Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Bí quyết xây dựng ước mơ

0 nhận xét
Trước khi đi vào cảm nhận của tôi về bí quyết “trở thành bất cứ những gì bạn khao khát”, cho phép tôi kể câu chuyện sau:
“Nếu con muốn trở thành nhà văn, con chỉ cần cảm nhận sự cộng hưởng của trái tim và bắt tay vào viết”
Nghệ Thuật sống - bí quyết xây dựng ước mơ
Nghệ Thuật sống – bí quyết xây dựng ước mơ
Một đứa trẻ vị thành niên có hoài bão trở thành nhà văn nổi tiếng giống như cha mình luôn cảm thấy khốn khổ vì lời khuyên này. Suốt thời niên thiếu, anh không ngừng băn khoăn về bí quyết nghe sao mà đơn giản đến thế từ cha mình
Ước mơ trở thành nhà văn luôn ấp ủ trong cậu từ hồi cậu 12 tuổi. Cậu luôn hâm mộ người cha của mình- một nhà văn thành công, một giảng viên môn văn học có tiếng tại trường đại học. Từ bé cậu đã hay làm thơ, tự viết truyện ngắn. Nhưng vì luôn lo sợ bị cha phê bình về tác phẩm của mình, cậu dần mất cảm hứng viết. Chính vì vẫn khao khát trở thành nhà văn, thế nên cậu luôn thấy có lỗi với chính mình khi không còn hay sáng tạo ra tác phẩm nào nữa.
Thế là, cậu đành tự lừa dối bản thân bằng lời hứa rằng mình sẽ trải nghiệm cuộc đời thật nhiều. Đến khi bộ sưu tập đầy ắp thì bắt đầu viết cũng chưa muộn
Bằng cái cớ nhưng được coi là lời an ủi hợp lý này, cậu ta càng mất động lực xây dựng cuộc sống là một nhà văn thực thụ. Cậu ta chỉ biết, sâu thăm thẳm trong tâm hồn, khao khát ấy vẫn mãnh liệt
Đến tuổi 20, cậu lại hỏi cha mình một lần nữa: “Ba chỉ cho con biết làm thế nào để trở thành một nhà văn thực thụ?”
Không khác gì câu trả lời vài năm về trước, cậu lại càng bực tức. Cha cậu vẫn kiên định một lời khuyên đơn giản:
“Nếu con muốn trở thành nhà văn, con chỉ cần cảm nhận sự cộng hưởng của trái tim và bắt tay vào viết”
Lần này có hơi khác, người cha thêm vào một câu mà cậu bé ôm mộng nhà văn ấy không bao giờ quên:

“Con sẽ đánh mất vai trò là một nhà văn khi con ngừng viết. Con sẽ lấy lại vai trò đó khi con lại bắt tay vào viết”
Cậy bé như vỡ lẽ ra điều gì ý nghĩa lắm. Bấy lâu nay cậu cứ thầm trách lời nói của cha mình là nguyên nhân khiến cậu luôn dằn vặt về ước mơ còn dang dở. Cậu cho rằng chắc chắn còn một bí quyết khác để trở thành nhà văn mà cha mình vẫn còn che đậy.
Suốt những năm tháng dằn vặt, cậu luôn cho rằng để trở thành nhà văn, trước tiên phải đọc thật nhiều tiểu thuyết, thật nhiều loại sách trên đời, phải tham gia khóa học ngắn và dài hạn, rồi sau khi tốt nghiệp phải trải nghiệm ít nhất 5 năm mới đủ chiều sâu tâm hồn, rồi phải đi làm phụ tá cho một nhà văn nổi tiếng nào đó ít nhất 2 năm để học hỏi,..Nói chung hành trang để trở thành nhà văn ít ra phải mất hơn cả chục năm là nhẹ!
Đáng lẽ cha phải khuyên mình như thế mới phải! Nhưng lần này, cậu bé như thấm thía được rằng, cho dù bản thân có chuẩn bị kỹ thế nào, nếu cậu không thực sự bắt tay vào ngồi viết thì mãi mãi cậu cũng không thể trở thành nhà văn được!
Nó đơn giản thế đấy! Như câu slogan của Nike vẫn nổi tiếng với dòng thời gian: “Just do it”- “Cứ làm đi”. Cậu bé chợt nhận ra, lời khuyên của cha mình và câu slogan của Nike có một điểm tương đồng- Đó là thông điệp “Bắt tay vào làm những việc mà bạn luôn mơ ước để có thể trở thành những gì mình muốn”
Nếu bạn muốn chơi guitar giỏi, dù bây giờ bạn đang ở độ tuổi nào hay chưa biết một tí gì về nó, hãy cứ tập đánh!
Nếu bạn có mơ ước biết thêm một ngôn ngữ khác, hãy đăng ký ngay và chấp nhận rằng một số công việc lặt vặt khác cần thu xếp lại để nhường chổ cho ước muốn của mình!
Chấp nhận lời khuyên như ông bố trong câu chuyện và vận dụng câu slogan của Nike giống như nhảy xuống một hồ nước lạnh để bơi vậy. Lúc mới tiếp xúc, bạn sẽ thấy lạnh và khó chịu. Nhưng một khi cơ thể bắt đầu hoạt động, bạn sẽ ấm dần và quen với nó.
Cậu bé trong câu chuyện sau khi hiểu ra chân lý đơn giản đó, cậu không chần chừ cho thói quen viết mỗi ngày nữa. Dần dần, cậu phát triển tỉnh yêu với công việc viết. Với cậu, để xuất bản một tác phẩm phải trải qua rất nhiều giai đoạn, giới thiệu đến nhà xuất bản, làm công tác quảng bá và ra mắt công chúng,…nhưng đối với cậu, được viết là hạnh phúc nhất!
Cậu rút ra một phần thưởng cho tinh thần thế này: “cách hạnh phúc và tốt nhất để trở thành bất cứ những gì bạn muốn, như một nhà văn, một vận động viên thể thao, một nhạc sĩ, ca sĩ,.. đó là: cứ bắt tay vào luyện tập”
(Nguồn: lấy cảm hứng từ tâm sự trên blog cá nhân của một số nhà văn bên Mỹ)
Cậu bé với ước mơ trở thành nhà văn kia làm tôi liên tưởng đến chính mình. Ở một góc độ nào đó, cậu bé đại diện cho tất cả chúng ta. Cậu có hoài bão nhưng bị lạc lối trong vòng xoay ước mơ của mình. Cậu muốn tìm người mở đường dẫn lối, khai phá để trở thành người cậu ta mơ ước. Và không ít người- thậm chí cả tôi- lãng quên một thông điệp hết sức đơn giản trong câu chuyện trên
“Mỗi sáng thức dậy, không có một gì khác lôi cuốn chúng ta bằng công việc viết- khi đó bạn đã trở thành nhà văn thực thụ”. Với ước mơ của mình, một ngày chúng ta thực sự dành được bao nhiêu thời gian cho nó, trong khi biết bao thứ khác cám dỗ và chúng ta nghĩ là quan trọng hơn: một mớ deadline tại công ty, events, tiệc tùng liên hoàn, lên mạng chat, đọc tin, chơi games, đi cà phê chit chat, đi shopping, chưa kể đến chăm lo gia đình, nấu ăn, dọn nhà…Cả tá trách nhiệm đè nặng đôi vai khiến ước mơ đành xếp hàng trong sổ chờ.
Chờ trong hy vọng hão huyền một kỳ tích gì đó tự nhiên đến, chờ trong tuyệt vọng vì chưa thấy động tĩnh gì!
Ngày ước mơ thành sự thật đó sẽ chẳng đến nếu chúng ta không nhúng tay vào hành động
Thay vì ngồi đó há miệng chờ sung, sao chúng ta không thử đồng hành cùng ước mơ, sản xuất ra chúng? Ví dụ như thay vì chờ điều kỳ diệu xảy ra trong tâm trí muốn viết mỗi ngày, tại sao chúng ta không đưa ra một lựa chọn ý thức là nghĩ đến công việc viết vào mỗi sáng? Nghe có vẻ hiên nhiên và đơn giản, nhưng chẳng phải cái gì càng đơn giản thật ra là càng khó có được sao?
Đây là một sự thật đơn giản, bạn có thể lảng tránh, nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của nó: Mình có thể tự thúc đẩy trở thành bất cứ những gì bản thân khao khát.

“Bạn mơ ước trở thành ai khi trưởng thành”

Khi còn là con nít, ai trong chúng ta cũng thắc mắc về tương lai của mình sẽ trở thành cái gì. Một phi công mạnh mẽ, một tiếp viên hàng không quyến rũ, một người thầy mẫu mực, một nhà kinh doanh tài ba, một nhà chính trị lỗi lạc,…
Tất cả hình ảnh về tương lai đều xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ làm được
Vấn đề xảy ra khi chúng ta ấn định một hình ảnh trong tương lai, nhưng chúng ta không đặt ra quá trình giúp chúng ta tìm tới hình ảnh ấn định đó. Chúng ta có khó khăn trong lựa chọn cái gì là đúng ngay trước mặt. Cái hiện tại, ngay lúc này.
Những gì chúng ta làm ngay lúc này đóng vai trò quan trọng định nghĩa chúng ta là ai vào ngày mai. Ngay bây giờ!

Thành công là một hành trình, không phải là một đích đến

Một trong những sai lầm của tôi trong việc đặt ra mục tiêu là  thiếu chiều sâu trong suy nghĩ. Những kế hoạch đặt ra trên góc độ một chiều hạn hẹp. Tôi nói với mình: “Tôi sẽ tốt hơn”; “ tôi sẽ có sức khỏe tốt”; “ tôi sẽ sắp xếp thời gian hiệu quả hơn”; … Tôi còn đặt ra những bước nhỏ để thực hiện các mục tiêu trên.
Nhưng khiếm khuyết không phải ở từng bước dẫn đến thành công thiết lập trong kế hoạch. Mà đó là những việc lặt vặt phân tâm khác không nằm trong kế hoạch đóng vai trò chi phối sự tập trung của tôi. Một bữa ăn với bạn quá đà, một lúc chán chường bất chợt, một chương trình ca nhạc hấp dẫn, một lúc lang thang internet quá trớn,..Những thứ lụn vụn như vậy là kẻ đánh cắp thời gian nguy hiểm nhất. Nó kéo lùi tôi lại trong hành trình tiến tới mục tiêu.
Tôi hối hả chạy đua marathon với công việc để đạt được mục tiêu, áp lực khi quá tải, sao nhãng khi thiếu động lực, hài lòng khi đạt được, nhàm chán khi thiếu đam mê, …bạn có lẽ đồng cảm với tôi về những bước thăng trầm của cảm xúc trong quá trình này, đúng không?
Chạy nhanh quá khiến tôi không có thời gian nhìn lại về lối sống của mình. Làm sao mình có thể trở thành một diễn giả nếu mình không tạo một thói quen sống thực thụ của một nhà diễn giả?
Nói cho rõ hơn, gần 90% công việc hàng ngày của tôi đều gắn liền với những mục tiêu khác nhau, nhưng chúng không đủ mạnh để xây dựng một chiếc cầu nối giữa cái mình khao khát và cái mình sẽ trở thành. 90% công việc là đọc sách và tin, chỉnh sửa bài viết, lên ý tưởng sáng tạo, theo sát tiến độ dự án, trả lời mail và điện thoại, …Những công việc đó giúp ích thế nào cho một nhà diễn giả truyền cảm hứng? Tôi có biện pháp nào để vượt qua những cám dỗ vụn vặt hàng ngày để ưu tiên cho những bước quan trọng hơn?
Khi chúng ta chiêm ngưỡng những vận động viên Olympic, chúng ta chỉ đang ngắm nhìn những giây phút chuẩn bị gặt hái thành quả của họ. Có thể có đôi phút giới thiệu hình ảnh họ được huấn luyện thế nào. Nhưng còn những thứ khác khiến góc nhìn chúng ta bị che khuất như những đêm mất ngủ khổ luyện, những giờ giải lao ngắn ngủi có nguyên tắc, những vật lộn đấu tranh tinh thần, …Chúng ta biết được bao nhiêu về lối sống của họ? về chặng đường họ phải trải qua để biểu diễn cho chúng ta trầm trồ với ít phút ngắn ngủi ấy?
Chúng ta chỉ nhìn thấy kết quả, và chúng ta yêu nó. Yêu cái giây phút ước mơ thành sự thật, giây phút vinh quang đầy tự hào, giây phút hạnh phúc khi người thân cùng chia sẻ. Chính vì thiếu cơ hội chứng kiến và tìm cảm hứng từ quá trình khổ luyện, nên chúng ta hiếm khi yêu từng bước trong hành trình ấy.
Đó là nguyên nhân khiến chúng ta không thiết lập được những thói quen, lối sống hàng ngày của một vận động viên Olympic thực sự.
Để đến được đích hay trở thành một người bản thân khao khát, chúng ta phải vẽ một bức tranh toàn diện ba chiều: công việc họ là gì, những thói quen, tính cách cần để thành công trong công việc đó, và phong cách sống như thế nào.
Để trở thành một nhà văn, bản thân chúng ta phải có thói quen sống của một người có thể viết một tiểu thuyết: quan sát có chiều sâu, đọc nhiều để mở mang kiến thức, không ngừng tìm cảm hứng sáng tạo, xây dựng tính logic bài viết,… Đây là động lực mạnh mẽ giúp chúng ta vượt qua áp lực của muôn bề mục tiêu, trách nhiệm khác trong cuộc sống.

Trách nhiệm

Để trở thành một người mà bạn mơ ước, việc đầu tiên phải làm là loại bỏ sự chần chừ, lời biện minh bào chữa. Những căn bệnh này được cứu chữa bằng một sự để tâm sâu sắc. Rào cản tinh thần lớn nhất giữa hiện tại và tương lai là sự chịu trách nhiệm cho những việc làm của ngày hôm nay. Vì thế, rào cản chỉ được phá dần khi chúng ta để tâm không chỉ tới những gì mình đang làm, mà còn trả lời được tại sao mình làm chúng.
Một cảm giác kiến tạo cảm hứng và sản xuất năng lượng xuất phát từ việc thấm thía những gì mình làm hôm nay định nghĩa một ngày mai của mình. Một tương lai thành công và hạnh phúc sẽ không hiện diện trong cuộc sống nếu tôi không làm gì trong ngày hôm nay. Lựa chọn hôm nay mình sống như thế nào, làm gì, tại sao cho từng việc nhỏ sẽ trao cho tôi tấm vé đến những nơi tôi muốn
Bạn hãy hỏi bản thân khi mình bị “hấp dẫn” bởi thành quả của người khác:
“Mình có sẵn sàng sống một cuộc sống nhiệt huyết, kiên trì lòng tin, không sợ thất bại, và luyện tập những bước nhỏ như họ không?

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét