Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Cảm hứng cho niềm tin bản thân

0 nhận xét
Thành công: Đó là điều mà ai trong chúng ta cũng đều khao khát và kiếm tìm.
Bạn mong muốn kiếm được thật nhiều tiền? Bạn ước mơ trở thành một người nổi tiếng? Hay bạn ao ước một cuộc sống bình dị nhưng hạnh phúc? Nhưng rồi, bạn bối rối tự nhủ có mấy ai có được cuộc sống như họ mong muốn?
Bạn thấy chưa đủ niềm tin vào ước mơ của mình? Bạn không tin rằng mình đủ khả năng để biến ước mơ thành hiện thực?
Chúng ta hãy cùng lướt qua câu chuyên của những người thành công để tìm hiểu bí quyết xây dựng cuộc sống theo mơ ước của họ nhé!

Ngô Bảo Châu – Nhà toán học tầm cỡ

Câu chuyện về Ngô Bảo Châu có thể được xem là một ví dụ điển hình cho sự thành công trong việc nghiên cứu toán học. Có lẽ bạn đã khá quen thuộc về cuộc đời Ngô Bảo Châu. Khi còn là học sinh trung học,  hai lần Ngô Bảo Châu tham gia cuộc thi olympic toán học quốc tế. Cả hai lần, ông đều mang huy chương vàng về cho đất nước.
Năm 2005 ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam. Năm 2008 ông đưa ra sự chứng minh về bổ đề cơ bản – một phần quan trọng nằm trong tầm nhìn về toán học mà Robert Langlands đưa ra từ năm 1960.
Ngo-bao-Chau
Với kết quả này, ông trở thành nhà toán học đầu tiên của Việt Nam nhận giải thưởng Fields. Fields là giải thưởng được trao cho bốn nhà toán học không quá bốn mươi tuổi tại mỗi kỳ toán học.
Dường như ông là một tài năng toán học hiếm có của Việt Nam. Tuy nhiên, thành côngmà ông đạt được không phải là con đường bằng phẳng. Bởi, từ khi tiếp xúc với bổ đề, ông đã dành 15 năm miệt mài để tìm ra lời giải cho một bài toán tưởng chừng không có hướng giải quyết.
Ông lo lắng nhưng vẫn có niềm tin vào bản thân. Ông chia sẻ trên blog cá nhân: Khi đi xin việc, ông nói với người phỏng vấn rằng ông đang nghiên cứu bổ đề thì có người cười phá lên, bảo ông kiêu căng ngạo mạn.
Âm thầm, say mê với công việc cuối cùng, ông đã tìm được kết quả cho bài toán khó. Ngô Bảo Châu không chỉ tìm ra lời giải cho bổ đề, mà còn chứng minh cho chúng ta rằng: Mọi việc đều có thể nếu có đủ niềm tin và tâm huyết.

Người phụ nữ thành đạt

Nếu như Ngô Bảo Châu được xem là con người theo đuổi đam mê trong lĩnh vực toán học thì Võ Thị Hoàng Yến là một người phụ nữ vượt lên số phận, không chỉ tìm cho mình một cuộc sống ý nghĩa mà còn giúp những người khác tìm ra lẽ sống.
Chị sinh năm 1966. Chỉ sau một năm, căn bệnh bại liệt khiến chị bị teo quắt chân phải. Với dáng đị tập tễnh, Hoàng Yến luôn bị bạn bè trêu chọc, mỉa mai khi học trung học. Trước những lời đùa bợt đó, cô bé Yến không cảm thấy mặc cảm, mà càng nung nấu ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn của chính mình và những lời mỉa mai. Học xong cấp 3, Yến tiếp tục học đại học tại trường đại học Kinh Tế với hy vọng tự nuôi sống bản thân.
vo-thi-hoang-yen
Những tưởng tương lai sẽ mở ra cho cuộc đời mình. khi hoàn thành chương trình đại học, Yến nộp đơn xin việc ở nhiều công ty nhưng chỉ nhận được sự im lặng.
Một lần đi phỏng vấn, sau khi trao đổi, ông giám đốc bảo chị thứ hai đi làm. Nhưng sáng thứ hai chị đến công ty thì chỉ nhận được lời nhắn từ anh nhân viên “…chị cứ về đi. Có gì chúng tôi liên lạc lại sau.
Mọi thứ dường như sụp đổ. Cùng lúc đó, chân trái của Yến bị yếu. Chị phải vào viện phẫu thuật hai năm. Tuy nhiên, một lần nữa, chị tập đứng dậy và bước tiếp. Chị đăng ký học văn bằng hai ở trường đại học Sư Phạm.
Năm 2001, Yến nộp hồ sơ dự tuyển học bổng IFP và được chọn để học chương trình Phát Triển Con Người. Đề tài luận văn của chị về kỹ năng sống cho người khuyết tật. Từ những trăn trở cho cuộc đời mình, chị mong muốn làm gì đó cho mình và cho những người đồng cảnh ngộ.
Và bây giờ gặp chị, bạn sẽ gặp thạc sỹ Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc của chương trình khuyết tật và phát triển, kiêm giảng viên cơ hữu trường Đại Học Mở thành phố Hồ Chí Minh. Sống cống hiến và say mê làm cho người khuyết tật có thể sống hòa nhập với những người xung quanh là tâm huyết của cuộc đời chị.
Thành công – phải chăng nhất thiết là phải làm nên những chuyện vĩ đại?
Thành công còn là khi chúng ta sống một cuộc sống ý nghĩa và tìm thấy động lực sống cho bản thân.
Phạm Tử Long là một người như thế. Khi được phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ, anh nhận xét mình là người bán báo dạo thành công.
Phạm Tử Long sinh ra ở Huế năm 1960. Mồ côi từ nhỏ, anh vào Sài Gòn năm 1990. Vì sức khỏe không tốt, hay bệnh tật nên anh chỉ thích hợp với việc bán vé số và bán báo dạo. Không quản ngại mưa nắng, anh kiên trì và miệt mài rảo bước trên những tuyến đường để làm công việc kiếm tiền của mình.Mỗi ngày, anh đạp xe 40 cây số, từ năm giờ sáng đến bốn giờ chiều, và từ sáu giờ tối tới khuya để bán được khoảng tám mươi tờ báo.
pham-tu-long-nguoi-ban-bao-dao-thanh-cong
Tưởng chừng cuộc sống vất vả, những lo toan cho miếng cơm manh áo làm cho con người mệt mỏi và nặng gánh. Song với anh, bán báo không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là niềm đam mê. Anh say mê đọc báo và sưu tập báo. Báo chính là nguồn tri thức vô giá của anh. Nhờ đó, kiến thức về con người và xã hội của anh ngày càng được mở rộng.
Người bán báo dạo này đã nhận được hơn 400 giải thưởng lớn nhỏ do các tòa soạn tổ chức. Với niềm vui đó, anh xem bán báo là cái nghiệp của cuộc đời mình. Về gia đình, anh tự hào nói “Nếu kiếm tiền nuôi vợ con, ổn định cuộc sống thì tôi làm được”, “Dù cực khổ thế nào vẫn giữ cho gia đình êm ấm. Hạnh phúc là ở chỗ đó.”
Nhìn ánh mắt đôn hậu và nụ cười rạng rỡ của anh, chúng ta sẽ bắt gặp một cuộc đời thành công, cả trong “sự nghiệp” cũng như trong cuộc sống gia đình.
Ba con người – mỗi người cho chúng ta bài học thành công ở một khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy nơi họ đều có động lực sống và niềm say mê.
Họ tin tưởng vào sự thành công của bản thân. Nhờ đó, họ không chùn bước trước nghịch cảnh và khó khăn để đạt điều mình mong đợi. Vì thế, bài học đầu tiên của sự thành công là bạn cần tin rằng mình có thể thành công.
Trong cuộc sống, nhiều người đã tìm được cho mình một lẽ sống đích thực. Họ đã sống trọn vẹn với ước mơ và hoài bão của mình.
Bạn có mong muốn bức tranh cuộc đời mình sẽ là một kiệt tác do chính bạn vẽ nên không? Hay bạn muốn có động lực để xây dựng cuộc đời thành công và hạnh phúc? Như Ngô Bảo Châu từng nói “Không phải ai cũng có khả năng để đạt giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa”.

====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét