờ hãy đứng dậy và kéo căng cơ thể. Sử dụng đồng hồ, điện thoại, hoặc máy tính để nhắc nhở mình. Ngồi yên một chỗ trong khoảng thời gian dài sẽ gây hại cho cơ thể và não bộ của bạn. Bạn cần nghỉ ngơi cả về mặt tinh thần lẫn thể chất, và đó không phải là việc quá khó khăn. Chỉ cần ngưng làm việc khi bạn nghe âm thanh nhắc nhở. Đứng lên, vòng tay qua khỏi đầu, hít một hơi thật sâu, chạm vào ngón chân của bạn, và xoay khớp vai của bạn.
5. Mang theo một túi nhỏ chứa các loại hạt hoặc khô bò. Một cái gì đó giàu protein sẽ giúp làm dịu cơn đói cũng như ngăn bạn ăn một cách thiếu kiểm soát khi bạn thấy đói. Ngoài ra, thêm một chút protein trong chế độ ăn uống của bạn có thể giúp thúc đẩy sự trao đổi chất và xây dựng cơ bắp.

Thói quen nhỏ tốt cho sức khỏe tinh thần

25-thoi-quen-1
1. Hỏi những câu hỏi mở. Thay vì đưa ra câu hỏi chỉ để thể hiện ý kiến cá nhân, hỏi những câu hỏi lớn và giá trị hơn. Tránh những câu hỏi mà câu trả lời chỉ là “có” hoặc “không”. Hãy thử những câu hỏi bắt đầu với “Bạn nghĩ gì về …?” Và “Làm thế nào bạn….?” Hoặc “Kinh nghiệm của bạn trong việc này là gì …?” Sau đó lắng nghe các câu trả lời với thái độ ham học hỏi. Có một quan điểm cởi mở và những cuộc trò chuyện sâu sắc sẽ giúp bạn liên hệ với những người khác, đồng cảm, có quan điểm mới mẻ cho vấn đề của bạn, kết bạn, và học hỏi những cách thức mới để tiếp cận cuộc sống. Hãy tưởng tượng sự khôn ngoan bạn sẽ đạt được trong năm hay mười năm tới nếu bạn có một cuộc trò chuyện như vậy. Việc đặt câu hỏi quả thật có sức mạnh mà chúng ta không ngờ tới.
2. Giữ một khay đồ nghệ thuật trên bảng/ bàn/ kệ. Không cần ép buộc mình làm chúng trong khoảng thời gian bao lâu. Chỉ cần giữ chúng trong tầm tay, để khi bạn cảm thấy muốn vẽ nguệch ngoạc xung quanh với một cái gì đó nghệ thuật, thì bạn đã có sẵn dụng cụ. Gợi ý: chuyển đổi các phương tiện nghệ thuật hàng tuần hoặc hàng tháng (phấn màu, bút chì màu, màu nước, mực in, đất sét, bột nặn, dao khắc & khối gỗ…).
3. Ngồi im lặng trong vài phút mỗi ngày. Chúng ta không cần phải gọi đó là thiền định, vì nó nghe có vẻ phức tạp quá. Bạn không phải ngồi bắt chéo chân. Bạn không cần phải nhắm mắt lại. Bạn không cần phải giống như một thiền sư. Đầu óc của bạn có thể “bay đi” một trăm dặm một giờ, nhưng đừng nói hay làm bất cứ điều gì. Chỉ cần ngồi, một cách thoải mái, và hít thở trong vài phút.
4. Vào cuối ngày, dành ra vài phút để ghi lại tất cả mọi thứ trong tâm trí của bạn. Nó không phải là một việc lớn như nhật ký hàng ngày hoặc kế hoạch hay danh sách công việc phải làm. Đơn giản là mang một quyển sổ tay lên giường, và cho mình một vài phút để trút hết vào đó những gì trong đầu trước khi bạn đi ngủ. Không chỉnh sửa. Cứ để suy nghĩ của bạn tuôn ra, ở bất kì định dạng hay thứ tự nào. Nó có thể là vô nghĩa. Nghiên cứu cho thấy rằng loại hình viết tay này có thể làm giảm lo âu và trầm cảm. Cách thay thế: sử dụng một máy ghi âm và chỉ đơn giản là nói chuyện, trong dòng suy nghĩ vô thức trong vài phút.
5. Lặp lại một câu thần chú cá nhân cho chính mình khi bạn đến đỉnh điểm căng thẳng. Hãy có một câu nào đó dễ nhớ để giúp bạn bình tĩnh và nhắc nhở bạn về những điều quan trọng trong cuộc sống. Đây là một cách đơn giản để tái tạo bộ não của bạn và nói với nó cách đối phó với căng thẳng. Thay vì để cho sự căng thẳng đưa bạn vào một chế độ hoảng loạn, hãy sử dụng câu thần chú của bạn và nói với não của bạn rằng mọi việc sẽ ổn thôi. Hãy thử câu thần chú này: Điều này rồi cũng sẽ qua. Tôi mạnh mẽ hơn tôi nghĩ. Tôi có thể học những gì tôi cần phải học, vào lúc tôi cần học. Tôi đã xử lý những điều tồi tệ hơn thế. Tôi không đơn độc. Tôi có tự do ở đây. Khi tôi chịu trách nhiệm, tôi sẽ có sức mạnh.

Thói quen nhỏ để cải thiện năng suất làm việc

25-thoi-quen-2
1. Giả vờ là anh hùng của bạn. Khi bạn đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn, một dự án đáng sợ, một bước nhảy vọt trong sự nghiệp, một cuộc họp quan trọng, hãy suy nghĩ về một người hùng trong lĩnh vực của bạn. Sau đó, hãy tự hỏi những gì người này sẽ làm gì trong tình huống của bạn. Họ xử lý như thế nào? Bị đe dọa? Sợ hãi? Hoặc tự tin và bình tĩnh? Bây giờ tưởng tượng mình đang làm chính xác những gì bạn nghĩ rằng người hùng của bạn sẽ làm. Điều này giúp làm rõ những hành động đúng đắn mà bạn nên có bằng cách loại bỏ sự tự nghi ngờ và tiêu cực có thể trì hoãn bạn.
2. Dành 5 phút xem xét công việc của bạn vào cuối ngày. Trước khi rời chỗ làm, hãy viết ra những gì bạn đã thực hiện trong một danh sách liệt kê nhanh. Viết ra những gì bạn đã không thực hiện như mong đợi, và những gì ngăn cản bạn. Đừng tự trách móc mình, mà chỉ lưu ý xem điều gì đã khiến bạn không đi đúng hướng. Và xem bạn đã hoàn thành được bao nhiêu. Kiểu xem xét này giúp bộ não của bạn tập trung vào những điều tích cực (tôi đã làm được điều gì đó ngày hôm nay) và sẽ giúp bạn trở nên ý thức hơn về những điều có xu hướng khiến bạn làm việc kém năng suất.
3. Tắt tất cả các thông báo ít nhất một khoảng thời gian làm việc trong ngày. Não của chúng ta không thành thạo trong việc chuyển đổi từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Một tiếng kêu báo email hoặc tin nhắn, ngay cả khi việc đó hoàn toàn không quan trọng, cũng có thể làm bạn mất đến 40% thời gian làm việc. Điều đó có đáng không? Có lẽ là có nếu bạn có thời gian vô hạn theo ý của bạn … Nhưng tất cả chúng ta biết rằng bạn không có. Vì vậy, hãy cho bạn và sự nghiệp của bạn một đặc ân, và tắt tất cả các âm báo trong ít nhất 2-4 giờ một ngày.
4. Phản hồi tất cả các lời mời và cơ hội với câu “Tôi sẽ kiểm tra lịch của tôi.” Đừng phản ứng một cách tự động. Có thể bạn nói “không” quá vội vàng. Hoặc có thể bạn là một người thích làm hài lòng mọi người và nói “có” một cách nhanh chóng, để rồi rơi vào trạng thái quá tải. Cho mình thời gian để đánh giá mỗi cơ hội bằng cách: không trả lời ngay lập tức. Thay vào đó, nói: “Tôi sẽ kiểm tra lịch của tôi và cho bạn biết.” Sau đó, khi bạn có một ít thời gian, kiểm tra lịch, xem xét các ưu tiên của bạn, và xác định những gì phù hợp với bạn.
5. Hãy dành 5 phút mỗi ngày suy nghĩ về quá trình giúp bạn có được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Đây mới đúng là “sự tưởng tượng tích cực”. Hình dung kết quả cuối cùng thường không giúp bạn đạt được điều đó. Nhưng hình dung mình đang làm các bước bạn sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu cuối cùng có thể giúp bạn theo dõi lịch trình của mình một cách chính xác.

Thói quen nhỏ tốt cho những mối quan hệ

25-thoi-quen-3
1. Gọi điện, nhắn tin, hoặc gửi email cho một người bạn hoặc thành viên gia đình mỗi ngày. Việc giữ liên lạc chưa bao giờ dễ hơn như ngày nay, đặc biệt với sự hiện diện của Facebook. Nhưng hãy tiếp xúc nhiều hơn thế để kết nối với bạn bè và các thành viên gia đình mà bạn trân quý. Chỉ mất một vài phút để đầu tư vào một mối quan hệ, và kết quả là bạn có một mạng lưới mạnh mẽ của những người xung quanh bạn, cả ở gần và xa.
2. Viết một ghi chú cảm ơn mỗi tuần. Đây có thể là một bài tập chỉ dành cho bạn: viết một ghi chú cảm ơn đến một ai đó có ảnh hưởng cuộc sống của bạn, và nói cho họ biết tất cả những điều bạn muốn nói trực tiếp với họ. Hoặc viết một lời cảm ơn đến một người nào đó là (hoặc từng là) một phần của cuộc sống của bạn và gửi cho người đó. Việc nuôi dưỡng lòng biết ơn giúp giảm bớt nỗi sợ hãi trong cuộc sống của bạn. Cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn nếu bạn đã được rèn luyện để quen với việc biết ơn thay vì lo sợ.
3. Mỗi tối hãy nói lời cảm ơn hoặc động viên. Thói quen đơn giản này có thể tạo nên hoặc phá vỡ một mối quan hệ lâu dài. Trước khi bạn đi ngủ, hãy để cho người mà bạn yêu thương biết bạn chấp nhận và trân trọng họ. Bạn không phải phức tạp kiểu như: “Em thích được ở bên anh,” hay “Cảm ơn anh đã ở đây,” hãy gửi đúng thông điệp. Nếu bạn không hẹn hò ai đó, hãy cho chính mình một lời cảm ơn hoặc khuyến khích. Mặc dù nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng việc này có thể xây dựng lòng tự tin và ngăn những việc tồi tệ của bạn biến thành căn bệnh trầm cảm.
4. Tạm dừng trước khi bạn trả lời hoặc phản hồi ai đó. Hãy rèn luyện thói quen biết lắng nghe, bằng cách cho mình thời gian để nghĩ đến câu trả lời trong khoảng lặng đó, chứ không phải trong khi người khác đang nói. Điều này không chỉ cho thấy bạn đánh giá cao những gì người khác đang nói (và việc này thể hiện sự chấp nhận và tôn trọng) mà nó cũng cho bạn thời gian để cân nhắc thái độ và lời nói của bạn. Trong một tình huống căng thẳng, một khoảng lặng ngắn chừng 5 phút cũng có thể ngăn chặn bạn thốt lên những lời không nên nói và làm hỏng một mối quan hệ mà bạn xem trọng.
5. Hãy tự “cách ly”. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bạn sẽ đạt đỉnh điểm khi bạn cảm thấy căng thẳng, thất vọng, tức giận, hay thiếu kiên nhẫn. Không sao, bởi vì nếu bạn có thể cho mình một sự cách ly, bạn có thể quan sát vấn đề rõ ràng hơn. Bạn không thể mong đợi mình là một robot không cảm xúc, nhưng bạn có thể rèn luyện mình để nghỉ ngơi năm phút, tránh khỏi mọi người. Đi bộ vòng quanh khu phố, khóa mình trong phòng tắm… Tìm “chiếc ghế cách ly” của bạn, và sử dụng nó.

Thói quen nhỏ tốt cho cộng đồng và môi trường

25-thoi-quen-4
1. Hãy đi vòng quanh khu phố của bạn và … nhặt rác. Thói quen hàng tuần hoặc hàng ngày này sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn về cách bạn đối xử với môi trường, và bạn không bao giờ biết tác dụng của việc làm này đối với những người khác. Biết đâu hành động của bạn có thể khiến người khác bắt chước theo và rồi tất cả sẽ cùng làm những việc có ích cho môi trường. Như vậy không tốt hơn sao?
2. Dừng lại và chào hỏi hàng xóm của bạn. Hãy xem đó như là một thói quen thay vì chỉ gật đầu hay mỉm cười. Không mất nhiều thời gian đâu, bất cứ khi nào bạn thấy hàng xóm của mình, hãy bước đến và chào hỏi họ. Hãy tạo ra một cộng đồng thân thiện và giúp những người xung quanh bạn tham gia vào cùng. Một số người bạn tốt nhất của chúng ta là những người hàng xóm đã sẵn sàng dừng lại và trò chuyện trong một phút. Và họ sẽ là những người tìm đến để xem liệu bạn có cần gì hay bạn có khỏe không.
3. Mượn trước khi mua một món hàng lớn. Không phải lúc nào bạn cũng làm được, nhưng tại sao không thử chứ? Tiết kiệm tiền và giúp cho môi trường. Xem đây là thói quen: mượn trước, dùng thử, và xem liệu đó có phải là những gì bạn thực sự cần/ muốn/ phải có. Sau đó cố gắng mua đồ đã qua sử dụng trước khi mua đồ mới. Rõ ràng điều này sẽ không áp dụng cho mỗi lần bạn cần mua một món hàng lớn, nhưng chắc chắn có thể áp dụng trong rất nhiều trường hợp.
4. Để dành một khoản tiền để cho đi. Đó có thể là một số tiền nhỏ. Thật đó! Vài nghìn đồng cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn với ai đó. Trong số tiền lương, hoặc tổng thu nhập mỗi tháng, hãy dành ra một khoản nhỏ để bạn có thể cho đi. Và bạn không nên đòi hỏi ngược lại bất cứ thứ gì, và hãy luôn cố gắng “ẩn danh” mỗi khi giúp ai đó. Giúp đỡ hàng xóm của bạn. Tặng cho một tổ chức từ thiện. Mua cho người vô gia cư một bữa ăn. Chúng ta đều là thành viên trong gia đình nhân loại.
5. Để xe đạp của bạn ra nơi mà bạn có thể nhìn thấy nó. Không, bạn không cần phải sử dụng nó … Chỉ cần đặt nó ra khỏi đó, trước mặt bạn, nơi bạn có thể nhìn thấy nó. Hãy sử dụng xe đạp khi bạn cần đi khoảng đường ngắn hoặc để đi dạo vào cuối tuần. Tốt cho sức khỏe của bạn và tốt cho cả môi trường.
Theo Lifehack


====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét