Bạn thường xuyên bắt gặp mình ngần ngại, chần chừ thực hiện các công việc, trách nhiệm trong cuộc sống như trễ hẹn deadline báo cáo.
Trước khi kết luận mình là người trì trệ, thầm trách bản thân, bạn hãy cho mình 1 phút ngẫm nghĩ về những gì tôi chuẩn bị chia sẻ.
Thói quen chần chừ chồng chất trách nhiệm và cảm xúc tiêu cực về bản thân. Không những chúng ta bị chỉ trích bởi người thân, đồng nghiệp, bạn bè, mà còn phải hứng chịu lối suy nghĩ hạn hẹp về chính mình.
Tôi thì không đồng tình với việc duy trì thói quen này trong cuộc sống, nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn một góc nhìn tươi sáng hơn để bạn có những giây phút nhìn lại mình, khám phá ra những gì mới thực sự quan trọng.
Nên làm gì khi chần chừ?
Bạn có nhớ cảm giác khi deadline của lời cam kết sắp đến, chúng ta thường quýnh lên cố gắng hoàn thành. Thay vì đều đặn sắp xếp lịch trình cân đối, chúng ta trì hoãn một số việc quan trọng để nhường chỗ cho những trò giải trí, những việc làm yêu thích hơn như đi tám với bạn, xem phim quá đà, chơi game không chừng mức, … Cảm giác xoay sở để hoàn thành cam kết khơi lên cảm giác tội lỗi, thầm trách bản thân sao không biết sắp xếp tốt hơn.
Rồi qua bao hạn cam kết đuổi theo, cảm giác tội lỗi và thầm trách cứ dai dẳng bám theo. Vẫn biết là không tốt, nhưng chúng ta không có một hành động mạnh mẽ nào để thay đổi.
Bạn muốn khám phá vì sao mình chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn này?
Cảm xúc áp lực về cam kết đè nặng góc nhìn để khám phá bản thân bạn đấy! Khi bạn chần chừ làm một việc cam kết, ví dụ như việc báo cáo tìm hiểu thói quen thị trường trong 3 tháng qua phải hoàn thành trong 2 tuần. Thay vì cân đối lịch trình để mỗi ngày dành chút thời gian tìm hiểu, bạn để qua một bên.
2 ngày trước deadline, bạn thức sáng đêm để kịp nộp báo cáo. Trong suốt 2 tuần chần chừ ấy, bạn đâu có ngồi không. Bạn vẫn làm một cái gì đó, không phải việc tìm hiểu cho báo cáo, nhưng thời gian vẫn được lấp đầy bởi một số “việc nào đó”. Nếu không nghiêm túc tìm hiểu, bạn cho những “việc nào đó” là vô hình và kết luận rằng bạn không đủ thời gian cho cuộc sống
Thế “việc nào đó” là gì?
Chần chừ là tiếng chuông cảnh báo
Tôi thích câu nói này của Steve Jobs: “Nếu hôm nay là ngày cuối đời, liệu mình có muốn làm những việc hôm nay mình sắp làm không?”. Và khi nhận ra câu trả lời là “không”, ngày này qua ngày khác, tôi biết mình cần thay đổi điều gì đó.
Rõ ràng, Steve muốn dạy cho chúng ta một bài học rất đơn giản – đó là không có lý do nào để chúng ta không làm những việc chúng ta yêu thích trong ngày.
Nếu bạn thường xuyên chần chừ trong một số việc của cuộc sống như gọi điện cho khách hàng, tư vấn khách, viết báo cáo, học thêm kỹ năng, đi giao tiếp,…và tìm cách lấp đầy bằng các việc khác như tham gia trên diễn đàn, đọc tin tức, nghe nhạc, … Cuộc sống của bạn đang rất vô nghĩa!
Bạn làm những việc không yêu thích và đặt trái tim, khối óc vào một nơi nào khác
Bạn không ý thức được những việc dùng để lấp đầy- gọi nôm na là “việc nào đó”- đang đánh cắp thời gian quý báu của mình.
Và điều tệ hại hơn, thường xuyên làm chúng đồng nghĩa với một sở thích vô hình gắn liền. Sâu xa hơn, bạn bế tắc với cuộc sống vì luẩn quẩn trong việc không yêu thích và không dám thừa nhận, hành động kiếm tiền bằng trái tim, khối óc từ những gì mình thực sự yêu thích.
Khi bạn chần chừ, tôi muốn bạn để ý đến “việc nào đó”. Bạn làm gì? Cảm xúc của bạn như thế nào?
“Việc nào đó” là tiếng chuông cảnh báo về lựa chọn ngầm của bạn. Bạn chọn làm “việc nào đó” thay vì làm một số cam kết với công việc, gia đình, bạn bè trong cuộc sống.
Tất cả xuất phát từ động lực vì sao bạn đưa ra lựa chọn như vậy. Phải chăng bạn không nhận ra sự chán chường đối với một số cam kết? Phải chăng bạn yêu thích “việc nào đó” mà không được sự ủng hộ của một số người thân cận, nên bạn lựa chọn che giấu cảm nhận thật của mình nhưng vẫn ngấm ngầm làm chúng? Phải chăng bạn đang tự lừa dối mình?
Kết bạn với sự chần chừ
Thay vì trốn trách cảm xúc thật, bạn hãy cùng tôi tìm hiểu chính mình. Có một người bạn chia sẻ câu chuyện thế này: Anh ta rất hay trễ hạn bài tập thời đi học. Anh ta cảm thấy đọc và viết luận văn là một cực hình. Mặt khác, anh ta tìm thấy niềm vui khi chơi game. Hứng thú bởi cách nhân vật thám hiểm, trải nghiệm, chiến đấu để đi đến đích, niềm đam mê game không chỉ dừng lại ở việc ngồi đánh game, anh ta tự tìm tòi đọc sách lập trình game.
Sau 2 năm ra trường, anh ta mở một công ty lập trình game. Trong suốt 10 năm hoạt động, công ty không ngừng phát triển và đạt được nhiều giải thưởng. Là người sáng lập, anh ta thành công trong cả lĩnh vực kinh doanh lẫn việc xây dựng một cuộc sống hạnh phúc đích thực khi được làm điều mình thích.
Nếu nhìn ở một khía cạnh tích cực, anh ta chần chừ việc đọc sách những môn không yêu thích để nhường chỗ cho một số việc quan trọng hơn như tìm hiểu về sự phát triển của game, phát triển nghề nghiệp từ đam mê. Chỉ bằng cách ấy anh ta mới cảm nhận được dòng thời gian quý báu đang đứng về phía mình.
Nói thế không phải tôi cổ súy cho lối sống buông thả, sử dụng thói quen chần chừ ngụy biện cho sự lười biếng. Tôi chỉ mong gửi gắm một thông điệp với các bạn rằng: Khi các bạn rơi vào trạng thái ngần ngại thực hiện các công việc hàng ngày, hãy dành thời gian tìm hiểu động lực và sở thích của mình qua thói quen chần chừ ấy.
Nếu bạn hay trì hoãn tìm hiểu kiến thức chuyên ngành, giao lưu chuyên gia trong ngành để đọc sách, bạn hãy sáng tạo xem am hiểu và đam mê về sách sẽ mang lại niềm vui cho bạn bằng cách nào? Bạn có thể kiếm tiền bằng cách phá vỡ tư duy truyền thống không?
Đừng phí phạm thời gian và cơ hội khám phá bản thân, phát triển cuộc sống thành công và hạnh phúc của mình qua lối suy nghĩ mòn!
Khám phá cảm xúc qua thói quen trì hoãn.
Hiểu cảm xúc đối với từng sự việc khác nhau mở rộng góc nhìn về bản thân mình hơn. Ví dụ như một người hay chần chừ việc học thêm kỹ năng mềm nhưng lại rất nghiêm túc rèn luyện thể thao. Xét từ bề mặt nông cạn của một khía cạnh, người này có thể bị đánh giá là hay chần chừ, lười biếng học.
Nhưng nhìn tổng thể hơn, xét mức độ nghiêm túc với các cam kết trong khía cạnh khác, người này hoàn toàn làm tốt. Một góc nhìn đủ sâu đủ rộng sẽ cho là kỹ năng mềm hiện tại không phải là ưu tiên, không đủ tạo động lực để theo đuổi, hoặc đơn thuần anh ta chẳng có chút sở thích nào cho nó.
Nhưng không có nghĩa anh ta lười biếng
Chính vì thế, bạn cần hiểu cảm xúc, hành động của mình đối với từng sự việc khác nhau. Khi chần chừ, bạn thấy lười biếng? Hay bạn đang chán với việc được giao? Bạn không thấy ý nghĩa của các công việc? Hay bạn thấy bạn phải làm vì sợ mất mặt, nhưng không đủ động lực?…
Mỗi người có một cảm xúc, lý do khác nhau cho mỗi sự việc, đừng để suy nghĩ của ai khác ảnh hưởng tới bạn. Hãy thành thật và quan sát chính mình! Chấp nhận chần chừ là một phần của cuộc sống, với vai trò là một tiếng chuông nhắc nhở bạn cho mình không gian. Cứ để áp lực tồn tại, rồi mọi việc sẽ ổn thỏa vì nếu công việc đó thực sự quan trọng, hãy tin tưởng rằng bạn sẽ hoàn thành tốt bằng trái tim và khối óc của mình.
Bài tập cho bạn:
Hãy dành 2 tuần khám phá chính mình bằng cách nghiêm túc tìm hiểu câu trả lời cho các câu hỏi sau:
- Liệt kê các công việc bạn hay chần chừ trong cuộc sống
- Khi chần chừ, cảm xúc của bạn là gì?
- “Việc nào đó” để lấp đầy thời gian làm công việc bạn không thích là gì?
- Mức độ thường xuyên bạn làm chúng?
- Có cách nào kiếm tiền từ một số “việc nào đó” mà bạn yêu thích? – Hãy phá vỡ rào cản tư duy thông thường
- Mỗi ngày cam kết làm 2 việc mang lại niềm vui cho bạn nhất.
“Không ai có thể quay lại thời gian để có một bắt đầu khác, chúng ta chỉ có thể bắt đầu ngay bây giờ và tạo ra một kết thúc mới”.
Chúc bạn có một hành trình đầy thú vị!
Phạm Linh Chi
====http://taynamkienthuc.blogspot.com/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét