Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Những nguyên tắc không thể thiếu trong giao tiếp

0 nhận xét


Tôi nghĩ rằng việc trò chuyện cũng là một thói quen, như chơi nhạc cụ hay chạy bộ mỗi sáng. Nghĩa là, bạn càng thích thú, càng quen thuộc với nó bao nhiêu thì bạn sẽ càng làm tốt bấy nhiêu. Dĩ nhiên trước tiên bạn nên biết một vài nguyên tắc cơ bản.

Mọi người thường cho rằng tài ăn nói là một năng khiếu bẩm sinh, và là món quà thiên bẩm dành riêng cho một số người. Tuy nhiên, thực ra, để có được thành công trong bất cứ lĩnh vực gì cũng cần sự nỗ lực không ngừng. Bạn có biết Ted Williams? Anh chàng vận động viên bóng chày có tài năng bẩm sinh mà ai cũng ao ước, thế nhưng anh ta vẫn phải rèn luyện mỗi ngày để có được kết quả như mọi người thấy. Bạn thấy đấy, rèn luyện là cách duy nhất để có được năng lực thực sự, cho dù bạn có năng khiếu bẩm sinh hay không.

Larry King, “Người dẫn chương trình ấn tượng nhất” nước Mỹ và được tạp chí TIME bình chọn là “Chuyên gia micro” số một. Biệt tài của Larry Kinh là cực kỳ khéo léo trong việc khai thác thông tin từ người đối thoại và dẫn dắt vấn đề. Người ta nghĩ rằng ông có năng khiếu, nhưng ông lại cho biết ông thất bại ngay trong lần đầu tiên có cơ hội dẫn chương trình cho đài phát thanh Miami Beach. Vậy bí quyết nào khiến ông thành công như vậy trong sự nghiệp? Đó chính là niềm đam mê. Ông đam mê được nói trước đám đông và vì thế, ông tìm mọi phương cách để rèn luyện khả năng nói của mình.
Sự chân thật
Dù bạn có là diễn giả hay là ai đi nữa, bạn cũng cần chân thật, đặc biệt là trong khi nói. Bạn chỉ có thể tự tin vào chính mình và tạo được lòng tin tưởng nơi người khác khi bạn chân thật. Bạn sẽ không bao giờ phải bất an hay hối tiếc. Nếu bạn đam mê việc nói trước đám đông một cách thành công thì bạn nên chia sẻ với khán thính giả những vấn đề mà họ gặp phải, những suy nghĩ chân thực của họ.
Trong buổi tối, một người đột nhiên hỏi Larry King rằng: “Giả sử anh đang đi dưới sân đài truyền hình NBC thì có ai đó nắm lấy anh đặt anh ngồi xuống một cái ghế trong phòng quay, nhét vào tay anh một mớ bản tin và nói: “Brokaw bệnh rồi. Anh hãy thế chỗ anh ấy!”. Máy quay thì đang chạy tới. Lúc đó anh sẽ làm gì?”
Anh ta nhẹ nhàng trả lời rằng anh vẫn cứ thành thật, nhìn vào camera và nói: “Tôi đang đi dạo ở dưới kia thì được người ta đưa lên đây, giao cho tôi bản tin này và bảo rằng Brokaw bệnh rồi, hãy thế chỗ anh ấy…”
Bạn thấy đấy! Thành công không hẳn là làm một điều gì đó vĩ đại, lớn lao nhưng được xây dựng bằng sự chân thành. Đây sẽ là cách giúp bạn thoát khỏi những tình huống tiến thoái lưỡng nan mà không cần phải quá lo lắng.
Tích cực luyện tập để nói ngày một hay hơn.
Bạn muốn mình phát triển kỹ năng nói? Vậy bạn đã luyện tập như thế nào để nói giỏi? Khả năng giao tiếp thu hút không tự nhiên mà có nếu không dành thời gian luyện tập bền bĩ. Bất cứ ai thành công cũng đều đầu tư nhiều cho điều họ mong muốn đạt được. Vì thế, nếu muốn rèn luyện kỹ năng nói chuyện, bạn hãy làm tất cả những gì có thể để rèn luyện khả năng: nói trước gương, đọc lớn những bài hội thoại thú vị, xung phong thuyết trình trong các cuộc họp, đưa ý kiến trong các buổi hội thảo, … Tôi chắc chắn rằng nếu bạn nắm lấy mọi cơ hội để mài dũa bản thân, bạn sẽ thu hút những người lắng nghe bạn.
Bên cạnh việc tích cực và siêng năng luyện nói, bạn cũng cần chú ý hai yếu tố sau: Quan tâm chân thành đến người đối diện và sự cởi mở về bản thân.
Quan tâm đến người đối diện
Trong những điều cần có đối với một người nói chuyện hấp dẫn, lắng nghe là điều không thể thiếu. Có lẽ bạn đã nghe điều này nhiều lần rồi, nhưng có thể chúng ta chưa xem trọng nó đúng mức. Tâm lý mà, ai lại không thích nói (thậm chí nói say sưa) về những điều mà mình quan tâm đến. Và khi được nói thì, chúng ta lại thích được người khác chú ý lắng nghe. Trong một cuộc trò chuyện nào cũng vậy, nếu bạn lắng nghe người khác nói thì họ cũng sẽ lắng nghe bạn. Ngược lại, dù bạn có nói du dương thánh thót đến đâu đi nữa mà chả thèm lắng nghe ai thì cũng đâu có ai lắng nghe bạn nói.
Bởi thế, lắng nghe là yêu cầu rất quan trọng.
Một cách gần gũi và chân thành, bạn đặt câu hỏi về họ, lắng nghe những suy nghĩ và tâm tư của họ. Hãy cho đối phương thấy rằng bạn tôn trọng họ, tất cả những người bạn gặp gỡ từ người quyền cao chức trọng đến những người hết sức bình thường… Bạn sẽ chẳng bao giờ nói chuyện thành công một khi người ta nghĩ rằng bạn không quan tâm đến lời nói của họ, tức không tôn trọng họ.
Cởi mở bản thân một cách chân thành
Cởi mở không có nghĩa là lúc nào bạn cũng lôi mọi bí mật riêng tư, hay mọi chuyện lớn bé của mình ra kể cho người ta nghe đâu nhé. Hẳn bạn không muốn nghe người khác moi mọi chuyện “tim gan” nhà bạn ra kể với người khác chứ? Hay chuyện bạn đi chơi với người yêu như thế nào hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi… nói.
Vậy “cởi mở” như thế nào nhỉ? Hãy chia sẻ những câu chuyện thuở nhỏ, sở thích, tính tình, về chuyên môn, hay về những ước mơ của bạn… Rồi hỏi lại người đối diện những câu hỏi đó. Đây là cách chúng ta hiểu nhau nhiều hơn trong lúc nói chuyện.
Chúng ta nên chia sẻ tâm tư của mình một cách thắng thắn và bộc trực, không quanh co, không giả tạo. Cuộc trò chuyện tự nhiên và chân thành như thế mới là cuộc nói chuyện có “chất lượng”!
Bạn thấy đấy, muốn thành công trong cuộc sống thì phải biết cách nói chuyện.
Hy vọng cùng với những chia sẻ thú vị này, bạn sẽ thành công với khả năng giao tiếp của mình!



====http://taynamkienthuc.blogspot.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét